BẮC KỲ 54 – DI SẢN CỦA NGƯỜI BẮC 1954

Chủ Nhật, 28 Tháng Tư 20192:00 SA(Xem: 5350)
BẮC KỲ 54 – DI SẢN CỦA NGƯỜI BẮC 1954
Tôi đang nghe lại các bài hát của nhạc sĩ Anh Bằng, nghe đi nghe lại bài Hai Mùa Mưa. Vì là một người tò mò nên tôi tìm hiểu ông ta là ai và vô cùng bất ngờ khi biết ông ta là một người miền Bắc nhưng theo gia đình di cư vào Nam năm 1954. Điều này làm tôi suy ngẫm thêm về cái gọi là “Cuộc Di Cư 1954,” những người miền Bắc đã bỏ quê vào Nam và những di sản họ để lại.
Khi càng tìm hiểu thì tôi càng bất ngờ vì bấy lâu nay tôi đã chứng kiến mà không hề hay biết. Người Bắc 54 sao mà khác và tài ba quá. Vì kiến thức có giới hạn nhưng tôi xin bắt đầu với di sản tiêu biểu nhất người Bắc 54 để lại:
1. CÔNG GIÁO – Người Bắc 54 đa phần là người Công Giáo. Khi đất nước bị chia đôi, họ như lời kể của cô bạn Bắc Kỳ của tôi, “Đi theo tiếng gọi của Chúa để vào Nam.” Các giáo xứ ở khắp nơi với sự hỗ trợ đã đưa các giáo dân đi tỵ nạn, ước tính trên dưới 1 triệu người.
Tại sao điều này lại là di sản lớn và quan trọng nhất? Hãy nghĩ đến những công trình kiến trúc tiêu biểu ở thành phố bạn đang sống, xác suất cao nó là nhà thờ Công Giáo xây cho giáo dân. Bạn có thể cảm nhận điều này ở Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu hay Lâm Đồng. Sự hiện diện của người Bắc 54 thắp sáng tia hy vọng khắp nơi khi những người khác lại chọn sự im lặng.
2. ĐỊA LÝ – Tìm hiểu thêm thì tôi mới biết khi người Bắc 54 vào đây thì chính quyền Ngô Đình Diệm đã cấp đất tái định cư cho họ. Theo thời gian kèm với mồ hôi công sức của mình, những vùng đất đó trở thành các thành phố như Vũng Tàu, Biên Hòa, Pleiku hay Đà Lạt.
3. ÂM NHẠC – Nếu nói về sự ảnh hưởng của người Bắc 54 trong âm nhạc Việt Nam thì khó mà liệt kê hết. Tôi chỉ có thể nêu sơ sơ. Nếu bạn thích nhạc Anh Bằng, Phạm Duy hay nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh Cộng Sơn thì bạn đang thưởng thức những tài năng Bắc 54 đó. Thật khó tưởng tượng âm nhạc chúng ta sẽ ra sao nếu không có những bài như Căn Nhà Ngoại Ô hay Việt Nam, Việt Nam.
4. VĂN HÓA – Điều cuối cùng nhưng quan trọng không kém chính là văn hóa. Sau năm 1954, văn hóa và văn học miền Bắc đã bị tiêu diệt bởi CNXH. Nhưng cho tới nay chúng ta vẫn còn lưu lại một phần nhờ công của người Bắc 54. Bạn có bao giờ đọc tiểu thuyết của Duyên Anh hay nghe một người đàn ông dẫn chương trình trong Paris By Night chưa? Đó là văn hóa thực sự của người Bắc. Nếu bạn tiếp xúc với người Bắc 54 thì sẽ thấy họ khác hoàn toàn so với những người Bắc hiện nay. Tôi thì may mắn khi biết nhiều bạn Bắc 54 như vậy.
Nếu người dân miền Nam phải chịu đau khổ vì mất quê hương một lần thì người Bắc 54 phải chịu cả hai lần. Năm 1954 cha bỏ quê để năm 1975 con bỏ nước. Nhưng bất chấp những khổ cực của cuộc chiến và đau thương của lịch sử, người Bắc 54 vẫn sống. Họ vẫn thanh lịch, vẫn nề nếp. Các cô gái Bắc Kỳ 54 vẫn nói chuyện với cái giọng trong thanh và các bà mẹ vẫn dạy con mình đi lễ vào mỗi sáng Chủ Nhật. Đó là di sản của người Bắc 54.
Ku Búa @ Cafe Ku Búa

bac-ky-54

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn