Đời người có nợ thì nhất định sẽ phải trả

Thứ Năm, 25 Tháng Tư 20193:00 SA(Xem: 4708)
Đời người có nợ thì nhất định sẽ phải trả

Mục Kiền Liên là đại đệ tử “đệ nhất thần thông” của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ông không chỉ có được thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông mà còn có thể biết được trong tâm người khác suy nghĩ gì. Vô luận là quãng đường xa tới đâu, chỉ trong nháy mắt là ông có thể vượt qua được. Ông có thể lên trời, xuống đất, chìm dưới nước mà không chết. Chúng sinh ai nấy đều thán phục thần thông của ông. Có được thần thông quảng đại như vậy, vì sao Mục Kiền Liên vẫn bị đánh đến chết?

Mục Kiền Liên
(Ảnh minh họa qua Pixabay)

Trong “Bổn Sinh Kinh” và “Thập đại đệ tử truyện” có ghi chép câu chuyện về Mục Kiền Liên như sau:

Mục Kiền Liên tận tâm trợ giúp đức Phật Thích Ca Mâu Ni quảng truyền phật pháp, cứu độ chúng sinh. Công lao của ông thật sự vô cùng to lớn, nhưng cũng bởi vậy mà gặp phải sự ghen ghét của một nhóm người ngoại đạo. Một số người ngoại đạo thời ấy cho rằng, chỉ cần loại trừ được Mục Kiền Liên là có thể hủy hoại được thanh danh của đức Phật.

Một lần, Mục Kiền Liên đi đến thành La Duyệt hóa duyên, nhóm người ngoại đạo này đã dùng đá và gậy lớn bao vây đánh ông. Những hòn đá lớn được ném như mưa vào người ông, khiến cho máu và thịt lẫn lộn vào nhau, xương cốt đều nát, toàn thân đau đớn vô cùng. Cuối cùng, ông đã bị đánh đến chết.

Các vị sư thấy vậy, ai nấy đều cảm thấy vô cùng thương tâm, không thể chấp nhận. Họ cho rằng thế gian này rất không công bằng, người ra sức bảo vệ Phật Pháp như Mục Kiền Liên sao lại bị chết thảm thương như vậy? Vì sao ông lại không được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo hộ để không bị chết?

Hơn nữa, bản thân Mục Kiền Liên có pháp lực thần thông đủ lớn, cho dù tất cả chúng sinh trong tam giới có tấn công ông thì ông cũng đều có thể chạy thoát. Vậy vì sao ông không dùng thần thông của mình để chống cự lại đám người ngoại đạo kia?

Hết thảy mọi điều nơi thế gian, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã minh tỏ rõ ràng, ngài không hề bị kích động như các vị sư khác mà bình tĩnh khai thị cho chúng sư:

“Thần thông rốt cuộc cũng không thể chống lại được nghiệp lực, nghiệp báo cuối cùng đều phải hoàn trả. Mục Kiền Liên đời này bị chết thảm là có quan hệ đến tội nghiệp to lớn trong quá khứ ông đã gây ra.

Trong quá khứ, Mục Kiền Liên từng ở bờ biển bắt cá tôm kiếm sống. Số lượng sinh mệnh mà ông giết chết là vô kể, hết thảy những khoản nợ ấy đều phải trả.”

Hơn nữa, trong một đời, Mục Kiền Liên có cha mẹ bị mù hai mắt. Vợ và cha mẹ bị mù hai mắt của Mục Kiền Liên chung sống không hòa thuận. Người vợ này vì không muốn chăm sóc cha mẹ già mù lòa nên luôn tìm cách kể xấu họ với Mục Kiền Liên khiến ông rất bực bội, khó chịu.

Một lần, Mục Kiền Liên sau khi ra ngoài về, vợ ông đã than vãn và kể xấu cha mẹ ông với ông. Mục Kiền Liên bị những lời xấu mê hoặc mà trong tâm bắt đầu nảy sinh ác niệm: “Nếu cha mẹ bị đánh tơi bời như cây cỏ thì tốt!” Thậm chí ông còn bị ác niệm này khống chế đến mức muốn giả làm đạo tặc để giết chết cha mẹ mình.

Để thực hiện ác niệm này, Mục Kiền Liên đã gạt cha mẹ lên xe đi thăm bà con. Vừa vào đến rừng sâu, ông trao dây cương cho cha và nói rằng chỗ này bọn cướp hay rình rập, ông phải xuống xe nhưng cha mẹ không phải lo vì con bò đã rất rành đường đi. Mục Kiền Liên đi xa một quãng thì bắt đầu la hét ầm ĩ, càng lúc càng to, như thể là bọn cướp sắp tấn công tới nơi. Bố mẹ Mục Kiền Liên nhìn quanh cũng chỉ thấy một màn đen tối, nhưng vì thương con, nghĩ đến hạnh phúc của con nên vội nói: “Con ơi! Cha mẹ già rồi, đừng lo cho cha mẹ mà hãy tự cứu lấy mình!”

Mục Kiền Liên không màng đến lời của cha mẹ, vẫn một mặt giả làm cướp, một mặt dùng gậy gộc đánh cha mẹ tới tấp. Cha mẹ Mục Kiền Liên vẫn một lòng lo lắng cho sự an toàn của con, liên tục hô con chạy đi thoát thân. Bị cha mẹ làm cho cảm động, Mục Kiền Liên vô cùng hối hận, quỳ lạy cha mẹ và được cha mẹ tha thứ.

Nhưng lần tạo nghiệp này đã khiến Mục Kiền Liên bị rơi vào địa ngục rất nhiều năm. Dù vậy nghiệp báo vẫn chưa được chấm dứt. Kiếp này, ông lại bị đám người ném đá mà chết cũng là ứng với tội nghiệp dùng gậy gộc đánh cha mẹ kiếp trước chưa trả xong.

Nhà Phật giảng rằng, hết thảy chúng sinh nơi thế gian đều là vì có nhân duyên mà gặp gỡ. Hết thảy nghiệp thiện ác đều là tự mình làm tự mình chịu, thần thông dù lớn đến mấy cũng không thể phá hư được luật nhân quả trong thế gian. Nhân quả không phải chỉ trong một đời mà nó có thể thông suốt qua nhiều đời. Người ác đời này đang được sống tốt cũng là bởi vì kiếp trước họ đã làm nhiều việc thiện, tích được đại đức. Người mà kiếp này làm nhiều việc ác thì tương lai nhất định phải chịu quả báo nặng nề. Hết thảy thiện ác đều không phải là không có báo, chỉ là chưa đến lúc mà thôi.

An Hòa

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn