Một người Sài Gòn

Thứ Sáu, 19 Tháng Tư 20193:00 SA(Xem: 4915)
Một người Sài Gòn

Căn tính một vùng đất được xác định bằng các cư dân của nó, tôi nghĩ vậy. Chỉ cần nhìn thật rõ một cá nhân cư dân của vùng đất, ta sẽ xác nhận được khối không khí đô thị lớn hơn nhiều. Để hiểu một cá nhân, để viết ra được một câu về một cá nhân, không phải là việc dễ dàng, cần rất nhiều thời gian để làm việc ấy.

Tôi nhìn Sài Gòn qua những cá nhân xung quanh, quen thuộc. Bà Hai là một cá nhân như thế, người mà nhìn thật sâu vào bên trong, bạn sẽ nhận ra Sài Gòn, một Sài Gòn mà bạn hằng tưởng.

Một người Sài Gòn
(Ảnh: Facebook tác giả)

Cuối thập niên 30 của thế kỷ 20, từ Nam Định, có một chàng trai xuôi Nam để làm phu cao su, như người con trai vắng mặt của lão Hạc. “Cao su đi dễ khó về”, chỉ một thời gian ngắn, anh nhận ra tương lai không nằm ở đó. Anh đã theo học nghề mộc. Nghề mộc lúc ấy còn là nghề “hot”, để theo học, chàng trai đã phải làm không công, chu toàn nhiều thứ việc lăng nhăng. Vài năm ra nghề, chàng đã có thể sống bằng bàn tay mình, lang thang qua khắp nẻo Sài Thành đóng từ ghế cho đến tủ thờ. Trên bước đường đó, anh gặp chị – một cô gái gốc Ninh Bình. Cô gái đẹp theo chị mình – người lấy chồng gốc Hoa ở Chợ Lớn. Nam Định và Ninh Bình gặp nhau, họ hóa thành một cặp đôi Sài Gòn, mua ngôi nhà nhỏ ở Quận 4, nơi lúc này còn là vùng rìa, chịu nhiều kiểm soát của các lực lượng quân sự khác nhau. Dì Hai được sinh ra ở đấy, “tính ra tao cũng gốc Bắc hết đó chớ”, dì Hai cười, nói bằng một giọng Sài Gòn rặt.

Sống tại quân 4 từ thời chiến tranh Đông Dương, khi các du đãng tề tựu tại đây, một Sài Gòn khác biệt, dì Hai có sự mạnh mẽ khó tin để bảo toàn đời sống đàng hoàng của mình. Các em lần lượt ra đời, đời sống bức bách, dì Hai chọn cách để vào đời. “Năm 16 tuổi, tao nói ổng (ba dì Hai) xin cho tao vô làm xưởng dệt, ổng nói mày có chút ét, tóc dài thượt, ai cho làm”, dì hai đi cắt tóc như con trai về bào “ba dắt con đi đi”. Ông cụ thở dài mà đưa dì Hai xin vào xưởng dệt Tái Thành (tiền thân xưởng Thành Công sau 1975). Vì quá nhỏ khi có lực lượng kiểm soát lao động vào “tao phải nói tao đi bưng nước cho công nhân”, dì Hai nói. Dì hai làm ở đó một mạch cho đến khi về hưu cách đây hơn 10 năm.

Thảng hoặc lắm, trong các câu chuyện vu vơ, dì Hai có nhắc đến “hồi xưa, có ông quản đốc trong xưởng, ổng cũng thích dì Hai lắm”, lúc đó giọng dì Hai mềm, trong veo. Nhưng dì Hai không có gia đình, sinh kế và sự lo lắng cho ba mẹ và các em đã cuốn dì Hai vào công việc. “Hễ rảnh chút là phải kiếm gì đó làm, khi không làm xưởng, dì Hai quẩy cái gánh, mua mít, cóc, xoài, xẻ ra vô bịch, có khi nấu thêm nồi chè, gánh lên bán ngay rạp Cathay hay vòng vòng qua mấy khu Nguyễn huệ, Hàm Nghi, bán cho lính hay mấy cô làm văn phòng, bán được lắm”. Suốt 60 năm đi làm, cho tới bây giờ, dì Hai chỉ ngủ ngày có 4 tiếng. “Trời thương, vậy chớ tỉnh táo, khỏe ru, ngủ nhiều không được”. Một đời đi làm, tích cóp, dành dụm “có ai tự nhiên mà có, mình phải tiết kiệm”, dì Hai lo được cho cha mẹ, cho các em, cho đến tận hôm nay. Tình thương ấy tràn ra khi dì Hai kể về ba mẹ mình khi đau yếu cuối đời, với gia cảnh của những người em chưa khá giả.

Tiết kiệm chứ không kiệt xỉ, dì Hai như Sài Gòn vậy. Dì hai có thể dậy sớm 1 tiếng, đi bộ 5km mua đậu nấu chè trước khi đến xưởng làm, để tiết kiệm 3 hào xe lam, nhưng khi nghe một người tu hành khó khăn mắc bệnh nan y, dì Hai sẵn sàng bỏ số tiền lớn để giúp ông chữa trị. “Mình cần chi thì chi chứ, tiết kiệm là để phòng khi ấy”. Hiểu biết về Phật giáo của dì Hai chỉ gói gọn trong kinh Dược Sư đọc khi bệnh và Bát Nhã Tâm Mật Kinh đọc khi cúng cháo cho cô hồn, nhưng dì Hai sẵn sàng chung tay các chương trình thiện nguyện và hài lòng với đời sống của mình, “nghiệp mà, mình đỡ được phần nào thì đỡ, mình cũng có nghiệp của mình, cứ sống cho trọn nó thôi”, dì Hai giải thích. Dì Hai có thể bận bộ đồ 8 năm, nhưng sẽ dành cả tuần nghỉ trưa để sửa soạn đồ tươm tất cho một chương trình từ thiện. Dì Hai không nói nhiều về môi trường nhưng có bao nhiêu bịch nilon, dì Hai đều giặt sạch, xếp gọn gàng từng bó để “cho người khác dùng, bỏ nó phí mà ô nhiễm”. Các nguyên tắc sống không bó buộc, nghĩ cho người khác nhưng không nói nhiều, nhận phần thua thiệt nhưng không kể công, dì Hai cũng như Sài Gòn.

Dì Hai nhỏ bé nhưng hào sảng. Có lần dì Hai đi ngân hàng gửi tiền, cô thu ngân thấy bà cụ ăn mặc xuề xòa, cứ hỏi “bà làm gì, bà gửi tiền giùm cho ai, bà có gửi tiền thiệt không”, dì Hai nạt “tiền tao chứ tiền ai, bộ ai khùng mà đưa tiền cho tao gửi”, rồi cười cái khì, cô thu ngân cũng cười theo. Hồi trước 75, xóm nhà dì Hai nổi tiếng với ma túy. Dì Hai đứng trước nhà, có 2 anh tre trẻ xăm trồ rồ xe vào ngó nghiêng, định mở miệng hỏi, dì Hai đã chặn trước “ê, tao không bán xì ke nghen mậy. Bên… hẻm kia mới bán, qua đó đi, đừng làm phiền bà con trong này nghe”, dì Hai kể rồi cười ha hả. Sống và làm, cứ thấy trái ý, gai mắt là dì hai quạt, bất kể là ai. Để có sự quạt ấy là một chuỗi các quan sát tinh tế, chi tiết, kỹ lưỡng… Người chi tiết, kỹ lưỡng mà vẫn hào sảng, như Sài Gòn.

Thật tuyệt, nếu một sáng nào, bạn tự nghĩ mình còn đang được hít thở chung bầu không khí với những con người như vậy. Khi tôi đưa máy lên chụp dì Hai, bà nạt “chụp gì vậy mậy?”. Tôi nói “con chụp Sài Gòn”. Dì Hai nói “cái thằng nói gì không hiểu gì hết”. Có những thứ sống được rồi, hiểu chi hen, bạn cứ chụp thử ai đó bên cạnh đi, mỗi người có khi chứa đựng cả lịch sử hình thành và căn tính nơi bạn đang sống đấy.

Theo Facebook Thuan Vuong Tran
Đăng lại dưới sự đồng ý của tác giả

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn