"O Holy Night" ở cuối bài.
NOEL NƠI CÁNH CỬA - CAO MỴ NHÂN
Chị "A trưởng" đầu tiên của A đặc biệt chúng tôi, tên Tâm, nguyên thiếu tá hành chánh quân y VNCH, hiện diện cùng 11 sĩ quan Nữ quân nhân, cấp tá, ở nhà 3 thuộc trung tâm tù cải tạo HT 7590 HT- T 20.
Có 5 "lán" tù, mỗi lán 60 người, tổng số 300 "nhân khẩu",
chia ra theo cấp bậc từ thiếu uý tới đại tá.
Hơn 100 sĩ quan NQN, và gần 200 nữ sĩ quan Cảnh sát .
1 Nữ thiếu uý Cảnh sát trốn trại, còn lại 299 người trong vòng lao lý tại trại nữ tù Cộng sản VN, kể từ 16-5-1976.
Chị Tâm vốn người bắc di cư, đạo dòng, năm 1954,
người chị ruột của chị ở lại Hà Nội, tên Huệ, nữ bác sĩ Bệnh Viện Bạch Mai.
Sau 30-4-1975, bà bác sĩ Huệ này vô nam, đến trại tù cải tạo
nêu trên, thăm chị Tâm nhiều lần.
Mỗi lần bà Huệ thăm chị Tâm, là một lần chị Tâm biểu lộ sự hân hoan, khi bà Huệ về rồi, thì chị thiếu tá Tâm VNCH lại kín đáo bực bội chửi rủa ...chị ruột của chị, ngó thật khốn khổ...
Nhưng phần nhiều là thế, tôi chưa hề thấy nhà nào kẻ bắc người nam, sau khi gọi là "thống nhất" mà vui vẻ, thực lòng với nhau được...
Dịp lễ Giáng Sinh năm đầu tiên từ khi "quân giải phóng" chiếm cứ miền nam, tức lễ Noel năm 1975, 5 dãy nhà dài trống tuếch trống toác, vì bạo quyền đã tháo hết các cánh cửa ra vào, để dễ bề kiểm soát tù chúng tôi...
Họ còn để lại những dãy cửa sổ nhỏ để che bớt gió cho mọi người ban đêm.
Vì tâm nguyện đón mừng Chúa Giáng sinh, nên chị em bạn đạo đã ra hàng rào trước cổng trại, hái những chùm hoa giấy vô trang hoàng trên cửa sổ, đầu chỗ nằm...
Số ít chị em có mang theo tượng hình bé nhỏ hay xâu chuỗi, đã lấy ra, treo lên cành hoa giấy vừa nêu, cho có vẻ một ban thờ đợi Chúa hài đồng .
Song, từ ban chỉ huy trại, là những phụ nữ Việt Cộng đã tập họp các B trưởng ( 5 B/ 5 nhà ) và các A trường ( 25A/ 5 nhà )
Trong số đó có chị Tâm, A trưởng A 11, tức A đặc biệt như tôi trình bầy trên, để nghe " góp ý " của " trên " tức là ban quản lý trại tù nữ đó .
Chị Tâm quày quả trở về " nhà 3 ", miệng cười mếu xệch, lấy xâu chuỗi quàng vào cổ, rồi quơ tay, vơ mấy cành hoa giấy trang hoàng chờ Chúa, đưa ra bãi rác vứt .
Chị Tâm vẫn mếu xệch nụ cười bẽ bàng, bảo rằng:
"Trên nói sẽ làm một bàn thờ Chúa, chứ như thế này thì bôi bác quá..."
Tất nhiên đã tối 24/12/1975, csvn còn thì giờ đâu mà thiết lập bàn thờ Chúa, mừng lễ Giáng Sinh chớ, vả lại họ nói thôi , làm sao họ chịu làm lễ kiểu đế chế tư bản, duy tâm, duy linh được.
Bên hông " nhà 3 " chúng tôi có một cánh cửa thật lớn, từ lâu mở toạc ra, đẩy sát vô vách tường, chị Tâm đả ra chỗ cánh cửa ấy, kéo nhè nhẹ ra phía ngoài, rồi úp mặt vô cánh cửa khóc nức nở ...
Vì chị là A trưởng của A , tức tiểu đội chúng tôi, tôi cảm thấy trong lòng bất nhẫn quá, tôi cũng lén ra chỗ cánh cửa vừa nêu ấy.
Chị Tâm rất là nhanh mắt, chị kéo áo lau mặt, rồi giả vờ tươi cười với tôi ...
Tôi thấy chị tội quá, chị cứ phải đóng cho hết màn kịch. Tôi lắc đầu an ủi chị:
" Chị Tâm ạ, em đâu phải ai lạ, em như chị thôi, chị hãy khóc đi, cho vơi bớt niềm đau, Chúa sẽ che chở cho chị ...Chị ơi, còn chảy nước mắt được, là còn ý nghĩa cuộc sống đấy, đừng để cạn khô tình cảm, không còn vui buồn được nữa, con người sẽ vô tri ..."
chị gật đầu, rồi kẻ trước người sau nhẫn nhục vô nhà " lán ",
thầm đọc Kinh vinh danh Chúa Giáng Sinh .
Một thời gian sau, chị được trở về vì có tên trong danh sách "gia đình cách mạng".
Nhưng tất nhiên, chị đã không ở với những người bên kia chiến tuyến, chị theo gia đình mấy người cháu ruột, trước 30-4-1975, là những bác sĩ trẻ trung thuộc bệnh viện Saigon ra đi vượt biên.
Sau đó, chúng tôi nghe tin cuối cùng của một cuộc đời: Tầu nhỏ của chị Tâm và mấy người cháu, đã chưa thấy tới trại tị nạn mà cũng không còn trên mặt biển...năm đó, 1976.
CAO MỴ NHÂN (HNPD)