Ba mối họa từ dầu lửa

Thứ Ba, 19 Tháng Ba 20198:03 SA(Xem: 5152)
Ba mối họa từ dầu lửa
vi.rfi.fr

Ba mối họa từ dầu lửa


mediaẢnh minh họa: Một dàn khoan dầu hỏa ở Calgary, Alberta, Canada, ngày 21/07/2014REUTERS/Todd Korol

Thay vì là « bổng lộc trời ban » cho các nước sản xuất, dầu hỏa lại thường mang lại thảm họa, mà Algeri và Venezuela là những ví dụ mới nhất. « Của trời cho » này cản trở sự phát triển và nền dân chủ. Nhật báo kinh tế Les Echos số ra ngày 19/03/2019 chỉ ra « Tam họa của dầu lửa ».

Venezuela rơi vào khủng hoảng chính trị trầm trọng có nguy cơ dẫn đến nội chiến. Đường phố Algeri sôi sục từ mấy tuần qua. Còn đối với Ả Rập Xê Út, nhà báo đối lập Jamal Khashoggi bị sát hại tàn nhẫn. Theo cây bút xã luận của nhật báo, ông Jean-Marc Vittori, giữa ba nước này có một điểm chung : Sở hữu một trữ lượng dầu hỏa dồi dào.

Bình thường ra, vàng đen phải mang đến sự thịnh vượng, người dân có cuộc sống sung túc và đất nước phát triển. Bởi vì, chỉ tính riêng trong năm 2018, dầu hỏa – sản phẩm được bán ra nhiều nhất trên thế giới – đã mang về cho các nước xuất khẩu 1.700 tỷ đô la.

Thế nhưng, mỉa mai thay, trong bảng xếp hạng những nước có cuộc sống tốt đẹp, những quốc gia sản xuất dầu lửa hàng đầu thế giới này lại có thứ hạng khá thấp, như Ả Rập Xê Út (đứng hàng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu dầu lửa), Nga (3), Iran (4), Irak (6), Koweit (9), Brazil (10), Mêhicô (11) và Venezuela (12).

Duy chỉ có Trung Quốc (8) và một số nước tiên tiến như Hoa Kỳ (1), Canada (5), Na Uy (14) dường như là thoát được quy luật đó.

Trên thực tế, có hai « lời nguyền » giáng xuống những nước sản xuất dầu hỏa. Thứ nhất, hiển nhiên là trong lĩnh vực kinh tế. Thay vì tài trợ, nguồn thu từ vàng đen lại ngăn cản phát triển. Về chính trị, hệ quả lan rộng nhưng lại ít thấy rõ. Ở đây, phải chăng nên nhắc lại câu nói nổi tiếng của sử gia Anh Lord Acton, trong thế kỷ 19 : nếu quyền lực biến chất thì quyền lực dầu hỏa hoàn toàn hủ bại.

Ngược lại, những nước nghèo nguồn dầu hỏa thì phát triển thành công một cách ấn tượng trong vài thập kỷ qua (Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc) hay như trường hợp của Ethiopia những năm gần đây. Theo Les Echos, thảm họa dầu hỏa này có tên gọi là « căn bệnh Hà Lan », được xác định trong những năm 1960.

Năm 1959 khi phát hiện ra mỏ khí đốt có trữ lượng lớn ở vùng Groningen, Hà Lan bắt đầu khai thác và tiền thu về như thác đổ. Thế nhưng, sau đó, ngành công nghiệp này lại chững lại, phát triển một cách chậm chạp kỳ lạ. Do vậy, giá khí đốt tăng một cách khó hiểu và Hà Lan mất dần thị phần trước các đối thủ cạnh tranh ngoại quốc khác.

Giới chuyên gia phát hiện ra rằng chính việc sản xuất khí đốt là nguồn cội của sự bí ẩn đó. Trước tiên là tác động trực tiếp. Do tìm cách thu hút lao động có tay nghề cao, ngành sản xuất khí đốt của Hà Lan đã làm tăng vọt giá nhân công trong lĩnh vực này.

Việc khai thác khí đốt còn gây tác động gián tiếp : thu nhập từ khí đốt làm tăng giá dịch vụ mà các ngành công nghiệp khác cần đến, làm tăng giá trị đồng tiền Hà Lan, cản trở xuất khẩu và khuyến khích nhập khẩu. Nhiều chuyên gia kinh tế còn nhấn mạnh đến vai trò thời giá nguyên nhiên liệu tăng vọt gây khó khăn cho đầu tư.

Giải pháp hiệu quả nhất thì đơn giản nhưng triệt để : Không nên bơm tiền thu được từ dầu hỏa vào nền kinh tế quốc gia. Cần để dành số tiền này đề phòng bất trắc trong tương lai – hay chí ít là để giảm thiểu tác động của hiện tượng thời giá tăng đột biến. Đó chính là những gì mà Na Uy đã làm với Quỹ đầu tư của Nhà nước.

« Lời nguyền » thứ hai liên quan đến chính trị. Sự cám dỗ - điều thường thấy nhất – lại quá lớn. Do có quá nhiều tiền, giới lãnh đạo vơ vét bằng mọi cách. Từ Riyad cho đến Matxcơva, từ Teheran cho đến Alger, rồi ở cả Brasilia, nơi mà vụ tai tiếng của tập đoàn dầu hỏa Petrobras đã cuốn trôi cả một thế hệ chính khách.

Dầu hỏa đè nặng lên nền dân chủ. Nhiều nhà báo biến mất như tại Ả Rập Xê Út nhưng cũng ở cả Nga hay Mêhicô. Một nhóm chuyên gia kinh tế cách nay 10 năm từng ghi nhận : « Tại các nền kinh tế dồi dầu dầu hỏa, ngành truyền thông ít được tự do hơn ».

Tiền thu từ vàng đen giúp cho mọi việc được dễ dàng. Khi giá dầu lên cao, các đòi hỏi của người dân nhiều hơn, thì có thể dùng tiền thu được từ dầu hỏa để « mua » sự bình an xã hội. Nhưng khi giá dầu giảm, mọi việc cũng trở nên khó khăn, đó chính là những gì đang diễn ra ở Venezuela hay Algeri.

Nhưng tai họa từ dầu lửa không chỉ dừng ở đó. Bởi vì còn có « lời nguyền » thứ ba đối với tương lai. Khi những nước có dầu hỏa khai thác cạn kiệt nguồn dự trữ hoặc không có khách hàng nữa vì những lý do môi trường, khí hậu, các nước này sẽ phải sống với nguồn thu nhập ít đi. Chỉ vì « căn bệnh Hà Lan » mà phần lớn các quốc gia này đã không biết đa dạng hóa, tạo ra những hoạt động sản xuất mới để tiếp tục phát triển kinh tế. Nếu vậy, Les Echos cảnh báo : Hãy coi chừng các chấn động !

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn