Những bảo bối phép thuật của Harry Potter

Thứ Sáu, 22 Tháng Ba 201911:00 CH(Xem: 4469)
Những bảo bối phép thuật của Harry Potter
bbc.com

Những bảo bối phép thuật của Harry Potter

Sophia Smith Galer BBC Culture

JOEL SAGET / Getty Images Bản quyền hình ảnh JOEL SAGET / Getty Images

BBC Culture tìm hiểu về năm trong số những bảo vật phù thủy thú vị nhất tại cuộc triển lãm: "Harry Potter: Lịch sử những điều huyền bí" do Thư viện Anh quốc tổ chức. Những hiện vật này là đặc trưng cho di sản dân gian giàu có vốn là nguồn cảm hứng cho JK Rowling tạo ra loạt truyện Harry Potter.

Phượng hoàng

British Library Bản quyền hình ảnh British Library

Kỳ lân một sừng, rồng và ngựa đầu người xuất hiện rất nhiều trong thế giới của Harry Potter.

Mặc dù JK Rowling không phải là người tạo ra những con quái thú thần thoại này, nhưng có một điều chắc chắn là bà đã thổi một sức sống mới vào những thần thoại cổ xưa.


Bà đã tưởng tượng lại về phượng hoàng - một loài chim trong thần thoại Hy Lạp - trong tập Harry Potter thứ hai, "Căn phòng các bí mật". Đó là một loài chim màu đỏ như nhung có kích thước lớn như con ngỗng với cái mỏ và móng vuốt vàng. Loài phượng hoàng này trông hơi giống con gà tây bị vặt hết phân nửa lông vào dịp Giáng sinh khi nó đến gần 'Ngày hỏa thiêu' - tức là ngày mà nó bị diệt vong và sẽ tái sinh thành một con phượng hoàng nhỏ từ đống tro tàn.

Chi tiết mà JK Rowling sáng tạo ra là chiếc lông của chim phượng có thể được dùng như là một bộ phận của chiếc đũa thần của phù thủy, ví dụ những chiếc đũa thần của Harry và Ngài Voldemort.

Nước mắt của phượng hoàng cũng có thể chữa lành vết thương, chẳng hạn như khi Fawkes, chim phượng của Giáo sư Dumbledore, giúp chữa bệnh cho Harry Potter khi cậu ấy bị Basilisk làm bị thương trong tập hai.

Khét tiếng là loài rất khó thuần dưỡng, loài chim này có thể trở thành một vật nuôi trung thành; khi Giáo sư Dumbledore bị giết sau đó, Fawkes đã hát bài "Tiếng khóc Phượng hoàng" - một bài hát nỉ non làm tan nát lòng người đến nỗi nó nghe như xuất phát từ trong tâm khảm người nghe.

Bản thảo cuốn sách này từ thế kỷ thứ 13 miêu tả một con phượng hoàng đứng lên từ đống tro tàn, chứng tỏ rằng những bậc tiền bối của JK Rowling cũng có trí tưởng tượng sống động tương tự.

Đá Bezoar

Bản quyền hình ảnh The Board of the Trustees of the Science Museum, L

Trong lớp học pha chế thuốc trong năm đầu tiên, Harry đã học một bài học quan trọng về đá bezoar từ Giáo sư Snape: "bezoar là một loại đá được lấy từ trong bụng của một con dê và nó có thể giúp giải trừ hầu hết các chất độc." Nó thật sự cũng cứu mạng một nhân vật trong Harry Potter - Ronald Weasley - trong tập "Hoàng tử lai" sau khi nhân vật này bị trúng độc rượu mật ong được ngâm bằng gỗ cây sồi được đưa đến làm quà cho Giáo sư Dumbledore.


Từ 'bezoar" xuất phát tiếng Ba Tư pād-zahr, có nghĩa là thuốc giải độc. Bezoar là những miếng thức ăn không tiêu hóa tìm thấy trong bụng của những con vật như dê và được cho là thuốc giải độc từ xưa ngay từ lúc người Moor chiếm đóng Tây Ban Nha. Lớp vàng xung quanh khối bezoar cho thấy người ta tôn sùng nó như thế nào.

Bia mộ Nicolas Flamel

Nicolas Flamel nổi tiếng là người đã tạo ra Hòn đá Tiên tri trong tập một; nhờ khám phá được thuốc trường sinh bất tử mà ông đã sống được đến 665 tuổi - độ tuổi chỉ có vợ ông, bà Perenelle, vượt qua được và bà sống đến 668 tuổi. Hai ông bà đã sống một cuộc sống lặng lẽ, yên bình ở Devon. Vâng, ít nhất cho đến khi hòn đá tiên tri bị phá hủy vào cuối truyện thì cả hai vợ chồng mới qua đời.

Tuy nhiên, Nicolas Flamel là một người có thật và hòn đá đó chính là bia mộ của ông ấy. Là người chép và bán bảo thảo từ thời Trung Cổ, sau khi ông qua đời ông thì mọi người mới biết đến ông như một nhà giả kim thuật và là người khám phá ra Hòn đá Tiên tri vốn có khả năng biến những kim loại cơ bản thành vàng giúp con người trở thành trường sinh bất tử. "Nếu tra trên Google kỹ một chút thì rất nhiều người vẫn nghĩ rằng ông ấy vẫn còn sống đâu đó ở Ấn Độ," Alex Lock, một trong những người coi giữ cuộc triển lãm, cho biết.

Rễ cây hình người

Harry và các bạn học đã lần đầu tiên biết đến rễ cây hình người trong lớp học về cây cỏ vào năm thứ hai. Chúng được trồng vì chúng có khả năng giúp giải lời nguyền cho nạn nhân bị hóa đá. Nhưng chúng không phải là những cái rễ lâu năm mà là những sinh vật nhỏ có tri giác với tiếng kêu chết chóc khi chúng trưởng thành. Đó là lý do vì sao các phù thủy trẻ được dạy là phải nhổ rễ cây hình người khi chúng vẫn còn là rễ con.

Rễ cây hình người đã là một yếu tố hết sức quan trọng trong các câu chuyện dân gian kể từ xa xưa mà nguyên nhân chắc chắn là do việc đôi khi chúng có hình dáng như hình người bị co rúm lại. Người ta thường dùng một con chó kéo một sợi dây thừng buộc vào rễ để kéo nó lên bởi vì họ sợ tiếng thét chết chóc của nó như mô tả trong cuốn từ điển bách khoa về cây cỏ Herbal này vốn mô tả các tính năng y khoa cũng như công dụng huyền bí của chúng. Rễ cây hình người cũng nổi tiếng có công dụng gây ảo giác và gây nghiện.

Quả cầu thủy tinh

Harry Potter không bao giờ mê quả cầu thủy tinh. Cậu đã tiếp xúc với chúng khi học năm ba ở lớp Tiên tri do một giáo viên kỳ quái là Giáo sư Sybill Trelawney đứng lớp. Trong lớp học này, các phù thủy trẻ học cách dự đoán tương lai, nhưng tất cả những gì mà Harry và Ron nhìn thấy là lớp sương khói cuộn màu trắng. Một lần nữa trong tập "Mật lệnh Phượng hoàng" Harry đã không thể dự đoán được gì cả trong kỳ thi đánh giá năng lực tiên tri OWL dành cho các phù thủy.

Bên cạnh một quả cầu thủy tinh kiểu Harry Potter để khách tham quan chiêm ngưỡng, Bảo tàng Anh quốc hiện đang cất giữ một quả cầu thủy tinh kỳ quặc: quả cầu đen của 'Smelly Nelly', một phù thủy người Anh đeo hàng đống nước hoa lên mình bởi vì bà cho rằng chúng sẽ thu hút các hồn ma để giúp bà tiên đoán chính xác các sự việc. Theo ý kiến của một nhà quan sát vào những năm 1960 thì "quả cầu thủy tinh nhỏ màu đen này thú vị ở chỗ nó là quả cầu Mặt trăng, tức là nó được dùng vào ban đêm để bắt hình ảnh của Mặt trăng phản chiếu lên bề mặt quả cầu. Phù thủy sau đó sẽ nhìn vào hình ảnh phản chiếu này để dự đoán.

Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Culture.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn