‘Đời không như là mơ’ của Đỗ Thị Thúy Phượng

Thứ Tư, 13 Tháng Ba 20198:00 CH(Xem: 5900)
‘Đời không như là mơ’ của Đỗ Thị Thúy Phượng
voatiengviet.com

‘Đời không như là mơ’ của Đỗ Thị Thúy Phượng

Nguyễn Hùng

Người ta bảo ‘đời không như là mơ’ và điều này đúng với bé Đỗ Thị Thuý Phượng vào một ngày hè định mệnh hồi năm 2004 tại tỉnh Quảng Nam. Khi đó em mới 14 tháng tuổi và bị cha mẹ đặt vào giữa hai người cùng bọc thuốc nổ. Cả hai chọn đem em theo sang thế giới bên kia trong cuộc tự sát tập thể. Sức công phá của thuốc nổ khiến cha mẹ của Phượng chết ngay lập tức còn em bị bắn ra xa gần chục mét nhưng may mắn thoát chết. Tuy vậy hai chân em bị dập nát tới mức người ta phải cắt bỏ từ đầu gối trở xuống để tránh nhiễm trùng.

Câu chuyện của Phượng đã được báo chí quốc tế đăng tải từ vài năm trở lại đây vì nay em đã là công dân Mỹ với tên Haven Shepherd và đang cố gắng để được chọn đại diện cho Hoa Kỳ tham gia Paralympic 2020 tại Tokyo, Nhật Bản ở môn bơi lội. Phượng may mắn được một gia đình Hoa Kỳ nhận làm con nuôi ít lâu sau khi sự cố xảy ra hồi năm 2004 mà lý do được cho là cha em ngoại tình trong khi đã có gia đình và cả hai người thấy bế tắc nên đã đưa em đi cùng tự tử.

Haven vừa tròn 16 tuổi hôm 10/3 và quà tặng của gia đình cho cô là một chiếc xe hơi màu vàng. Ngay ngày hôm sau cô đã thi đỗ bằng lái xe và giờ đã có thể tự lái xe tới bể bơi mà không cần cha mẹ đưa đón.

Lần gần đây nhất mà Haven xuất hiện trên báo chí quốc tế là trong tường thuật đặc biệt và kỳ công của BBC với tựa ‘Cô gái đáng ra đã chết’. Đồng nghiệp cũ của tôi ở BBC, Georgina Pearce, đã kể lại hành trình tới Việt Nam để đưa Phượng về Hoa Kỳ, ban đầu là cho một gia đình khác. Nhưng cuối cùng gia đình đó không thể cáng đáng được cô con gái nhỏ của chính họ cộng thêm với bé Phượng nên đã giao lại bé cho gia đình bà Shelly và ông Rob Shepherd tại thị trấn nhỏ với chỉ vài ngàn dân ở Tiểu bang Missouri. Hai ông bà khi đó đã có sáu người con và có công ty gia đình chuyên nghề lát sàn nhà.

Haven nói với Georgina rằng ngày cô về với gia đình hiện tại, ngày 19/11/2004, là “ngày được con”.

“Đó là ngày mình được đưa về gia đình mình.”

Còn mẹ cô, Shelly Shepherd, không giấu được xúc động khi nói: “Khi con bước qua cửa, gia đình tôi đã trọn vẹn.” Bà cũng nói các con bà đều ủng hộ quyết định nhận Haven làm con nuôi.

“Tôi nghĩ vì gia đình chúng tôi đông con nên tôi luôn chú trọng dạy các con rằng tình yêu luôn nhân lên chứ không bao giờ mất đi cả. Thế nên khi có thêm một đứa trẻ là có thêm nhiều tình yêu để chia sẻ với nhau,” bà nói trong phỏng vấn với BBC.

Cả hai ông bà Shepherd yêu mến Phượng ngay từ khi gặp mặt ở Quảng Nam và thấy rất buồn lòng khi phải chia tay với em khi về tới Hoa Kỳ. Hiển nhiên họ vô cùng mãn nguyện khi được đón em về sau đó ít lâu.

Tình yêu của gia đình đã góp phần khiến Haven hoàn toàn tự tin về bản thân và thậm chí đã trở thành tấm gương cho nhiều người. Cô đã tới nhiều trường học để nói chuyện về hành trình vốn đã khiến cô trở thành vận động viên bơi đoạt huy chương vàng cả ở Hoa Kỳ và quốc tế.

Trong một thông điệp trên Facebook của cô hồi đầu năm nay, Haven viết:

“Hoàn cảnh…..dù tôi chưa gặp bất kỳ ai có hoàn cảnh điên khùng giống hệt tôi, sự thực là ai trong chúng ta cũng có hoàn cảnh cần vượt qua. Mặt khác, tất cả chúng ta đều có lựa chọn nên coi các hoàn cảnh đó ra sao. Khi tôi nói chuyện với các bạn trẻ tôi hy vọng tôi có thể khuyến khích các em qua câu chuyện của tôi (và khiếu hài hước kỳ quặc của tôi 😂) để tìm cách biến hoàn cảnh tiêu cực thành sức mạnh. Tôi chọn [sống] vui mỗi ngày.”

Sau đó ít lâu cô đưa lên bức ảnh chụp cùng các em học sinh tiểu học và nói cô muốn các em hiểu rằng “khác biệt là điều hay”.

Để chuẩn bị cho cuộc tuyển chọn đại diện của Hoa Kỳ tham gia Paralympic vào năm sau, Haven tập xà, tập tạ, tập thể lực nói chung và dĩ nhiên trên hết là tập bơi vài cây số mỗi ngày.

Nếu cô được chọn tới Paralympic Tokyo 2020, đó sẽ là điều kỳ diệu tiếp theo sau một chuỗi những điều diệu kỳ đã đến với cô cho tới nay.

Hồi năm 2004, đó là lần may mắn sống sót, rồi may mắn gặp được người bác sỹ vốn cũng may mắn thoát chết khi còn nhỏ và giúp cô hồi phục sau vụ nổ như lời cô thuật lại:

“Bạn có tin vào điều diệu kỳ không? Có hai bằng chứng sống về sự diệu kỳ trong tấm ảnh này. Người đàn ông này đóng vai trò chính trong việc giúp tôi có tương lai[.] Peter Hoa Stone đáng ra đã có mặt trên chiếc máy bay bị đâm cùng các trẻ mồ côi toan di tản khỏi đất nước đang bị chiến tranh tàn phá hồi năm 1975 nhưng đã lỡ chuyến bay vì có hẹn với bác sỹ. Sau đó ông được một gia đình Úc nhận làm con nuôi và giờ đã trở về Việt Nam giúp trẻ khuyết tật ở quê hương thứ nhất.”

Điều diệu kỳ thứ ba là được về với gia đình tràn đầy tình yêu hiện nay trong cùng năm xảy ra cơn ác mộng mà chính cha mẹ cô đem tới.

Điều diệu kỳ thứ tư mà cô kể là một người đàn ông khác mà cô gặp ở Hoa Kỳ:

“Khi tôi lên tám tuổi, tôi gặp anh chàng này và anh ấy thay đổi cuộc đời tôi. Anh thuyết phục tôi tham gia cuộc thi chạy đầu tiên trong đời và nói với tôi rằng anh “biết” tôi sẽ đoạt huy chương nếu chạy đua. (Điều mà đứa tôi khi tám tuổi không biết là tôi là đứa duy nhất ở tuổi tôi thuộc hạng đua đó 😜). Niềm tin đó đã đưa tôi vào guồng để trở thành vận động viên và tới với tổ chức Vận động viên Thử thách. Em yêu anh Travis Ricks.”

Có lẽ còn những điều diệu kỳ khác trong cuộc sống của cô mà cô chưa có dịp kể. Sau phóng sự của BBC, cô nhận được nhiều lời đề nghị phỏng vấn khác nhưng cô nói hiện cô đều từ chối vì muốn tập trung vào luyện tập. Chúc cô may mắn trong cuộc đua tới Tokyo vào năm sau và cũng chúc cô có cuộc hội ngộ ấm áp với người thân ở Việt Nam nếu cô trở lại trong những tháng tới đây như gia đình cô nói.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn