Mặt trái của tôi

Thứ Năm, 28 Tháng Hai 20193:00 SA(Xem: 5955)
Mặt trái của tôi

Chu Mộng Long:
Bản tự kiểm này không có ý trách ai. Chỉ tự trách mình. Nếu ai chỉ vì sự thật mà thấy khó chịu thì xin lượng thứ.

Anh Đặng Quyết Tiến (Đại học Thái Nguyên) có bài khen tôi, rằng tôi là “một định nghĩa về người thầy”. Thú thật, tôi chỉ biết tôi khác người, khác ngay trong trường hợp này: không thích được khen. Đơn giản vì tôi đã từng trải nghiệm cái sự khen, mỗi khi có ai khen mình là phiền hà to. Sẽ có kẻ lôi mặt trái có thật lẫn bịa đặt ra để… đấu tố. Hu hu. Cuộc cách mạng cải cách ruộng đất những năm 50 của thế kỷ trước đã có công rất lớn trong việc xây dựng con người Việt Nam như vậy. May mà anh Tiến mới chỉ định nghĩa tôi là thầy chứ không định nghĩa tôi là thánh!

Tốt nhất, các bạn đừng khen tôi để tôi được bình yên.

Nhưng nhân đây, ngày Hiến chương nhà giáo, cũng nên tự kiểm điểm mặt trái của mình.

Thời mới làm cán bộ giảng dạy, tôi cũng rất độc tài và tham lam, căn bệnh của Nho giáo đã thấm vào máu. Tôi từng hoang tưởng làm thầy to lắm nên rất độc tài và tham lam.

Độc tài ở chỗ có thể mắng té tát học viên, sinh viên của tôi nếu thấy họ vi phạm chuẩn mực học đường. Những lúc ấy thường viện dẫn lời vàng ý ngọc của Khổng Tử ra để giáo huấn. May mà tôi chưa bao giờ trù dập hay trừng phạt ai. Mắng xong rồi tha thứ. Phải đến lúc phát hiện ra ai cũng có thể viện dẫn cụ Khổng làm tấm bùa ma pháp biến người học thành nô lệ, tôi mới từ giã cái đạo “vô đạo” ấy.

Còn sự tham lam thì nằm ngay ở sự sung sướng khi được tặng quà, phong bì. Nó bắt đầu ngay từ lúc mới ra trường tập sự. Mỗi năm đến ngày nhà giáo, thấy thầy ở chung phòng được tặng rất nhiều quà mà thèm. Mà anh ta mỗi khi được tặng, anh ta thường rút ruột quà ra cất, còn cái vỏ thì trưng diện trên bàn đến suốt năm, càng kích thích lòng tham của tôi. Khi ấy, tôi thường ao ước thời gian tập sự qua nhanh để được chính thức đứng lớp, được đám sinh viên “tôn sư trọng đạo” biếu cho nhiều quà. Ôi chỉ có quà mới làm nên danh giá của người thầy.

Sự tham lam này kéo dài cho đến những năm tháng đi dạy tại chức. Được học viên cung phụng ăn uống ngày ba bữa, dạy xong còn được nhận quà và phong bì, sướng lắm. Vì không biết gợi ý hay bắt nạt học viên, nên có những lớp chúng chẳng mời ăn, chẳng cho quà, thấy cứ hụt hẫng như con nghiện thiếu thuốc vậy.

Mãi đến khi giật mình nghĩ lại cái thời mình làm sinh viên rồi đi học cao học, chỉ vì cái ngày 20 tháng 11 mà có lúc từng không có tiền quà cho thầy hay mời thầy một bữa ăn mà chua chát. Chua chát nhất là khi đứa con trai đi học nhà trẻ bị cô giáo đánh sưng mắt như trái banh, có thể chỉ là vô tình vì bé không chịu ngủ trưa, nhưng lòng lại cứ lẩn quẩn chuyện 20.11 không có tiền mua quà cho cô. Lần đầu tiên tôi phải thốt lên: Ngày 20.11 là ngày chết tiệt, ngày làm khổ cho cả thầy lẫn trò và các phụ huynh.

Phải nói rằng, phong bì và quà là thứ thuốc phiện, nó làm cho người ta nghiện. Chính bản thân mình khi đã quen nhận của người khác rồi mà thấy thiếu một chút thì đã dằn vặt khổ sở. Mà khi đã dằn vặt khổ sở thì sẽ gây khổ sở cho bao nhiêu người khác.

Bắt đầu từ đó, tôi quyết cai nghiện.

Nhưng bất ngờ là sự cai nghiện của tôi lại làm cho nhiều người khó chịu. Tôi cố gắng từ chối mọi cuộc mời mọc ăn uống và phong bì phong bao. Vậy là những con nghiện khác chỉ trích tôi cực đoan, lập dị, thậm chí tìm cách sỉ nhục. Tôi im lặng và làm ngơ mọi sự. Đến mức khi làm thanh tra, có bao nhiêu đơn kiện của học viên về sự cưỡng hiếp cả tiền lẫn tình của mấy tên bạo chúa học đường, tôi cũng tìm cách ém nhẹm cho xong. Không ngờ tôi bị tấn công phủ đầu. Có cả một đám con nghiện đưa tôi lên báo chí để bôi nhọ, khiến tôi phải nổi cơn thịnh nộ lôi tất cả ra ánh sáng và buộc hiệu trưởng đuổi thẳng cổ những tên bạo chúa đó ra khỏi giảng đường. Vậy là tôi bị chỉ trích “độc ác” với đồng nghiệp.

Một lần, sau buổi dạy tại chức, một nhóm học viên mời quý thầy đang dạy họ đi… nhậu. Gọi là nhậu vì không có bữa ăn nào quý thầy không nốc bia như chưa bao giờ được uống. Tôi một mình lặng lẽ xuống căn tin thì bất ngờ một thầy nói với theo, giọng vừa kiêu hãnh vừa mỉa mai:

– Chú Hùng ăn ở thế nào mà học trò không mời được bữa cơm hè?

Tôi vừa đi vừa cười và nói: nhục chưa?

Nhiều lần để rửa nhục, tôi cũng nhận lời đi ăn với học sinh. Nhưng cũng nhiều lần tôi rút ví trả tiền. Và kết quả là, ăn một bữa với học trò, có khi đến chục bạn, tính ra tôi phải mất tiền đến chục bữa ăn. Ôi, sao cái ăn của người Việt mình nó cứ tủn mủn và khổ sở suốt bốn ngàn năm vậy?

Thôi thì phải nghĩ lại. Do đi dạy xa, ăn một mình cũng tủi thân, thỉnh thoảng phải đi dùng cơm với học trò vậy, nhưng cố gắng không ăn dầm ăn dề như một con nghiện.

Biết tính tôi né tránh những cuộc ăn nhậu đông người, không ít lần quý thầy ấy lừa tôi, rằng quý thầy mời cơm, không có học trò đâu mà lo. Vậy là tôi cả tin đi. Bất ngờ khi ăn gần xong, quý thầy đó gọi điện cho vài ba học viên đến để… trả tiền. Tôi ớn tận cổ với cái cách “tôn sư trọng đạo” đó. Lần gần đây nhất, một thầy hứa tuyệt đối không có mặt học trò, thầy đó chiêu đãi nên hãy đi cho vui. Nhưng khi tôi đặt chân vào quán thì hỡi ôi, có đủ mặt lớp trưởng lớp phó đang học tại chức. Tôi lặng lẽ không nói gì, vì lúc đó có cả quan khách sở tại. Ăn sắp xong, học trò ra quầy trả tiền. Lần này tôi không thể ngồi yên nữa. Tôi chặn học trò lại và kéo tay thầy đó ra quầy thanh toán. Tôi nói to: hôm nay thầy này trả tiền, vì thầy này đã mời tôi với cam kết rõ ràng. Tình thế buộc thầy đó phải ngậm đắng nuốt cay rút ví thanh toán hết. Nhưng tôi biết tôi sẽ bị thù. Mặc xác, vì những con nghiện thù nhất là người đã cai nghiện.

Không chỉ quà cáp, phong bì phong bao và ăn nhậu. Trên đời có nhiều thứ dễ làm cho người ta nghiện. Có thầy đi ăn mà học trò gái ngồi bên cạnh không đẹp là hôm sau lên chửi cả lớp te tát. Rồi nghiện danh, nghiện chức quyền nữa. Phấn đấu mãi mà chưa được vào đảng thì chửi tiên sư lũ đảng viên của chi bộ đã làm tao nhục cả làng cả nước. Chưa bảo vệ xong tiến sĩ có người đã in cả ngàn cái cạc về quê rắc như gieo mạ vì sợ người ta không biết mình sắp tiến sĩ. Hết nhiệm kỳ thì người ta cho nghỉ, nhưng ấm ức vì… thấy nhục như con trùng trục.

Mà những điều ấy quý thầy bày tỏ công khai mới làm khổ thân tôi. Tôi không vào đảng, nhục với cả dòng họ tôi. Tôi không chức quyền, nhục với dân với nước tôi. Tôi không hưởng sự “tôn sư trọng đạo” bằng cách ăn nhậu dầm dề với học trò, nhục với học trò tôi. Và kết cục là có lần tôi bị mắng te tát. Đó là lần phản biện hai học viên cao học, chúng đem tới nhà vừa hoa quả vừa cái phong bì. Tôi chỉ nhận hoa quả và kiên quyết trả phong bì. Tối hôm sau trước ngày bảo vệ, có mặt nhiều đồng nghiệp tại quán cafe, tôi bị người hướng dẫn hai học viên đó chỉ mặt nói thẳng thừng, rằng tại sao mày không nhận phong bì, chúng đi học thì phải tốn tiền cũng như mày đi học từng phải tốn tiền. Tôi hiểu cái nghiệp luân hồi đó rồi. Nhưng tôi chỉ biết hớp ly nước thay thuốc chống nhục mà nói, thưa thầy, quý thầy cứ hồn nhiên nhận phong bì, coi như em không nghe không biết không thấy, còn em không thể nhận phong bì của học trò vì em đi học từ cao học đến nghiên cứu sinh, may mắn được quý thầy thương miễn lễ hoàn toàn, không tốn kém như quý thầy ở đây tưởng tượng.

Thầy tôi dạy: “Nhận một phong bì hay túi quà dù lớn cỡ nào cũng không giàu hơn lên mà mất đi sự tôn trọng, thậm chí bị khinh bỉ. Ngược lại, từ chối một phong bì hay túi quà sẽ nhận được kính trọng cả đời”. Tôi làm theo lời thầy và hậu quả là… bị nhiều kẻ thâm thù. Khổ thân tôi…

Bây giờ thì tôi chỉ còn nghiện hai thứ duy nhất: thuốc lá và facebook. Hai món này cũng có hại cho tôi và nhiều người, nhưng tôi lại thấy ít hại hơn những cái nghiện khác. Đành chấp nhận mặt trái mà sống vậy.

Chu Mộng Long

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn