CÁI NƯ - CAO MỴ NHÂN

Thứ Bảy, 09 Tháng Mười Hai 20176:00 SA(Xem: 7679)
CÁI NƯ - CAO MỴ NHÂN
       636483547393810886zzzaaaa

    CÁI NƯ   -   CAO MỴ NHÂN 

 

Ở lứa tuổi "hâm" thôi, tôi đã có 4 đứa con, 2 gái, 2 trai. Sau đó về hưu đẻ, cho tới sau này, lần lượt tuổi trung niên, cao niên ...

Đi từ làm vợ, qua làm mẹ, rồi làm bà nội, ngoại ...

Tôi bước rập khuôn đường trường phức tạp của mẹ chồng tôi, vì mẹ tôi mất khi chưa 40, bấy giờ tôi mới hơn 10 tuổi ...

Do đó, đi lấy chồng, làm dâu, rồi hoàn toàn trưởng thành, tôi có đủ số vốn kinh nghiệm, làm một cồ thái thái như các bà mệ, nhưng không có tiền bảo chứng, để lời "gia huấn ca " được mạ vàng giống các lão bà Trung Hoa phong kiến, có nhiều cơ ngơi điền sản, con cháu nể nang hơn. 

Tôi vốn con nhà " Bắc Kỳ quốc " di cư năm 1954. Đi học, rồi đi làm, một lượt với sanh con đẻ cái, khiến bận rộn liên tục.

Đôi khi còn phải xin phép đức ông xã cho nghỉ phép dài hạn không mang bầu, để được yên thân làm công tác xã hội trong đơn vị. 

Vì thế, tôi tình cờ biết được "cái nư ", một nết đặc biệt, mà chỉ có ngôn ngữ Huế mới diễn tả được hết ý nghĩa của "cái nư " đó. 

 

Cái nư? Tiếng nói rất cũ kỹ trong dân gian, phải nói là dân dã mới đúng. 

Bấy giờ con gái đầu lòng chưa 2 tuổi, mà tôi sắp khai hoa bé gái thứ hai. Trong lúc tôi vẫn đi làm và đi công tác đều đặn luôn. 

Một hôm tôi từ sở vừa về tới nhà, thì nghe tiếng khóc cứ ngặt đi của con gái bé bỏng . ..

Thấy tôi đã làm về, mẹ chồng tôi còn giữ nguyên bộ mặt tức bực, nhưng có dãn ra một chút, bà nói: 

"Mi ngó tề, cái nư của nó, là con tôi, ghê lắm, cả nhà thay phiên nhau dỗ dành nó nín, mà nó khôn chịu nín đó " . 

Tôi vội vàng hỏi mẹ chồng tôi: 

"Dạ cái nư đâu má, để con mang nó, cái nư  hỏi cho ra lẽ, chứ ngày nào nó cũng khóc lóc, tím cả người thế kia, thật khổ..." 

Bà mẹ chồng tôi đang giận cũng phải phì cười: 

Cái nư là cái nết giận hờn, khóc ngặt mãi không nín đó . Tau chán chồng con mi quá, con thì đòi mẹ, chồng thì đòi vợ, mi làm chi, để thằng nớ, là "xã tôi", nó bỏ đi mấy ngày liền không về hè ? 

 

Tôi thất kinh hỏi mẹ chồng tôi sao lạ vậy, tôi có làm chi khác thường đâu, vẫn đi làm, nuôi con, đủ việc nhà vv...sao "xã tôi" lại "làm nư" chớ...

Mẹ chồng tôi háy tôi một cái thật dài, rồi bỏ ra vườn, ngồi trên ghế đá, vê thuốc Cẩm Lệ hút. 

Vỗ về con bé một lúc, nó mới chịu nín . Tức là trẻ con nó có cái ngữ đợi chờ mẹ về thôi, đã quá giờ trông mẹ, ở đây là tôi, nên nó khóc ngất, tím cả mặt, khan đặc cổ, nước mắt nước mũi toàm ngoàm, mồ hôi vã ra ướt cả chân tay...

Hút xong thuốc " rê" ( vê chút thuốc trong mảnh giấy nhỏ xíu mỏng tang ) mẹ chồng tôi vô hỏi : 

" Con Mi nó nín rồi hử, bận sau đi làm mau mau về cho nó khỏi trông, tội lắm con nờ . À còn mi làm chi mà chồng mi đi mô vắng mấy ngày ni ? " 

Trời đất, xã tôi có việc chi nay bè, mai bạn, làm sao tôi dám ồn ào trong ngôi nhà còn đủ cha mẹ anh em chồng chớ? 

 

Tôi quen dần cuộc sống nói là tin chồng 100% , thì không hẳn là đúng, nhưng không làm gì hơn được, cứ phải sinh hoạt theo hoàn cảnh chộn rộn chung của gia đình " tam đại đồng đường ..." lúc nào cũng đông đủ thành viên trong nhà . 

Phụ nữ nào sống trong tình cảnh như tôi mới thông cảm kiểu đại gia đình, là không phải hay bị quên "cái tôi " đi, mà mặc nhiên sống chung trong nhà bình thường như thế . 

Xét ra có mặt lợi mà cũng có mặt không lợi, thí dụ đời sống cá nhân có vẻ được đùm bọc, bảo vệ, an tâm sống dưới mái nhà cũ kỹ, cổ kính...nói về giá trị tinh thần, vật chất thì không đáng kể ...

" Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm " tục ngữ phong dao VN đã in sâu vào tiềm thức tôi, khiến chính tôi không cảm thấy bị o ép hay ...bất lợi bao giờ . 

" Xã tôi " càng an tâm, vì vợ con đã ở trong cái nôi, cái tổ của cả nhà, ông mặc sức ...tung hoành đó đây, không hề sợ hãi tôi có thể rời khỏi mái ấm gia đình bên chồng ra đi, nếu thích hoàn toàn tự do. 

Đã thế, mẹ chồng tôi còn tỏ vẻ trách tôi không chăm sóc "xã tôi" và tiểu gia đình tôi, bằng chứng là đã khiến chồng con tôi làm nư đó tề. 

 

Thượng Đế cho tôi một tâm tính hết sức vô tư và hồn nhiên , anh đừng nói là tôi ngu ngơ không đặt nặng vấn đề tình cảm nhé . 

Chính vì tôi đặt nặng vấn đề tình cảm, rất tin tưởng ở cuộc sống này, nên tôi hay bị vấp váp bởi sự cả tin . 

Theo vị Tư Lệnh của ...tôi xưa, ông vừa hút thuốc lá, vừa bấm bàn phím dương cầm ở một góc phòng khách, khi tôi tới chúc Tết ông bà, vị Tư Lệnh nói rất thiết tha với lẽ sống của đời nhà binh thủa ấy, rằng:

 " Chúng ta sống trong quân ngũ, bất kể cấp bậc nào, phải có tình thương rành rẽ ...vv..." 

Vị Tư Lệnh có vóc dáng khô khan, nhưng khi ông nói ra, và qua mịt mù khói thuốc, sao lời nói của ông có sức mạnh truyền cảm đến thế . 

Vì trong quân ngũ bận rộn, quyết đoán, nên lòng tin tưởng, tình thương đồng đội phải...rành rẽ ...

Tôi cứ loay hoay tìm cái ý nghĩa của câu nói nêu trên ...

À thì ra, nghĩa là những liên hệ tình cảm của lính phải được biểu lộ rõ ràng, để niềm tin được ổn cố giữa huynh đệ chi binh, để cập thời, không khiến chúng ta nghi ngại nhau, không diễn tả được hết ý tình của nhau, sẽ có thể bị bạn lính  " làm nư " trước ý tình trong sáng của mình ...đôi khi hiểu lầm mình, như anh cũng đã hiểu lầm mình đôi lúc đó thôi. 

 

CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn