Tất Thành Cang, Thủ Thiêm, đôi điều chưa nói hết…

Thứ Sáu, 28 Tháng Mười Hai 20186:00 SA(Xem: 6076)
Tất Thành Cang, Thủ Thiêm, đôi điều chưa nói hết…

FB Bạch Hoàn

Ngày 17-4-2018, tôi lần đầu viết về Tất Thành Cang, người hét ra lửa ở một thành phố vốn là đầu tàu kinh tế của đất nước này – TP.HCM. Cang, thời điểm ấy vẫn còn chễm chệ trên chiếc ghế phó Bí thư thường trực thành ủy TP.HCM. Quyền lực ngút trời mà Cang có là nhờ phò tá cho Hai Nhật, tức Lê Thanh Hải, Bí thư thành uỷ TP.HCM. Hải, có thể coi là vua Sài Gòn suốt 10 năm dằng dặc và trước đó là chủ tịch thành phố ấy suốt 5 năm lê thê.

Tất Thành Cang, hôm qua đã bị cắt hết mọi chức vụ. Cánh cửa nhà giam có lẽ cũng đã mở ra, chờ Cang. Vấn đề chỉ còn là thời gian và nó đang được tính bằng ngày.

Tôi không còn tìm thấy cảm giác vui mừng nào, dẫu kẻ bị xử lý là một quan chức lưu manh mạt hạng. Bởi vì, cho đến lúc này, hiện thực thì tan hoang, mà lòng người đã rệu rã mất rồi.

Nhưng, tôi có thể nhìn thấy bên trong mình đang âm ỉ một cảm giác đợi chờ. Thứ tôi chờ là Lê Thanh Hải, là đế chế Hai Nhật.

Bạn tôi là chủ tịch một quỹ đầu tư, am hiểu cả thương trường và chính sự. Ngày tôi đặt bút viết về Cang, anh nói với tôi rằng, phía sau Cang phải nhìn thấy đó là Hải. Hải, có lẽ đó mới là người giàu nhất Việt Nam. Mỗi lần nhìn đống đổ nát của hòn ngọc Viễn Đông và đặt câu hỏi nguồn lực chung đã bị cào cấu, xâu xé và vơ vét ra sao sau những năm tháng Hải đứng trên đỉnh cao quyền lực Sài Gòn, là tôi lại có câu nhận định của mình.

Lê Thanh Hải sẽ là một cái tên mà đi kèm với nó là những câu chuyện dài, đau thương và nhức nhối. Lịch sử rồi sẽ ghi lại. Lịch sử sẽ không bỏ qua bất kỳ một sự kiện nào, bất cứ một vấn đề nào. Nhân dân, đời đời sẽ không tha thứ cho bất cứ kẻ nào đã cướp đi nước mắt và máu, đã cả gan cướp đi cả quá khứ, hiện tại và vứt lại cho những con người khốn cùng những cuộc đời khốn khổ, những cuộc đời không có tương lai.

Sau Tất Thành Cang, tôi chờ đợi cái tên Lê Thanh Hải vì đó không chỉ là vài thanh củi nhóm lò, mà là sự sụp đổ của một đế chế tưởng như vững chãi, được xây dựng bởi chằng chịt các quan hệ và lợi ích.

Ngày nào những đế chế quyền lực chính trị và lợi ích kinh tế như thế vẫn còn tồn tại, vẫn lộng hành, vẫn cắn xé nát bươm mảnh đất này, thì chừng đó dân tộc Việt Nam còn bất hạnh, người dân nước Việt còn lầm than, oan khiên còn chất chồng oán thán. Chỉ khi nó sụp đổ thì đất nước mới có hi vọng được đứng lên.

Viết đến đây lại nhớ đến một người góp công đưa Cang lên đoạn đầu đài. Nguyễn Tường Minh là người cũng có nhiều dư luận ồn ào giống tôi. Tôi không biết về các vụ việc khác, nhưng riêng việc góp sức đưa Cang vào lo, nhóm ngọn lửa mon men tới chân Lê Thanh Hải, thì không thể phủ nhận những nỗ lực của Minh. Tôi là người vẫn luôn cháy vì những khao khát tự bên trong mình. Nhưng gặp Minh tôi còn thấy anh hừng hực hơn mình.

Ngày 15-4, tôi viết về Cang là vì lời tha thiết của Minh. Anh chiến đấu với Cang từ đầu tháng 4, trước tôi gần hai tuần, là người đầu tiên và cũng đeo bám nhất. Đó là thời điểm Cang vẫn còn dư thừa quyền lực, nghênh nghênh ngang ngang trong đế chế của bè lũ mình.

Chúng ta cần thừa nhận với nhau rằng, đế chế Hai Nhật cần phải đập bỏ, người dân Thủ Thiêm cần được trả lại sự công bằng.

Hơn ai hết, tôi biết anh Minh phải chịu đựng ra sao trong cuộc chiến mang tên Sáu Cang và Thủ Thiêm. Chính tôi khi về với dân Thủ Thiêm, hành trang mang theo trong mình không một chút gợn, ngoài một tấm lòng. Người dân ở đó gặp tôi, nhìn thấy tôi, cười với tôi, khóc với tôi, nắm tay tôi, ôm tôi. Mỗi lần đến miền đất đầy máu ấy, tôi đều không ngăn được nước mắt của mình. Tôi ước giá như mình giỏi giang hơn, giá như mình không phải nhà báo tầm thường, kém cỏi, giá như mình là một chính trị gia để ấp ôm vào lòng những nỗi đau và oan trái ấy.

Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, nước mắt không có lỗi. Khao khát sống là một con người, day dứt với chuyện xã hội, rơi nước mắt trước ngổn ngang cuộc đời người khác, không bao giờ là xấu xa và tuyệt đối không phải là lỗi để bị lên án, bỉ bai, để cộng đồng gạch đá.

Giống như vài ngày trước, tôi bị rêu rao, bịa đặt rằng tôi về Thủ Thiêm để kiếm ăn, Minh cũng bị khốn khổ vì đế chế Hai Nhật – Sáu Cang. Anh bị doạ rút thẻ nhà báo, bị gây sức ép phải hạ bài, bị doạ giết. Lúc ấy, anh Minh gọi cho tôi, đề nghị tôi đồng hành và tôi đã tham gia từ dạo ấy.

Các anh chị không bao giờ có thể biết hết được, người cầm bút đấu tranh với cái xấu, cái ác trong xã hội này mệt mỏi và mất mát đến nhường nào. Mọi người cũng không biết, khi bài viết đăng lên, doanh nghiệp tìm đến Minh để được giải thích, anh Minh đề nghị phải giữ lại giáo xứ Thủ Thiêm, tránh khu đất ấy ra.

Những người như anh Minh, như tôi chưa từng biết đến cảm giác sợ hãi. Nhưng, ai cũng sẽ nản lòng khi mình lao tâm khổ tứ, quay quắt toan lo cho cái chung, mà cộng đồng ấy đáp lại mình toàn rác rưởi.

Quan tâm chính sự và thời cuộc, hầu hết chúng ta đều mong bình minh cho đất nước Việt Nam. Nhưng, nếu chúng ta dư thừa ích kỉ và thiếu thốn niềm tin để đồng hành cùng nhau, thì sẽ chẳng có ngọn lửa nào cháy được đến chân thành, thì đen – đỏ vẫn cứ bắt tay nhau vơ vét và thứ rơi rớt lại cho nhân dân, như tôi từng nói, chỉ còn là mênh mông những tăm tối mà thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn