“Và bây giờ hãy gọi chú chó lên,”

Thứ Bảy, 29 Tháng Mười Hai 201811:00 SA(Xem: 7727)
“Và bây giờ hãy gọi chú chó lên,”

“Và bây giờ hãy gọi chú chó lên,” Thẩm phán Edward Kimball yêu cầu với nhân viên chấp trách.

Ông ấy không cười khi nói ra câu ấy, cũng không ngần ngại. Thẩm phán Kimball là một người nghiêm túc – tốt nghiệp trường Đại học George Washington và Trường Luật Harvard, được Tổng thống Wilson chỉ định tới tòa án Quận Columbia (D.C.) năm 1914. Ông là một thẩm phán rất được kính trọng tại D.C. Vậy tại sao ông ấy lại gọi một chú chó lên bục nhân chứng?

Đây là một vụ án về tranh chấp thú cưng. Nguyên đơn là Thiếu tướng Eli Helmick, nói rằng chú chó có tên Buddy, được ông mua về năm 1920 từ Brockway Kennels ở Baldwin, Kansas, nơi trước đó đã chào bán 75 chú chó “Eskimo màu trắng, thông minh, rậm lông và xinh đẹp.”

8334
Một chú chó giống Eskimo trắng (Ảnh: Shutterstock)

Gia đình đã nuôi chú chó trong gần 2 năm, cho tới một ngày tháng 11 năm 1921, chú đột nhiên biến mất. Vài tháng sau, bà Florence Helmick đến thăm tiệm bán mũ của Keeley Morse, nơi bà được một chú chó trắng như bông thân thiện chào đón. Bà Florence khăng khăng cho rằng đó là Buddy của mình. Bà đòi Morse trả lại chú chó. Khi ông ấy từ chối trả lại con chó mà ông gọi là Prince, nhà Helmick đã kiện ra tòa.

Động vật và luật pháp đã có quan hệ với nhau kể từ ngày Bộ luật cổ xưa Hammurabi ra đời, “Nếu một con bò húc chết một người tự do, thì người chủ sẽ phải trả 1/2 Mina tiền phạt.” Xuyên suốt thời kỳ Trung cổ, các bộ luật tương tự đã được xây dựng để quản lý vật nuôi như một loại tài sản, và tòa án thậm chí còn trừng phạt những con vật bị cáo buộc làm tổn thương con người.

Tuy nhiên tới những năm 1860, luật pháp bắt đầu xem thú cưng khác với gia súc. Ngày 12/4/1867, dưới sự vận động của Hiệp hội Ngăn chặn Đối xử Độc ác với Động vật Mỹ, cơ quan lập pháp New York đã thông qua một bộ luật “để ngăn ngừa hiệu quả hơn sự độc ác với động vật.” Bộ luật này ngăn cấm các hành vi “làm tổn thương” không cần thiết và cấm đá gà và chọi chó. Luật này đã định ra một khuôn khổ pháp lý cho thú cưng, giờ chúng được bảo vệ khỏi những màn bạo lực không cần thiết và được xem là một tài sản hợp pháp của người chủ sở hữu.

Tuy nhiên, “không có một sự khác biệt nào giữa một vật nuôi và bất kỳ một tài sản cá nhân vô tri vô giác nào khác,” theo Tabby McLain, một luật sư chuyên về các vụ kiện sở hữu động vật. Khi một người chủ sở hữu vật nuôi kiện ai đó để giành lại quyền sỡ hữu một con vật, các thẩm phán sẽ xem nó tương tự như bất kỳ tài sản nào khác: lịch sử mua bán, giá trị tài sản, cũng như các chi phí phải bỏ ra để chăm sóc nó. Nhưng điều này bắt đầu thay đổi khi các bang của Mỹ thông qua luật yêu cầu phải xét đến sự hạnh phúc của thú cưng trong quá trình ra quyết định – một nỗ lực để đối xử với vật nuôi trong phòng xử án với sự trọng thị mà chúng ta dành cho chúng ở những hoàn cảnh khác, nguồn gốc của việc này chính bắt đầu từ ngày mà chú chó Buddy/Price được gọi tới làm nhân chứng.

Quay trở lại vụ xử án…

Sau khi mua Buddy từ những người chuyên bán chó tại Kansas, nhà Helmick đã đưa chú chó Eskimo của mình tới một buổi biểu diễn, nơi nó giành được 3 giải ruy-băng xanh. Tướng Helmick nói tại phiên tòa rằng ngày 6/11/1921, ông phải đi công tác tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Và sau khi ông trở về, chú chó đã biến mất.

Gia đình đã đăng thông báo tìm-chó-lạc trên các tờ báo địa phương và dán áp phích tại nhiều vị trí, nhưng họ không nhận được hồi âm nào – cho đến khi bà Helmick nhìn thấy chú chó ở tiệm mũ của Morse. Bà nhận ra chú chó ngay lập tức “với đôi mắt cực kỳ sáng của nó; với mũi màu nâu của nó; với một dải sậm màu trên lưng, nơi lông nó dựng thẳng đứng lên.”

(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Khi Morse khăng khăng cho rằng con chó là của mình, Tướng Helmick đã viện đến pháp luật để Morse phải bị bắt. Khi Thanh tra Bradley tới tiệm bán mũ, ông không tài nào quyết định được xem ai sở hữu con chó, nên đã quyết định nhốt nó vào lồng. Thay vì theo đuổi một vụ kiện hình sự với Morse, tướng Helmick đã theo lời khuyên của luật sư gia đình và nộp một lệnh hoàn trả đồ – một yêu cầu pháp lý nhằm thu hồi lại các tài sản “bị lưu giữ sai trái.”

Khi vụ kiện đến tay Thẩm phán Kimball, tướng Helmick cố gắng chứng minh quyền sở hữu chú chó mà ông gọi là Buddy thông qua các bức ảnh và lịch sử mua bán. Ông trình diện cho tòa tờ biên nhận và còn đưa ra thêm các bằng chứng chứng minh huyết thống của con chó. Lý lẽ của ông khá thuyết phục, nhưng Morse lập luận rằng người sở hữu Buddy là ai không quan trọng, vì con chó này là một con chó khác.

Morse nói ông mua Prince ngày 24/10, trước khi Buddy bị thất lạc, với giá 62 hoặc 72 USD, ông không thể nhớ chính xác – tại góc đường giữa Phố 34 và Đại lộ số 5 của New York, không xa Trạm tàu điện Penn. Ông không có biên nhận, nhưng lại mang đến 4 nhân chứng chứng minh con chó ở trong tiệm của ông trước ngày 6/11. Các nhân chứng khác nói rằng con chó dường như khá hạnh phúc tại đây.

Morse nghi ngờ tờ chứng nhận đi kèm với các giải thưởng ruy băng xanh mà vị tướng đưa ra, theo đó các giám khảo của cuộc thi đã tái chứng nhận Buddy thuộc giống Samoyed (một giống chó vùng Siberia của Nga) chứ không phải một con Eskimo. Prince của ông đều không phải hai loài này, vì nó là một con chó lai bình thường thôi.

Morse đã mời tới phiên toàn một chuyên gia để chứng minh rằng con chó này “không phải là một con chó Eskimo mà chỉ là một con chó thôi,” nghĩa là nó chỉ là một con chó lai bình thường. Vị chuyên gia tới và nói, mặc dù “mắt sáng là đặc trưng của chó Eskimo, nhưng mũi màu nâu và sự đổi màu trên lưng là đặc điểm phổ biến của dòng chó lai loại này; các con chó lai có mũi màu nâu là rất phổ biến, trong khi chó thuần chủng có mũi màu đen; và đám lông dựng đứng trên lưng là bình thường ở các con chó Eskimo lai.”

Quan tòa rất bối rối. Không có cách khác nào để giải quyết vụ việc hóc búa này, Thẩm phán Kimball đã viện tới một biện pháp sau này đã trở thành cảm hứng cho điện ảnh và các cuốn sách: Ông đã mời chú chó lên làm chứng. Các nhân viên chấp trách của tòa rất phấn khích và dắt chú chó lên bục làm chứng. Họ không thúc giục con chó phải thề thốt gì cả, và có muốn cũng không làm được. Vì gần như ngay lập tức, con chó nhảy ra khỏi ghế.

Tờ Washington Times viết, “Chú chó quay đầu và vẫy đuôi nhảy tới ghế của bà Helmick.” Hành động này còn hơn ngàn vạn lời nói. Khi được gia đình Helmick chào mừng với cái tên Buddy, chú chó “nồng nhiệt vẫy đuôi rất vui vẻ.”

Thẩm phán Kimball không cần thêm lời làm chứng nào nữa. Ông ngay lập tức trao chú chó lại cho nhà Helmick.

Vụ kiện giữa Helmick và Morse là lần đầu tiên sách vở ghi chép lại việc một thẩm phán trao cho một vật nuôi quyền làm chứng. Dưới sự vận động của các nhà bảo vệ động vật, lập luận rằng vật nuôi nên được hưởng trạng thái đặc biệt, luật pháp đã bắt đầu thay đổi. Trong cơn bão Katrina, một số thẩm phán đã cho phép xem xét tiếng phản hồi của vật nuôi khi được gọi tên để quyết định quyền sở hữu.

Năm 2016, các nhà lập pháp ở Alaska đã điều chỉnh các quy định về kết hôn và ly hôn trong đó có đề cập tới thú nuôi, ví dụ như quan tòa nên “xem xét đến sự hạnh phúc của con vật.”

Illinois và California cũng đã tiếp bước vào năm ngoái với các điều khoản luật định tương tự. Mặc dù các động vật không có quyền dân sự, nhưng các tòa án hiện nay đang bắt đầu công nhận những gì mà Thẩm phán Kimball đã nhận ra bằng bản năng từ năm 1922: Thú nuôi là một dạng tài sản đặc biệt với cảm xúc của riêng chúng.

Vậy điều gì đã xảy ra với Keeley Morse tội nghiệp? Sau khi Prince bị đem đi, Morse đã nộp một đơn yêu cầu thẩm phán xem xét lại một số chứng cứ, đáng chú ý nhất là chuyến công tác tại Nghĩa trang Arlington thực ra diễn ra 5 ngày sau ngày 6/11. Luật sư của ông ấy kháng cáo lên tòa cao hơn, nhưng câu trả lời đã bị trôi vào quên lãng.

Cuối tháng 11 năm 1922, Morse nợ gần 7.000 đôla và phá sản. Một thông cáo trên tờ Washingtons viết “người được ủy quyền sẽ bán dưới hình thức đấu giá đại chúng… ngày 14 tháng 12 năm 1922, những chiếc mũ cho các quý bà, vành mũ, cột trưng bày, bàn trang điểm, bản thủy tinh…” Ông ấy đã mất mọi thứ, và cả con chó của mình.

Theo Narratively
Quốc Hùng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn