TIẾNG ĐÀN BẦU - CAO MỴ NHÂN

Thứ Bảy, 24 Tháng Mười Một 201810:00 SA(Xem: 5178)
TIẾNG ĐÀN BẦU - CAO MỴ NHÂN
636784473312733650zzza

TIẾNG ĐÀN BẦU   -    CAO MỴ NHÂN 

 

Chúng tôi có 2 bà cô: Bà cô lớn là chị của ba tôi, ngoài bắc kêu là bác, cứ vai trên bố mẹ thì gọi bác, và bà cô nhỏ tức em của ba tôi, nên vẫn được kêu bằng cô, trẻ trung, đỏm đáng . Hai bà cô ấy chia nhau 2 cái tên : Hải Yến, Hải Âu, vì có thời ông nội tôi làm việc cho Tây, nên có dịp đi ngang Ninh Bình, lênh đênh trên tầu " nghỉ mát " quanh vịnh Hạ Long...ra tận những bờ biển hoang vu, chụp hình những đàn chim biển ...

Khoảng hai mươi năm đầu thế kỷ thứ 20 ( 100 năm trước ) . 

Bà cô Hải Yến lấy chồng ở làng Yên ven sông Hồng. Bà cô Hải Âu lấy chồng làng Sở, ngoại thành Hà Nội, gần nhà ông nội tôi . 

Tôi cũng có dịp ở cùng cha mẹ, anh chị tôi ngay trong ngôi nhà của ông nội, làng Sở, vào 2 dịp rất ngắn hạn: 

Lần đầu, là từ lâm nguyên Chapa về châu thổ sông Hồng Hà, để ba tôi đưa ông nội tôi đi tản cư sau 1945 gì đó. 

Lần sau, là rời nhà ông nội tôi ở làng Sở, ra Hà Nội, rồi xuống Hải Phòng, năm 1948, để ba tôi làm việc trong phi trường Cát Bi mấy năm, rồi di cư vào nam, chuyến bay duy nhất chỉ có 2 gia đình vô sân bay Tân Sơn Nhứt ngày 25 tháng 9 năm 1954. 

Chuyến máy bay quân sự C46 hay C47, chở 2 gia đình, nên rộng thênh thang, trong lúc đồng bào phải đi những chuyến tầu thủy " há mồm " chen chúc mấy ngày, thì gia đình ba tôi và gia đình ông Ngoạn đi trong khoảng 10 tiếng đồng hồ đã tới " Saigon". Chúng tôi được ở ngay trong phi trường, cư xá Nha Căn Cứ Hàng Không Tân Sơn Nhứt.  

Cuộc chia tay Bắc Nam xẩy ra trong đại gia dình ba tôi gần như trong chớp nhoáng, là vì sự kiện quý vị sẽ không ngạc nhiên. 

Bấy giờ ông nội tôi đã mất sau khi gia đình ba tôi  xuống Hải 

Phòng một năm, ông nội tôi thọ 75 tuổi . 

Vài năm sau đại tang ông nội tôi, là mẹ tôi ngã bịnh, rồi mệnh chung lúc mới 40 tuổi. 

Tôi vẫn chưa đi vào vấn đề sự ra đi tức tưởi của nhà ba tôi và chiếc máy bay rộng rinh đó. 

Số là người Pháp thuộc Phi trường Cát Bi ấy, tưởng  ba tôi và ông kia phải dọn cả cái nhà đi, trong lúc mỗi người trong nhà chỉ mang một túi xách ... 

Trong khi chờ đợi chuyến đi đó, ba tôi liên tiếp phải gần như trốn tránh những anh chị em và các cháu đã lớn, để nghe " tuyên truyền " ở lại. 

Mặt khác để giữ kín tới mức tối đa, ba tôi đã không bán hay cho những đồ đạc trong nhà như sập gụ, tủ chè, salon, bàn ghế tủ giường vv... 

Thậm chí cái nhà đúc tuy 2 tầng thôi song thật đẹp, rộng, nội cái ban công trên lầu một, chị em tôi vẫn nhẩy dây chơi mỗi buổi chiều ...

Thế nên, buổi sáng hôm ra đi, trời còn tối mò, chiếc xe dodge 

tới đón, cả nhà ra xe, ba tôi khoá cửa lại, xe chuyển bánh, tôi còn nhìn rõ số nhà 112 A  đại lộ Lê Lợi, tức phố Tám Gian, đó là đường của nhà đại phú hộ thời Tây tên tuổi của xã hội VN đầu thế kỷ 20: đại địa chủ Bạch Thái Bưởi .  

Ngồi trên máy bay, ba tôi cứ nhìn lại đằng sau, lại suýt soa, như là đẫm giọt lệ trong giọng nói: " Tội nghiệp con Âu quá" . Con Âu là cô Hải Âu em út của ba tôi. 

Chẳng ai hỏi, ba tôi cũng nói lầm bầm một mình: " Thôi 2 ông Chánh, Sum, chú Hoán, và bà Yến, tức bà cô lớn tên Hải Yến nêu trên, thì an phận rồi, chỉ con Âu thôi, nó cứ chết vì cái đàn bầu thằng Thạc đó . 

À, té ra, sau này tôi mới hiểu cô Hải Âu có chồng là chú Thạc, người chơi đàn bầu lừng danh thôn xóm ba làng ...

Hèn chi, tôi nhớ ra rồi, năm ấy, ông nội tôi sai tôi qua nhà cô Âu kêu cô ấy sang ông nội có chuyện nhờ ...

Cô không qua, còn tị nạnh là sao ông nội tôi không kêu bác Hải Yến, chị cô, mà lại " cái gì cũng Hải Âu, Hải Âu cái gì, mày , là tôi, về thưa với ông nội, là cô còn phải nghe mấy  bài đàn của  chú Thạc, ông kêu bác Yến đi " 

Tôi về  thưa với ông y như vậy, ông nội tôi săm săm rút cây gậy ra, định qua nhà cô Âu tôi để hỏi tội, thì ba tôi ngăn lại: 

"Thôi ông, mặc nó đi, đàn bầu mà cất lên, thì con, là ba tôi, cũng chết lịm, chứ đừng nói nó mê đàn bầu quá" 

Ông nội tôi dừng bước, lắc đầu : " Đàn bầu mà gẩy tai trâu , làm thân con gái chớ mê đàn bầu " . 

Tới bây giờ tôi lại buồn cười, là sao ông nội tôi không nói thơ vè cho đúng vần nhỉ: " Đàn bầu mà gẩy tai trâu, làm thân con gái đàn bầu chớ mê" mới vần chớ . 

Thế là cả đại gia đình ba tôi, chỉ có ba tôi vô nam, còn toàn bộ chú bác cô dì ở lại.  

Thời gian đầu ở miền nam, ba tôi cứ mở cái chương trình cổ nhạc Bắc phần ra nghe, những nghệ nhân danh ca  chèo cổ như quý bà Kim Bảng, Huệ Đăng  vv...hát theo tiếng sáo chơi  vơi, và nhất là tiếng đàn bầu réo rắt...

Âm điệu đàn bầu cứ đồng vọng vang xa, lênh đênh...ba tôi lại thở dài thương cô em út quá . 

Thoạt đầu, người ta nghe tiếng độc huyền cầm, đàn bầu một giây thì buồn,lại có vẻ quê quê, đã thế còn thêm tiếng nhị hồ tức  đàn nhị hai giây, thì tưởng như bát âm kèn đám ma...sau ai muốn nghe chi mặc họ . 

Tới khi đàn bầu đã trở thành một thứ âm nhạc không chứng minh đồng đều cho cả người búng giây tơ đàn đó, lẫn người bầy tỏ nỗi đam mê, đàn bầu đã như một chuỗi khổ đau bi lụy còn hơn cả hồ lệ vơi đầy...

Bây giờ ta hãy tạm gạt lời lẽ trong các bài nhạc đi, ta chỉ cần nghe tiếng đàn bầu vẳng lên, không cần phải trong khung cảnh đêm hôm khuya khoắt nữa, mà giữa ban ngày cũng được, của một nhạc công thôi cũng đủ. 

Giống như chú Thạc của cô Hải Âu tôi, quý vị dạo bản nhạc buồn Giọt Mưa Thu của nhạc sĩ  Đặng Thế Phong, quý vị mới thấy cái ma lực của độc huyền quái đản.  

Tôi đã gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ở buổi tưởng niệm danh tướng Trần Quang Khải, tại một nhà tư họ Trần, những người khách của dòng họ Trần hôm ấy, đều nghe nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ghé sát vào tai cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, nói : 

" Con là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tác giả bài Dư Âm đấy ạ" cụ Á Nam gật đầu hỏi bài Dư Âm gì " ? 

Tức là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vốn viết nhạc cho quần chúng lao động, hát kiểu ca tụng cấy cày vv...rút cuộc cũng phải nhận chỉ có nhạc bản " Dư Âm" tiểu tư sản của ông là được đông đảo các giới thưởng thức, nên ông phải xài " Dư Âm" làm vốn liếng để đời . 

 Cô chủ nhà (vốn là con dòng sau của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải), là bạn tôi, giới thiệu : " nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ở cách nhà cô " mấy nhà, đường Lê Quốc Hưng Khánh Hội, có dạy Piano, và cho thuê đàn theo giờ .  

Chiến tranh VN là tổng hợp những gì mâu thuẫn nhất, hay nôm na là những gì khó nói nhất, vì nói cách nào cũng không đúng, sai lạc nhiều...

Hai phe lâm chiến đã rõ ràng là chiến đấu vì ý thức hệ giữa Quốc Gia Tự Do và Cộng Sản vô thần, vô tổ quốc . 

Thứ chiến tranh vừa hiện đại bởi trăm mác vũ khí văn minh mới cũ của các nước lớn, đem tới thí nghiệm xem thử mức độ tàn sát thế nào.  

Mà, cũng vừa thủ công với hàng trăm thứ nhạc cụ tinh xảo và thô sơ của hầu hết các dân tộc biết xử dụng âm thanh, tưởng như lời ước hẹn thiết tha cùng hoà bình tắc nghẹn, xa vời. 

Đặc biệt tôi chỉ nói về đàn ca, loại vũ khí nhẹ nhàng, dịu dàng nhưng sức công phá của tiếng ngọc, lời châu ...đôi khi lại suy sụp cả một thành trì, lung lạc cả một học thuyết.

Vì thế cho nên nhìn lại nền âm nhạc VN đã như thể hiện tính chất phản kháng êm đềm, ta không cổ suý nhạc khí đông tây phương tranh luận, mà còn hoà hợp, uyển chuyển, giàn hoà tấu nào dù Tây tới đâu, Ta cũng đưa vào được những tranh, tỳ, nhị , nguyệt, sáo, bầu .  

Chỉ cần nghe trọn khúc quân hành cổ điển Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương, mà mấy chục năm nay, các nhạc sư như Nguyễn Hữu Ba, Trần Văn Khê hoà, chỉ cần 3 món dạo chơi trong vườn âm thanh là đàn tranh, đàn bầu và sáo trúc đã quên chết, chưa kể trống kèn tế lễ, thì ôi thôi, chiến sĩ có qua Man Khê dự cuộc tiễn rượu, chưa tàn đã vội thúc quân lên đường phá Tống bình Chiêm rồi ...

Tiếng đàn bầu, mỗi lúc mỗi huyễn hoặc, huyền bí hơn. 

Chiếc bầu, thanh trúc, giây tơ vv...xưa, đã được dân tộc ta nâng cấp lên hàng tinh xảo...Quả bầu, ống bầu nay đã thay áo mới bằng gỗ quý, chạm trổ, cẩn sa cừ, giây đàn cũng nghệ thuật hoá bởi các khí cụ tây phương dàn trải ...

Chưa kể đàn bầu nay đã có hộp hay thùng đàn, có khăn nhung, gấm phủ lả lơi quyến rũ mà vẫn phong lưu quý tộc, như được sinh ra ở chốn quan quyền, không phải chất phác , chân phương, khổ hạnh vv...như cây đàn bầu quê mùa, cổ lỗ của chú Thạc, chồng cô Hải Âu của tôi, nơi làng Sở buồn phiền, lạc hậu thủa xa xưa nữa ...

 

CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn