Ngu như bò

Thứ Tư, 14 Tháng Mười Một 20183:30 SA(Xem: 7142)
Ngu như bò

Những người mới gặp hoặc không thân thiết thường khen rằng ngoài sự dịu dàng, xinh đẹp ra thì tôi còn rất thông minh và hài hước, thiệt ra, tôi còn rất thật thà. Nhưng những người thân hoặc hay gặp gỡ sẽ có suy nghĩ ngược lại, có lẽ do “Bụt chùa nhà không thiêng”? Ngoài lo lắng trước những câu hỏi và quyết định của tôi, những người bạn đáng kính luôn trao cho tôi những biệt danh rất đáng yêu, đa số những biệt danh đó đều liên quan đến một loài vật rất thân thiện, đó là bò. Lúc đầu, tôi tưởng họ nghĩ tôi… ngon như thịt bò (vì tôi rất thích ăn thịt bò), nhưng sau bao ngày tìm hiểu tôi mới biết, thì ra ý họ rằng. Tôi, ngu – như – bò!

ngu-nhu-bo4
Một chú bò có khi là tài sản của cả gia đình – từ facebook Trần Lê Duyên

Khi tôi google lý do ra đời của câu nói “ngu như bò” thì có một câu chuyện hiện lên ở rất nhiều trang web, được người ta “mặc định” là sự tích của câu nói trên. Chuyện kể về một con bò nghe câu chuyện vui nhưng qua ngày hôm sau mới chịu… cười. Còn tại sao nhân vật chính trong truyện là bò mà không phải heo, chó, mèo, hay là… người? Có lẽ nhìn mặt con bò không được sáng sủa, tướng tá không nhanh nhẹn như những con vật khác mà lúc nào cũng chậm chạp, đủng đỉnh? Hơn nữa có thể do bò cũng rất hiền, hiền quá thì cũng thường bị coi là… ngu? Những phẩm tính “cao đẹp” đó hình như tôi cũng có. Vì thế nên nhiều người cũng thấy tôi như… bò?

Cũng có thể con người sanh ra vốn đã có “xích mích” với loài bò? Không những uống sữa bò, ăn thịt bò, bóc lột sức lao động của bò trong việc đồng áng mà còn “chế” riêng câu “ngu như bò” cho cái sự bò của loài người. Vậy còn chưa thỏa mãn, người ta còn lôi cái sự… bò của loài bò vào văn học lẫn âm nhạc. Ví dụ, Việt Nam thì có “đàn bò vào thành phố” (trong bài Du Mục, của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) tả cái sự bò của đàn… người xông vào thành phố,  còn nước ngoài thì có “Ngày xưa có một con bò” của tác giả Camilo Cruz thì tả cái sự bò của con người khi giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Đã thế còn chưa thỏa mãn, thế là họ tiếp tục mang bò ra so với… tôi. Một kẻ không có… sữa để vắt, không có thịt để ăn (toàn mỡ), không có sức để bóc lột, thậm chí, còn thấy vui khi được so độ ngu với bò. Cũng chưa chắc, ai hơn ai đâu!

ngu-nhu-bo3
Chú bò “quy y” – hình từ clip youtube

Thiệt ra, có nhiều lý do khiến tôi không hề trách cứ mà còn rất vui vẻ nhận biệt danh bò. Tôi tin chỉ do mình sanh chưa đúng thời, đúng nơi mà thôi! Chớ nếu sanh sớm vài… chục/vài trăm năm hoặc vài chục/vài trăm cây số thì chắc không ai nỡ đem con bò so với tôi. Nói đâu xa, bạn chỉ cần đi xuống mấy vùng quê nghèo, sẽ biết người ta quý bò cỡ nào. Nếu là ở nơi đó, người nào so sánh bạn với bò thì bạn hãy hạnh phúc mỉm cười và tin rằng họ xem bạn là cả một gia tài.

Có lần tôi đi Phan Rang với nhóm bạn làm thiện nguyện, đến nhiều làng ở vùng cao nơi đó để khảo sát “tiền trạm” trước rồi về chuẩn bị quà tặng mọi người. Mới biết có nhiều làng sống nhờ chăn bò mướn và đốt rẫy đem than xuống… đất bán. Than thì bán không bao nhiêu và rẫy cũng đâu còn hoài để đốt, nên chăn bò vẫn là “nghề hot” ở nơi này. Từ đó mà rất nhiều câu chuyện buồn liên quan đến… bò “mọc” lên ở đây.  Không hề có câu “ngu như bò” mà vị trí của con bò trong các câu chuyện ấy luôn rất cao, giá trị của chúng là nguyên nhân gây ra những cái buồn trong chuyện. Bò càng béo tốt thì con người ở đây da càng đen sạm, càng ốm o gầy mòn. Có nhiều gia đình nửa đêm phải trốn đi vì lỡ làm mất bò của người ta, không có tiền đền. Có câu chuyện làm tôi ray rứt mãi: một nhà ba người khi đang đi trốn, ra tới lộ lớn thì đứa con nhỏ chạy ra đường, ba mẹ chạy theo, thế là cả gia đình chết dưới bánh xe vì một con bò. Rồi khi đi miền Trung tôi mới biết, những đợt thiên tai, bò sẽ là ưu tiên hàng đầu trong vấn đề “di tản” tránh lũ, lụt, bão táp… của những gia đình dân nghèo. Có khi lũ đến đột ngột, người thì ở dưới hì hục dọn đồ, còn lũ bò thì ngạo nghễ đứng ở trên gác/trên nóc nhà nhìn xuống đầy khinh thường. Rất nhiều người miền Trung không chết vì lũ mà tự tử vì đàn bò bị lũ cuốn đi, cuốn hết tiền ăn, tiền học, tiền này nọ của cả đại gia đình. Hoặc chết vì đi tìm bò nhà mình sau lũ, lộn bò/giành bò, đánh nhau. Thế là… chết! Vẫn là do những con bò.

ngu-nhu-bo2
Chú bò vô vọng – hình từ Tuổi Trẻ

Tôi không biết tâm tính mình có vặn vẹo, biến thái hay không mà mỗi lần đến những vùng quê mà cuộc sống con người gắn với bò, nghe những câu chuyện tương tự như trên xong tôi nghĩ ngay đến mấy người hay gọi tôi là… bò. Thầm ước họ có thể ở đây vài ngày để hiểu giá trị của bò mà ngưng xúc phạm chúng. Thiệt ra, cũng không cần họ phải chăn bò mới ngưng xúc phạm bò. Con người rất mâu thuẫn, khi cảm thấy cần thì họ sẽ bỏ mặc mọi thứ để tôn vinh loài bò không cần suy xét. Và ngay sau đó, họ lại tiếp tục nói câu “ngu như bò” cũng chẳng hề suy xét.

Ở Bình Chánh, 2011, hơn 100 sư thầy, tăng, ni của một ngôi chùa đã làm lễ quy y cho một con… bò. Vì, khi người ta dắt nó đi lò mổ, ngang ngôi chùa đó con bò kia  không chịu đi nữa. Mặc dầu người thương lái dùng đòn roi, kể cả huy động xe đến để đưa con bò lên và chở đi nhưng bất thành. Ở trong chùa, các sư đang làm lễ hay sự việc nên chạy ra xem sự tình. Nhiều người tin là, con bò “ngộ đạo” nên muốn được “quy y” nơi cửa Phật. Cao Tăng trong chùa thấy thế liền dắt con bò vào trong để chuẩn bị làm lễ “quy y tam bảo” cho con bò. Mọi người cho rằng: Nếu con bò được “quy y” thì kiếp sau sẽ được đầu thai làm người trên cõi trần. Cũng rất nhiều người khen con bò kia… thông minh, biết ngừng ở đó sẽ không chết ngay. Câu chuyện này cũng ồn ào nhiều năm. Rồi mùa lũ 2016 ở miền Trung, trên các trang mạng xã hội. Người ta chuyền tay nhau bức ảnh về một con bò, được chủ nuôi treo đầu cao khỏi mặt nước để không chết chìm, nhưng nước thì đã ngập gần đến mũi. Bên cạnh bức ảnh được lưu truyền là hàng ngàn câu chuyện, cảm nhận rất “thương tâm” và đau xót về sự tuyệt vọng của nạn nhân vùng lũ qua đôi mắt tuyệt vọng của chú bò. Một đôi mắt biết tuyệt vọng làm sao có thể là một đôi mắt ngu được? Thế mà, sau đó, lũ đi qua, người ta vẫn tiếp tục nói câu “ngu như bò” mà quên mất tiêu họ từng tả về sự tuyệt vọng trong mắt một con bò bằng những câu chữ sống động, như… thật đến cỡ nào. Và, như thường lệ. Trong những người viết về đôi mắt “vô vọng” kia, không ít người đã thân thiết khen tôi “ngu như bò”.

ngu-nhu-bo1
Con kênh 200 triệu nổi tiếng sau cú ngã của chú bò – từ Dân Trí

Cuộc sống mà, đâu ai có thể đòi hỏi được sự công bằng, tôi nghĩ những chú bò cũng không hy vọng như thế! Nhưng cũng không ai hy vọng mình bị nhìn sai mãi như thế, nên các chú bò không ít lần đứng lên khẳng định bản thân khiến cho loài người phải giật mình suy xét. Gần đây nhất, chỉ với một cú… trượt chân qua “con đê đầu làng”, chú bò đáng mến ở Bình Định đã lỡ… chân nổi tiếng. Chuyện là một buổi sáng đầu tháng 11 năm 2018, trong lúc đang tung ta tung tăng ăn cỏ uống nước, thì bò ta nhìn thấy cái kênh. Con kênh này làm từ 2013, gồm hơn 200 thanh chắn bằng bê tông trị giá 900 triệu đồng được công ty Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh Bình Định làm chủ công trình, mà khai thác thủy lợi thì ngoài nhà nước còn ai có quyền đó? Vì tin tưởng vào quyết định của đảng và nhà nước nên bạn bò cũng tin vào chất lượng của mấy cây bê tông bắt qua kênh này, chú ta bèn nhảy qua bờ bên kia. Trong lòng không ngừng ỷ y nếu có té thì không thể rớt xuống kênh được, đã có mấy cái thanh chắn đỡ cho mình. Sự thật cho biết rằng “đừng tin những gì chúng nó nói…”, bạn bò đáng thương bị té sấp mặt, ngoài ra còn bị cọc bê tông bị gãy đâm đau điếng. Rất may, bên trong bê tông là gỗ chứ nếu là thép thì bò ta chắc cũng lên… mâm (nhưng bê tông cốt thép thì làm sao dễ gãy như vậy?). Thật may cho bò và lại không may cho… nhà nước. Không may cho nhà nước thì lại không may cho ông giám đốc công trình. Thế là câu chuyện bê tông cốt gỗ lại một lần nữa râm ran trên mạng xã hội (vì đã rất nhiều lần, các công trình thuộc diện công, đầu tư hàng tỷ vẫn lộ ra là bên trong cốt tre, cốt gỗ, có khi không có cốt). Khi sự việc gây ồn ào, ông giám đốc công trình đã đứng ra đổ thừa như sau: “Do công nhân nghịch ngợm lấy sắt làm chuyện khác, khi thiếu sắt nên mới đưa cây tầm bậy vào khiến chúng tôi bị mang tiếng. Hơn 200 thanh giằng nhưng chỉ có 1 thanh có chứa cây bên trong thôi! Chỉ 1 thanh giằng có cây bên trong nên không ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình cả. Kênh mương được đưa vào sử dụng mấy năm nay rồi, bê tông vẫn còn láng bóng. Đối với thanh giằng có cây bên trong, chúng tôi sẽ bỏ thanh này và thay thế thanh khác cho đảm bảo!”

Các bạn nói ngu như bò nữa đi, hơn 200 thanh chắn mà chú bò dũng mãnh của chúng ta biết tìm ngay thanh có cốt gỗ mà… té thì ngu chỗ nào? Nếu các bạn vẫn tin là bò ngu chẳng khác nào các bạn bảo chủ công trình giải thích ngu, mà nó chủ công trình giải thích ngu chả khác nào nói nhà nước ngu cả. Vì chính nhà nước mướn hoặc làm chủ các công ty làm những công trình bê tông cốt “tầm bậy” thế này.  Nhưng tôi cũng hơi… mâu thuẫn chỗ này, nếu con bò khôn sao lựa ngay cây cốt gỗ để té cho đau vậy? Hay thật sự là nó đang giận dữ vì biết mình bị so với… lãnh đạo Việt Nam? Nói tới chuyện này tôi lại thấy thương loài bò, con người luôn không biết kiềm chế sự bất công của mình. Ngoài bị làm thịt, lấy sữa, nói xấu, hát xấu, viết xấu, so sánh với… tôi ra thì không ít lần loài bò còn bị so sánh với… lãnh đạo Việt Nam nữa. Một “loài” mà không loài nào muốn được so sánh cùng. Làm sao mà không tức cho được? Khi tổng bí thư mắc bận tranh cử luôn vai chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội bận “hòa giải” mấy vị đại biểu cãi và đổ thừa nhau trong các kỳ họp, bộ trưởng giáo dục thì hăm he mần công tác đếm… dâm, bộ trưởng y tế thì mắc đi các bệnh viện kiểm tra… toilet, bộ trưởng giao thông thì suốt ngày rút kinh nghiệm vì các công trình đường sá hư hại, bộ trưởng văn hóa đổ thừa cho đạo đức xuống cấp vì kinh tế, bộ trưởng kinh tế lại mắc đổ lỗi cho sự nghèo nàn của đất nước là do dân không chịu “nộp” vàng cho nhà nước, bộ công nghệ thông tin thì đòi “nhốt nét” người dân, các ông quan dưới kẻ thì đi nước ngoài trị bệnh mãi không về, kẻ thì hè giết dân, giết nhau, hiếp dâm nữ sinh, cướp đất người già… để một con bò đi chống tham nhũng!

ngu-nhu-bo
Loài bò cũng cần được bảo vệ trên không gian mạng để không bị so sánh với loài… lãnh đạo – Từ báo Pháp Luật

DU.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn