Thú vui lấy ráy tai ở Thành Đô, TQ ( Giống như VC, ai đến đây thường bị điếc, có khi bị mù )

Thứ Hai, 19 Tháng Mười Một 20187:31 SA(Xem: 5851)
Thú vui lấy ráy tai ở Thành Đô, TQ ( Giống như VC, ai đến đây thường bị điếc, có khi bị mù )
bbc.com
Hilda Hoy BBC Travel

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Nhiều cư dân Thành Đô tin rằng cách lấy ráy tai này cải thiện sức khỏe vì đã kích thích các huyệt đạo trong lỗ tai

Tiếng lanh canh vang lên trong các công viên rợp bóng cây, những quán trà nhộn nhịp ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên miền tây nam Trung Quốc.

Thứ âm thanh ấy phát ra, vang lên dọc những bờ sông, những con kênh chảy chầm chậm qua phố, xuôi theo những ngõ hẹp nơi có những căn nhà xây bằng đá lợp mái ngói, len lỏi vào giữa những lối đi trong rạp hát, nơi các diễn viên đeo mặt nạ hát múa những tích tuồng cổ mỗi đêm.


Là thứ âm thanh rao hàng của một quầy bán đồ ăn vặt chăng? Nhưng khi tới gần hơn, ta sẽ thấy âm thanh đó bắt đầu rộn rã khác thường. Là tiếng mài dao? Hay là âm thanh từ một nhóm thợ chỉnh dây đàn piano?

Đến tận nơi thì hóa ra thứ tiếng động bí ẩn đó phát ra từ một chiếc nhíp gắp dài. Nó là 'đồ nghề' của những người chuyên lấy ráy tai ở Thành Đô, những tay thợ lành nghề biết dùng vô số thứ đồ khác nhau để gẩy, gỡ, gắp ráy tai và làm vệ sinh sạch sẽ lỗ tai cho khách.

Carla Drago Bản quyền hình ảnh Carla Drago
Image caption Ở Thành Đô, Trung Quốc, lấy ráy tai là một nghề truyền thống địa phương độc đáo được cho là có từ nhiều thế kỷ trước

Thợ lấy ráy tai đi lang thang là cảnh thường thấy ở đường phố Thành Đô. Đây là một nghề truyền thống độc đáo của địa phương, được cho là có từ nhiều thế kỷ trước.

Theo Fuchsia Dunlop, tác giả cuốn sách dạy nấu ăn và ẩm thực Trung Quốc, người đã viết về những trải nghiệm cá nhân khi kết bạn với một người thợ lấy ráy tai từ thời còn theo học ở Thành Đô hồi giữa thập niên 1990, thì nghề này có từ thời nhà Tống (960-1279).


Cho đến ngày nay, những người làm nghề này, mà đa phần là đàn ông chứ hiếm khi thấy phụ nữ, thường xuyên đi qua đi lại ở các quán trà nổi tiếng trong thành phố, chẳng hạn như Công viên Nhân dân ở khu trung tâm, và khu du lịch nổi tiếng Khoan Trách Hạng Tử (Ngõ lớn Ngõ nhỏ - Wide and Narrow Alleys), nơi có các con ngõ được tái dựng như mê cung, và ở quanh các tòa nhà xây theo kiểu kiến trúc thời nhà Thanh.

Tuy thỉnh thoảng cũng dựng quán tạm để ngồi trong ngày với vài chiếc ghế, nhưng chủ yếu họ lang thang ngoài trời, làm thợ dạo phục vụ khách vãng lai.

Để hiểu được vì sao người ta lại sẵn lòng trả tiền cho người khác chọc ngoáy lỗ tai mình giữa chốn công cộng, mà thường là trước cả một nhóm khán giả tò mò, rồi cả những khách qua đường lăm lăm máy ảnh trong tay, thì trước tiên ta cần phải hiểu rõ cách suy nghĩ của người Trung Quốc trong chuyện vệ sinh tai.

Nếu như phương Tây dùng tăm bông thì tại nhiều nơi ở Đông Á, người ta thích dùng que ngoáy tai, một que thép dài mảnh có một đầu được đập dẹp lõm xuống trông như cái muỗng tí hon để nạo lấy ráy tai. Hồi tôi còn bé thì mẹ tôi, người Trung Quốc, thường hay dùng que tre, nhưng mà tôi không nhớ lắm là mẹ có dùng que đấy để ngoáy tai bọn tôi hay không.

Tuy nhiên, với người Thành Đô thì việc làm vệ sinh tai không chỉ dừng ở mức độ đó.

'Đào nhĩ', tức là 'lấy ráy tai', ở Thành Đô là một nghi thức tinh tế, phức tạp, mất từ 20 đến 30 phút mới xong, và được thực hiện bằng một loạt các dụng cụ đặc biệt.

Có những người nghiện lấy ráy tai đến mức họ gọi thợ làm thường xuyên như đi cắt tóc vậy. Còn với du khách thì đó là một kỷ niệm đáng nhớ về chuyến đi Thành Đô.

Theo tường thuật hồi 2016 của China News thì thợ lấy ráy tai được đào tạo kỹ càng để phải đạt kỹ năng thao tác thật chuẩn xác và thật chắc tay trước khi được chạm vào tai khách hàng. Có một bài tập bắt buộc là họ phải dùng nhíp nhổ ra cho được một sợi chỉ nhỏ khỏi tim bấc của ngọn nến đang cháy mà không làm tắt lửa.

Trong cuốn hồi ký về cuộc sống ở Thành Đô thời thập niên 1990 có tên là "Vi cá mập và Hạt tiêu Tứ Xuyên: Một kỷ niệm chua ngọt về ẩm thực ở Trung Quốc" (A Sweet-Sour Memoir of Eating in China), bà Dunlop kể rằng lần lấy ráy tai đầu tiên của bà ở đó đã mang đến cho bà 'cảm giác ly kỳ' và 'rùng mình sung sướng'. Nghe bà tả hấp dẫn như vậy thì làm sao mà tôi có thể bỏ lỡ cơ hội được đây?

Zhang Peng/Getty Images Bản quyền hình ảnh Zhang Peng/Getty Images
Image caption Quy trình lấy ráy tai ở Thành Đô là một nghi thức tinh tế, phức tạp, mất từ 20 đến 30 phút mới xong, và được thực hiện bằng một loạt các dụng cụ đặc biệt

Sau khi đến thành phố được vài hôm, vào một buổi chiều khi đang nhấm nháp tách trà nhài tại Hạc Minh Trà xá trong Công viên Nhân dân thì tôi nghe thấy vang lên âm thanh của người thợ lấy ráy tai.

Tôi vẫy tay gọi, cố kìm nén sự căng thẳng. Thầy Thư (thẻ tên của ông ấy ghi thế) chỉnh cái đèn đeo trên đầu và đưa một thanh kim loại mảnh vào tai tôi.


"Liệu có đau không đấy?" tôi hỏi một cách ngớ ngẩn. Đã quá muộn để tháo lui.

"Không đau tí nào đâu," ông lẩm bẩm. Giống như vị nha sĩ của tôi thường nói trước khi bật cái máy khoan khủng khiếp lên.

Đầu tiên là một số động tác kéo căng xoay quanh đường vành tai, sau đó Thầy Thư bắt đầu ra tay.

Thật ngạc nhiên, cách ông thăm dò những ngóc ngách trong những hốc tai tôi là... chịu được. Cảm giác như mình bị cù khẽ vào chỗ nhạy cảm trên bàn chân: hơi vương vướng bất tiện một chút, nhưng rất dễ chịu.

Tôi cố ngồi thật im - thật không dễ chút nào khi bị Thầy Thư cằn nhằn vào tai.

"Rất bẩn. Quá bẩn," ông trách cứ. "Cô cần phải lấy ráy tai thường xuyên hơn."

Bản quyền hình ảnh Carla Drago
Image caption Hilda Hoy: "Cảm giác như mình bị cù nhẹ vào chỗ nhạy cảm trên bàn chân"

Người châu Á, ông giải thích, có ráy tai khô và dễ bong, dễ làm sạch hơn so với ráy tai ướt màu vàng dính của người phương Tây.

Và thật không may cho cả tôi và ông ta, tôi có vẻ như đã thừa hưởng gen ráy tai ướt từ người cha Ireland-Scotland của tôi.

Để chứng minh cho điều ông nói, Thầy Thư đã chọn đúng lúc để cho tôi xem cục ráy tai to tướng ông vừa lôi ra. Tôi sẽ không bắt các bạn phải biết quá tường tận những chi tiết gớm chết này.

Sau khi đã lấy ra được khá nhiều ráy tai, Thầy Thư chuyển sang dùng một que thép mảnh, ở đầu có gắn lông, đưa sâu vào trong hốc tai tôi và xoay vòng mát xa nhẹ nhàng vài lần.

Cuối cùng, ông lấy ra một thứ giống như cái nhíp gắp, trông khá đẹp đẽ, đập đập cho hai lưỡi rung lanh canh rồi chạm phần nhíp đang rung rung vào que thép gắn lông, làm cho que này rung nhẹ, tác động tới các dây thần kinh trong tai tôi theo cách kỳ lạ nhất.

Ông lặp lại toàn bộ chu trình như vậy đối với cái tai còn lại của tôi, rồi chuyển sang làm cho khách hàng kế tiếp.

Tuy không thính tai thêm chút nào, nhưng tôi đã được trải nghiệm cảm giác hài lòng đến kỳ lạ - như thể được gãi đúng chỗ ngứa, chỗ mà mình không thể tự gãi được.

Người ta cứ đồn nhau rằng việc lấy ráy tai thế này giúp cải thiện sức khỏe do nó kích thích các huyệt đạo, nhưng có vẻ như chẳng hề có bằng chứng nào chứng minh điều đó.

Claudia Huang, nhà nhân chủng học đồng thời là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học California, Los Angeles, người hiện đang nghiên cứu thực địa đối với cộng đồng dân cư đang lão hóa của Tứ Xuyên, nói: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc mọi người làm bất kỳ điều gì cũng được, miễn là họ cảm thấy thoải mái và có cảm giác được chăm sóc."

Nhưng theo bà mẹ của cô, một bác sĩ được đào tạo tại Đại học Y học cổ truyền Trung Hoa Thành Đô thì: "Không có hệ thống y tế nào trên thế giới cổ súy cho việc chọc các vật lạ vào trong lỗ tai. Mọi người làm như vậy vì họ cảm thấy dễ chịu."

Trong thực tế, tính từ phổ biến nhất để mô tả hiệu quả của việc lấy ráy tai là 'thư phục' (shufu - 舒服), một từ có nghĩa là thoải mái, cân bằng, sảng khoái và thư giãn, tất cả được bao gồm trong một tính từ này.

Nó giúp giải thích vì sao cách lấy ráy tai như trên đã trở thành một phần của cuộc sống đường phố ở Thành Đô, một thành phố nổi tiếng khắp Trung Quốc về lối sống thoải mái, thư nhàn.

"Một phần của việc sống ở Thành Đô là việc thả mình vào khoảnh khắc này, để cho những rung cảm của thành phố thấm lên mình," Jordan Porter, một người Canada đã coi Thành Đô là nhà từ tám năm qua, nói.

Ông thành lập công ty riêng của mình, Công ty Du lịch Ẩm thực Thành Đô, để giúp du khách khám phá khía cạnh hưởng lạc của thành phố, nếm thử các món ăn địa phương cay nổi tiếng như mì đam-đam, đậu phụ Tứ Xuyên và bánh bao nhân thịt rưới ớt xào.

"Lấy ráy tai là việc được phép làm. Đó là một hoạt động góp phần xây dựng nền văn hóa của Thành Đô."

Hãy dừng chân, ngồi lại và hãy thử trải nghiệm này - "Nói một cách ví von thì việc này cũng giống như là việc cởi thắt lưng của một người ra trước bàn dân thiên hạ," ông cười, nói thêm.

Là nơi có nông sản phong phú, khu vực Thành Đô từ lâu đã là nơi ít phải chịu áp lực, mọi người có thể sống thong thả, nơi mà thực phẩm thì dồi dào còn khí hậu thì dễ chịu, nơi văn hóa nghệ thuật có thể phát triển tốt.

Dương Hùng - tự Tử Vân, và Tư Mã Tương Như - tự Trường Khanh, hai thi nhân thời nhà Hán (206 trước Công nguyên - 220 sau Công nguyên), đều được sinh ra ở đây.

Đỗ Phủ (712-770), nhà thơ kinh điển nổi tiếng, người được tôn vinh là "thánh thi" của Trung Quốc, đã chọn Thành Đô làm nơi để viết ra phần quan trọng trong các tác phẩm của mình khi ở độ tuổi ngoài 40.

"Thành Đô luôn là nơi hội tụ giao thương, nơi những ý tưởng mới được du nhập, khiến nó trở thành một nơi đầy tính sáng tạo nhưng cũng rất dịu dàng. Không cần phải mất công vươn ra tìm kiếm mà mọi thứ sẽ tự đến với ta," ông Porter nói.

Được phát triển ở nơi đây không chỉ là một kiểu chủ nghĩa tự do mà còn là việc biết tận hưởng những thú vui cuộc sống, từ chuyện ngồi lì nơi trà quán hàng giờ đồng hồ, nhấm nháp tách trà và cắn hạt dưa, cho tới chơi bài hoặc đánh mạt chược, cho đến việc thư giãn với một chầu mat-xa hay làm một lần lấy ráy tai.

Chính những thứ đó đã tạo nên một câu ngạn ngữ Trung Quốc: Thiếu bất nhập Thục, lão bất xuất Xuyên (người trẻ không nên đến đất Thục, người già không nên rời khỏi Tứ Xuyên).

Lối sống nhàn nhã, thong thả sẽ cướp đi sự trẻ trung, sự tự tin, nhưng lại là thích hợp cho tuổi già để sống trong những năm tháng quý báu còn lại của đời người.

Theo Anita Lai, một người sinh ra và lớn lên tại Thành Đô, thì thế hệ trẻ ngày nay dù gì cũng không còn quá quan tâm đến việc lấy ráy tai.

Có một khoảng cách thế hệ rõ rệt trong khách hàng của những người thợ lấy ráy tai, cô nói, đó là khoảng một nửa là khách du lịch - cả trong nước và quốc tế - và một nửa là dân địa phương, mà thường chỉ gồm những người lớn tuổi.

"Nhiều người trẻ nghĩ rằng đó là một chút đáng sợ và có quan ngại về vấn đề vệ sinh," cô Lai nói.

Các dụng cụ lấy ráy tai quá lắm thì cũng chỉ được làm vệ sinh một cách sơ sài.

Vì vậy, cô thú nhận là cô không bao giờ tự mình thử, mặc dù cô luôn tự tin rằng "lấy ráy tai chắc chắn đóng một vai trò quan trọng trong nền tảng văn hóa của Thành Đô".

Nhưng nếu người trẻ không quan tâm thì liệu nét văn hoá này có còn tồn tại cho đến các thế hệ sau?

Trong phóng sự của China News, một người thợ lấy ráy tai tên là Chen Qiao lo lắng cho tương lai nghề nghiệp mình. Việc được chính thức công nhận và bảo vệ là cần thiết, ông nói. "Chúng tôi muốn vượt qua mức độ thực tế thuần túy, muốn bảo vệ nó như một hình thức văn hóa của Thành Đô - một di sản văn hóa phi vật thể."

Nhưng cho đến ngày đó, Chen và các đồng nghiệp của ông sẽ tiếp tục làm một cách tốt nhất những gì họ đang làm: đem đến cho khách hàng những phút thư giãn hạnh phúc bằng việc lấy ráy tai cho khách, từng bên một.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn