Tạm biệt kính thiên văn Kepler huyền thoại

Thứ Sáu, 09 Tháng Mười Một 201810:59 SA(Xem: 6230)
Tạm biệt kính thiên văn Kepler huyền thoại

7663

Sau 9 năm rưỡi hoạt động, kính thiên văn Kepler đã chấm dứt sứ mệnh vào cuối tháng 10-2018 sau khoảng 2 tuần có dấu hiện cạn kiệt nhiên liệu. Chiếc kính thiên văn nổi tiếng này được đặt ngoài vũ trụ, quay quanh Mặt trời và cách Trái đất 150 triệu km.

Được đặt theo tên nhà thiên văn học vĩ đại người Đức Johannes Kepler, kính thiên văn Kepler được phóng vào ngày 7-3-2009 với thời gian dự kiến ngoài không gian ban đầu chỉ là 3,5 năm.

Tuy nhiên, các nhà khoa học NASA liên tục giao cho Kepler thêm những nhiệm vụ mới cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, ý tưởng về chiếc kính thiên văn này đã xuất hiện nhiều năm trước. Năm 1983, William Borucki (ảnh) - lúc này đang làm cho Trung tâm nghiên cứu Ames thuộc NASA - muốn tìm một phương pháp để tìm kiếm những hành tinh tương tự như Trái đất ở ngoài hệ Mặt trời bằng cách ứng dụng trắc quang học.

Sau lần trình bày dự án không thành công vào năm 1992, hai năm sau Borucki phối hợp với tập đoàn Ball Aerospace và Trạm quan sát Lick thuộc ĐH California (Mỹ) bắt tay tìm hiểu tính khả thi của kính thiên văn vũ trụ.

Ban đầu dự án có tên FRESHIP, đến năm 1996 mới chính thức đổi thành Kepler. Sau 4 lần đệ trình dự án trước NASA thất bại, năm 2001, Kepler mới chính thức được cơ quan này đồng ý triển khai.

Nhiệm vụ ban đầu các nhà khoa học giao cho Kepler là khám phá sự đa dạng và cấu trúc của các hành tinh, trong đó có Trái đất, những ngôi sao và vật thể xung quanh… Đồng thời, Kepler cũng dò tìm dấu hiệu của nước.

Ngày 4-1-2010, Kepler lập được chiến công đầu tiên khi phát hiện 5 hành tinh với nhiệt độ bề mặt khoảng 1.100 độ C.

Những ngôi sao này được các nhà khoa học lần lượt đặt tên là Kepler -4b, Kepler -5b, Kepler -6b, Kepler -7b và Kepler -8b đang quay quanh một ngôi sao chủ gần hệ Mặt trời. Trong ảnh là Kepler -16b, hành tinh đầu tiên được phát hiện quanh quay hệ thống 2 ngôi sao.

Kepler là một trong những dự án thành công bậc nhất của NASA. Sau 9,6 năm hoạt động, Kepler chuyển động qua 151 triệu km, quan sát được 530.506 ngôi sao, xác định được 2.662 hành tinh, ghi nhận được 61 siêu tân tinh, gửi về Trái đất 678GB dữ liệu, hỗ trợ xuất bản 2.946 bài báo quốc tế.

Ngày 14-5-2013, chiếc bánh lái giữ cân bằng của Kepler bị hỏng nên không thể tiếp tục thực hiện sứ mệnh như ban đầu.

Tháng 5-2014, NASA lợi dụng áp lực từ gió Mặt trời để Kepler lấy lại độ cao cân bằng tuy nhiên gần như chỉ có thể giữ duy nhất một phương và không thể linh hoạt như trước đây.

Bill Borucki tóm lại hành trình của đứa “con” tinh thần của mình bằng mấy chữ: thành công lớn. "Nhờ Kepler, các nhà khoa học đã chứng minh được có nhiều hành tinh hơn các ngôi sao trong thiên hà của chúng ta" - Borucki nói.

Với NASA, cơ quan này cũng phải thừa nhận sự tầm ảnh hưởng to lớn của kính thiên văn Kepler với hành trình tìm hiểu vũ trụ xa xôi.

Người phát ngôn NASA cho biết: "Kepler là một tấm gương sáng giúp chúng ta thay đổi cái nhìn về chính mình trong tương quan với vũ trụ. Những năm hoạt động hiệu quả của Kepler sẽ mở đường cho các sứ mệnh nghiên cứu các hành tinh ngoài hệ Mặt trời trong tương lai".

Trong tương lai, để thay thế Kepler, NASA tiếp tục gửi vào vũ trụ một chiếc kính thiên văn mới mẻ và hiện đại chưa từng có với tên gọi James Webb.

Dự kiến, James Webb sẽ khởi hành vào ngày 30-3-2021, hoạt động trong vòng 10 năm với mục tiêu tìm hiểu sâu hơn về khối lượng, tỉ trọng bên trong các hành tinh cũng như thành phần các chất trong bầu khí quyển của chúng.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Tư, 30 Tháng Chín 20208:00 CH