Thư của Nguyễn Thùy Dương- “cô gái ném giầy” gửi bà Quyết Tâm

Thứ Tư, 24 Tháng Mười 20186:19 SA(Xem: 6062)
Thư của Nguyễn Thùy Dương- “cô gái ném giầy” gửi bà Quyết Tâm

Tác giả: theo FB Nguyễn Thùy Dương

.“Nói về kì tiếp xúc tri này đi, đi tiếp xúc cử tri là lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri. Cháu đề nghị cô tắt di động hoặc đưa cho thư kí giữ. Chứ cô cứ bấm bấm trong lúc cử tri đau khổ thì ngứa mắt lắm cô ạ!

… Trong lúc trăm dân phẫn nộ , mà cô chú chỉ tiếp dân 2 tiếng, tiếp dân lại thi thoảng mới nhìn mặt dân. Còn lại nhìn điện thoại. Cô chú đi xuống gặp dân chỉ để xoa dịu còn sau đó dân vẫn khổ, vẫn đấu tranh. Chỉ có một chiếc giày mà cô đã nói “dân có người này, người nọ” thì những ngày tháng ngồi văn phòng cách xa tiếng kêu gào của người dân Thủ Thiêm vĩnh viễn không thể bỏ qua đâu cô ạ. 
Muốn làm người trước tiên phải có tính người, có tính người là phải biết yêu thương con người” (NTTD)

KD: Vừa đưa bài của bà Quyết Tâm trên báo VNN thì nhận được bài viết này của bạn bè trên FB gửi cho. Đọc bỗng thấy xấu hổ thay.

Vì sao hành vi phản kháng của cô gái Nguyễn Thị Thùy Dương lại được cư dân mạng hưởng ứng, ủng hộ? Bởi nỗi khổ của đồng bào- người dân Thủ Thiêm 20 năm qua- khi “vỡ” ra mới hiểu, họ đã sống “như không tồn tại” dưới mắt các quan chức, mà ở đây, có bà Quyết Tâm, CT HĐND t/p- trong khi nhiệm sở của bà chỉ cách 1,5 km.

Vậy mà khi tiếp dân, để nghe dân phản ánh về nỗi khổ của họ suốt 20 năm, thì chốc chốc bà QT cứ “bấm bấm” hoặc đọc điện thoại. Chỉ một chi tiết rất nhỏ đó, đủ hiểu cái… Tâm của bà này ở đâu. Tâm mà không có tâm!

Đó không còn chỉ là tác phong, phong cách của một lãnh đạo rất thiếu văn hóa, khi tiếp dân.

Để một người dân bé mọn- một cô gái 28 tuổi đời- “dạy” cho cán bộ lãnh đạo bài học sơ khai về “tính người, tình người”, cũng đáng!!!

————–

Cô Tâm ạ! 
Cháu ném giày về hội trường phía cô vì cháu không còn tin cô nổi đấy cô ạ. Cháu tuyệt vọng nhưng bắt buộc phải hi vọng. Vì không hi vọng cháu biết phải làm sao bây giờ. 
Cô ạ! 
Gía như cô biết cháu phải bỏ bao công sức chuẩn bị cho việc tiếp xúc cử tri của hội đồng nhân dân thành phố với cử tri quận 2 cô nhỉ?

5h sáng cháu rời khỏi nhà và là một trong 10 người đến sớm nhất, đăng kí trước nhất nhưng may mắn thay. Quận 2 nơi cháu sinh ra và lớn lên lại có một nhân viên quan chức có kĩ năng tổ chức mọi việc như cô Huyền hoặc là sự cố tình nào đó. Mà người đến trước lại được ưu ái đưa cái phiếu số 39 cô ạ! Bà của cháu bệnh lên , bệnh xuống cũng phải lo lắng mỏi mòn không ngủ cả đêm trông đợi. Vậy mà được cơ quan công quyền sắp xếp thế thì còn gì bằng.

Bao năm đi thưa gửi, vào tháng 6/2018 , khi phát biểu và nộp hồ sơ tại kì tiếp xúc cử tri quận 2 cho đến nay. Cô cho cháu hỏi sao cháu không thấy bất kì một văn bản nào, một tin nhắn, cuộc gọi nào gửi cho gia đình cháu cho biết là tổ đại biểu đã nhận được thư? Đó chính là cách cư xử của quan chức hả cô? Vậy cô đi tiếp xúc cử tri có khác gì học sinh dốt vào lớp ráng cho qua giờ , hết tiết. Không có bất kì công hiệu gì cả.

Nói về kì tiếp xúc tri này đi, đi tiếp xúc cử tri là lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri. Cháu đề nghị cô tắt di động hoặc đưa cho thư kí giữ. Chứ cô cứ bấm bấm trong lúc cử tri đau khổ thì ngứa mắt lắm cô ạ!

Tiếp xúc , tiếp xúc, tiếp xúc ghi nhận hẹn đây không phải lần đầu. Ông bà ta có câu nước chảy đá mòn. Cháu tặng cô câu này: lời hứa làm mòn niềm tin ! Hứa , hứa và hứa.

Từ khâu tổ chức đã sai thì mong gì ai đúng cho mình. 
cháu và người dân Thủ Thiêm cùng một quận. Ngày xưa mỗi lần đi qua Sài Gòn là phải qua phà Thủ Thiêm nên đối với cháu Thủ Thiêm là một phần kí ức tốt đẹp. Nhưng nhờ ơn của hội đồng nhân dân giám sát dự án mà từ 2011 -2016 cháu đã được chứng kiến những cuộc cưỡng chế tàn nhẫn trên mảnh kí ức đẹp đẽ này . Lúc đó , cô ở đâu cô nhỉ?

Sai ở đâu ngừng lại ngay đó để sửa thì hôm nay hậu quả cũng nhỏ hơn. Giảm bớt bao nhiêu đau đớn và nước mắt. Cô có thể cho cháu biết suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng ẩn chứa của cô khi bên kia con sông Bạch Đằng người dân kêu khóc. Những đứa trẻ đứng khóc huhu vô tội, mình mẩy lấm lem giữa trời, chứng kiến cảnh nhà mình bị đập? Ngay lúc đó đã cảnh báo mọi lời xin lỗi về sau sẽ trở thành vô hiệu .

Cháu đã chờ , đã chuẩn bị tất cả để nói về những phần đất của người dân bị mất do việc đánh tráo khái niệm, có dấu hiệu làm giả giấy tờ để cướp đất của dân mà không hề đền 1 xu nào cả. Cưỡng chế, đánh đập, chĩa súng vào đầu. Và cả câu hỏi bao năm trong lòng cháu dành cho cô. Khi thời gian cô giám sát và cô không chấp nhận chuyện chính quyền làm sai. Để xảy ra hậu quả nghiêm trọng cô thấy mình xứng đáng nhận hình phạt gì? Và may mắn sau cháu lại được ” sắp xếp” để có cái số 39 thần thánh. Thì thưa cô niềm tin của cháu dành cho cô chú trong giây phút đó còn thua cả chiếc giày.

Trong lúc trăm dân phẫn nộ , mà cô chú chỉ tiếp dân 2 tiếng, tiếp dân lại thi thoảng mới nhìn mặt dân. Còn lại nhìn điện thoại. Cô chú đi xuống gặp dân chỉ để xoa dịu còn sau đó dân vẫn khổ, vẫn đấu tranh. Chỉ có một chiếc giày mà cô đã nói dân có người này, người nọ thì những ngày tháng ngồi văn phòng cách xa tiếng kêu gào của người dân Thủ Thiêm vĩnh viễn không thể bỏ qua đâu cô ạ. 
Muốn làm người trước tiên phải có tính người, có tính người là phải biết yêu thương con người. Cháu luôn luôn dạy em mình như thế. Mà yêu thương không phải bằng miệng, cũng không phải thương thay, khóc mướn mà là hành động nhé cô. Hành động thì phải có kết quả thỏa đáng. Chứ không phải chỉ động động rồi thôi.
Chào cô! Chúc cô luôn luôn tự vấn lương tâm để hoàn thành tốt công việc cô nhé

https://kimdunghn.wordpress.com/2018/10/24/thu-cua-nguyen-thuy-duong-co-gai-nem-giay-gui-ba-quyet-tam/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn