LỜI XƯA - CAO MỴ NHÂN

Thứ Ba, 09 Tháng Mười 20186:00 SA(Xem: 6100)
LỜI XƯA - CAO MỴ NHÂN
636744656410441147zzzzxzxx

LỜI XƯA  -  CAO MỴ NHÂN 

Khi tôi mới rời mái trường đạo ...Caritas , ra trường đời ...lính , dù chỉ để tiếp tục làm công tác xã hội, nhưng trong phạm vi quân đội , tôi cảm thấy ...sợ ghê lắm . 
Tất nhiên là phải sợ rồi , là vì : 
Bốn bề bát ngát xa trông 
Một mầu lửa đạn mênh mông khói mù ...
Nhưng nếu gặp được quý vị lính hiền , thì an tâm quá rồi , chẳng may ...hạnh ngộ quý ông 
Râu hầm , hàm én , mày ngài 
Vai năm tấc rộng , thân mười thước cao ...
      (  Thơ cụ  Nguyễn Du  ) 
e  bá thở , vì ngưỡng mộ , nên trong lòng lúc nào cũng nơm nớp lo lắng gì đâu . 
Cái khoá cán sự xã hội chỉ có 10 khoá sinh , do các sơ dòng Nữ Tử Bác Ái đào tạo , với 3 năm nội trú , thì trời ơi , làm sao dám bay nhảy dọc ngang nhỉ . 
Và khoá này do Bộ Quốc Phòng  VNCH  đài thọ kinh phí học tập . 
Chúng tôi ra trường , là sẽ đi đơn vị làm trưởng phòng xã hội cấp quân , sư đoàn . 
Mục đích Bộ Quốc Phòng muốn thay đổi một số sĩ quan Nữ quân nhân , vào các chức vụ xưa nay chưa được hệ thống hoá , đôi khi cũng trở ngại trong sinh hoạt điều hành các nữ phụ tá từ thời bà Nguyễn Văn Hinh phụ trách . 
Nhiệm vụ rõ ràng như thế mà tôi ...lúng túng quá . 
Khi đáo nhậm đơn vị đầu tiên , là Sư Đoàn 9 Bộ Binh ở Sa Đec , tôi không dám xưng " tôi "  với  nhân viên , kể cả  tài xế là Nam quân nhân mới chết chứ . 
Với các chị lớn thì tôi xưng em , các bạn trẻ bằng tôi thủa đó thì tôi xưng tên luôn . 
Sự kiện đã đến tai Trung tá Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn , sau một buổi họp tham mưu , ông bảo tôi vô văn phòng chờ chỉ thị . 
Trung tá Tham Mưu Trưởng sư đoàn cười : mặc dầu còn trẻ , (tôi mới ngoài 20 ) , nhưng đã làm trưởng phòng thì phải mạnh dạn lên ,đi công tác tiền đồn , lính mới nể , chứ chuẩn uý ...bên lẽn như vậy , thì họ , ý nói là lính đấy , chọc chết bỏ à nghe . 
Trung tá Nguyễn Hợp Đoàn sau lên Đại Tá . 
Tôi chỉ biết dạ , chẳng dám bầy tỏ điều gì . Về văn phòng , trong lòng cứ ngổn ngang , thú thiệt , tôi chỉ muốn thôi việc cho rồi . 
Tuy nhiên , học trường thì bao la , nhưng hiểu ít . Còn học đời thì ...ít , nhưng cha ơi , tôi lại mỗi ngày mỗi mở mắt ra . 
Song , tất nhiên là tôi bình tĩnh hơn , tôi thay đổi được một số xưng hô chững chạc nhưng vẫn thân tình . 
Tôi liếc thấy 3 ông lính Nam : thư ký đánh máy , thủ kho , tài xế lái xe Jeep của Phòng Xã hội nhìn nhau cười , chẳng biết diễu cợt hay tội nghiệp tôi nữa . 
Tôi " mặc kệ " quý vị nhân  viên , ai cười mặc  ai , tôi lặng lẽ làm việc qua ngày , trong lòng hơi buồn chán vì bất chợt nghe nhân viên thầm thì , cười lén . 
Rồi hằng ngày sinh hoạt giữa chốn ba quân . Sáu tháng sau , tôi được đổi về Sư Đoàn 2 Bộ binh . Thêm nửa năm nữa , tôi là trưởng phòng xã hội QĐI/QKI .
Khi lên Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I , cách làm việc khác hẳn các đơn vị tác chiến , tôi đã có chút kinh nghiệm lính tráng ,lại được ở gần nhà , nên  vững tâm hơn hồi ở 2 sư đoàn nêu trên . 
Nghĩa là công việc  có tính tham mưu , hành chánh và chuyên môn. Đồng thời tinh thần kỷ luật hết sức cao , lính văn phòng giữ gìn lời ăn tiếng nói . Không thốt bừa bãi , nói tiếng  Đức hay tiếng Đan Mạch  như những chinh phu thời đại , dựa lưng trên nỗi chết hằng ngày .
Quý vị Tư Lệnh , Tham Mưu Trưởng thì ngày đêm bám sát chiến trường , huynh đệ chi binh gần gụi hơn anh em ruột thịt trong nhà . 
Khoảng đầu mùa hè đỏ lửa  năm 1972 , một vị tướng từ Trung ương ra QĐI/QKI giữ chức Tư lệnh phó đặc trách lãnh thổ : thiếu tướng Hoàng Văn Lạc  . 
Thiếu tướng Hoàng Văn Lạc  ( 1927 -  2014  ) là vị tướng nổi tiếng nho phong , liêm khiết . 
Bấy giờ Trung tướng Ngô Quang Trưởng đã từ QĐIV/QK.IV về đảm nhiệm miền địa đầu giới tuyến này  Nhị vị tướng lãnh trấn thủ miền Trung thủa đó , làm rạng danh Quân lực VNCH , sáng ngời chân lý  : tất cả cho chiến thắng , bảo vệ chính nghĩa Quốc Gia . 
Trung tướng Ngô Quang Trưởng điều động quân cơ , cùng các đơn vị tái chiếm cổ thành Quảng Trị thời gian này . 
Thời gian sôi động chiến trường trước 30/4/1975 , tính ra tôi đã quen dần với lửa binh .
Thấm thoắt cũng trên 10 năm . Một khoảng thời gian  vừa đủ cho một đời người đi từ song cửa ra tới ...chân mây...
Nói cho văn vẻ , nghe tiếng bom rơi đạn nổ không còn hoảng hốt , mà trầm tư chiêm ngẫm chuyện tử sinh , chấp nhận lẽ vô thường trong cõi đời thực hư ,đã trở thành nguyên tắc sống . 
Bên cạnh cõi đời thực hư , vẫn có những sắc mầu diễm tuyệt , mà chỉ một lời nói , một câu thơ cũng khiến tự sự giả chân nổi bật những điểm son quý giá . 
Tôi vẫn nhớ ngày được văn phòng Thiếu Tướng Hoàng Văn Lạc  kêu tôi lên trình diện Thiếu Tướng Tư Lệnh Phó nhận chỉ thị công tác . 
Khi tôi nghiêm chào vị Thiếu Tướng , thì ông chỉ một chiếc ghế trong 2 chiếc ghế trước chiếc bàn lớn , có để cờ tướng  2 sao trắng cạnh bảng tên ông trên bàn đó .  Thiếu Tướng mời tôi ngồi . 
Tôi hơi lo lắng , lúc nào cũng bị cái điều lo lắng lẩn quất trong đầu óc .  
Thiếu tướng Hoàng Văn Lạc cười rất hỉ xả , vui vẻ : 
Cô Cao Mỵ Nhân , tôi đã đọc một số bài viết của cô từ lâu lắm rồi , cô cho tôi biết  : bài thơ đầu tiên , và bài thơ cuối cùng  của cô làm ngày tháng nào , tên gì ? 
Tôi ngạc nhiên hết sức , có lẽ trong đời viết lách thơ văn , và cả trong đời lính của tôi , người hỏi duy nhất câu này , là  Thiếu Tướng Hoàng Văn Lạc , Tư lệnh phó QĐI/QKI năm 1972 ấy . 
Tôi thưa Thiếu Tướng trong suy nghĩ kính phục ông: 
Thưa Thiếu Tướng , bài viết đầu tiên là một chuyện cổ tích , tên Trời Cao , đăng ngày 19/3/1953 ở báo Liên Hiệp Hà Nội . Thưa Thiếu Tướng , em chưa viết bài cuối cùng ...
Tôi thấy vị tướng thoáng chút nghiêm mặt , rồi bỗng ông cười toáng lên :  " tôi quên, tôi quên , cô vẫn đang tiếp tục làm thơ , thì chưa thể nói cuối cùng được , xin lỗi , quên , quên " . 
Riêng với tôi, dù viết lách chưa ra gì, cho tới bây giờ, tôi vẫn còn đang viết, thì bài  "cuối cùng" ...xin vẫn còn ...xa . 

  CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn