CÁI SỐ CỦA BÀI HÁT - CAO MỴ NHÂN

Thứ Sáu, 05 Tháng Mười 20186:00 SA(Xem: 5871)
CÁI SỐ CỦA BÀI HÁT - CAO MỴ NHÂN

636741801724905930zzzzzz

CÁI SỐ CỦA BÀI HÁT  -   CAO MỴ NHÂN 

Có một "cô bé" quen tôi đã gần nửa trăm năm nay, vẫn còn có thể làm chất liệu cho quý vị tao nhân mặc khách, để quý vị ấy dệt thơ, hay viết nhạc. Nhưng "cô bé" vẫn còn "treo giá ngọc", chưa chịu xuất giá. 
Cô trả lời với thiên hạ rằng: Cứ xem đi, trời đã sinh ra, cái gì cũng có số, đến đôi dép còn có số nữa là người ta. 
Thế thì có lý quá chứ. Hèn chi từ những năm xa xưa, bài hát "Sao chưa thấy hồi âm" của nhạc sĩ Châu Kỳ đã 2 lần khiến tôi đau đầu, vì ảnh hưởng đến 2 nhân vật, mà nghe ra tầm ...phào quá đỗi. 


Số là năm ấy, Sư Đoàn 2 BB phải nhường doanh trại cho Quân Đoàn 24 HK để di chuyển vô Quảng Ngãi.
  Mới đầu thì ai cũng buồn phiền, vì các trưởng phòng, ban và các đơn vị  trưởng tiếp vận đều ở quanh thành phố Đà Nẵng. 
Nhưng nghĩ lại, có xa nhà cũng chỉ 130 Km, còn hơn là trấn thủ biên phòng, nên quý vị vui ngay. 
Nhất là giai đoạn đầu, phải xây cất doanh trại, kiểu tiền chế thôi, nhưng cũng vất vả lắm.
  Bộ tham mưu sư đoàn đề nghị nên có những bữa cơm thân mật vào mỗi cuối tuần, vì di chuyển như vậy, thì quan quân đều trong tình trạng ...độc thân tại chỗ, kể cả Tư Lệnh, Tham mưu trưởng, vv...Cũng nhớ nhà ...
Gặp lúc phòng Tâm lý chiến vừa tuyển được 2 cô ca sĩ. Quý cô này về sau tăng cường cho tiểu đoàn 10 CTCT. 
Một cuối tuần kia, người điều khiển chương trình giới thiệu ca sĩ X. trình bầy bản "sao chưa thấy hồi âm" thân gởi đến thiếu tá Trần Quốc Quy, tiểu đoàn trưởng TĐ 2 Công binh. 
Vị thiếu tá Quốc Quy họ Trần rất là phong nhã, gốc Huế, nho phong tuyệt vời, có lẽ thế nên sĩ quan MC hồi đó muốn rỡn chơi. 
Nhè đâu ca sĩ X cứ hát vv...rồi láy đi láy lại câu: "hoặc là anh không nhớ?" 
Không khí ...đùa như giặc, khiến thiếu tá Quy muốn độn thổ luôn. 
Cô ca sĩ từ Saigon ra, nào ngán chi ai, nhất là cũng cần phải nổi bật khả năng, mới thành công được chứ.
Hội trường chỉ là một sân đất trống, mà quý thực khách cơm thân mật  chiều tối đó cứ đập rầm rầm, tung cả bụi mù. 
Tôi chỉ ở có mấy tháng trong Quảng Ngãi, đã được đổi về Bộ Tư lệnQĐI/QKI giữ chức trưởng phòng xã hội cho tới ngày tan hàng. 
Bấy giờ công tác xã hội ở Quân khu tăng gấp nhiều lần hơn, tức là phạm vi từ Bến Hải tới Sa Huỳnh, gồm 5 tỉnh và 2 thị xã. 
Do đó, tôi phải phân phối nhân viên xã hội cho đầy đủ ở các đơn vị quân đội. Và phải làm sao cho tương đối với hoàn cảnh gia đình các nhân viên trực thuộc 
Chị Ngọc Tr. phụ trách ban xã hội Trung Đoàn 6 BB ở Phước Tường, gần nhà, vì anh chị có tới chục cháu, tất cả còn chưa lớn lắm. 
Vẫn chuyện "sao chưa thấy hồi âm".
Vâng, hôm khác hôm nêu trên, buổi sáng cuối xuân ở Đà Nẵng rất đẹp, núi Sơn Trà (chính ra là Sơn Chà cơ đấy, vì ngày xưa có mấy người Chà nuôi dê ở chân núi đó) chỉ quấn một vòng mây trắng quanh cổ núi  ...
Nên tuy đến Văn phòng rồi, mà tôi cứ đi tới đi lui trên đoạn đường phía sau câu lạc bộ sĩ quan, để ngắm cái ngọn núi cách xa Quân đoàn khoảng gần chục cây số, đẹp như tranh vẽ.
Bỗng tôi nghe có tiếng bước nhẹ phía sau, quay lại thì thấy chị Ngọc Tr. đang ràn rụa nước mắt, tôi hỏi ngay: sao vậy chị? 
Chị mặc áo dài, không mặcxiêm áo Nữ quân nhân buổi đó. Chị nhờ tôi đưa chị lên Văn phòng đại tá Nguyễn Đình Vinh, phụ tá lãnh thổ cho Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh QĐI /QKI. 
Để xin đại tá Vinh thuyên chuyển Trung tá Trần Lý T., phu quân chị, ra đơn vị tác chiến, bấy giờ quan năm T đang giữ chức tiểu khu phó tiểu khu Quảng Nam, khoảng thời gian áp Tết Mậu Thân.
Nhưng khi nghe trình bầy chuyện ...tầm phào, là vì Trung tá T hào phóng quá, cô ca sĩ khác, không phải cô nêu trên, cũng hát bài "sao chưa thấy hồi âm" tặng ông ở nơi khác, khiến ông tội nghiệp cô ta quá, quan năm T bèn hồi âm tình cảm cho người hỏi, thành ...nan giải , nan giải.
Đại tá Nguyễn Đình Vinh bèn phán: mấy bà, mấy cô rất lạ, lúc thì làm đơn xin cho chồng được về hậu cứ vì gia cảnh đơn chiếc, nay lại đòi chồng ra tác chiến là nghĩa làm sao? 
Đại tá Vinh cười thật sự, chứ không phải là để hạ nhiệt bà năm T đâu: tôi không giải quyết vụ này, Trung ương sẽ hỏi tôi vì lý do gì đưa ông T ra tác chiến? 
Bộ tôi nói vì bài hát "sao chưa thấy hồi âm" à? Thứ hai, tôi khuyên cô, là chị Ngọc Tr., hãy nhìn lại vấn đề gia đình  đi," sao chưa thấy hồi âm" là chỉ nhất thời, nay mai ông ấy về lại gia đình, chứ cô, là chị Ngọc Tr, muốn ông ấy không bao giờ về nữa sao? 
Các cô làm công tác xã hội, là đã biết thế nào khi chiến sĩ ra đi, có lường được điều gì ngày mai, ngày mốt không? 
Trong cuộc đổi đời 30-4 -1975, Trung tá Trần Lý T đi tù cải tạo, đã vĩnh viễn không về. 
Đại tá Nguyễn Đình Vinh, mới thực là vị hào hoa mã thượng bậc thầy. 
Theo tôi nghĩ thôi, chứ với quý vị thì có thể còn nhiều anh hùng hảo hán khác, siêu hơn đại tá Nguyễn Đình Vinh chẳng hạn.


Tết Mậu Thìn 1988, sau chuyến mấy vị quan sáu cùng lao lý với đại tá Vinh trở về, được mời đến tư gia đại tá Vinh, dự tiệc cưới của đại tá "kỷ nhân hồi" Nguyễn Đình Vinh với nghệ sĩ cải lương Phượng Liên.. Nghe nhị vị đại tá tỉnh trưởng Long Khánh, và Xuyên Mộc nói rằng: đại tá Nguyễn Đình Vinh lúc còn trong tù cải tạo, nghệ sĩ Phượng Liên ra tận ngoài Bắc thăm nuôi ông. 
Như vậy thì, nào có nhạc "sao chưa thấy hồi âm" đâu, mà cơ duyên vẫn có thể thành tựu. Đúng là vạn sự giai do tiền định. Quả bất cứ điều gì,  vật thể gì cũng có cái số, kể cả bài hát "sao chưa thấy hồi âm" như lời "cô bé" bạn tôi nhận định lâu nay vậy. 

CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn