BUỔI CHIỀU XẪM - CAO MỴ NHẪN

Thứ Ba, 25 Tháng Chín 20186:00 SA(Xem: 5524)
BUỔI CHIỀU XẪM - CAO MỴ NHẪN
636729108557117754zzz22

BUỔI CHIỀU XẪM  -  CAO MỴ NHẪN 

Từ một khung cửa sổ  tu viện, thiền viện, bệnh biện, ngó ra ngoài trời, thấy buổi chiều  xẫm chi lạ.  Chiều như đứng lại đợi chờ, sự đợi chờ trong cái mầu xẫm  vừa như khó chiu, vừa tuyệt vọng. 
Tôi tới thăm ông bà cụ bạn  đơn chiếc, cụ ông nằm phòng cấp cứu, cụ bà ngồi sát giường bệnh để chăm nom cụ ông. 
May mà bệnh viện thuộc vùng "Châu  Á ... Lưu lạc"  là miền San Gabriel, quận Los Angeles, với hàng ngàn  gia đình người Hoa trú ngụ, hai cụ người VN, nên cũng  dễ hoà đồng. 
Bệnh viện đã buồn, buổi chiều càng buồn hơn, giờ buổi chiều  lại xẫm mầu không gian chạng vạng, tối u  ... ,  còn gì buồn hơn thế nữa  ...
Sau việc cấp cứu tối  thiểu vì bệnh...già, chứ không phải bệnh mang tên tuổi nguy hiểm, cụ được chuyển  qua căn phòng có cửa sổ nhìn ra bầu trời bát ngát, đúng lúc mầu xẫm hoàng hôn cuộc đời, nên cũng chẳng thấy gì  phấn khởi. 
Đã bỏ cái chụp dưỡng khí nên cụ ông có thể nói chuyện chút chút. Cụ cười thật hiu hắt: cô có nhớ mầu trời này giống ở đâu không ? 
Tôi chưa kịp nhớ, vì nhất định nó, mầu buổi chiều xẫm này phải giống ở đâu mà cả các cụ và tôi đều biết, cụ mới hỏi, chứ không có tôi nơi cái bầu trời cụ vừa nhớ, thì hỏi thăm nhau làm gì.  
Cụ bà có vẻ không thoải mái, vì đã mấy ngày trong bệnh viện, cứ thức ngủ  đều ngồi nơi cái ghế  ...dành cho khách viếng thăm, hay người nhà muốn phục dịch, chứ bệnh viện có y tá, đâu cần thiết phải có mặt cụ hiện diện 24/24.
Cụ bà sắp 80, cụ ông thì trên 80 rồi, chán nản  nói với tôi:  từ hồi nào chúng tôi chỉ có 2 người, bây giờ  kề miệng lỗ, vẫn chỉ có 2 người, vậy mà ông ấy không muốn tôi rời khỏi cái ghế này suốt mấy ngày nay, Có ông ấy lái xe thì nằm đau  , tôi không biết lái xe, nên chẳng ăn gì, chỉ uống nước  thôi. 
Cụ ông thấy tôi chưa trả lời, lầm rầm nói một mình: cô này chưa già lắm, mà đã quên nhiều hơn tôi, này,  này, cô không nhớ  được hả ?  Đó  là mầu chiều xẫm ở Phú Thạnh,  nơi chân đèo Cù Mông, ngoại vi thành phố Quy Nhơn  xưa  ...
A. Tôi nhớ ra rồi, thời gian đó cụ làm chỉ huy hậu cứ  Sư đoàn 9 Bộ binh khi sư đoàn chưa chuyển về Vùng 4 chiến thuật. Hậu cứ SĐ9 BB. đồn trú ở  Phú Thạnh, bên phải Quốc lộ I  tính từ bắc vô nam, cách thành phố Quy Nhơn khoảng mười mấy cây số.  
Những buổi chiều xẫm, từ doanh trại ngó lên đỉnh Cù Mông, có cảm giác thời gian nín lặng sắp tận thế. 
Tâm trạng đó có vẻ giống nhau vì những người  lính bất cứ ở cấp bậc nào phải lưu trại, đa số gia đình họ ở miền nam, nên ...buồn lắm, chiều nơi chân đèo Cù Mông nếu không riêng lẻ trầm tư, thì cũng chùm mền ngủ sớm.
Đã thế, ngoài vòng rào giây thép gai, xe chạy đường trường bắc nam  cứ rầm rập lên xuống đèo  thật nhanh, như sợ chiến tranh đang tới sát sau lưng. Bấy giờ cả 2 cụ  vừa ghé tuổi trung niên, nên cuộc đời đẹp như bức tranh xuân. 
Nói cho ngay, các cặp uyên ương thủa đó chưa có tí nhau, chưa  nghĩ tới điều  đơn chiếc, quạnh hiu như  bây giờ  lão lai. vả chăng cũng số phận thôi, có ai không muốn con đàn cháu đống bao giờ. 
Ở quê hương đã vậy, nay ở Hoa Kỳ, cảnh đơn chiếc còn  sót sa hơn, như hai cụ mấy hôm nay, nghĩ dại, một cụ mất đi  , cụ còn lại sẽ thế nào đây.  ? 
Quý vị sẽ  cười  nhạt  :  thì đã có nhà nước lo  ,  tức là đã có hàng loạt các ...phủ dưỡng lão  .  Ta sẽ vào đó, sẽ có hàng chục tri âm tri kỷ, lo gì chứ. 
Đúng vậy, quý tướng tá VNCH, đã  và đang  đáo nhậm đơn vị ...cuối cùng, các dinh cơ  dưỡng lão viện,  cho dù có cả hàng tá Quý tử, ái nữ, đích tôn ...là vì  đương nhiên vậy, rất  bình thường, và  thời đại . 
Buổi chiều xẫm đã  có những vệt mây đủ mầu xanh tím đỏ cam tới  phủ chân trời, chẳng biết hai cụ có nhìn nhau say đắm như xưa , hay là  ánh mắt đã hoang liêu ngày tháng, đến nỗi  cầm tay nhau, xiết chặt nỗi cô đơn cho mỗi người ở lại bơ vơ, nếu  mai đây  chỉ  còn  duy nhất một  lữ khách độc hành trên đường đời  vô định.
Cụ bà tiễn  tôi ra cửa thang máy. Khách viếng thăm bệnh nhân nhiều nhưng đều giữ yên lặng, khiến nỗi buồn riêng của cụ như tự nó được chia xẻ ...
Cụ kín đáo gởi tôi nụ cười: cô ạ, chúng tôi buồn lắm chứ, các phòng chung quanh, nhất là người Hoa và người Mễ, con cháu họ đông lắm, chúng tôi lủi thủi chỉ có 2 người, nên đâu còn chuyện nói, cứ ngó nhau  hằng ngày như tiền kiếp nợ nhau nhiều lắm ấy. 
Tôi an ủi cụ: Khỏe mạnh là phước rồi cụ ạ, đừng  nghĩ ngợi thêm có hại, thôi cụ vào kẻo cụ ông trông  ,  nói với cụ ông là buổi chiều thì ở đâu cũng buồn, dù còn trẻ hay đã già, vì đó là thời gian kết thúc cho một ngày, nhưng còn những ngày tới nữa khiến ta phải đợi chờ ...

CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn