BẾN CŨ - CAO MỴ NHÂN

Thứ Năm, 13 Tháng Chín 201812:01 CH(Xem: 5849)
BẾN CŨ - CAO MỴ NHÂN
636719512088811943zzz111

BẾN CŨ  -  CAO MỴ NHÂN

Cách đây hơn 40 năm, tuy mới vừa học xong lớp Nhất, tức lớp 5 bây giờ, tôi đã có vẻ mơ mộng như một nữ sinh trung học, tôi thường thả lỏng tâm hồn cho những điều "không tưởng" được chan hòa đến trái tim và bộ óc non nớt của tôi. Cuốn truyện đầu tiên tôi thuê về đọc, là tập ký sự của Hồ Dzếnh, kể lại chuyện tình của bố ông ta, người Tàu, lưu lạc đến Việt Nam, và ở lại căn nhà trọ của cô lái đò nơi một bờ sông, sau này là mẹ ông, hai nhân vật rất bình thường trong bất cứ xã hội bình dân nào, đã tạo nên một Hồ Dzếnh tên tuổi giữa làng văn, làng thơ Việt Nam, tác giả bài thơ "Chiều" mà hầu như ai trong chúng ta cũng thuộc nhiều, ít mấy câu mang âm điệu hoài cảm đẹp, buồn:

Trên đường về nhớ đầy

Chiều chậm đưa chân ngày...

(Chiều - Hồ Dzếnh)

Thời gian bắt đầu mơ mộng của tôi cũng ở bài thơ Chiều này, dù tôi còn "rất bé" so với tôi bây giờ đã "cối sâm" chuyện mộng mơ, để không thể tin được là mình, một người lăn lộn nơi Chốn Bụi Hồng sau này, lại có thể mơ mộng từ thủa thơ dại đến thế.

Đó cũng vào một buổi chiều rất chậm, hoàng hôn đang lặng lẽ đưa chân ngày nơi bờ sông Lấp người ta đang ráo riết tổ chức những buổi giã từ thành phố Cảng để ra đi về miền Nam lập nghiệp vì làn sóng đỏ đang từ phương Bắc tràn đến các tỉnh Bắc Việt, trong đó có Hải Phòng rực nắng mỗi khi mùa hạ đến, những vòm cây phượng vĩ thi nhau nở thắm cả một thành phố biển tiếng tăm.

Hải Phòng, nơi "anh Khóa" của cụ Á Nam Trần Tuần Khải ra đi để người "cô đầu" đến bờ sông tiễn biệt "mông-cờ-lê-ơi" (chiếc chìa khóa của tôi ơi) và nữ ca sĩ Kim Chi đã cầm trong tay điếu thuốc lá cháy dở dang, mơ màng hát lời thơ Chiều của Hồ Dzếnh:

Nhớ nhà châm điếu thuốc

Khói huyền bay lên cao

(Chiều - Hồ Dzếnh)

Rồi đêm đến, vườn hoa con cóc chìm trong bóng tối, chúng tôi trở về nhà, chưa ly hương mà đã mang tâm trạng biệt xứ, chị tôi đã khóc vì năm ấy chị sắp 20 tuổi, mà người tình của chị đi học tại Đà Lạt, mãi không về để chứng kiến cuộc chia tay vĩ đại gồm rất nhiều người liên tiếp rời xa nơi thân quen của mình, là hàng ngày từng đoàn người đến trực nơi bờ sông cửa Cấm để  xuống tàu di cư vào Nam.

Sau 40 năm, tôi trở về thành phố của một thời thơ ấu rất ngắn, chị em tôi sống ở đấy, tôi đi dọc theo đại lộ "phố Tây" ngày xưa, tới đúng bờ sông cửa Cấm, nhìn sang Bính ngập nắng, những vòm hoa phượng vẫn nở trên thành phố, xác hoa rơi ngập đỏ dưới chân ai, mới đó đã gần nữa thế kỷ, hỏi sao không thay đổi nhiều chứ.

"Sao em không về thăm xóm Trúc", một câu hỏi nhái thơ Hàn Mặc Tử gọi người tình về thôn Vỹ xa xưa, bổng vẳng nhẹ bên tai tôi, bất giác tôi cũng vui như người vừa thốt giọng mơ màng ấy, rằng "đã về đây", mà có thấy gì đâu, cái xóm Trúc ở Đông Khuê, ngoại ô, vâng, có thấy gì đâu, người quen xưa đi hết cả rồi.

Qua chùa Lạc Viên, thủa tôi còn tuổi oanh vũ trong Gia Đình Phật Tử, đã chạy chơi quanh sân chùa chờ chị Ni, chị Tấn tới họp đoàn, có thấy gì đâu cả ông ca sĩ Doãn Tòng, người "ca sĩ định mệnh" thiên hạ ở đây phong tặng cho ông ta, người đã hát bài Thiên Thai của Văn Cao từ khi những nốt nhạc còn chưa ráo mực. Doãn Tòng với dung nhan "hoa mè" còn sống, người viết Thiên Thai thì vừa nằm xuống, nhưng nhân dân phố cảng không làm lễ vọng niệm, mà cơ quan nghệ sĩ nhà nước tưởng nhớ, hải ngoại cũng tưởng nhớ, vì nhạc sĩ Văn Cao là đấng thiên tài, là tài sản quốc gia, là tài tử bất diện.

...Có một mùa "đào" chưa tàn phai một lần...

Đúng, lòng nhạc sĩ lớn thường bao la như biển rộng, huống chi ông là người của Bến Cảng, nên tâm hồn nửa như sóng vỗ khơi xa, nửa lại nhẹ tênh âm hưởng quê nghèo trầm ấm. Lời nhạc ông viết bằng mực đỏ, thật danh dự, nhưng tâm tình ông, lúc nào cũng chỉ...phơn phớt hoa đào, Doãn Tòng còn nhắc: "Hai chị Thái Thanh, Thái Hằng người xưa hát ở khu 4 nào đó" một cách thán phục chân tình.

Các văn nghệ sĩ Sài Gòn và Hà Nội ngồi phân tích hai con người đối chọi trong một danh xưng Văn Cao: Văn Cao "Thiên Thai" với Văn Cao "Tiến Quân Ca".

Thi sĩ Việt Cộng Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: Văn Cao cầm bút và Văn Cao cầm súng, tất nhiên ở Việt Nam Cộng Sản, thì đó là một bài viết...khá. Văn Cao cầm súng "trong từ duy" xuống đường Tây tiến như Quang Dũng, để từ "Năm cửa Ô tiến về Hà Nội" sau này.

Và rồi Quang Dũng với Văn Cao đều đã chết, mà thực lòng chẳng vị nào được như ý, chết bình thường trong cõi người ta vô thường thôi. Ưu ái lắm thì có những ngày truy điệu, những đêm tưởng niệm, nhưng, cũng chỉ vỏn vẹn năm, ba buổi, hoặc giả sau này có ai phục hồi danh nghĩa cho các thiên tài, thì là...phải đợi. Chúng tôi vẫn nán lại ở bờ sông cửa Cấm, lênh đênh thoáng qua một vài chiếc thuyền nan nhỏ bé ven bờ, lại cũng lời Thiên Thai của nhạc sĩ tối hạng Văn Cao, thực tế cửa Cấm đang có tàu lớn của nước ngoài neo tại đó, qua hình ảnh sau này, tôi chợt nghĩ đến những đợt người về từ trại cấm Hồng Kông, Doãn Tòng nói vô tư:

- Thực chất họ có tiền hơn bọn tôi.

Cụ Vì Dân từ lúc nghe chuyện Mỹ giơ tay nắm lấy bàn tay CSVN "Hi, forget chiến tranh nhé !" Cứ ấm ức mãi, nay đối diện với một "ông tá năm" Vi Xi phục viên, ra làm văn nghệ không chuyên, nghe ông này so sánh vốn liếng nhỏ của người thuyền nhân trở về, thì cụ lại tức ứa máu:

- Sao nhà anh không vượt biên như họ cho có tiền?

- Đâu phải ai cũng vượt biên được, như tôi vượt biên với tư cách gì?

Cụ Vì Dân hục hặc, quên cả giữ gìn:

- Chẳng cần tư cách gì ráo, anh muốn đi là đi, chỉ cần muốn hay không thôi.

Doãn Tòng chọc cụ:

- Thế bây giờ tôi đi được không?

Cụ Vì Dân như bị chạm nọc, đỏ mặt lên, trừng mắt, đưa một ngón tay chỉ thẳng ra hướng sông Tam Bạc:

- Nhà anh nhảy xuống, bơi ra khơi đi, cạn chiều của một chế độ, cho dù Mỹ đã bắt tay Việt Cộng, nhà anh vẫn có thể phản kháng đến cùng chứ, ai cấm, phản đối là phản đối, dù không được...lợi lộc gì.

Doãn Tòng vốn lỳ như Cộng Sản, vì chính ông ta là Cộng Sản, nên ngôn ngữ vẫn "trước, sau như một duy nhất đúng" tức là từ duy của ông ta đã được đúc sẵn một khuôn ra:

- Tôi không phản kháng gì hết, vì trong lòng tôi có...mơ ước gì đâu, việc gì tôi phải ra đi.

- Vậy sao anh nói họ có tiền hơn anh?

- Thì quả là họ có tiền hơn tôi chứ, trước khi đi, họ phải mang vàng ra đổi mạng, tới lúc về, họ lại có "đô la" bảo vệ cuộc sống.

Cụ Vì Dân gầm lên:

- Nhưng họ không muốn trở về dù có "đô la", họ muốn đến một chân trời khác.

Biết câu chuyện đã đến lúc gay gắt, vì tính nghiêm trọng của vấn đề, Doãn Tòng nhỏ nhẹ:

- Thật ra bàn đến vấn đề ra đi và trở về của thuyền nhân quan trọng lắm, và lý lẽ, luật lệ của các quốc gia rất là phức tạp, khó chịu, chẳng lẽ 20 năm rồi, vẫn còn tiếp tục chuyện vượt biên, khi có đứa bé mới độ mấy tuổi, bố mẹ nó cứ đẩy ra biển, chưa trang bị cho nó được mớ kiến thức chính trị nào.

- Nhà anh nói lạ, con phải theo cha chứ, cha không đi được thì con đi, để nuôi ý chí căm thù, nên...

- Nên có một cách là xem lại cái gốc của sự việc phải không?

- Phải, chính tại chế độ.

- Chế độ CSVN thì nay Mỹ đã đến thủ đô Hà Nội, các ông ấy mới đồng thượng kỳ tại hai quốc gia vào cùng một ngày đấy cụ ạ.

- Cờ Hoa Kỳ bay ở Việt Nam, không có nghĩa là đất nước này đã hết Cộng Sản.

Doãn Tòng giả lả:

- Thì chưa hết, nhưng có khác đi nhiều công chuyện lắm, trước nhất là cụ với tôi đang "hội thoại" đây, bên bờ sông cửa Cấm - thoải mái.

- Anh tưởng lòng tôi đã vui hẳn. Anh có biết là có những cặp vợ chồng vẫn chung sống với nhau, và vẫn mong nhau chết đi, để rảnh nợ đó không?

- Có.

- Anh có biết là tôi và anh cũng sẽ chết đi, mà con sông này vẫn miên viễn là của Việt Nam không?

- Đúng.

- Anh có biết là ông Văn Cao chết, cả hai bên lằn ranh Quốc - Cộng đều tưởng nhớ, đều có những người tôn sùng tùy theo ý nghĩ của họ không?

-Đúng.

- Vì ông ấy thực sự là người Việt Nam tài giỏi và có lòng.

- Rất đúng.

- Vậy thôi, tôi không nói nữa.

Doãn Tòng thở ra, cười nhẹ:

- Thế ạ. 

Cụ Vì Dân tức tối, nói trỏng trơ:

- Dẹp anh đi.

Nhìn về phía tôi, tôi đang ngắm những đợt sóng trùng trùng điệp điệp từ ngoài khơi đổ vào mạng bờ, sóng dội âm vang...bố mẹ tôi đã chết không phải vì sóng biển này, mà vì sóng tim và sóc óc. Mẹ tôi đau tim, chết ở Hải Phòng trước 1954, bố tôi đau đầu, chết ở Sài Gòn sau 1975. Tôi chẳng còn gì ngoài ký ức, rất mơ hồ mà lại thật rõ rệt, vì tôi đang nhìn xuống mặt sông, đang đứng trước cửa biển. Cách đây hơn 40 năm, gia đình tôi đã nhiều lần tha thẩn đi bộ quanh vùng kỷ niệm này, nhưng trụ tàu, kè đá, những hàng cây phượng vĩ mà vòm hoa nhuộm đỏ cả một khung trời.

Cụ Vì Dân hỏi tôi:

- Sao cô Cao hỏi tôi:

- Sao cô Cao, tìm lại được những gì?

Tôi lắc đầu, không trả lời cụ ngay, vì lòng tôi trống rỗng như khoảng không trước mặt, Bính bên kia sông, buổi trưa nắng hạ đang đổ chan hòa thứ ánh sáng vàng rực màu da cam dưới bóng mây trắng bạc, ngày tháng dĩ vãng theo nhau hiện về, tôi muốn khóc mà không khóc được, chắc vì tôi quá lớn tuổi rồi chăng, hay tại quãng thời gian 5 năm ở thành phố Cảng này, không đủ xây dựng cho tôi một nền móng quá khứ vững chắc, khiến hôm nay, khi tôi trở về, lại cứ có cảm tưởng như vừa mới đến một nơi nào xa lạ, giống những người ngoại quốc lần thứ nhất tới Hải Phòng, trên đường du lịch Việt Nam.

Hải Phòng, 8-8-1995

 

 CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn