AI THẤU CHO LÒNG AI - CAO MỴ NHÂN

Thứ Năm, 30 Tháng Tám 20186:00 SA(Xem: 5732)
AI THẤU CHO LÒNG AI - CAO MỴ NHÂN

636709893886274062zzzzaaaa

AI THẤU CHO LÒNG AI  -   CAO MỴ NHÂN

Cái toán kỹ thuật của ...tôi, gồm 8 người, như tôi hay kể trước đây, thì chỉ có duy nhất cụ kỹ sư Cường thuộc thành phần bị đánh tư sản ở Saigon vào 3 năm đầu cuộc đổi đời 30-4-1975, nhưng toán khởi sự làm việc lao động chân tay từ 78 -80, còn lại 7 người toàn sĩ quan Chế độ cũ, vừa rời trại tù cải tạo về... đáo nhậm  ... nông trường Rạch Bắp, cách Bình Dương 24 Km, trên đường đi Bến Súc. 
Tôi được chia thẳng công việc nấu ăn cho toán trên, nên xét ra nhàn hạ hơn quý vị ấy. Do đó, nguồn thơ bất tận lại riêng tay, tha hồ viết lách.
Thơ chẳng phải là tiền hay lương thực, mà sao tôi có thể siêng thế, ngày nào cũng có bài mới. Viết thơ nhiều đến nỗi Toán Kỹ thuật nêu trên, phải ...cười  luôn.  
Nhưng đồng thời tôi cũng được  ...ưu đãi nhiều, là rất tự do trong khuôn khổ toán, mặc sức về Saigon thăm con cái và rong chơi. 
Nếu quản lý nông trường hỏi, toán tôi lại trả lời là tôi về thành phố mua thức ăn cho rẻ,  và mua thuốc vì tôi kiêm luôn việc y tá nếu ai cần chích thuốc, ở nông trường. 
Tuy lao động XHCN khổ sai thế, mà toán kỹ thuật sống có vẻ ...trí thức tiểu tư sản lắm.  
Cụ kỹ sư Cường là chủ tiệm thuốc tây Phong Châu trên đường Công Lý  xưa, vẫn hút thuốc lá cigarettes, cụ phụ trách việc phóng hoạ đồ nông trường Tây Nam sắp hình thành. 
Thiếu tá Trần Văn Đài, trưởng toán, vẫn giữ cách say thật đẹp mỗi lần nhậu chung,  bằng cách lặng lẽ ngủ sớm. 
2 vị đại uý vào tuổi trung niên vẫn còn trẻ trung, mang đầy hoài bão sẽ lập lại công danh ở một nơi nào thật xa.
2 thiếu uý, một người gốc kỹ sư công binh, một người trong khoá Bất Khuất Thủ Đức,  trước khi vô tù là một Trung đội trưởng, tác chiến gan dạ. Nhưng cặp thiếu uý này rất nghệ sĩ, mỗi chiều tối xong việc lao động nặng là bắt đầu người công binh đàn, kẻ tác chiến hát, toàn những bài bản cũ, điệu tango có câu: "ai thấu cho lòng ai".
Nhân vật đặc biệt nhất, là đại uý Tuy, suốt cuộc đời binh nghiệp, ông chỉ ở vòng quanh Dinh Độc Lập, nên giữ được tính đa nghi, và hay biểu lộ cái nhân sinh quan khó khăn,  khó  chịu, nhưng lại chăm lo bao tử cho cả toán. 
Ấy là mỗi tối có thể ra rẫy, kéo về hàng trăm giây đậu quả đã khô.  ..chỉ việc ngắt  những quả đậu khô đó, luộc chín là bóc ăn hạt bùi và no rồi. 
Người cuối cùng là tôi, không biết vui hay buồn mà có thể sống  bình thản thế, bởi vì  có vui cũng chẳng ai chia, có buồn càng không người xẻ, thì thà viết lách còn hơn.  
Tuy nhiên mỗi lần mưa giăng mờ hình núi Bà Đen. ..xa xa. .. , thì Thánh cũng buồn chớ đứng nói người trần mắt thịt. 
Làm việc liên tục, chia nhau thời gian về Saigon cũng liên tục. Cả vùng chỉ có một quán hàng duy nhất, vừa bán tạp hoá vừa bán cà phê cho khách nào...
muốn uống lai rai cho đỡ nhớ, đỡ thương  dĩ vãng sau lưng. 
Một ngày chủ nhật kia, chúng tôi cao hứng rủ nhau đi chơi Bến Súc, cách nông trường  khoảng 5 cây số  đường ...hương lộ. 
Bến Súc cũng không vui hơn gì Bến Sắn, nhưng là một điểm đến có trên bản đồ thời chiến tranh vừa qua. Một đơn vị  quân đội Mỹ đồn trú ở đây thời giữa thập niên 60 thế kỷ trước. 
Nhà trên Bến Súc cũng có tính cách tạm bợ. Nhà cất rải rác từ bờ sông vô đất rẫy, ở cách khoảng khá rộng rãi, dân địa phương trồng khoai mì, khoai lang, bắp đậu  ...
Mặc dầu nói là đi chơi cho biết, cũng chẳng ai hẹn hò giỗ kỵ hay đám ma, đám cưới  ..., mà các "Bố" trong toán đi như ma đuổi, tôi đã bị bỏ lại đằng sau khá xa, đi tới thì mệt,  mà quay về thì sợ đủ chuyện, chẳng lẽ ngồi lại lề đường, sợ rắn là số một, kế tới sợ bò. 
Vừa nghĩ tới đường trường gian khổ đã tự giận tính ham chơi của mình. Nếu cứ ở  ngôi nhà phức tạp của toán do nông trường cấp, thì tha hồ hỏi cụ kỹ sư Cường cách xem tử vi, có phải ích lợi hơn không.
Bỗng nghe những tiếng "v rắt.  v rắt. .." sau lưng, tôi quay lại. ..nhìn, thấy một chiếc xe  mà thùng xe vuông vắn như bộ ván, có tới 2 con bò kéo thảnh thơi...trên xe không chở gì cả. Ngó phía trước, các "bố" trong toán đi như bơi trong không gian đã tới xa tít rồi.  
Chiếc xe chạy chậm dần, ngang chỗ tôi đứng thì xe ngừng hẳn. Một thanh niên có gương mặt rất trẻ, da nâu hồng, quần lính, ở  trần, đi chân đất. .. Không gật đầu chào mà hỏi trỏng: cô muốn đi đâu hướng này, cháu chở dùm. Thay vì trả lời, tôi lại hỏi cậu ta:  cháu có đi Bến Súc không? 
Cậu bé gật đầu: nhà  ở Bến Súc. 
Mừng quá, tôi chạy ra cạnh xe bò đó, Kiếm cách leo lên xe. Cậu bé một tay cầm 2 giây đeo cổ bò với cái roi đánh bò, một tay kéo tôi lên chiếc xe chẳng có thành vịn gì cả. Tôi phải ngồi bệt xuống sàn xe bò. 
Hẳn bắt đầu "v rắt. v rắt ". Cho xe chạy lên phía trước.  . . 
Tôi không tò mò, nhưng  nhìn gương mặt cậu bé, chỉ thiếu đôi mắt mầu xanh, thì cậu ta là hình ảnh của Tài tử Mỹ thủa tôi còn đi học: Burt Lancaster. 
Chỉ một thoáng thôi, xe bò đã chạy tới đám  ...đồng nghiệp lao động nông trường của ...tôi. 
Cậu bé quay sau hỏi tôi: cô có phải xuống với mấy người này không? 
Lại một lần nữa tôi không trả lời cậu bé, mà hỏi vầy: cho họ lên luôn xe cháu được không? Hắn gật đầu.  
Tôi la lớn vì có lẽ trời nắng, toán không nghĩ là tôi ở trên xe bò đó: mấy ông có đi xe bò không? 
Nghe tiếng tôi, cả toán ngó lên xe, và lập tức quý vị phóng lên xe, cười rộn ràng hỏi tô:  sao có xe lạ vậy, tưởng quay về rồi chứ.  
Tủi thân quá, nhưng toán chỉ là ...người dưng nước lã...tôi hồn nhiên nói: đây là cháu đích tôn của Burt Lancaster  (2-11-1913.    2-10 - 1994) . 
Song, phe ta thông minh quá, biết ngay cậu bé là kết quả của một cuộc tình Mỹ Việt  trong thời chiến 1964 - 1973.
Một người trong toán hỏi trống không: Nè, mẹ cậu giờ làm chi vậy? 
Cậu bé nheo mắt nhìn người hỏi: sao biết má tui hả? Má tui làm rẫy thôi, ghé nhà tui chơi nghe, bả mừng lắm à. . .
Cả toán vô căn nhà trống trơn, một kho củi và các thứ khoai đậu. Người đàn bà lam lũ,  ngượng ngùng nhìn chúng tôi hôm ấy.  
Bà thầm lặng dọn nồi khoai mì hầm tro trên bếp, đưa y ấm trà xanh với mấy cái ly nhựa cho chúng tôi uống, vì đi  bộ dưới trời nắng gắt gay. 
Bất giác người đàn bà  ... khốn khổ mỉm cưới héo hắt: mấy cô mấy chú làm công nhân nông trường hả? Uống nước, ăn khoai đi, rồi thằng Mỹ chở xe về, đi chơi mệt hả? 
Tụi tui nói chẳng mệt gì cả, còn vui là gặp bà ta và chú bé. Có ông lại hỏi sao không đặt tên khác cho nó, đặt tên Mỹ không sợ à? 
Người mẹ quê Bến Súc của cậu bé lái xe bò nhỏ giọng: còn sợ gì nữa, bà con ở đây đặt tên cho con tui từ hồi nảo chẳng biết, đành vậy, cũng tốt ...

CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn