GỌI GIÓ VÀNG - CAO MỴ NHÂN

Thứ Sáu, 17 Tháng Tám 20186:00 SA(Xem: 5882)
GỌI GIÓ VÀNG - CAO MỴ NHÂN
                 636700159747767187zzz111

       GỌI GIÓ VÀNG   -   CAO MỴ NHÂN

 

Thơ Đường qua thể loại thất ngôn bát cú thông thường, với hình thức một bài thơ gồm 8 câu, mỗi câu 7 chữ, 5 vần bằng  ở mỗi cuối câu : 1 2 4 6 8, cuối 3 câu : 3 5 7 thì tất nhiên là vần trắc rồi . 

Nhưng không phải " chỉ có vậy " . Nó, bài thơ thể loại này, còn bắt ta học gần nửa trăm quy luật : mà mỗi chữ, mỗi câu mang một nhiệm vụ riêng .

Các câu 

1/ Phá đề

2/ Thừa đề

3+4 / Thực hay trạng : cặp đối thứ 1

5+6 / Luận : cặp đối thứ 2

7/ Chuyển 

8 / Kết . 

Xem ra quý vị cứ việc bám sát đề bài, với tinh thần nêu trên là qua cầu vui vẻ rồi . 

Tôi nhớ cụ thi sĩ rất tên tuổi trong chiếu thơ Đường hàng chức sắc, nói với tôi rằng : 

" Không phải cứ cặp đối 3+4 ( thực trạng ) với nội dung bài là đắc sách đâu, tất nhiên thực hay trạng của bài thơ Đường Luật là quan trọng rồi. Nhưng, tôi nói cho Cao Mỵ Nhân biết, câu chuyển ( thứ 7), là đắt giá nhất, nó tóm gọn toàn bài trước khi kết thúc đấy ." ( Cụ Trình Xuyên ) . 

Sau khi tôi đã hoàn toàn chấm dứt cái nạn tù cải tạo do csvn áp đặt, đầu năm 1980, tôi bắt đầu sinh hoạt văn nghệ nơi các hội thơ, hội thảo thi ca cổ điển VN ...xưa . 

Tức là ngoài việc tôi gia nhập thi đàn Quỳnh Dao của quý vị nữ sĩ tên tuổi như Mộng Tuyết, Vân Nương, Quỳ Hương, Uyển Hương, Đinh thị Thục Oanh, Tuệ Mai vv...

Quý vị toàn gấp đôi, gấp rưỡi tuổi tôi, có vài vị nữ sĩ trẻ hơn các niên trưởng nêu trên, như Tuệ Nga, Tôn nữ Hỷ Khương, thì tôi trở thành " Em út Quỳnh Dao ", có nghĩa là tuổi tác và sức khoẻ tôi còn xài được với thế hệ sau của quý niên trưởng chuyên xướng hoạ Thơ Đường .

Bên cạnh quý vị đương nêu, là quý thi khách Đường Thi như quý cụ Quách Tấn, Đông Hồ ( đã quá cố) , Giản Chi, Vũ Hoàng Chương ( đã quá cố ) Hà Thượng Nhân vv...

Song le, mỗi quý vị nữ sĩ Quỳnh Dao lại giao hảo với số khách Đường Thi riêng, mà khác đường lối chơi thơ cổ điển chung của thi đàn Quỳnh Dao, nên tôi vì là " Em út Quỳnh Dao " gần như tôi có bổn phận phải biết từng tích tắc khác biệt đó. 

Thí dụ : Nữ sĩ Thu Nga thì thỉnh thoảng xướng hoạ với quý cụ thi sĩ Tế Nhị, Như Ý, Trình Xuyên, Linh Điểu vv...

Đại khái " xã giao " thơ, mà lại là thơ luật Đường , không phải đơn giản, chỉ 2 chữ " Thôi, Xao " của Giả Đảo đã là một thần thoại thích thú.

Nay, sau cuộc đổi đời 30 -4 -1975, sĩ khí người cầm bút đã gây nhiều mâu thuẫn thời thế, huống hồ chơi thơ luật, là các bậc thịnh Hán, túc Nho, có dịp biểu lộ tinh thần " chi hồ giả dã " thời đại ra, để khích bác điều bất như ý. 

Do đó thế giới thơ của mỗi vị thì vô cùng ... 

Chuyện xướng hoạ thơ luật Đường vô hình chung cho ta cảm giác tôn ti trật tự của trước nhất là tuổi tác, các yếu tố khác như địa vị, gia thế vv...và nhất là thơ, có hay ho tới đâu, cũng phải qua ngưỡng cửa " niên tuế " khách thơ đang hiện diện ở hội thơ lúc đó. 

Trong hội thơ Quỳnh Dao chúng tôi, kể từ ngày tôi tham dự , tôi luôn luôn là người giới thiệu chương trình hội thơ, thường thi đàn tổ chức thay phiên tại các tư gia của các nữ sĩ. 

Cũng từ đấy, tôi may mắn được diện kiến các bậc " Đường thi khách " lão luyện còn ...sót lại, mà tôi rất kính phục như quý cụ Quách Tấn ( Nha Trang ), Bùi Khánh Đản ( Saigon ) Chánh Hà, và nhất là nữ sĩ tiền chiến Ngân Giang, các vị ở Hà Nội vào. 

Ngoài việc nữ sĩ chủ nhà buổi hội thơ hôm đó, mời tiệc, hội có thể mời thêm dăm ba khách " thời thế ), không làm thơ, nhưng muốn thả hồn theo dòng suy nghĩ riêng tư, thể hiện nơi hội thơ hậu chiến .  

Cũng chính vì thế, mà không khí loãng ở một vài hội thơ sau cuộc đổi đời nêu trên, đã có lúc được khách tham dự phải bỏ cuộc, để mau chóng ra về, cho khỏi mang hoạ " chính trị " vào thân. 

Thí dụ : Tại tư thất nhà thơ hoàng phái Vĩnh Mạnh Thường Quân vào mùa xuân năm 1982, buổi đó được giới thiệu là có 3 vị thi sĩ lão thành đại diện cho 3 miền, gồm :  cụ Vũ Đình Liên ( Bắc) tác giả bài thơ" Ông Đồ ", cụ Vân Giang ( Trung ) và cụ Trác Ngọc ( Nam ) ngồi phía đầu dãy chiếu hoa trải kín nền phòng khách Thạch Động, chủ toạ. 

Chúng tôi ngồi chung quanh chu vi chiếu thơ mở rộng. 

Sau tất cả các thủ tục ban đầu, gồm giới thiệu thi tướng, thi tài vv... là ai muốn trình bầy ý thơ gì, cứ việc " phát biểu ". 

Nhà thơ " Đường thi tức vị " theo thời thế cho yên thân, đã hỏi cụ Vũ Đình Liên rằng : 

" Cụ là chứng nhân của 2 thời đại thơ như Ông Đồ trước khi đi ...cách mạng, và bài thơ Ông Đồ csvn, bút sắt thay bút lông ngày xưa vốn hoa tay thảo những nét, như phượng múa, rồng bay. Nay, nói theo thời đại " logic " tình hình thơ chung và riêng của cụ thế nào ? 

Chúng " cháu " đã mất hết cảm hứng khi đọc lại bài thơ Ông Đồ xưa của cụ . Và, tại sao các cụ vô đây, để làm cái việc cho xe ba gác chở tất cả thơ hay, thơ đúng nghĩa thơ, của các thi sĩ danh tiếng cả nước, như thơ Vũ Hoàng Chương, thơ Đinh Hùng vv..."  

Câu hỏi được đặt ra, nhưng không cần chờ nghe câu trả lời, nhà thơ trẻ( ngoài 30 tuổi, cái tuổi dễ bị bắt nhất ) đứng lên cáo từ, và đi như chạy ra khỏi hội thơ. 

Như tôi đã có dịp trình bầy nhiều lần là: Thơ luật Đường Tống đã phổ biến trong xã hội VN từ nhiều đời . Nét tinh hoa của thể luật này, tưởng kết thúc ngay từ đầu thế kỷ 20 vừa qua, với 2 hồi chuông báo tử thất thanh, của quý vị thi sĩ lỗi lạc Đường luật là cụ Tú Xương qua nỗi buồn phải chấp nhận hoàn cảnh tây học : 

" Ném bút lông đi, viết bút chì ..." 

Cùng một cuốn thơ tạ từ năm tháng cũ : 

" Mùa Cổ Điển " của cụ Quách Tấn . 

Tôi vốn ưa những điều " ham hố " . 

Sau đại nạn 30 - 4 - 1975, thay vì đi tìm một ngoại ngữ học để có thể kiếm sống, tôi lại rong chơi " Thơ Đường ", học hỏi và đi sát quý cụ để thấy được những kỳ bí, mà có lẽ chỉ thể loại này, người ta mới dễ bày tỏ, hứa hẹn, dặn dò quyết liệt người được nhận, hay phải trả lời thơ trao, hoặc tặng . 

Nghe tin tôi vừa từ trại tù cải tạo về. Thi sĩ danh tiếng Bùi Khánh Đản cùng thi sĩ Bàng Bá Lân ( viết thơ mới nhiều hơn ) đã mỗi cụ một xe đạp mi ni, ghé thăm tôi sức khoẻ và hồn thơ khoảng khoát thế nào. 

Cụ Bùi Khánh Đản viết trên một tờ giấy mầu vàng, rộng bằng trang báo lớn, bài thơ tên Quang Vinh như sau:      

  QUANG VINH  ( Bài xướng )

Xiết chặt vòng tay cùng chặn gió

Mở đường kiếm khí dậy hào quang

Nước mây sẽ ấm trời băng lạnh

Cây cỏ rồi thay sắc đoạn trường

Hương chính nghĩa tràn trên đỉnh mộng

Lửa kiêu hùng đốt sạch rừng hoang

Chúng ta bỗng bật tim thành tiếng

" Sử Việt từ nay đẹp chữ vàng  ". 

   Saigon 7/1980    BÙI KHÁNH ĐẢN

Dù mới từ trại tù cải tạo về, tôi cũng quên béng thân phận sĩ quan chế độ VNCH, rất dễ tái tù, khó tránh . 

Tôi kính hoạ thơ cụ Bùi tặng tôi như sau : 

 

          GỌI GIÓ VÀNG  ( Bài hoạ )  

Vẫn thả diều lên, tìm hướng gió

Những ngày xanh biếc bầu trời quang

Để xem bóng nắng bao hy vọng

Còn thấy hơi sương phủ dặm trường 

Thật rất vô tình nghe nước chảy

Thà đừng cố ý bước chân hoang

Đôi phen tim thắt vì thương tủi

" Mộng với thơ ai chép sử vàng ? ". 

   Saigon 11-8-1980   CAO MỴ NHÂN  

Cụ Bùi Khánh Đản ( _  2010 ) và cụ Đỗ Bằng Đoàn ( 1908 - 1986 ) là đồng tác giả cuốn " Đường Thi Trích Dịch " in roneo 300 cuốn tại Saigon năm 1959, gồm 503 bài của 133 tác giả . 

Mới đây tôi được nghe: nhà xuất bản Văn Học Hà Nội đã in tái bản tác phẩm đồ sộ Đường Thi Trích Dịch của 2 cụ nêu trên, dày 1271 trang, năm 2006. 

Mỗi lần nhật nguyệt lững lờ trôi trên biển trời, cả thế giới 

" Đường Thi " lại như vần vũ gió mưa.

Những thế hệ suy tụng Đường Thi không xếp nếp thời gian, hiện nay ở quốc nội lẫn Hải ngoại, đang vun vén cả rừng hoa tuy bình cũ, nhưng rượu mới, ý thơ bát ngát, thanh sắc lạ lùng, nhưng đầy hứng cảm. Khách yêu thơ cổ điển ưa chuộng những tinh hoa ẩn hiện, linh diệu. 

Song cũng chỉ hợp với quý vị tồn cổ, mang cảm giác thầm lặng trước sóng gió phế hưng của thể loại thi ca...đầy nguyên tắc từ xưa tới nay này. 

 

              CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn