CHỐN CŨ - CAO MỴ NHÂN

Thứ Tư, 08 Tháng Tám 20186:00 SA(Xem: 5226)
CHỐN CŨ - CAO MỴ NHÂN
     636692771894671444zzz111   

CHỐN CŨ   -    CAO MỴ NHÂN

Sự thực thì thành phố nào của Việt Nam cũng có một vẻ đẹp riêng. Từ Bắc, qua Trung, tới Nam, chứ không phải nơi này đẹp vì thế này, nơi kia không đẹp bởi thế khác. 
Cứ vứt bỏ cái ruột của những thành phố ấy đi, cái ruột gồm con người  và tất cả những gì  phụ thuộc vào nó, thành phố, để lại những gì dính dáng đến cái vỏ gồm đất đai sông núi ...vv., chắc ta nhìn thành phố  được cảm tình  nhiều hơn, công bằng hơn. 
Tôi vốn dân Bắc kỳ Quốc, theo kiểu nói đùa, nói trại, châm chọc lâu nay. Sau ngày 20. 7. 1954, theo gia đình di cư vào Nam, tuy chưa lớn lắm, nhưng tôi đã thấy 5,7 thành phố và những vùng phụ cận, ở miền Bắc như Chapa thuộc tỉnh Lao Kay, Hà Nội, Hải Dương, Hải phòng, Kiến An, những danh lam như Cát Bà, vịnh Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn  ...vv. 
Khi vô tới miền Nam, hầu như chẳng có thành phố nào mà tôi không tới, vì tham gia các hội đoàn  thanh niên, các đoàn công tác xã hội, sau này còn đi "lính" nữa. 
Miền Trung vói sự trưởng thành "đương nhiên", một nửa miền Trung phía Bắc, tức là thuộc lãnh thổ Quân Khu I, từ Bến Hải tới Sa Huỳnh, với 5 tỉnh và 2 thị xã, công tác xã hội trong quân đội, không đến cũng không được, nhất là những mùa bão lụt hằng năm. 
Một nửa miền Trung phía Nam, thuộc lãnh thổ Quân Khu  II, gồm cả cao nguyên bên trái lẫn duyên hải bên mặt, tôi cũng bị phải biết, tôi đã ở Quân Đoàn  II trước khi thuyên chuyển về Quân Đoàn I / QK I. 
Song có một điều mà tôi biết quý vị huynh đệ chi binh biết lắm, nhưng ít khi ngồi...  xem thử những nơi nào đó có vẻ giống, hoặc hơi giống nhau, vì quý vị bận rộn quá, thí dụ Lăng Cô với Sa Huỳnh, Kỳ Hà với Đại Lãnh  vv...
Nếu bảo rằng hãy để cái ruột của các thành phố ở nơi nào, rồi chỉ nhìn thành phố chung chung thôi, thì chẳng hoá ra thành phố đó không có sự sống, đừng nói đến thẩm mỹ, vì thẩm mỹ, rất cần phải linh động, nếu không bức tranh kiểu tĩnh vật, như họa sĩ vẽ cái bàn trống không, cái bình hoa không có hoa  xếp ở góc nhà. 
Cuốn phim chiếu cảnh một sa mạc cát toàn mầu trắng, không một bóng cây, không nghe tiếng chim kêu,  hay tiếng thú hoang nào, người thám du bước ngần ngừ nơi sa mạc ấy, muốn quay lui thì quá xa, bước tới thì nản quá. 
Đó là hình ảnh một cái vỏ của  ... cuộc sống. 
Như vậy, cuộc sống  phải phức tạp, đời sống...phải so le. 
Nghĩa là các thành phố dù ở đất nước nào, cũng phải đầy đủ, nguyên vẹn những gì được sinh ra và  trưởng trụ nơi đó, khách du mới có dịp thưởng lãm và ít nhiều so sánh, để có thể thời gian sau trở lại, hay là chẳng bao giờ tới miền đó nữa. 
Thành ra lại phải chấp nhận con người ở các thành phố đó. Chấp nhận đây là chấp nhận sự kiện có người ta, rồi từ đó phân tích xem giới người đó như thế nào.  
Không kể những du khách ngoại quốc đến VN vãn cảnh, những người cùng nhân dáng, ngôn ngữ, như người Việt ở trong nước và hải ngoại hiếu kỳ Có ý về xem phong cảnh các thành phố với danh lam thắng cảnh thành phố và vùng phụ cận, họ đã nhận xét thế nào. 
Họ bảo cảnh trí VN thì có đẹp. Trước 30 -4 -1975, là một nước chiến tranh nên chuyện đổ nát là không tránh khỏi., Cũng không thể có chuyện xây dựng.  
Sau cuộc đổi đời nêu trên, bạo quyền cũng bắt buộc phải chỉnh trang cơ sở địa ốc, đường xá vv... Nhưng không bắt kịp được trào lưu tiến hoá trên thế giới. Việc tu sửa các cơ sở văn hoá, xã hội, như chùa chiền, nhà thờ, đền đài ...vv cũng nhằm mục đích chính trị, thương mại .. 
Do đó người từ phương xa về, hay từ các nơi trên đất nước tới, chỉ mục đích du lịch, nhớ lại kỷ niệm cũ  trước khi chia tay hẳn, bởi vì những gì giả tạm bạ vào những dấu vết còn sót lại  ngàn xưa, hay hàng trăm năm xưa không tiệp với không gian và thời gian thủa đó, cũng không hợp với thời nay. 
Những thành phố nguyên thủy của dân tộc VN, đã lai căng đông tây lẫn lộn, cổ kim lệch lạc, chăng còn hứng thú phiêu du. 
Một khách trung niên nghĩ: Thời gian hiện tại tới cuối đời đâu có nhiều năm tháng gì, nên đã dành cả    ngày giờ lẫn tiền bạc cho những chuyến đi thăm các đất nước khác ở khắp địa cầu. 
Thế nên, cứ cho là một trăm năm nữa, những vết nhăn đất đai sông núi, chỉ nói về mặt địa hình sẽ lại đổi thay, Sai Gòn năm xưa đã hết cả những cây me già của ...sinh viên, học sinh mơ mộng, thế hệ sau tìm được gì  khi nghĩ và tưởng tượng một thành phố được ví là hòn ngọc Viễn Đông.
Nhưng vẫn phải có một chút gì dù rất nhỏ, ở một thành phố nào, trên đất nước VN, người  ta quên đi  trong các công trình to tát, để lấy đó làm cái mốc đi tìm ... 

CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn