ĐƯỜNG VỀ MIỀN BẮC - CAO MỴ NHÂN

Thứ Ba, 21 Tháng Mười Một 20176:00 SA(Xem: 6902)
ĐƯỜNG VỀ MIỀN BẮC - CAO MỴ NHÂN
    zzzas  

    ĐƯỜNG VỀ MIỀN BẮC   -   CAO MỴ NHÂN 

 

Buổi sáng đọc một tin buồn do nhà văn Việt Hải chuyển lại cho toàn nhóm Nhân Ảnh Tân Văn, hay tin Bác sĩ Tôn thất Niệm đã mãn phần . 

Thế là quý vị trưởng thượng 90 đã lần lượt ra đi, không kể ngành nghề lao động chân tay hay trí óc, kể cả đại phu, giới chuyên chăm sóc, chữa trị cho nhân dân trăm họ, cũng vẫn không vượt lên trăm tuổi. 

Nhưng khi đọc bảng cáo phó, tôi mới biết Bác sĩ Tôn thất Niệm đã " cửu thập niên ", tôi luôn luôn nghĩ ông thua tuổi nhà văn Duy Lam, Duy Lam năm nay mới 84, 2 vị có đôi chút họ hàng. 

Bác sĩ Tôn thất Niệm là rể quý của cụ cả trong dòng họ Nguyễn Tường, nhà văn Duy Lam là trưởng nam của cụ Nguyễn thị Thế, người thứ 5 trong 7 anh em dòng họ Nguyễn Tường, cụ bà Nguyễn thị Thế là tác giả cuốn hồi ký về bộ ba nhà văn Tự Lực Văn Đoàn : Nhất Lính (Nguyễn Tường Tam) Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long). và Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân). 

 

Thủa sinh thời của Bác sĩ Tôn thất Niệm, ông bà nhà văn Duy Lam, cách nay cũng khá nhiều năm hay ghé văn phòng vị đại phu chuyên trị bịnh tinh thần này . 

Có lần anh chị Duy Lam còn nói với tôi, là tôi nên tới đó xin toa thuốc bị mất ngủ để nộp vào hồ sơ " medical " của tôi, trong lúc tôi thèm ngủ mắc chết . 

Tất nhiên là tôi chỉ ngồi ngoài phòng đợi, anh chị vô khám bịnh đó, vì cả hai anh chị nhà văn Duy Lam đều có những suy nghĩ về các vấn đề xã hội, mà anh chị cảm thấy không giống ... những ý tưởng cao vời, tuyệt hảo của anh chị . 

 

Sau đó ít năm, cụ Bác sĩ Nguyễn Tường Bách, tức nhà văn Viễn Sơn, vị thứ bảy của dòng họ Nguyễn Tường, viết một cuốn hồi ký lịch sử là " Trên Sông Hồng cuồn cuộn " với già nửa thế kỷ lưu vong ở Quảng Châu Trung Cộng. 

Cuốn hồi ký được Bác sĩ Tôn thất Niệm cùng quý chiến hữu đảng phái của dòng họ Nguyễn Tường tổ chức ra mắt sách tại thủ đô tị nạn Bolsa. 

Với những quen biết hàng con cháu trong nhà, tôi được mời tới dự buổi lễ ra mắt sách " Trên Sông Hồng cuồn cuộn " đó, để đặc biệt trình bầy bài thơ " Giây phút chạnh lòng " của thi sĩ Thế Lữ viết cảm đề tiểu thuyết Đoạn Tuyệt của nhà văn Nhấ Lính Nguyễn Tường Tam năm 1937 ở Hà Nội . 

Tôi không ngạc nhiên về chuyện tại sao lại ngâm thơ " Giây phút chạnh lòng " của Thế Lữ tặng Nhất Linh, . trong buổi ra mắt sách của nhà văn Viễn Sơn Bác sĩ Nguyễn Tường Bách . 

Lý do rất đơn giản là cụ Nguyễn Tường Bách luôn luôn  nhớ lại giai đoạn nhóm Tự Lực Văn Đòan thập niên 30, 40 thế kỷ trước ởmột Hà Nội quý tộc xưa, với những hình ảnh tân tiến văn minh qua văn chương Tự Lực Văn Đoàn . 

 

Bài thơ thất ngôn trường thiên dài 14 đoạn x 4 câu = 56 câu, có lẽ hôm đó cả khách nghe lần người diễn ngâm bị cuốn hút vào cái không khí dĩ vãng tiểu thuyết Đoạn Tuyệt của Nhất Lính, Khái Hưng xưa, nên quả tình không ai thấy mệt hay chán. 

Chứ nghe thơ là chỉ lâu lắm 5 phút cho một bài vừa độ 4,5 đoạn đã ...mơ màng buồn ngủ rồi. 

Tôi đã cố gắng làm vừa ý cụ Bác sĩ nhà văn Viễn Sơn Nguyễn Tường Bách, vì cụ là người thích bài thơ mang tính chất cách  mạng tiểu tư sản đó nhất. Và phải cám ơn vị thổi sáo phụ họa thơ là một tiêu lang ẩn sĩ, không hề xuất hiện trước đám đông bao giờ, tiếng sáo gây cho thính giả niềm khắc khoải, mênh mông chi lạ. 

Khi anh chị nhà văn Duy Lam cùng tôi ra về, Bác sĩ Tôn thất Niệm, Trưởng ban tổ chức kêu cậu con trai : 

" Bờm, con chụp cho cô Cao Mỵ Nhân một tấm hình đi " 

Và tôi biết vậy, sau này thì tràn ngập IPhone trong thế giới bạn bè, có lẽ bức hình đó cũng đã để quên đâu rồi, vì tôi chẳng có dịp nào tới lui văn phòng đại phu đó nữa. 

 

Một dịp sau đó, tôi cao hứng tổ chức một buổi hội thơ kiểu thân hữu, tại tư gia vị giáo sư họ Nguyễn ở Costa Mesa. 

Do đề nghị của nhà văn Duy Lam, tôi gọi tên hội thơ đó là 

" Viễn phố ", vì Duy Lam có viết bài thơ tên " Viễn Phố " tặng nhà văn lão thành Võ Phiến, phương danh của phu nhân nhà văn Võ Phiến tên như hội thơ nêu trên vậy . 

Buổi hội thơ cũng khá đông, có đủ ghế dành cho khách khứa chật ních phòng khách lớn, có đủ hệ thống âm thanh vv...

Tôi thấy một tốp quý vị khách cao niên phong độ bước vô, quý vị chào hỏi thân tình, nể trọng lắm, thì hoá ra là quý khách " tinh thần của hội thơ "Viễn phố" gồm: 

  • Nhà văn Võ Phiến và phu nhân
  • Giáo sư tiến sĩ Phạm Công Thiện 
  • Giáo sư nhà văn Trúc Chi 
  • Bác sĩ Tôn thất Niệm

Tất nhiên còn số văn nhân thi sĩ khác nữa, nhưng xin phép để dịp viết khác, vì hôm nay tôi chỉ định viết ít dòng về vị đại phu Hoàng phái Tôn thất Niệm, mà cũng hơn một lần, tôi có dịp diện kiến . 

 

Hội thơ được tiếp tục trình bầy những bài bản thơ ca do quý khách thơ lên tự giới thiệu phần trình bầy. 

Tôi thấy tôi có ...bổn phận phải nhắc nhở đến một tiết mục, mà tôi dám khẳng định là, nếu tôi không nhắc nhở thì chính người trong cuộc cũng quên béng đi, vì nó rất bình thường trong thiên hạ thôi. 

Đó là tôi lên micro để ca tụng một giọng ca đã bỏ quên mấy chục năm trước . Vào mùa hè năm 1956, tôi được tham dự chuyến thăm viếng Đà Lạt dành cho Sinh viên Học sinh các trường thuộc đô thành Saigon Chợ Lớn do Bộ Quốc Gia Giáo Dục tổ chức. 

Hình như chúng tôi được lưu trú tại Trường Võ bị Liên Quân Đà Lạt . Đêm Văn Nghệ của Sinh viên Học sinh có vị Sinh viên Y khoa tên Tôn thất Niệm. 

Ca sĩ sinh viên ấy trình bầy bài hát " Đường về miền Bắc " . 

Một bài hát rất trữ tình trong thời điểm dân chúng miền Bắc di cư vào nam . Không ngờ hôm nay, là hôm hội thơ " Viễn phố", lại có dịp gặp lại vị ca sĩ sinh viên đã tốt nghiệp và hành nghề bác sĩ từ lâu rồi . Xin được mời bác sĩ Tôn thất Niệm lên máy vì âm. 

 

Bác sĩ Tôn thất Niệm đã đứng trước micro, ông vô cùng xúc động là vì một bài hát đã quá xưa, lại trình bầy nơi một trại hè thô sơ, mà có người còn nhớ lại, nên, " tôi rất cảm kích và xin lại Đường Về Miền Bắc với vô cùng cám ơn cùng khích lệ " . 

Lần thứ hai tôi nghe Bác sĩ Tôn thất Niệm hát bài Đường Về Miền Bắc, mà lúc nào tôi cũng chỉ nhớ cái tên bài hát, còn không biết tận tường bài đó mô tả gì, chắc phải hay lắm mới tác động mộ vị đại phu thuộc nằm lòng bài ca ấy chứ . 

Thế rồi, nếu bạn bè thân vị đại phu này, thì biết rõ vì thế nào cũng từng nghe Bác sĩ Tôn thất Niệm hát rồi, còn như quý vị tha nhân và tôi thì xuân thu nhị kỳ, có lẽ hiếm khi vị đại phu này hát quá. 

Hôm nay nghe tin Bác sĩ Tôn thất Niệm đã ra đi miền Vĩnh hằng, ai rồi cũng qua đời bình thản, đại phu cũng đã cửu thập niên, gia đình cháu con bình an bình thường như các nhà thiên hạ là quý rồi . 

Xin thắp một nén hương xa cầu chúc Bác sĩ bước vào miên viễn vô cùng thanh thoát . 

Riêng " Đường Về Miền Bắc " thì vẫn là bài hát của Bác sĩ Tôn thất Niệm, vì không hay chưa từng nghe ca sĩ nào trình bầy lâu nay . 

 

        CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn