ĂN THỊT RỪNG - CAO MỴ NHÂN

Thứ Tư, 01 Tháng Tám 20186:00 SA(Xem: 5667)
ĂN THỊT RỪNG - CAO MỴ NHÂN
636685914443286646zzzcccc

ĂN THỊT RỪNG   -   CAO MỴ NHÂN 

 

Ngày miền nam bị cộng sản Bắc Việt đánh cướp, 30-4-1975, cụ Vũ Úc mới ngoài sáu chục, ba tôi cũng vậy, nhị vị là bạn nhau từ mấy chục năm về trước ... 

Ba tôi làm công chánh, cụ Vũ Úc là thầu khoán, tất nhiên 2 cụ thân với nhau rồi. Bởi vì người vẽ đồ án là ba tôi, còn người xây dựng là cụ Vũ nêu trên, thì phải liên lạc với nhau thường xuyên, cho tới khi hoàn tất công tác. 

Tôi thỉnh thoảng được là "chủ nợ" của cụ Vũ Úc mới thực nực cười. 

 

Số là ba tôi cho mỗi đứa con một số tiền còm, để trong nhà băng Việt Nam Công thương ngân hàng.

Số tiền còm đó độ vài trăm ngàn thôi, không phải để làm vốn lấy lời, mà gọi là tiền quà để dành, phòng khi cơ nhỡ ... 

Lúc đầu thì mấy cuốn sổ đó đều do ba tôi giữ. Tới khi 2 chị tôi đến tuổi lập gia đình thì ông trao cho các chị tôi để tự giữ, vì đã trên 18 tuổi. 

Phần tôi cũng vậy, sắp sửa ra trường Cán sự xã hội, ba tôi cho tôi giữ sổ ấy. 

Gia đình tôi trước ở phi trường Tân Sơn Nhứt, vì ba tôi là trưởng ty kỹ thuật Nha Căn Cứ Hàng Không Tân Sơn Nhứt, sau đổi đi thành lập các phi trường nhỏ, như Dương Đông Phú Quốc, Phụng Dực hay Phùng Đức Ban Mê Thuột, Liên Khương Đalat, vv...

Thời gian này, tôi không biết vì sao, cụ Vũ Úc vẫn liên lạc với ba tôi, đặc biệt cụ lại nói ba tôi, là bảo tôi cho cụ mượn tạm tiền ít nhiều tuỳ theo cụ cần, để  gọi là xoay xở vốn thầu của cụ, vì thiếu chút đỉnh chẳng hạn. 

Cho tới một ngày tôi làm khó cụ Vũ Úc, là không theo xe hơi cụ lái vào trường Thevenet, nơi tôi nội trú, vì không muốn cho cụ Vũ mượn tiền nữa. 

Cụ Vũ Úc cáu kỉnh mách ba tôi qua đường điện thoại ở Nha Bưu Điện Saigon. 

Tôi thấy tôi thật "vô lễ", là không nghe lời bố, tôi kêu taxi về trường, cụ Vũ Úc giận lắm, lên xe cụ lái đi đâu chả biết. 

 

Thời gian trôi qua, tôi ra trường đi làm...

Ba tôi cũng chẳng nhắc gì chuyện vụ Vũ Úc, đồng thời sau cái năm 1975, đổi đời bi thảm ở miền nam, nào có ai nhớ tới ai đâu. 

Ba tôi đã mất năm 1976, sau những đêm dài trằn trọc vì tiếc của để lại miền Bắc khi đi cư vô nam, năm 1954, và chán nản đời sống trước mặt, sau 1975. 

Tôi đi tù cải tạo về...Rồi đi nông trường về, tôi cảm thấy không có hoa tay buôn kia bán nọ, bèn đi học khoá Huấn Luyện viên Dưỡng Sinh, để theo hẳn nghề  ...  võ thuật, tập Thể dục Dưỡng sinh cho những cụ già và người bịnh ở Khoa Dưỡng sinh ngoại trú thuộc viện y dược học dân tộc Saigon. 

 

Khoa Dưỡng sinh ngoại trú có một Câu lạc bộ Dưỡng Sinh quy tụ mấy trăm vị cao niên, hằng tuần sinh hoạt vào mỗi sáng thứ tư, từ 9 giờ đến 12 giờ trưa.

Quý vị cao niên đến đó, để tìm lại niềm vui một chút cuối đời . 

Thế nên, quan niệm sống của mỗi người rất riêng tư, không bị ai thắc mắc, miễn sao không gây phiền toái cho mọi người, và nhất là không đạp lên quyền lợi người khác . 

Tôi được Câu lạc bộ Dưỡng Sinh ủy nhiệm cho việc ...làm văn nghệ, và mời quý vị cao niên có khuynh hướng văn hoá, văn học, văn chương, văn nghệ ...không hạn chế trong " quan điểm" cực đoan chính trị. 

Nhưng phải thể hiện dân tộc tính hiếu hoà, hiếu học của thời đại ông cha xa xưa, nên tại khung cảnh này, tôi đã được hân hạnh diện kiến nhiều vị nổi danh về các ngành nghề chuyên biệt. 

Thí dụ: Nhạc sĩ cổ nhạc Nguyễn Hữu Ba, nhạc sĩ tân nhạc Lê Thương ( tác giả trường ca Hòn Vọng Phu) , Nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi, Giáo sư nhạc sĩ Trần văn Khê, các võ sư chưởng môn võ thuật Vovinam, nhu đạo, thái cực đạo, thái cực quyền, thái cực kiếm, hồng gia quyền, bạch hạc, hoàng hạc vv... 

Quý vị nêu trên toàn sống ở miền nam trước 30-4-1975 . 

Giáo sư nhạc sĩ Trần Văn Khê ở Pháp. 

 

Nơi sinh hoạt đó, Câu Lạc Bộ Dưỡng Sinh, chủ yếu tôn trọng tinh thần Y VÕ, nói một cách khác, xử dụng võ thuật để trị bịnh và phòng bịnh, âm nhạc cũng là một yếu tố chữa bịnh một cách hữu hiệu. 

Kể cả mời thi sĩ thiền sư Phạm Thiên Thư tới thuyết trình về Pháp, Thân, Tâm ...một hình thức luyện thân tâm qua pháp thuật thiền vv...

Tất nhiên những đề tài " Linh tinh" đã được trình bày trên sân khấu và sàn tập cho các hội viên CLB/DS một cách thiết thực, bởi hội viên đã và sẽ không còn thì giờ ở lâu nơi cõi ...tạm. 

Một buổi tôi được bác sĩ trưởng khoa Dưỡng Sinh cho hay: Chuẩn bị mời số đông hội viên CLB/DS đứng ở cửa Viện Y Dược Học Dân Tộc, để chào mừng Cụ hội viên Vũ Úc đã hoàn tất chuyến đi xe đạp từ Saigon ra Hà Nội, trở về.  

Cụ Vũ Úc, nhà thầu khoán bạn ba tôi những năm xưa . 

 

Đoàn xe đạp đông nghẹt, các vận động viên chạy theo cụ Vũ Úc như một tảng núi đá vỡ, đổ ào, và chạy ùa tới viện nêu trên . 

Những vận động viên xe đạp ấy chỉ ở thành Hồ, tức đô thành Saigon Chợ lớn trước 1975 thôi. Người duy nhất vượt núi, băng sông, xuyên Việt là cụ Vũ Úc, 70 tuổi. 

Gặp lại cụ, tôi nhớ ba tôi, vì ba tôi mất đã gần 10 năm thủa đó. 

Cụ Vũ Úc thuyết trình cho cử tọa hay đường trường gió bụi trên hành trình xuyên Việt của cụ, ngày đi, đêm nghỉ ...tính ra hơn một tháng trời. 

Theo dõi chương trình đi xe đạp nam bắc nam của cụ , phần hành liên hệ địa phương cũng có giúp đỡ cụ nơi ăn chốn ở, nhưng cụ vốn thầu khoán, lại người Bắc đi cư, nên cái  chuyện về thăm quê cha đất tổ cũng là một điểm hẹn lý thú, bất giác tôi rùng mình khi nghĩ đến những dốc đèo như đèo Cả , Hải Vân, đèo Ngang vv... 

Thấy tôi bâng khuâng, cụ Vũ Úc cười lớn: " Này cháu, không có vấn đề để xe đạp lên xe đò, hay tàu hỏa đâu nhé, lỡ có hư xe vì sao, thì lập tức tổ xe địa phương sửa cho. 

"Đi đây là muốn thử sức mình thôi, không do bắt buộc nào khiến bác phải đi...đày như vậy cả . 

"Trưa mai, bác mời cháu ăn cơm thịt rừng ở tiệm X đường Lê Thánh Tôn (gần chợ Bến Thành ), cháu đi tù mấy năm, ai xin cho cháu việc làm huấn luyện viên thể dục này ?  

"Ăn đi, thịt rừng, để lớn mạnh nhiều hơn, tự lực nhiều hơn, mới không bị đời hất hủi, kèn cựa ..." 

 

Tôi đã ăn miếng thịt nai đầu tiên buổi ấy, rồi nôn ra toàn bộ, sợ chết khiếp cho tới ngày nay, mùi hoi của thú rừng hoang dã ...

 

              CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn