Mũi Siccar: Nơi lịch sử Trái Đất được viết lại

Chủ Nhật, 15 Tháng Bảy 20182:00 SA(Xem: 6469)
Mũi Siccar: Nơi lịch sử Trái Đất được viết lại
bbc.com
David Cox BBC Travel

John Van Hoesen Bản quyền hình ảnh John Van Hoesen

"Chỉ một chút nữa thôi, vòng qua khúc quanh kế tiếp," người hướng dẫn tên là Jim nói khi chiếc tàu đánh cá của chúng tôi lắc lư và dập dềnh trên những ngọn sóng ở Biển Bắc.

Lời nói của ông không khiến tôi cảm thấy yên tâm. Nhưng khi chúng tôi lảo đảo từ bên này qua bên kia thành tàu, tôi tự dặn lòng nhớ về mục đích của chuyến đi. Chúng tôi đang theo dấu cuộc hải hành 230 năm trước, là một hành trình đã làm thay đổi vĩnh viễn quan điểm của loài người về lịch sử Trái Đất - và cả về thời gian.


John Van Hoesen Bản quyền hình ảnh John Van Hoesen
Image caption Mũi Siccar là một trong những địa điểm địa chất quan trọng nhất trên thế giới - đó là nơi một nhà nông 62 tuổi nhận diện tầm ảnh hưởng của nó

Điểm đến của chúng tôi là đến Mũi Siccar. Tôi vừa ghé thăm nơi đó buổi sáng bằng cách đi bộ. Đứng từ trên vịnh đá cao, mũi đất này cách Edinburgh khoảng 1 giờ lái xe về phía đông (và một lúc đi bộ dọc bờ biển), tôi không thể cưỡng lại cảm giác mình đang đứng ở rìa ranh giới. Xa thẳm bên dưới, những khối đá dốc màu xám vỡ rơi xuống mặt biển tung bọt sóng đục ngầu. Trên đỉnh vách đá xung quanh, đá lại có màu đỏ thẫm.


Nhưng để thực sự kính ngưỡng sự kỳ quan của Mũi Siccar, có lẽ là khu vực địa chất nổi tiếng nhất thế giới, bạn cần phải ngắm nhìn nơi ấy từ trên thuyền.

Đột nhiên Jim vỗ vai tôi. "Trên kia kìa," ông chỉ tay theo. Khi chúng tôi lại gần, tôi bắt đầu tiến tới những vỉa đá lộ ra. Càng lại gần, sự tương phản giữa lớp đá đại dương dựng đứng dọc chân vách đá và những lớp đá sa thạch theo chiều ngang phía trên cao càng trở nên rõ nét.

Hồi năm 1788, rất ít người hiểu rõ nguồn gốc của sự tương phản này. Mãi cho đến khi nhà tư tưởng thời kỳ Khai Sáng, một nông dân 62 tuổi tên James Hutton, thực hiện hành trình vòng quanh Mũi Siccar hai thế kỷ trước - ông mới nhận ra nơi đây là minh chứng cho sự tồn tại của "thời gian sâu".

Rất lâu trước khi Hutton đến, Mũi Siccar là điểm đến quan trọng về mặt lịch sử và địa lý. Hơn 1.000 năm trước đó, người Anh cổ đại đã xây dựng một pháo đài nhỏ trên đồi để phát hiện kẻ xâm lăng phương bắc. Nhưng không ai nhận ra Mũi Siccar lại là nơi kể câu chuyện về Trái Đất.

John Van Hoesen Bản quyền hình ảnh John Van Hoesen
Image caption Trước thời James Hutton đến, Mũi Siccar là địa điểm lịch sử

Trong thực tế, hầu như mọi người trong thế kỷ 18 đều tin rằng Trái Đất chỉ khoảng 4.000 - 10.000 năm tuổi, ước tính dựa trên những diễn giải trong Kinh Thánh. Hutton tin rằng trong thực tế Trái Đất phải có niên đại lớn hơn nhiều. Đó là nhận thức thay đổi toàn bộ nền khoa học.


Cũng như những nhân vật quan trọng khác trong Thời kỳ Khai Sáng ở Scotland trong Thế kỷ 18, như nhà kinh tế học Adam Smith, nhà triết học David Hume và nhà thơ Robert Burns, Hutton là nhà nghiên cứu đa ngành. Sinh năm 1726, ông là sinh viên các ngành cổ điển [các môn về văn học, triết học và lịch sử Hy Lạp cổ đại và Latin] tại Đại học Edinburg khi mới 14 tuổi, và đến khi 23 tuổi ông đã giành được có cả chứng chỉ y học từ Đại học Leiden ở Hà Lan và bắt đầu chú tâm vào lĩnh vực hóa học. Vài năm sau đó, ông khám phá ra cách tách hợp chất ammonium chloride từ bồ hóng. Ông mở một công ty sản xuất hợp chất này để dùng trong muối ngửi [chữa ngất xỉu], chất nhuộm và ngành luyện kim, khiến ông trở nên giàu có suốt đời.

Nhưng khi đang có nhiều thành công trong sự nghiệp, cuộc sống riêng của Hutton lại rơi vào tình trạng tồi tệ. Được coi là người có lối sống có phần phóng đãng trong tầng lớp thượng lưu ở xã hội Edinburgh khi có một đứa con trai ngoài giá thú, ông rút lui về sống ở nông trại gần biên giới Scotland - Anh Quốc mà ông thừa hưởng từ cha. Chính nơi đây khởi nguồn tình yêu với nông nghiệp mà sau này ông mô tả là "nghiên cứu của đời tôi". Nông nghiệp khiến tâm trí ông không ngưng đặt câu hỏi về quá trình tạo nên Trái Đất - và tuổi đời của Trái Đất.

"Một trong những khó khăn ông ấy phải đối mặt là tình trạng đất xói lở," Colin Campbell, người đứng đầu Học viện James Hutton cho biết. "Ông mãi tự hỏi làm cách nào giữ đất và ngăn không cho những trận mưa làm xói lở đất xuống sông. Nhưng ông dần nhận ra đó là quá trình làm mới, vì thế khi đất bị lở trôi đi, cuối cùng đất mới sẽ tiếp tục hình thành, và vòng quay này tốn cực kỳ nhiều thời gian."

Hutton bắt đầu hiểu mặt đất được kiến tạo và tạo hình qua quá trình chậm rãi, tất cả vận hành trong khoảng thời gian cực kỳ dài, xa hơn cả vài ngàn năm. Sau khi trải qua hàng thập niên quan sát và chậm rãi sắp xếp ý tưởng trong tâm trí lại, ông giới thiệu những khám phá của mình vào năm 1785 trong một nhóm nhỏ các học giả, gồm các nhà triết học từ Hiệp hội Hoàng gia Edinburgh.

Kết quả được đón nhận tốt. Nhưng để thuyết phục số lượng công chúng lớn hơn, Hutton biết ông cần nhiều bằng chứng nữa.

Bản quyền hình ảnh John Van Hoesen
Image caption Hutton tìm thấy cách minh họa lịch sử Trái Đất ở ngay Mũi Siccar

Ông lên đường đi vòng quanh Scotland để tìm kiếm cảnh quan với dấu vết giao thoa hoặc sự khác biệt rõ nét thể hiện khoảng cách thời gian giữa những đặc tính địa chất khác nhau. Sự tương phản càng rõ nét thì càng dễ dàng quan sát những đặc tính đó được tạo ra qua thời gian ra sao, thậm chí trong nhiều triệu năm.


Ngay khi Hutton để mắt tới Mũi Siccar, ông biết ông đã tìm thấy thứ ông muốn tìm. Người bạn đồng hành cùng ông ngày hôm đó, nhà triết học và toán học John Playfair, sau đó mô tả khoảnh khắc là: "Tâm trí dường như choáng váng khi nhìn quá sâu vào vực thẳm thời gian."

Linh cảm của Hutton hoàn toàn đúng đắn. Ngày nay ta biết đá xám đại dương cát kết được kiến tạo từ 435 triệu năm trước. Theo thời gian, những lớp bùn dưới đáy biển cứng dần, nghiêng theo chiều dọc, nâng cao trên mực sóng biển và sau đó dần sạt lở để lộ ra các lớp.

Bản quyền hình ảnh John Van Hoesen
Image caption Đá cát kết màu xám tại Mũi Siccar được kiến tạo từ 435 triệu năm trước

Nhưng phải đợi thêm 65 triệu năm nữa đến khi đá sa thạch hình thành. Điều này xảy ra trong một giai đoạn có rất nhiều biến động về khí hậu, từ khi Scotland còn là một vùng nhiệt đới nằm ở ngay phía nam đường xích đạo. Những con sông trong mùa mưa dần dần tích lũy cát sa mạc lên trên lớp đá cát kết, qua thời gian nén dần thành đá.

"Hutton nhận ra việc hình thành và dịch chuyển của các loại đá tạo ra bờ biển ngày nay ta thấy ở Mũi Siccar không thể xảy ra sau một trận đại hồng thủy vài năm hoặc vài thập niên," Iain Steward, nhà địa chất tại Đại học Plymouth nói. "Ông hiểu ý nghĩa của thời gian sâu này: rằng phải cần đến hàng triệu năm để tạo ra thay đổi lớn trên hành tinh. Và điều này được minh họa hoàn hảo qua những phần khác biệt giữa các lớp đá đại dương và đá trên cạn."

Bản quyền hình ảnh John Van Hoesen
Image caption Đá sa thạch trên vách núi được tạo thành 65 triệu năm sau đá cát kết, cho Hutton thấy tình trạng khác nhau mà ông tìm hiểu

Ý tưởng của Hutton bắt đầu trở nên nổi tiếng vào đầu thế kỷ 19 khi Playfair xuất bản quyển sách minh họa năm 1802 tên Lý thuyết Hutton về Trái Đất (The Huttonian Theory of the Earth), tóm tắt ý tưởng của bạn ông, bao gồm hình minh họa Mũi Siccar.

Vài thập niên sau đó, nhà địa chất học Sir Charles Yell viết tác phẩm "Nguyên lý địa chất" (Principles of Geology), một tác phẩm đột phá dài ba tập, đem ý tưởng cách mạng của Hutton phổ cập đến với công chúng và đề xuất ý tưởng về tuổi đời vô hạn của Trái Đất.

"Chính Hutton trong suốt cuộc đời đã nổi tiếng vì có những cuộc nói chuyện không ai hiểu được," Steward nói: "Hầu hết những tác phẩm của ông cũng không thể nào hiểu nổi. Nhưng với Playfair và sau này là Lyell, logic về cách suy nghĩ của ông thật sự thuyết phục, và họ đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến kiến thức đó và khiến mọi người chấp nhận sự trường cửu của lịch sử Trái Đất."

Những ý tưởng trên đã ảnh hưởng rất nhiều đến chàng trai trẻ Charles Darwin khi đó, đem đến cho Darwin hầu hết nền tảng cho ý tưởng của ông mà cuối cùng dẫn đến Thuyết tiến hóa. "Nếu bạn tin rằng Trái Đất chỉ mới 4.000 tuổi, sẽ không có nhiều thời gian cho chọn lọc tự nhiên và tiến hóa," Campbell giải thích. "Nhưng nếu bạn tin rằng thế giới đã tồn tại hàng triệu triệu năm tuổi, bạn sẽ có tất cả thời gian cần thiết để tiến hóa. Đó là lý do vì sao Hutton có ảnh hưởng cực lớn đến cách suy nghĩ của con người trong nhiều thế kỷ sau đó."

Hutton không bao giờ tận mắt thấy được di sản từ ý tưởng của mình. Ông qua đời năm 1797 ở tuổi 70, chín năm sau chuyến đi đến Mũi Siccar. Thật bí ẩn thay cho cuộc đời một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất Scotland, cái chết của ông có rất ít người tưởng nhớ và ông được chôn cất trong một ngôi mộ không tên. Mãi 100 năm sau, một nhóm các nhà địa chất mới gây quỹ và dựng bia đá tưởng niệm ông.

"Không ai biết vì sao lại xảy ra như vậy," Campbell cho biết. "Có thể có rất nhiều lý do - ông không kết hôn, ông có một con trai ngoài giá thú. Một số người nói ông uống rượu nhiều và rất đào hoa, nhưng đó có thể chỉ là đồn đại. Ngoài tài năng thiên bẩm với khoa học, còn rất nhiều điều không giải thích được trong lịch sử cuộc đời của Hutton."

Bản quyền hình ảnh John Van Hoesen
Image caption Hutton không bao giờ chứng kiến di sản mà ông để lại, nhưng ý tưởng của ông đã thay đổi quan niệm của chúng ta về thời gian

Đến giờ vẫn thế, trong nhiều thập niên qua, ý tưởng của Hutton đã ảnh hưởng đến nền văn hóa pop và được chấp nhận rộng rãi, thậm chí được cả Giáo hội Anh giáo công nhận.

Nhưng hầu hết sự công nhận này không chỉ dành cho Hutton, mà còn dành cho Mũi Siccar.

"Không chỉ góc độ mà cả màu sắc của đá ở nơi này cũng tương phản rõ ràng, rộng lớn, khiến không ai có thể tranh cãi gì về điều đó," Campbell nói. "Đó là cách tóm lược toàn bộ lý thuyết của Hutton theo cách khổng lồ, và đó là một trong những lý do vì sao nơi này quan trọng đến vậy."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn