St. Louis cửa ngõ miền Tây

Thứ Tư, 22 Tháng Mười Một 201710:00 SA(Xem: 10643)
St. Louis cửa ngõ miền Tây
Sean Bảo

Khi xa lộ xuyên bang Đông Tây 66 đi ngang qua St. Louis thì thành phố đã có hơn 150 tuổi. Cùng với con Sông Cha Mississippi vĩ đại, cùng với lịch sử hào hùng nhờ Miền Tây bao la, St. Louis được xem là cửa ngõ của Miền Tây, nơi nước Mỹ lớn lên hùng mạnh để trở thành cường quốc số một của thế giới. Nơi Cửa Ngõ Miền Tây này đã ghi dấu một lịch sử di dân rộn ràng và sống động một thời. Những người di dân từ bốn phương theo đường bộ, đường sông để đến St. Louis và từ đó đi về Miền Tây hoang dã.

st-louis-cua-ngo-mien-tay

Đầu năm 1763, Pierre Laclede một tay buôn lông thú người Pháp cùng con trai và 30 người trong nhóm khai hoang một vạt đất rừng cao dọc bờ sông Missouri, “Cuộc định cư này sẽ làm nên một thành phố đẹp nhất nước Mỹ.” Leclede tuyên bố. Ông cho xây một ngôi nhà lớn để làm đồn trại trao đổi buôn bán cho công ty. Năm sau thì làng mạc xây quanh, thợ rừng và thương lái từ đường sông, rừng núi đổ về tụ tập. Leclede đặt tên thành phố là St. Louis để vinh danh vị vua Louis IX của Pháp. Ba năm sau thành phố có 75 tòa nhà bằng đá, gạch và gỗ làm nơi định cư cho 300 cư dân. Đến năm 1800 thì dân số lên đến 1,000 người, phần đông là người Pháp, Tây Ban Nha, người da đỏ và da đen (nô lệ cũng như được trả tự do.) Khi Thương vụ Louisiana hoàn tất, St. Louis thuộc về Mỹ thì thành phố đã định hình với 1 tiệm bánh, 2 saloon, 3 lò rèn, 2 nhà máy và 1 bác sĩ. Vài tiệm tạp hóa bán thức ăn được bán ngay tại nhà cư dân. Giá cao ngất ngưởng vì chi phí vận chuyển rất đắt đỏ. Năm 1804, Tổng thống Jefferson cử  Lewis và Clark đi thám hiểm vùng đất Miền Tây mới mua được, đoàn xuất phát từ St. Louis và 2 năm sau trở về lại St. Louis. Từ đó St. Louis được gọi là cửa ngõ về Miền Tây.

Khi chiếc tàu hơi nước đầu tiên ngược dòng Mississippi cập bến St. Louis thì tiếng còi tàu báo hiệu cho thời hoàng kim rực rỡ của đô thị này. Chẳng bao lâu, cả trăm tàu hơi nước đổ bến dọc bờ sông lót đá bên thành phố. Đến năm 1830 thì thành phố trở thành thủ phủ sầm uất nhất vùng. Nhiều nhà thờ, trường học công cộng và nhà máy nước phục vụ cho 17 ngàn cư dân. Thập kỷ sau thì một làn sóng di dân từ Đức và Ireland tràn đến do nạn đói vì khoai tây mất mùa kéo dài trong 6 năm ở Châu Âu 1845. Đến năm 1849 thì St. Louis trở thành thương cảng lớn thứ 2 của Mỹ, chỉ sau New York. Vào ngày đẹp trời, có đến 170 tàu hơi nước ven thành phố cảng, đèn đuốc và âm thanh rộn ràng xa hàng dặm, trông như một cung điện nổi, với đèn chùm, thảm đỏ và nội thất sang trọng. Thành phố càng tấp nập hơn khi cơn sốt vàng ở California bùng lên, hàng trăm loại người sang hèn đều tụ tại nơi này, người thì lên đường đi tiếp về miền Tây thử thời vận, kẻ ở lại định cư nâng dân số lên 80 ngàn. Cho đến khi đường hỏa xa bắt đầu vào năm 1850 và những chuyến tàu lửa đầu tiên về phía Tây năm 1855 thì bến cảng thành phố mới dần thưa vắng.

st-louis-cua-ngo-mien-tay3
Tàu hơi nước bến cảng St. Louis 1871

Khi cuộc nội chiến nổ ra thì thành phố đã đông đúc với 160 ngàn cư dân. Nhưng chia làm nhiều phe phái. Những người buôn bán và ủng hộ chế độ nô lệ cùng sống chung với những người chống đối. Trong khi người dân Missouri phần lớn ủng hộ chế độ nô lệ thì tiểu bang lại trung thành với phe Union phía Bắc. Tạo nên sự xung đột ngấm ngầm trong chính trường cũng như trên đường phố. Tiểu bang chừng như bị xé làm đôi. Trước đó vào năm 1825, ở Đồn Belle Fontaine cách 15 dặm ở phía Bắc, quân đội Mỹ đã có kho đạn dược và vũ khí nhỏ. Bộ Chiến Tranh đã xây một xưởng chế tạo vũ khí và kho chứa mới lớn hơn vào năm 1827, gần bờ sông, cạnh doanh trại quân đội trên mẫu đất rộng lớn. Kho đạn cùng đồn lính là nơi cung cấp quân nhu và hỗ trợ cho các hoạt động viễn chinh về miền đất mới được mua từ Pháp. Với một tòa nhà 3 tầng bằng gạch, một xưởng làm súng ống, một xưởng làm đạn dược, nhiều phân xưởng sửa chữa xe wagon. Đến năm 1840 thì mở rộng lên đến 22 tòa nhà, một trại lính bảo vệ với 30 binh sĩ thường trực, 30 thường dân làm việc. Khi Chiến tranh Mỹ – Mễ xảy ra năm 1846 ở Texas thì con số vũ khí được sản xuất gia tăng, 500 lao động được tuyển dụng. Hàng chục ngàn súng musket, hàng triệu viên đạn, hàng trăm súng đại liên và chục súng cà nông đã được chế tạo ồ ạt từ ngân sách liên bang.

Năm 1861, cuộc nội chiến bắt đầu. Tiểu bang gia nhập phe phía Bắc trong khi cư dân đa phần ủng hộ miền Nam. Kho xưởng vũ khí này trở thành tâm điểm của xung đột. Quân miền Bắc cử tướng Nathaniel Lyon đến St. Louis để chỉ huy sư đoàn 2 bộ binh. Thời gian ấy Thống đốc Missouri, Claiborne F. Jackson lại là người ủng hộ miền Nam. Lo sợ kho vũ khí lọt vào tay địch, Tướng Jackson lập một đội quân tinh nhuệ gồm 1,000 lính sẵn sàng đối phó. Ngày 10 tháng 4, 1861, một nhóm dân ủng hộ phe Confederate đã tấn công vào kho, lấy được chừng ngàn súng musket, 4 súng lớn và một số đạn dược. Đó là cuộc chiến dân sự chống lại chính phủ đầu tiên. Tướng Lyon bí mật cho vận chuyển phần lớn số vũ khí về Illinois, sau đó điều động sư đoàn 2 bộ binh và 1 trung đoàn lính thiện nguyện bao vây đồn lính cảnh vệ của tiểu bang Missouri trú đóng ở ngoại ô St. Louis. Quân Lyon thành công trong việc ra tay trước, nắm giữ ưu thế chiến tranh và kho vũ khí quan trọng. Nhưng đồng thời đã châm ngòi nổ cho sự xung đột chia cắt của cuộc nội chiến anh em. Sau khi bắt giữ những toán lính vệ binh trung thành của phe Miền Nam, Lyon giải bắt họ đi trên đường phố đông người hiếu kỳ để thị uy, hành động này là một sự sĩ nhục cho cư dân và nhóm người thất trận. Thế là không lâu sau đó vài cuộc xuống đường gây bạo động của cư dân. Gạch đá bay vèo giận dữ vào lính Miền Bắc, một tiếng súng ngắn nổ vang làm bị thương một binh sĩ, quân Miền Bắc không kềm chế được nổ súng vào đám đông, 20 người thường dân chết và hơn 50 người bị thương. Cuộc thảm sát St. Louis đi vào báo chí và lịch sử. Nhiều cuộc bạo động liên tiếp trong mấy ngày sau cho đến khi liên bang cử quân đội đến và lập thiết quân luật. Quân của chính phủ liên bang nắm giữ kho xưởng vũ khí trong suốt cuộc nội chiến. St. Louis trở thành vị trí chiến lược quan trọng để giúp phe miền Bắc thắng lợi sau này. Cuộc chiến kéo dài 4 năm và các tiểu bang miền Nam kiểm soát hạ lưu sông Mississippi làm ảnh hưởng đến lưu thông và sự phát triển của thành phố.

st-louis-cua-ngo-mien-tay2
St. Louis Arsenal 1866

Khi chiến tranh kết thúc, các dòng binh lính, nô lệ được tự do và di dân lại tiếp tục đổ xô về từ miền Nam thua trận. St. Louis lại rộn ràng đông đúc hơn, với hàng trăm dịch vụ, cửa tiệm, nghề nghiệp mới, nhiều xưởng bia rượu, giày dép, áo quần phát triển ở đây khi cuộc cách mạng kỹ nghệ đã đem lại nhiều máy móc và lợi nhuận cùng các nguồn lao động dồi dào. Anheuser-Busch mở nhà máy bia rộng lớn và làm nên tên tuổi cho đến hôm nay. Cuối thế kỷ 19 thì các cuộc di cư về phía Tây kết thúc, các miền đất đã có chủ, vó ngựa và lòng người lang bạt chừng như đã mỏi thì thành phố St. Louis đã có hơn nửa triệu dân. Hội chợ Thế giới (World’s Fair) năm 1904 tổ chức tại đây là một sự kiện lịch sử vang dội với hơn 20 triệu người đến dự trong hơn một ngàn mẫu đất. Các lâu đài, thương xá, sân chơi hội hè nguy nga tráng lệ, các sản phẩm tuyệt hảo toàn quốc được trình làng. Mùa hè năm đó, Thế vận hội Olympic lần đầu được đăng cai tại Mỹ, đem danh tiếng của St. Louis đến toàn cầu. Những làn sóng di dân tiếp tục đổ về trong suốt Đệ Nhất Thế chiến.

Cuộc Đại khủng hoảng làm suy thoái nền kinh tế nước Mỹ cũng như thành phố, nhưng St. Louis đã nhanh chóng phục hồi nhờ vị trí thuận lợi, hạ tầng cơ sở hoàn hảo, vốn liếng, kỹ nghệ và nguồn nhân công đa dạng lành nghề.

Năm 1963, một vòm cong bằng thép không gỉ cao 192 m được xây dựng để kỷ niệm việc mở rộng đất nước về phía tây, để vinh danh những người di dân tiên phong, như một cổng chào đơn giản khổng lồ. Gateway Arch là công trình kiến trúc vòm cao nhất thế giới và là tượng đài nhân tạo cao nhất ở Tây Bán Cầu. Nơi cổng vòm khổng lồ này du khách có thể theo tàu điện đi lên cao, ngày đẹp trời từ bên trong có thể nhìn thấy toàn thành phố bên Sông Cha Mississippi và 30 dặm về phía Tây, nghe âm vọng trong gió tiếng còi tàu hơi nước hụ vang, nghe dội trong lòng đất tiếng vó ngựa xe wagon gõ xuống đường mòn hoang vu phiêu bạt một thời.

Bạn sẽ ngây say hơn với ly beer Budweiser quen thuộc, từ Cửa ngõ Miền Tây này. Nhất là khi bạn cũng là người di dân đến đây, từ bên bờ Thái Bình Dương, lồng lộng gió tự do mà nặng hồn viễn xứ – khôn khuây.

st-louis-cua-ngo-mien-tay1
Hội chợ quốc tế ở St. Louis 1904

SB
( Bao Tre )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn