Chợ Đất Hộ Đa Kao

Thứ Tư, 22 Tháng Mười Một 201711:00 SA(Xem: 11064)
Chợ Đất Hộ Đa Kao
Trang Nguyên

Khi nghe nhắc đến Chợ Đa Kao mấy người bạn của tôi thay nhau kể chuyện về vùng Đất Hộ. Té ra họ đều là dân Đa Kao. Người thì có ba đời sống gần Cầu Sắt, người thì từ nơi khác đến mua nhà gần rạp Casino Đa Kao, người sống ở Xóm Chùa. Người cũ người mới hội tụ về vùng Đất Hộ. Bao nhiêu kỷ niệm xưa đem ra bày tỏ cho thỏa nỗi nhớ những ngày còn là dân Sài Gòn chính hiệu con nai vàng ngơ ngác. Những chuyện không đầu không đuôi kể ra đây, đúng sai chẳng cần bàn cãi. Vì có khi những hình ảnh từ đâu trong quá khứ đột ngột ùa về rồi lướt qua như cơn gió thoảng.

cho-dat-ho-da-kao3
Chợ Đa Kao ngày nay nằm trên đường Nguyễn Huy Tự phường Đa Kao quận 1 – Ảnh: Internet

Điều tôi quan tâm là Chợ Đa Kao hình thành từ khi nào và hình ảnh ngôi chợ đó tại một trung tâm thành phố ra sao trong khi không xa Chợ Đa Kao đã có một ngôi Chợ Tân Định bề thế với lối kiến trúc độc đáo. Tuy nhiên, có quá ít tài liệu để tìm hiểu về ngôi chợ nhỏ trên vùng Đất Hộ còn gọi là Chợ Đa Kao mà cách lý giải cái tên vùng đất này cũng có vài quan điểm khác biệt.

Ông bạn lớn tuổi của tôi có ba đời cư ngụ gần Cầu Sắt kể rằng: “Đất Hộ hẳn là cái tên xa xưa lắm. Từ thuở tôi còn bé đã nghe ông nội kể nhiều câu chuyện về vùng Đa Kao trong thời lính Nhật vào Sài Gòn”. Đem chuyện nơm nớp lo sợ cảnh giết chóc bắt bớ trong hoàn cảnh xã hội loạn ly thời đó chẳng hay chút nào. Ông kể chuyện món ăn hàng quán cho nhau nghe để gợi thèm hương vị ngày xưa đôi chút. Ông nhớ chi tiết về những con đường góc phố thân quen. Nhớ rõ từng tên tiệm buôn hàng quán trên mỗi con đường. Nào là chè Hiển Khánh, kem Vi Bổn, Bánh cuốn Tây Hồ, cà phê Duyên Anh sáng nào cũng tụ họp đám thanh niên trong đó có ông. Quán tên Duyên Anh nhưng người chủ chẳng dính dáng gì tới ông nhà văn có nhiều truyện dài viết cho tuổi thiếu niên gây ấn tượng hơn những thiên văn chương tình cảm xã hội thời bấy giờ. Ông bạn tôi đùa: “Chắc chủ quán “kết” Dzũng Đa Kao nên mới lấy tên người nặn ra nhân vật mà đặt tên cho quán”.

cho-dat-ho-da-kao2
Cầu Sắt bắc qua Rạch Thị Nghè, một bên là khu Đất Hộ ngày xưa, một bên là Thị Nghè – Ảnh: Panoramio

Sống ở vùng Đất Hộ xưa ba đời cho nên ông rành rẽ vùng đất gần như khai phá sớm nhất khi mở rộng thành phố Sài Gòn sau khi Pháp chiếm xong thành Gia Định. Mãi đến năm 1889 khi vùng gò cao từ Tân Định (xưa là Phú Hoà) đến Đất Hộ (trước là làng Hoà Mỹ) mới trở thành quận 1 và quận 2. Tuy khi xưa là làng Hoà Mỹ nhưng vùng này còn có một cái tên Đất Hộ trên bản đồ do Trần Văn Học vẽ vào năm 1815. Không biết Đất Hộ có phải là địa danh nhưng chắc chắn nó nằm trong phần đất của làng Hoà Mỹ. Có thể Đất Hộ chỉ là vùng đất nhỏ theo cách gọi của người địa phương nhưng ý nghĩa của nó như thế nào ít thấy tài liệu lịch sử hình thành đất Sài Gòn ghi chép đầy đủ.

Ông bạn tôi không đồng ý với một vài quan điểm của mấy tài liệu viết về vùng đất này. Trang mạng Wiki cho rằng: “Tên gốc của vùng đất Đa Kao là Đất Hộ (đất của hộ hoặc đất do hộ quản lý). Hộ (quartier) là đơn vị hành chính tồn tại vào thời kỳ Sài Gòn và Chợ Lớn được sáp nhập lại thành Vùng Sài Gòn – Chợ Lớn (Région de Saigon – Cholon) vào thời Pháp thuộc; đơn vị này tương đương cấp tổng ở các tỉnh. Đứng đầu một hộ là hộ trưởng. Đất Hộ được phiên âm thành Dakau trong sách báo, văn bản thời Pháp thuộc. Tên gọi Đa Kao trở nên phổ biến rộng rãi tại Sài Gòn từ thập niên 1950 trở về sau”.

Ở đây có hai nghi vấn cần lưu ý: Thứ nhất, thời kỳ Chợ Lớn – Sài Gòn sát nhập nhau vào đầu thập niên 1930. Việc chia đơn vị quản lý hành chánh quartier lúc đó tương đương cấp phường ngày nay. Và không thể nói quartier là hộ (đất do hộ quản lý) nên gọi là đất hộ. Thứ hai, Đất Hộ đã có tên từ lâu trên bản đồ Trần Văn Học vẽ vào năm 1815 mặc dù nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu có bổ sung thêm một số tên địa danh dịch ra từ chữ Hán vào giữa thế kỷ 19 trên bản đồ.

cho-dat-ho-da-kao1
Chùa Ngọc Hoàng vào đầu thế kỷ 20, người Pháp phiên âm Đất Hộ là Dakau (Đa Kao) Ảnh: Bưu thiếp

Vấn đề tên gọi Dakau do người Pháp phiên âm từ chữ Đất Hộ có thể chấp nhận được. Nhiều văn bản sách vở người Pháp in, xuất bản từ đầu thế kỷ 20 xuất hiện chữ Dakau. Chẳng hạn như chú thích tấm ảnh bưu thiếp Chùa Ngọc Hoàng được ghi rằng: Saigon – Pagoda de Dakau (Chùa Đa Kao). Ngôi chùa này còn có tên là Phước Hải Tự. Theo Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa, chùa tạo lập lối 1905 và hoàn thành năm 1906. Như vậy khó có thể đồng ý với nhận định tên gọi Đa Kao xuất hiện phổ biến rộng rãi từ thập niên 1950 trở về sau.

Theo ông bạn lớn tuổi của tôi người ở Xóm Chùa thì tên Đa Kao xuất hiện từ lâu khi gia đình cha mẹ anh di cư từ miền Bắc vào Sài Gòn năm 1944 để tránh nạn đói. Nhà ông ở trong một con hẻm trên đường Trần Quang Khải gần đền thờ Tây Hồ Phan Chu Trinh. Hình dáng ngôi đền trông như cái đình có mái đao ngói đỏ. Nên ông chỉ nghe gọi tên Xóm Chùa. Tất nhiên đây là cách gọi của người dân sống trong khu vực tập trung vài ba ngôi chùa, đền thờ; gọi như vậy cho thêm hình tượng. Nhưng hình tượng nhất trong xóm này lại là nhiều đám du côn tụ họp từ những khu nhà sàn gần cuối kênh Nhiêu Lộc. Thanh niên lạ mặt không dám vào đây vì sợ ngó điêu là đánh. Cái xóm “hiền lành” nhất như thế lại sống trong Xóm Chùa, lại thêm ban nhạc “Mad Dogs”, nghe cái tên cũng thấy nổi loạn rồi, đàn ca hát xướng vang rền cả xóm.

Ông kể, nhà tôi ở Đa Kao nhưng đi học ở Tân Định gần đó. Trường tiểu học Huỳnh Thị Ngà khai trương năm 1947 và đó cũng là năm tôi vào học lớp nhì. Đây là một trường tư thục nhưng có kỷ luật nghiêm khắc nên bố mẹ dẫn tôi đến ghi danh. Từ nhà đến trường chừng chưa đầy cây số, đi bộ cũng tới, vậy mà ba tôi dẫn tôi đi xe điện leng keng cho biết với người ta. Đón xe ở trạm Đa Kao, xuống trạm Tân Định, lại đi bộ vào trường. Nhắc đến bến xe điện, theo tôi tìm hiểu tuyến đường xe điện: Sài Gòn – Hóc Môn đi qua các trạm Bà Chiểu – Đa Kao – Tân Định khánh thành từ cuối thế kỷ 19. Như vậy xem ra địa danh Đa Kao đã xuất hiện vào thời gian này chứ mấy ai còn gọi Đất Hộ?

Riêng Chợ Đất Hộ mang tên này khi nào thì không có tài liệu để kiểm chứng. Ông bạn tôi với trí nhớ thuở còn học sinh tiểu học có thể không chính xác, nhưng thuở đó ông vẫn nghe người trong xóm gọi chợ Đa Kao mặc dù ngôi chợ này chỉ là chợ chồm hổm tự nhóm, dân chúng mua bán tụ tập lại thành hàng sạp lộ thiên. Mỗi chiều sau khi tan chợ, rác rến xả đầy, hai ba người phu quét dọn hì hục kéo lê cán chổi dài gom rác lại thành từng đống rồi dùng cào vun lên xe bò chở rác kéo ra bãi đổ ở phía đường Mayer tức Hiền Vương.

cho-dat-ho-da-kao
Cơ sở làm kem Vi Bổn cách Chợ Đa Kao vài căn nhà có từ giữa thập niên 1950, khi đó Chợ Đa Kao còn là một chợ chồm hổm. Ảnh: News.zing

Một tài liệu ghi chép trong cuốn Bến Nghé xưa của nhà văn Sơn Nam nhắc đến vụ toan tính đánh chiếm Sài Gòn vào tháng 1-1885 do ông Nguyễn Văn Bường, tự nguyên soái Tống cư ngụ tại Cầu Kiệu. “Nguyễn Văn Bường chuẩn bị xong người và khí giới để đột nhập vào chợ Tân Định và Phú Nhuận hòng chiếm và phá hủy vài công sở”. Nhưng cuộc nổi dậy bất thành, Nguyễn Văn Bường cùng vài ba lãnh đạo bị bắt và kết án chung thân đày ra Côn Đảo. Sau đó mấy tháng, lại có tin dân chúng Hóc Môn nổi dậy. “Có tờ lịch ném vào chợ Hóc Môn ghi rõ thời điểm ấy. Lại có tin loan truyền đúng rằm tháng 3, vào ban đêm, nghĩa quân tấn công thẳng vào Sài Gòn. Mặc dầu không sợ cho lắm nhưng bọn thương gia Pháp ở Đất Hộ cũng thức chờ đối phó, ngủ với cây súng ở đầu giường”.

Đất Hộ nhắc tới trong thời điểm ấy (1885) là điều đương nhiên cũng như Chợ Đất Hộ cũng chỉ là cái tên gọi của dân chúng chứ không nằm trong các chợ được quy hoạch có tên quản lý trong một thành phố như chợ Tân Định (trước là Chợ Phú Hoà) sau này khi xây xong thành một tác phẩm kiến trúc đẹp thu hút dân chúng sống trong vùng Tân Định – Đa Kao. Những ngôi chợ nhỏ gần đấy như Xã Tài (Phú Nhuận), Đất Hộ (Đa Kao) ít nghe nhắc đến hơn nên người Sài Gòn sinh ở quận khác có nghe cứ tưởng chợ ở tỉnh nào.

Thành phố Sài Gòn mở rộng nhanh chóng vào thời ông Diệm, chợ búa cũng theo đó mà hình thành và cất mới phục vụ cho nhu cầu dân sinh từ khắp nơi đổ về mảnh đất Sài Gòn hoa lệ. Chợ Đất Hộ hay Đa Kao từ chợ chồm hổm lộ thiên được dựng lên có nhà lồng, dãy sạp hẳn hoi mua bán cho đến ngày nay.

TN
( Bao Tre )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn