Tình yêu dưới tấm khăn choàng

Thứ Bảy, 23 Tháng Sáu 20185:00 CH(Xem: 6460)
Tình yêu dưới tấm khăn choàng

Chẳng ai cấm yêu nhưng tự do yêu là điều không được phép! Điều này không có gì bất thường và kỳ lạ trong thế giới Hồi giáo…

tinh-yeu-duoi-tam-khan-choang1 Rabat, Morocco. Mỗi chiều, người bán mực dạo Amal đều thấy “tội lỗi” lại tái hiện trên bãi biển. Đó là những cặp tình nhân nấp sau bức tường đá cầu cảng để trộm hôn nhau. Chẳng ít lần thấy bao cao su vất bừa, Amal ước gì những kẻ tội lỗi này bị nướng chín trong địa ngục…

Cairo, Ai Cập. Một con đường cụt tại Samalik nhìn ra sông Nile. Với những ai sống tại khu vực, họ có thể từ ban công nhìn thấy cảnh mà “tội ác” được phơi bày dưới bóng đêm. Khi trời sụp tối, nhiều xe hơi bắt đầu đổ vào Samalik. Gần như tất cả cô gái bước xuống xe đều trùm mạng nhưng tấm khăn che vẫn không thể cản được nụ hôn từ đôi môi ngọt ngào tình nhân. Dân địa phương gọi đây là “Shari al-Hubb” – con đường tình yêu…

Beirut, Lebanon. Nhạc techno vang to từ quán bar Acid. Trong đó, bọn con trai vận jeans với áo sơmi phanh ngực đang nhảy loạn trên sàn. Với dân thành phố, chẳng ai lạ gì địa điểm này, nơi tụ tập của giới đồng tính…

Tại nhiều quốc gia Hồi giáo, đặc biệt Trung Đông, cuộc cách mạng “yêu tự do” đang âm ỉ như ngọn núi lửa chuẩn bị phun trào, dù giáo luật vẫn còn nghiêm khắc với vấn đề yêu đương nói riêng và hôn nhân nói chung. Chẳng hiếm trường hợp tương tự Ali al-Gundi. Anh nhà báo Ai Cập này khi lái xe thì bị cảnh sát kiểm tra tại một chốt chặn. Vấn đề ở chỗ không phải Ali al-Gundi không mang theo bằng lái mà lúc đó là 4g sáng và Ali lại đi cùng cô bạn gái xinh như mộng. Thế là đủ để Ali al-Gundi và cô bạn bị còng. Tội trạng Ali càng nặng khi cảnh sát phát hiện một bao cao su trong túi áo anh. Đương sự bị cáo buộc lăng nhăng với gái bán hoa, dù đôi tình nhân cố thuyết phục rằng họ sẽ kết hôn vài tháng nữa. Chỉ khi cô gái được bố bảo lãnh và xác nhận, đôi tình nhân mới được thả về…

tinh-yeu-duoi-tam-khan-choang

Đến nay, Hồi giáo vẫn cấm tiệt quan hệ tình dục tiền hôn nhân và càng nghiêm khắc với vấn đề quan hệ bừa bãi. Phụ nữ ra phố không mang khăn che mặt luôn bị nhìn như người ngoài hành tinh. Tuy nhiên, với cơn sốt bùng nổ Internet, giới trẻ tại các quốc gia Hồi giáo Arab bắt đầu ngấm ngầm thực hiện cuộc cách mạng. Một khảo sát của tờ L’Economiste (Morocco) cho thấy thanh niên tại khu vực Maghreb đang ngày càng táo bạo hơn trong chuyện yêu đương và quan hệ chăn gối. Nếm trái cấm trước kết hôn không còn là chuyện lạ và có đến 56% thanh niên thú nhận họ xem website khiêu dâm thường xuyên. Dù vậy, phóng sự Der Spiegel cho biết cuộc cách mạng tình yêu tại vài quốc gia Hồi giáo chẳng hạn Morocco vẫn chỉ ở mức độ sủi tăm hơn là sôi sùng sục. Chẳng hiếm người như Samir 30 tuổi tiếp tục tin rằng “chẳng đàn ông và đàn bà nào ở cùng nhau mà không có sự hiện diện của quỷ dữ”. Với nhiều người mang tư tưởng cách tân, đối tượng như Samir thật ra lại cho thấy tính mỉa mai của hiện trạng thực tế. Samir có đến 12 người vợ (trong đó có một cô lớn hơn 15 tuổi).

Hôn nhân và tình yêu trong thế giới Hồi giáo đang được thể hiện trong tiểu thuyết và ngôn ngữ điện ảnh với nhiều lăng kính khác nhau. Trong bộ phim Cú đấm thứ năm, nhà làm phim Ai Cập Ahmed Khalid kể về một đôi uyên ương dùng chiếc xe bus làm nơi hò hẹn. Họ chỉ có thể gặp và trao nhau ánh mắt yêu thương nồng cháy từ trên chặng đường. Mỗi sáng Thứ Sáu, khi mọi người vào giáo đường cầu nguyện, họ hẹn nhau tại băng ghế cuối xe. Đó là thời điểm xe gần như không có khách. Ngồi đó, vai tựa vai, mắt nhìn mắt, họ nhẹ nhàng ôm nhau, chỉ sợ anh tài xế nhìn thấy qua kính hậu. Tuy nhiên, anh tài xế cuối cùng cũng thấy tất. Và đôi tình nhân phải trả thêm tiền để mua sự im lặng để có thể được yêu. Tất nhiên, Cú đấm thứ năm đã bị cấm chiếu…

Trong cộng đồng Hồi giáo, đồng tính luyến ái được gọi là “Luti” – tức thành phần tội lỗi sống tại thành Lut, nơi từng được nhắc trong Kinh Thánh lẫn Koran như một địa điểm bị hủy diệt bởi sự phẫn nộ của Chúa. Khắp thế giới Arab, chỉ có một tổ chức dành cho dân đồng tính (gọi là Helem; tại Beirut, Lebanon). Tổ chức này thường xuyên bị đe dọa bằng điện thoại. Khác với Lebanon (quốc gia được xem là thoải mái nhất về vấn đề yêu đương trong cộng đồng Hồi giáo), Ai Cập vẫn còn nặng chuyện cấm kỵ và phụ nữ tiếp tục là đối tượng bị ngược đãi từ ngay trong gia đình. Thế nhưng họ chỉ biết lặng im. Chẳng hiệp hội phụ nữ nào bảo vệ và cũng chẳng tờ báo nào buồn đăng “chuyện đời tư” gia đình, dù chẳng thiếu những tình tiết mủi lòng chẳng hạn họ bị chồng “dụng võ” tàn nhẫn như thế nào. Thời trẻ, họ từng bị cấm đoán trong yêu đương. Dường như họ đã quen với “vị đắng tình yêu”…

MK

Minh họa (internet
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn