500 năm lịch sử của Thượng Hải biến mất khi thành phố phát triển

Thứ Bảy, 12 Tháng Năm 201811:00 SA(Xem: 6170)
500 năm lịch sử của Thượng Hải biến mất khi thành phố phát triển

Người dân tại các khu quy hoạch nhận được những khoản bồi thường lớn, nhưng không phải ai cũng vui mừng khi hệ thống kiến trúc cổ có tuổi đời gần 500 năm bị phá hủy.

Theo South China Morning Post, phát triển kinh tế luôn đi kèm tái quy hoạch đô thị. Tại Trung Quốc, điều này đang diễn ra nhanh chóng khi những tòa nhà chọc trời liên tục thay thế các công trình cũ kỹ.

Ở thành phố Thượng Hải, "nạn nhân" gần đây nhất là hệ thống những ngôi nhà cổ nằm san sát nhau trong các con hẻm, hay còn được gọi là "lộng đường" tại quận Lão Tây Môn. Khu kiến trúc đặc trưng này bao gồm những tòa nhà tầng thấp, với các chợ rau quả và các cửa hàng mì nằm rải rác. Người dân sống trong lộng đường hình thành một cộng đồng gắn kết mật thiết, luôn gần gũi và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.

Lộng đường được được xem là một đô thị bản địa điển hình nằm rải rác khắp các quận của Thượng Hải, trong đó có Lão Tây Môn. Đây là một khu vực cổ được xây dựng từ thế kỷ 16, từng là cửa Tây thành phố trước khi bức tường bao quanh Thượng Hải bị tháo dỡ vào năm 1912. 

Khi giới trẻ Thượng Hải tìm kiếm cuộc sống thoải mái tại những tòa nhà cao tầng hiện đại, khu phố cổ lộng đường bị bỏ lại cho tầng lớp trung niên và người cao tuổi. Nét độc đáo của Lão Tây Môn không được bảo tồn và nhanh chóng biến mất. 500 năm tồn tại của khu vực cửa Tây thành phố Thượng Hải dần đi đến hồi kết. 

Những ngôi nhà cổ tại quận Lão Tây Môn, Thượng Hải sắp bị tháo dỡ. Ảnh: South China Morning Post.

Bảo tồn là vấn đề nan giải

Trong nỗ lực quy hoạch lại thành phố, chính quyền Thượng Hải đã bắt đầu đập bỏ một số lộng đường tại Lão Tây Môn. Nơi đây bị giải tỏa và người dân được trao những khoản bồi thường. Nhiều băng rôn giăng đầy phố với dòng chữ: "Hãy sớm nhận tiền và bắt đầu một cuộc sống mới".

Nhiều người hài lòng với việc nhận bồi thường để rời khỏi những công trình xuống cấp, hầu hết được xây dựng từ những năm 1920-1930 tại Lão Tây Môn. Trong 4 thập kỷ qua, khu phố cổ lộng đường không được tu sửa nhiều, vì vậy điều kiện sinh hoạt của người dân khá nghèo nàn và hạn chế.

"Hầu hết nhà cổ nơi đây đều là nằm dưới sự quản lý của chính quyền, người dân chỉ thuê lại để sinh sống. Đó không phải nhà của họ, vì vậy họ không quan tâm về hiện trạng của ngôi nhà", bà Ding Feng, kế hoạch viên trưởng tại Viện Kế hoạch và Thiết kế đô thị Thượng Hải Tongji cho biết. 

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu lịch sử và phát triển Thượng Hải Patrick Cranley, khi rời khỏi cộng đồng đang sinh sống vô cùng gần gũi, một số cư dân có thể sẽ cảm thấy bỡ ngỡ khi không quen biết ai ở nơi định cư mới. Họ mất nhiều thời gian hơn cho các hoạt động giải trí và mua sắm khi siêu thị và cửa hàng tiện lợi ở xa hơn.

500 nam lich su cua Thuong Hai bien mat khi thanh pho phat trien hinh anh 2
Những khung cửa gỗ trạm trổ tinh xảo này sẽ biến mất khi Lão Tây Môn bị giải tỏa. Ảnh: Historic Shanghai.

Theo bà Ding, việc tái quy hoạch Lão Tây Môn là cách nhanh và tiết kiệm nhất để cải tạo khu vực này. Các nhà đầu tư bất động sản chuộng việc mua lại đất để xây dựng khu đô thị mới hơn là sửa sang những công trình cũ. Không nhiều người nghĩ đến việc bảo tồn một hệ thống công trình cổ, có giá trị lịch sử đi kèm với nền văn hóa cộng đồng đặc sắc như lộng đường.

"Quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1980 và được thực hiên một cách bừa bãi, không cẩn trọng. Vì chính quyền không có nhiều nguồn lực tài chính để đối mặt với cơn khủng hoảng nhà đất nghiêm trọng, họ có xu hướng bán bất động sản cho bất kỳ nhà thầu nào trả giá cao nhất".

"Sau đó, các nhà thầu này được phép xây dựng tùy thích mà không chịu sự ràng buộc bởi các quy định quy hoạch đô thị thống nhất, lâu dài và toàn diện", giáo sư lịch sử Qin Shao tại Cao đẳng New Jersey, Mỹ cho biết.

Hy vọng dành cho Thượng Hải

Những người muốn bảo tồn hệ thống công trình cổ tại Lão Tây Môn phải đối mặt với thách thức không hề đơn giản. Chính sách nhà ở sau thời kỳ đổi mới ở Trung Quốc khiến những tòa nhà nơi đây luôn ở trong tình trạng không được tu sửa và dần trở nên cũ nát.

Điều này có nghĩa việc phá bỏ toàn bộ khu vực này để xây dựng công trình mới sẽ ít tốn kém hơn việc sửa chữa những ngôi nhà không có đường ống nước, hệ thống sưởi và hệ thống cách điện. 

Tuy nhiên, đồng thời với đó là những cơ hội và điều kiện thuận lợi mà Thượng Hải có được. Là thành phố giàu nhất Trung Quốc, Thượng Hải có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư cho các công trình bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa.

500 nam lich su cua Thuong Hai bien mat khi thanh pho phat trien hinh anh 3
Không mấy cư dân còn bám trụ lại những ngôi nhà cổ ở Lão Tây Môn. Ảnh: AFP.

Theo chuyên gia Ding Feng, trên thực tế, chính quyền một số quận ở Thượng Hải đã làm khá tốt công việc bảo tồn hệ thống công trình cổ. Giới quy hoạch đô thị và kiến trúc sư tại quận Từ Hối đang làm việc với cộng đồng dân cư địa phương để cải thiện các khu nhà lộng đường tại nơi đây. Họ hướng đến việc nâng cấp từ quy mô nhỏ, trái với xu hướng quy hoạch hàng loạt và trên diện rộng tại một số khu vực khác.

Ngoài ra, các tổ chức và cá nhân giàu có cũng có thể giữ một số vai trò nhất định, theo chuyên gia Cranley.

500 nam lich su cua Thuong Hai bien mat khi thanh pho phat trien hinh anh 4
Công nhân dần tháo dỡ một ngôi nhà cổ tại Lão Tây Môn. Ảnh: Historic Shanghai.

"Nhận thức về việc bảo tồn kiến trúc lịch sử ở thời đại bây giờ đã tốt hơn rất nhiều so với 20 năm về trước. Bảo tồn luôn là một sự xa xỉ. Tôi hy vọng giới giàu có ở Thượng Hải sau khi đã có được mọi nhu cầu về vật chất có thể chú ý hơn về vấn đề này", ông Cranley nói.

Dù hệ thống lộng đường tại Lão Tây Môn có khả năng sẽ biến mất trong vài tháng tới, các chuyên gia vẫn hy vọng chính quyền Thượng Hải sẽ dần từ bỏ con đường phát triển bằng mọi giá và ưu tiên hơn cho việc bảo vệ môi trường, bảo tồn các công trình văn hóa, lịch sử.

Trong sự nuối tiếc dành cho Lão Tây Môn, bà Qin cho rằng công tác bảo tồn sẽ không được chú ý nghiêm túc cho đến khi nhiều công trình lịch sử đã bị phá hủy. Khi xã hội đã đủ tiến bộ, văn minh và thịnh vượng, đó là lúc chính quyền và người dân bắt đầu hướng đến việc bảo vệ quá khứ, không phải vì lợi nhuận mà vì lợi ích văn hóa cho các thế hệ trước đây và tương lai. 

"Bảo tồn lịch sử nên là một phần của việc xây dựng những thành phố lấy con người làm trung tâm. Chỉ khi nào khái niệm thành phố nhân văn trở thành một ưu tiên và được hiện thực hóa, chúng ta mới có thể thấy được thành công trong việc bảo tồn lịch sử", bà Qin nhận định.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn