14-9-2024
Mỗi lần đáp xuống Nội Bài, qua cầu Nhật Tân, tôi thường có một cảm giác lấn cấn rất kỳ lạ. Một con sông lớn, rất lớn trên thế giới, và một siêu đô thị cũng rất lớn trên thế giới, nhưng hai thứ này có vẻ “đồng sàng mà dị mộng”. Để diễn tả, mình thường hay nghĩ đến một mối quan hệ hôn nhân nhọc nhằn…
Thành phố thực sự quay lưng với dòng sông!
Và năm nay, đánh dấu lần đầu mình phải hồi hộp theo dõi mực nước sông Hồng và mức báo động. Và rồi hoang mang tự hỏi, hình như cả thành phố trên chục triệu dân này gần như không hề có một kế hoạch đón đầu kịch bản xấu nhất. Giả sử, nếu mực nước sông trên mức báo động 3 và vượt qua đê, thì người dân sẽ di tản kiểu gì và chính quyền sẽ làm gì?
Về mặt địa chất học mà nói, sông Hồng chảy dọc theo một đới đứt gãy địa chất lớn, vốn chia miền Bắc thành hai nửa. Đới đứt gãy sâu sông Hồng vẫn đang hoạt động, tiềm tàng nhiều khả năng động đất. Nên phải tính toán và có kịch bản khi xảy ra sự cố với các đập thủy điện lớn thượng nguồn như Hoà Bình chẳng hạn, khi các quả bom nước đổ về thủ đô.
Sông Hồng tiềm ẩn một mối hoạ. Thực tế này cần phải được cân nhắc và dẫn hướng cho các tầm nhìn xa hơn về quy hoạch, bảo đảm an toàn về quy hoạch vùng thoát lũ và quy hoạch đê điều, thủy văn… cũng là bảo đảm sức khỏe nền kinh tế và tính mạng người dân.
Nhưng lạ, vài chục năm nay, các quy hoạch được phê duyệt và rồi tiếp tục bị treo, đều cùng một lối mòn là thành phố quay mặt lại dòng sông bằng cách tăng cường… chia lô và cắm cao ốc vào bãi bồi. Điển hình là quy hoạch 2022 nghiên cứu phân khu đô thị sông Hồng 11.000ha trải dài 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở thì tự nhiên lại… phòi ra gần 2.000ha đất ở – cao ốc – văn phòng chi chít ngoài các bãi áp sát mạn Hồ Tây và phía Đông Anh.
Tải một lượng phù sa khổng lồ, nhiều triệu năm nay sông Hồng dần bồi đắp nên đồng bằng châu thổ của mình. Bạn cần phải hiểu, dòng sông đỏ quạch và có vẻ “hung dữ” mùa lũ, là một sinh thể sống động. Nó có quyền cựa quậy, uốn khúc và lồng lộn. Với sức nước khổng lồ từ các dãy núi lớn đổ về, nó cần một không gian phù hợp để phát triển theo quy luật tự nhiên. Việc kẹp đê hai bên sông là một tiến trình lịch sử, để chế ngự con sông và bảo vệ thành phố. Đây là sự đã rồi. May là, vẫn còn các bãi bồi lớn ven sông, các bãi giữa để cho sông Hồng thở và cựa quậy mùa lũ.
Không ai lại tâm thần đến mức nhìn thấy mức lũ hạ thấp 20 năm nay liền… xiết cho sông Hồng bé lại cả. Với siêu đô thị, trong 100 năm phải nghĩ đến thời tiết biến đổi cực đoan, mực nước biển dâng cao, địa chất tiếp tục biến động… và nhiều hiểm hoạ khác.
Cũng có đôi lần chịu khó đi họp, phát biểu, đưa ý kiến, mình đều cho rằng, về mặt khoa học thoát lũ – đê điều – thủy văn, các nhà khoa học của ta rất có tâm và đủ giỏi để khuyến nghị. Việc cần làm là lắng nghe họ. Và cần phải hiểu rõ sự nguy hiểm của các nhóm lợi ích khác.
Muốn phát triển Hà Nội thành đô thị văn minh đầy cây xanh? Hãy thôi nghĩ đến chuyện xây cao ốc vào bãi sông, các lợi ích bất động sản thiển cận khác, mà hãy biến các bãi bồi lớn thành các siêu công viên sinh thái – đất ngập nước – với một hạ tầng mềm, thêm đường dạo bộ, đạp xe, và các câu lạc bộ thể dục thể thao. Tạo ra giao thông thủy, bằng chính sách và quy hoạch. Và đó là cách đúng để mang lại… tình yêu giữa con người và dòng sông.
Ngoài ra, phải kiên quyết lập đô thị vệ tinh và dời trung tâm đầu não về các vùng đất cao – bán sơn địa và kết nối dễ dàng với Hà Nội bằng tàu cao tốc – xa lộ.
Hình cuối, trận lụt lịch sử 1971 (*) nước tràn qua đê, tổn thất to lớn. Và đó là khi dân còn ít, hạ tầng ngầm chưa có gì…
_______
(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Chúng tôi tìm thấy thông tin về bức ảnh này, ghi lại cảnh trận lũ sông Hồng năm 1926, không phải năm 1971 như thông tin trên. Nguồn: Aéronautique militaire
Các hình ảnh khác liên quan mà tác giả đăng kèm theo bài viết: