Racetrack Playa là lòng hồ bằng phẳng khô cạn ở California rải rác hàng trăm hòn đá tự di chuyển bí ẩn. Những hòn đá này để lại vệt dài tới 460 m khi trôi dạt trên mặt đất mà không rõ nguyên nhân, theo Live Science.
Đá biết đi khiến giới nghiên cứu bối rối từ giữa thế kỷ 20, nhưng trước năm 2013, không ai thực sự nhìn thấy hay ghi hình chúng di chuyển. Tuy nhiên, rõ ràng các hòn đá thay đổi vị trí định kỳ do chúng để lại vệt rãnh trên mặt đất phía sau chúng. Một số hòn đá ở Racetrack Playa nặng khoảng 320 kg.
Trong một nghiên cứu công bố năm 2014, các nhà khoa học cuối cùng đã ghi lại quá trình chuyển động của đá biết đi. Nhóm nghiên cứu lắp thiết bị GPS kích hoạt bằng chuyển động trên 15 hòn đá và camera time-lapse để theo dõi chúng. Họ cũng dựng trạm khí tượng độ phân giải cao để thu thập những biến động cực nhỏ ở tốc độ gió.
Thí nghiệm cung cấp câu trả lời trong khoảng thời gian ngắn bất ngờ, dù đá biết đi có thể ở một chỗ trong hơn một thập kỷ mà không di chuyển. Từ tháng 12/2013 đến tháng 1/2014, chỉ hai năm sau khi dự án bắt đầu năm 2011, nhóm nghiên cứu quan sát hơn 60 hòn đá di chuyển ở tốc độ 2 - 5 m/phút.
Dữ liệu hé lộ một mô hình lượng mưa và gió hiếm gặp phía sau chuyển động của đá biết đi. Dù các nhà khoa học nghi ngờ gió đẩy những hòn đá, họ chưa rõ một số tảng đá lớn hơn thay đổi vị trí như thế nào và tại sao chuyển động không đều đặn như vậy. Một vấn đề chưa có lời giải khác là tại sao nhiều hòn đá có đường rãnh song song hoàn hảo, bao gồm một số khúc cua gấp và sự đảo lộn về hướng.
Nghiên cứu cho thấy đá biết đi di chuyển khi một lớp băng mỏng trơn trượt hình thành trên mặt đất vào ban đêm sau khi trời mưa. Mặt Trời buổi sáng làm ấm và tan chảy lớp băng, hình thành các mảng trôi nổi đẩy một số hòn đá theo hướng và tốc độ gió.
Đá đến từ vùng núi xung quanh rơi xuống Racetrack Playa do xói mòn. Chúng cấu tạo từ dolomite và syenite, theo Hiệp hội Vườn quốc gia. Vùng đáy hồ trải dài 4,8 km và rộng 3,2 km, hình thành cách đây khoảng 10.000 năm, khi biến đổi khí hậu khiến hồ nước cổ đại bốc hơi, để lại bãi bùn khổng lồ.
An Khang (Theo Live Science)