Vũ Hải- Anh hùng chống Nguyên Mông

Thứ Ba, 14 Tháng Mười Một 20179:00 SA(Xem: 7240)
Vũ Hải- Anh hùng chống Nguyên Mông

378106_333320810028006_819190976_n.jpg

Vũ Ngọc Phương 

Vũ Hải  sinh năm Giáp Ngọ (1258) hy sinh năm Mậu Tý (1288) khi mới có 30 tuổi, trong trận chiến trên cửa biển Đại Bàng đánh Ô Mã Nhi. Vũ Hải sinh cùng năm với Hoàng Thái tử Trần Khẩm sau lên ngôi là Trần Nhân Tôn Hoàng đế và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ông là người trang Du Lễ đời Trần (nay thuộc xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) là tướng của nhà Trần thời kỳ Đại Việt chống quân Nguyên Mông xâm lược nước ta.

Họ Vũ của ông gốc từ vùng Phượng Lâu, Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay. Sau một phần Chi họ Vũ Công từ Bạch Hạc, Việt Trì về định cư ở Du Lễ từ khoảng năm 500 sau Công Nguyên, lúc đó chữ Vũ theo Hán văn là bộ Chỉ, chữ Công là bộ Phốc thì cải lược ẩn chữ để khi viết ra vẫn có nét bộ Phốc trong tên. Cách đặt này vẫn còn giữ nguyên trong Chi Họ Vũ gốc Phượng Lâu đến cuối thế kỷ XIX.

Vũ Hải sinh ra và lớn lên trên miền đất Nghi Dương nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là nơi sản sinh ra những võ tướng nổi tiếng dưới thời phong kiến. Trước Vũ Hải từng có danh tướng Trương Nữu (cùng trang Du Lễ) là người có công phò tá Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng chống ách đô hộ của nhà Đường. Sau Vũ Hải có Mạc Đăng Dung là danh tướng dẹp loạn cuối thời Lê sơ đồng thời là vua mở đầu triều MạcVũ Hộ là Tướng quân thời vua Lê Uy Mục (1505 – 1509) đến Lê Chiêu Tông và Lê Cung Hoàng (1516 – 1527) là thời Nhà Lê suy tàn, vua rất tàn ác, hoang dâm vô độ, giặc cướp nổi lên khắp nơi, dân chúng lầm than. Mạc Đăng Dung nhân thế nổi lên diệt Nhà Lê, lập Nhà Mạc. Vũ Hộ đã kéo quân giúp Mạc Đăng Dung, sau ông là Khai quốc Công thần triều Mạc.

Vũ Hải  là người giỏi võ nghệ lại tài văn chương, có sức khoẻ địch nổi muôn người. Năm ông 17 tuổi (1269), ông lên Thăng Long ứng thi đỗ võ tướng, lĩnh chức Đô Chỉ huy Thiêm sự ( Chức Võ quan dưới Đô chỉ huy đồng trị của Đô ty – Đơn vị quân đội thời Nhà Trần).

Khi quân Nguyên Mông kéo sang xâm lược Đại Việt lần thứ nhất. trong trận Tây Kết, Tướng quân Vũ Hải được giao chỉ huy một đội Thủy quân Đại Việt chặn đánh thuyền của quân Nhà Nguyên do tướng Toa Đô chỉ huy ở Đại Mang ( Đại Hoàng ngã ba Vường trên sông Hồng), ông đã có công vây hãm đường lương thảo, góp công lớn vào chiến thắng quân Nguyên Mông trong trận Chương Dương – Hàm Tử.

Sau chiến công, ông được phong chức Tả Phó Đô Ngự Sử, Bát Hải Hữu Tướng Quân, chỉ huy hơn 5000 quân thuỷ trấn giữ ở Bình Than. Ông cũng tuyển thêm trai tráng tại quê nhà ở trang Du Lễ giỏi nghề bơi lội luyện thành thủy binh tinh nhuệ.

Do có công lớn trong trận Chương Dương – Hàm Tử nên ông được phong chức Phó Đô Ngự Sử. Theo lịch sử và thần phả, ông là người có công lớn trong trận Bạch Đằng Giang.

Ngày 30 tháng Chạp năm Đinh Hợi, Thái tử Nhà Nguyên là A Đài cùng Nguyên soái Ô Mã Nhi đem 30 vạn quân đánh vào Vạn kiếp rồi thừa thắng xuôi dòng về phía đông.

Ngày mùng 8 tháng 3 năm Mậu Tý (1288), đại quân Nguyên đều hội về sông Bạch Đằng chờ thuyền lương của Trương Văn Hổ, khi nước triều xuống thuyền giặc vướng cọc nghiêng đổ, quân Nhà Trần bắt được Bình chương Nguyên là Áo Lỗ Xích, giặc chết rất nhiều máu loang đỏ sông. Ô Mã Nhi quay đội thuyền chiến lại cứu, quân phục của Nhà Trần đổ ra đánh quân Nguyên thua trận. Tướng quân Vũ Hải đã thống lĩnh đội chiến thuyền đánh sâu vào đội thuyền thủy quân Nhà Nguyên do Nguyên soái Ô Mã Nhi thống lĩnh. Trong trận chiến, dù đã bị thương nhiều lần, ông vẫn anh dũng chiến đấu, tướng quân Vũ Hải đã nhẩy sang Lâu thuyền (thuyền chiến có lầu chỉ huy) trực tiếp giao chiến với Ô Mã Nhi, đánh Ô Mã Nhi bị thương phải nhẩy xuống sông trốn chạy. Vì thế, thủy quân Đại Việt đã bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc của Nhà Nguyên.

Nhưng trong lúc đánh Ô Mã Nhi, ông cũng bị quân Nguyên đâm trộm từ phía sau vào lưng. Tướng sỹ Đại Việt đã cố cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng nên Tướng quân Vũ Hải đã hy sinh trên chiến thuyền ở cửa biển Đại Bàng thuộc xã Bàng La (Đồ Sơn) và thôn Quần Mục (Đại Hợp ngày nay).

Tướng quân Vũ Hải được Trần Nhân Tôn truy phong tước Bát Hải Đại Vương, lập đền thờ ông ở quê nhà. Tại trang Du Lễ, nhân dân gọi Đền thờ Vũ Hải là Miếu Đông để phân biệt với Miếu Đoài của tướng quân Trương Nữu. Năm 1994, Miếu Đông thờ Thành Hoàng Vũ Hải đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Hội Lễ hàng năm Bát Hải Đại vương Vũ Hải được các cấp thành phố và trung ương tổ chức theo năm chẵn. Tên ông được đặt cho đường phố Vũ Hải trong trung tâm thành phố Hải Phòng.

TG_68751505815533

Miếu Đông, nơi thờ thành hoàng Vũ Hải.

Miếu Đông là một tòa kiến trúc có quy mô gồm 5 gian tiền đường và một gian hậu cung, vì kèo kiểu chồng rường giá chiêng. Trong miếu hiện còn lưu giữ được khá nhiều di vật quý có giá trị nghệ thuật như kiệu bát cống, long đỉnh, chuông đồng tạo thời Tây Sơn, khám thờ sơn son thếp vàng và tấm bia đá ghi tục “ Quỹ nghĩa sương” để ủng hộ giúp đỡ những người gặp khó khăn. Đặc biệt, trong Đền còn lưu giữ được 5 đạo sắc phong của các triều vua phong Thượng đẳng phúc Thần cho Bát Hải Đại Vương Vũ Hải. Hội làng Du Lễ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 được tổ chức ở đình từ ngày 4 đến ngày 6 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Trong lễ hội có lễ tắm mộc dục, rước bài vị các thánh thờ ở miếu Đông, miếu Đoài về ngôi đình chung của làng. Ngoài ra, đối với vị thần Vũ Hải, nhân dân Du Lễ còn tổ chức các ngày kỵ lệ như ngày sinh, ngày mất, thu hút đông đảo nhân dân địa phương đến tham dự.

Truyền thuyết dân gian, ngọc phả và thần phả ghi rằng tương truyền sau khi Tướng quân Vũ Hải hy sinh, ông được hiển Thánh là Đức Thánh Hoàng Mười là bậc Thượng đẳng phúc Thánh trong Đạo Thánh Mẫu Việt Nam. Sau thời Nhà Trần, Đức Thánh Mẫu biết trước nước ta sẽ bị quân Minh xâm lược tàn bạo, xin Ngọc Hoàng cho Đức Thánh Hoàng Mười Vũ Hải được thác sinh xuống cõi Trần vào nhà họ Nguyễn, có Mẹ đẻ là bà Vũ Hạch. Hậu sinh Tướng quân Vũ Hải sau này chính là Tướng quân rồi Thái sư Nguyễn Xí theo Lê Lợi từ khi lên 9 tuổi, sau Nguyễn Xí là một trong những Khai quốc công thần rất nổi tiếng thời Lê Sơ. Theo các nhà Tâm Linh và nghiên cứu Thần học, Đức Thánh Hoàng Mười thường giáng trần, hiển linh ban xưng là Cao Tổ Vũ Hải của chi họ Vũ Công phát tích ở Phượng Lâu, Việt trì khi giáng về trong các nghi lễ của Đạo Thánh Mẫu Việt Nam. Đây là một những truyền kỳ dân gian tô thắm thêm lịch sử giữ nước của Dân tộc Việt Nam.

 

Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 2014

 https://nghiencuulichsu.com/2017/11/10/vu-hai-anh-hung-chong-nguyen-mong/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn