Mạnh Kim - 70 năm sự kiện di cư 1954

Thứ Ba, 23 Tháng Bảy 20248:00 SA(Xem: 619)
Mạnh Kim - 70 năm sự kiện di cư 1954

dicu_02

Bảy mươi năm đã trôi qua kể từ cuộc thiên di vĩ đại nhất Việt Nam đương đại. Gia đình ông nội tôi là một trong những gia đình có mặt trong cuộc di cư lịch sử. Khi mẹ mang bầu tôi thì ông nội tôi mất. Bố tôi mất sớm nên tôi cũng không có cơ hội hỏi ông về những gì xảy ra vào năm 1954.

Tôi chỉ biết rằng, khi vào Nam, một trong những nơi đầu tiên mà ông nội tôi lập nghiệp, cùng bà vợ trẻ và đàn con nheo nhóc gần 10 người, là Tây Ninh. Sau đó ông đưa cả nhà về Phú Nhuận. Đến khi tôi trưởng thành, căn nhà gỗ một tầng mà ông dựng lên vẫn còn và đó vẫn là nơi mà con cháu luôn tề tựu mỗi năm vài lần, vào dịp Tết nhất và dịp giỗ ông.

Lúc còn sống, bà nội kể với tôi, khi ông bà dọn về đây – trước 1975 gọi là đường Nguyễn Huệ và sau 1975 đổi thành Thích Quảng Đức – khu vực này vẫn còn hoang vắng. Chung quanh đều là rừng. Cỏ lau ngập đầu người. Thú hoang vẫn còn đầy khắp. Tối ngủ có khi còn nghe cọp rống. Lưa thưa mới có vài căn nhà. Hầu hết là dân Bắc di cư 54 cả. Nhắc đến bà, tôi nhớ như in hình ảnh một bà nông dân Bắc Bộ truyền thống. Răng nhuộm đen, nhai trầu bỏm bẻm, chít khăn mỏ quạ, thỉnh thoảng “nhạt mồm” hát ư ử vài câu Quan họ.

Bà vẫn giữ nếp quê nghèo khó dù gia đình chưa bao giờ thiếu ăn thiếu mặc. Trong nhà lúc nào bà cũng “tích trữ lương thực”, từ lọ đậu vừng đến thố cải chua. Bà ăn uống tằn tiện như thể ngày mai chẳng còn gì mà ăn. Thỉnh thoảng tôi hỏi bà này nọ. Vẫn giữ nếp quê rặt một nông dân Bắc bộ, bà nằm trên chiếc võng căng giữa nhà, đung đưa cọt kẹt, tay cầm quạt mo phe phẩy, bà kể chuyện quê ngoài Bắc. Bà tiết lộ bí quyết nấu món cá chép kho riềng. Bà vừa nhổ bã trầu vừa nói về kỹ thuật nấu xôi vò.

Nếu bây giờ bà còn sống, tôi sẽ không thắc mắc về chuyện nấu xôi đúng kiểu người Bắc. Tôi sẽ hỏi bà về chuyện bà gánh gạo đi bộ từ làng Ngọc Trì, Bắc Ninh, lên tận Hà Nội để nuôi bố tôi ăn học ra sao. Rằng bà đi nhọc như thế mất bao nhiêu ngày, bà nghỉ ở đâu, rồi bà ở Hà Nội bao lâu hay lại quày quả quay về ngay để còn kịp ngày ra ruộng. Và nữa, tôi sẽ hỏi bà, rằng ông cùng bà vào Nam như thế nào. Tôi không biết và không thể tưởng tượng nổi, dù cố gắng hết mức, có thể hình dung tâm trạng của ông và bà tôi khi quyết định chọn con đường duy nhất đầy rủi ro là bỏ hết tất cả tài sản để vào Nam với bàn tay trắng.

dicu_03

Cuộc ra đi kéo dài 300 ngày đó là cuộc ra đi lịch sử của dân tộc. Nó là cuộc thiên di định mệnh của gần một triệu đồng bào Bắc Việt tay xách nách mang vào Nam tạo dựng lại cuộc đời. Dù không thể biết tâm trạng và cảm xúc của những người như ông nội tôi nhưng chắc chắn một điều rằng chẳng có cuộc ra đi nào khỏi nơi chôn nhau cắt rốn là một chọn lựa nhẹ nhõm. Nó rất nặng nề. Thậm chí vô cùng đau đớn. Họ để lại phía sau vô số kỷ niệm. Họ để lại không chỉ hình ảnh bụi tre, sân đình hay giếng nước. Họ thậm chí để lại những cuộc tình.

Có điều tôi biết chắc rằng, khi di cư năm 1954, người Bắc đã bỏ lại quê hương chôn nhau cắt rốn nhiều thứ nhưng có một thứ mà họ ôm khư khư trong lòng, giữ chặt trong tim và sau đó khi định cư nơi miền đất mới Nam kỳ, họ lại xõa nó ra, như xõa cái búi tóc từ chiếc khăn mỏ quạ: Hương hồn văn hóa đất Bắc kinh kỳ. Văn hóa miền Nam trước 1975 không thể phát triển đến mức đồ sộ như được biết nếu không có đóng góp của nhân tài đất Bắc. Họ mang vào miền Nam những thi bá Vũ Hoàng Chương…; những nghệ sĩ Thái Thanh, Phạm Duy, Kiều Chinh, Hoàng Trọng, Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước, Khánh Ngọc…; những văn sĩ Mai Thảo, Duyên Anh, Doãn Quốc Sỹ…; những nhà báo Nguyễn Mạnh Côn…

Giới trí thức Bắc kỳ di cư ngày ấy là tinh hoa không chỉ của miền Nam mà của cả dân tộc. Những gì họ để lại là một di sản văn hóa khổng lồ. Họ mang vào Nam một cách sống và đặc biệt: Một giọng nói nhẹ nhàng sang trọng lịch lãm rất đặc thù mà bây giờ vẫn còn nghe ở những người gốc Bắc di cư thuở ấy, như ông Nguyễn Ngọc Ngạn chẳng hạn. Họ nói năng nhẹ nhàng, lịch sự, hòa nhã, từ tốn, khiêm cung và dĩ nhiên rất văn hoa lả lướt. Lời lẽ ý nhị và cầu kỳ. Đến bây giờ, họ vẫn giữ sự lịch lãm không thể lẫn vào đâu được của tinh hoa văn hóa một thời.

Trong lần phỏng vấn nghệ sĩ Kiều Chinh, tôi luôn nghe bà bắt đầu câu trả lời bằng “Dạ thưa, chuyện thế này anh ạ…”. Tiếp xúc nhiều lần với những người khác, từ giáo sư Lê Xuân Khoa, bác sĩ-nhà văn Ngô Thế Vinh, kỹ sư Phạm Phan Long, nhạc sĩ Nam Lộc, đến nhà báo Uyên Thao…, tôi cũng thấy họ vẫn giữ phong cách lịch lãm ngày nào, như thể điều đó đã bám rễ sâu vào nhân cách họ.

Vào Nam, những người như ông bà tôi, bố tôi, cô chú tôi, và cả triệu người Bắc khác, đã hòa nhập rất nhanh với văn hóa miền Nam. Vừa hòa nhập, họ vừa mang lại những ảnh hưởng văn hóa Bắc bộ cho đồng bào miền Nam. Không chỉ văn hóa. Phải kể đến ẩm thực. Quán cơm Bà Cả Đọi không chỉ thỏa mãn những Vũ Bằng hoặc Hoàng Hải Thủy mà còn chinh phục cả thường dân Sài Gòn Nam kỳ chính cống. Người miền Nam bắt đầu quen với cà pháo mắm tôm và tiết canh lòng luộc. 

Trước 1975, gia đình tôi sống ở hẻm Đội Có (đường Cô Giang, Phú Nhuận). Đó là xóm di cư, nơi có cái giếng cạn trong suốt quanh năm mà nhà ông kịch sĩ Thanh Hoài ở gần đó. Tôi có thể thấy rõ sự hòa nhập Bắc-Nam ngay trong xóm tôi ở. Những lạ lẫm ban đầu mà người Bắc mang vào Nam đã trở thành một phần của văn hóa miền Nam, nơi dung nạp tất cả đặc tính văn hóa vùng miền của dân tộc.

Trong “Văn học miền Nam tổng quan”, ông Võ Phiến viết:

“Cuộc di cư còn có ảnh hưởng vào văn hóa miền Nam một cách sâu xa hơn, tuy âm thầm lặng lẽ hơn. Thật vậy, từ sau cuộc di cư 1954, ngày một ngày hai không ai để ý đến, nhưng cuộc sống ở miền Nam đổi khác: Cái quai nón của người con gái đổi khác, chiếc áo đàn bà mặc trên người đổi khác, món quà người ta ăn hàng ngày không giống xưa, cái bìa báo bìa sách biến dạng đi v.v... Giọng nói miền Nam cũng biến đổi nữa, không sao! Sau này có cô ca sĩ nào mà không hát giọng Bắc; vả lại không cần phải chờ đến lúc thành ca sĩ mới đổi giọng: mọi nữ sinh, kể cả những cô nữ sinh trung học tận dưới Rạch Giá, Cà Mau hễ cất giọng lên là cũng hát giọng Bắc luôn...”

maithao_01

Chỉ khoảng hai năm sau khi di cư vào Nam, trong tạp chí “Sáng Tạo”, số tháng 10-1956, ông Mai Thảo đã viết về Sài Gòn như được trích sau đây. Phải là người rất yêu miền Nam và yêu Sài Gòn, hòa nhập thật sự vào văn hóa miền Nam, mới có thể viết được như thế. Những gì ông Mai Thảo viết chắc chắn là cảm nhận của nhiều người, những người Bắc di cư vào Nam và chọn vùng đất này, để sống và để chết, cùng với nó: 

Sài Gòn thủ đô văn hóa Việt Nam: Không phải là một danh từ, một câu nói xuông nhạt. Không phải là một ảnh hình trừu tượng. Không phải là một ảo tưởng mong manh còn nằm trong ngày tới xa thẳm. Không phải là một ý niệm khát khao đợi chờ. Đã là một thực thế được minh định: Văn Hóa Việt Nam, thực hiện hôm nay và sẽ được kiện toàn trong ngày tới đã có được một trung tâm xuất phát và sinh thành: Thủ đô Sài Gòn (...)

Tôi đặt chân xuống phi trường Tân sơn Nhất từ mùa nắng 54. Những người bạn đường đã sinh trưởng ở đây kể từ ngày thành phố xuất hiện trên những kinh rạch ẩm ướt đen tối. Những người bạn đường còn ở rải rác trên những đô thị thế giới, bên kia muôn ngàn trùng dương. Tất cả đời sống chúng ta, kể cả phần tâm tưởng thầm kín đến phần sinh hoạt thường nhật, đều hướng về Sài Gòn. Như những nhành hoa hướng dương nở về một phía bình minh. Như những bước chân đi về trạm hẹn (...)

Bởi vì Sài Gòn, nếu chưa thật sự – một trưởng thành nào cũng phải có đủ thời gian – thì cũng đang trở nên trung tâm văn hóa đất nước. “Trung tâm” xứng đáng với ý nghĩa của toàn thể toàn diện. Những hạt muối đang kết tinh trong nắng. Những bông hoa đang phơi mở. Những trái ngọt đang căng đầy. Từ trung tâm, những nền tảng đã đặt định đề văn hóa được trưởng thành. Những nỗ lực này tiếp tay những nỗ lực khác. Trên một hình thức kiến trúc những công trình thể hiện đang làm đầy phần chứa đựng, phần nội dung. Những vật liệu văn hóa còn ngổn ngang bộn bề, nhưng hình thể của lâu đài văn hóa đã nhìn thấy (…)

Một điều nữa, trong rất nhiều điều không thể viết ngắn trong một bài, cần nhắc lại là di sản lớn nhất của người Bắc di cư lẫn văn hóa miền Nam trước 1975 là sự tôn vinh cội nguồn. Người ta có thể thấy rõ điều đó trong những tác phẩm văn học, thi ca và âm nhạc mà họ để lại. Đọc lại những tản văn về văn hóa dân tộc hoặc nghe lại những ca khúc quê hương của họ, vào giai đoạn này, sau bao nhiêu năm rồi, vẫn không có cách nào có thể cảm nhận được đầy đủ sức nặng dữ dội của tình cảm quê hương chất chứa trong lòng họ. Tình cảm cội nguồn, với họ, có giá trị thiêng liêng vĩnh cửu như những nén nhang thắp cho tổ tiên không bao giờ tắt. Trong cuộc phỏng vấn bà Kiều Chinh vào tháng 10-2021 nhân dịp bà ra mắt hồi ký “Kiều Chinh-Nghệ sĩ lưu vong”, tôi có hỏi:

-Thưa bà, những người thuộc thế hệ bà, những Mai Thảo, Nguyên Sa, Phạm Duy, Du Tử Lê… có một đặc điểm chung nổi bật: Thường tự vác lên vai hai chữ “Việt Nam” và yêu mến quê hương không chỉ bằng tình cảm mà còn với một sự kính trọng thiêng liêng. Nhờ đâu mà các vị nuôi dưỡng bền bỉ một tình cảm đặc biệt như vậy, khi dường như không bao giờ các vị có thể trút khỏi vai cái gánh nặng tự tình dân tộc, cho dù các vị ở bất kỳ đâu?

Bà trả lời:

“Cá nhân mình, tôi thấy tình cảm dành cho quê hương là quan trọng vô cùng. Dù ở đâu thì cái identity của mình, gốc gác của mình, cũng phải luôn nhớ đến. Cội nguồn quan trọng lắm. Năm nay tôi hơn 80 tuổi. Tính từ năm 1937 khi sinh ra cho đến năm 1954, tôi ở Hà Nội trên 16 năm; rồi vào miền Nam ở hơn 21 năm cho đến 1975. Vậy thì tôi chỉ ở Việt Nam 37 năm thôi; trong khi đó, tôi sống ở Mỹ hơn 46 năm rồi. Thế nhưng, cho dù ở Mỹ nhiều hơn trên đất nước mình, tôi lúc nào cũng nghĩ đến Việt Nam cả. Mà nghĩ đến Việt Nam là nhớ đến Hà Nội, nơi mình sanh ra, nơi ông bà bố mẹ mình lớn lên và mất tại đó...”

Một phần bài viết này tôi đã đăng trên tờ Người Việt ngày 20-7-2024, trong loạt bốn bài về sự kiện di cư 1954.

MẠNH KIM 22.07.2024

Ảnh: Naval History and Heritage Command

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo