'Cởi quần áo, đừng xấu hổ': Cách phụ nữ cổ đại nghĩ về tình dục
- Tác giả, Daisy Dunn
- Vai trò, Bài viết trên BBC News
Cuốn sách mới của nhà văn Daisy Dunn đã vẽ lại thế giới cổ đại qua góc nhìn của phụ nữ, lột tả suy nghĩ của họ về tình dục và thách thức những định kiến sai lầm của đàn ông.
Theo Semonides xứ Amorgos, một nhà thơ người Hy Lạp sống vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên (TCN), có 10 kiểu phụ nữ chính.
Có phụ nữ giống loài lợn, vì họ thích ăn hơn dọn dẹp; phụ nữ giống loài cáo, vì họ tinh mắt lạ thường; phụ nữ giống loài lừa, vì họ đam mê tình dục; phụ nữ giống loài chó, có tiếng là không vâng lời.
Ngoài ra, có những phụ nữ dữ dội như biển cả, tham lam như thế tục, ma mãnh như loài chồn, lười biếng như loài ngựa, xấu xí như loài vượn và chăm chỉ như loài ong (kiểu phụ nữ duy nhất được đánh giá tốt).
Trong danh sách đầy định kiến kể trên, phụ nữ đam mê tình dục như loài lừa có lẽ là kiểu bí ẩn nhất.
Sử liệu từ thế giới cổ đại thường cho thấy tính chất khép kín trong cuộc sống của phụ nữ.
Ở Hy Lạp, phụ nữ từng thường che mặt khi ra ngoài.
Ở La Mã, họ có "người giám hộ", thường là cha hoặc chồng giám sát việc đi lại và quản lý tài sản của họ.
Vậy phải chăng hình tượng người phụ nữ đầy dục vọng chỉ là ảo tưởng của đàn ông?
Hay phụ nữ cổ đại đam mê tình dục nhiều hơn chúng ta nghĩ?
Trong quá trình nghiên cứu để viết cuốn Dòng sử quên lãng (The Missing Thread), cuốn sách đầu tiên về lịch sử qua góc nhìn của phụ nữ, tôi nhận ra rằng chúng ta cần phải đào sâu tìm hiểu mới có thể biết được phụ nữ đã thực sự nghĩ gì về tình dục.
Hầu hết sử liệu còn sót lại đều do đàn ông viết, mà đàn ông thường có xu hướng phóng đại thói quen tình dục của phụ nữ theo hai hướng đối lập.
Nhiều người tôn vinh phẩm hạnh của phụ nữ, biến họ thành những vị thánh không có ham muốn trần tục.
Số khác lại cố tình miêu tả phụ nữ là những người ham muốn tình dục với mục đích hạ thấp họ.
Nếu chấp nhận những mô tả này theo nghĩa đen, chúng ta sẽ đi đến kết luận rằng phụ nữ thời cổ đại hoặc là trinh nữ hoặc là kẻ cuồng dâm.
May thay, vẫn có cách nhìn vào trái tim của một vài phụ nữ cổ đại, những người có cái nhìn sâu sắc hơn về nhu cầu tình dục của phụ nữ.
Lời thú nhận về sự đắm say
Cùng thời với Semonides xứ Amorgos là Sappho, nhà thơ lãng mạn sống trên hòn đảo Lesbos của Hy Lạp vào thế kỷ thứ 7 TCN.
Khi thấy cảnh một người phụ nữ trò chuyện với một người đàn ông, Sappho đã viết lại những thay đổi mãnh liệt của bản thân - tim đập loạn nhịp, câu từ gián đoạn, huyết quản bừng cháy, tầm nhìn hạn chế, mồ hôi lạnh túa ra, cơ thể run rẩy, làn da trở nên nhợt nhạt – đều là những cảm giác quen thuộc đối với bất kể ai từng say đắm trong tình yêu.
Trong một bài thơ khác, Sappho mô tả việc trao vòng hoa cho một người phụ nữ và nhớ lại cách cô ấy “thỏa mãn nỗi khát khao” trên một chiếc giường êm ái.
Đây là lời thú nhận của một người phụ nữ hiểu rõ sự khó cưỡng của tình yêu say đắm.
Thơ của Sappho thất lạc đã nhiều, đến mức khó có thể đọc và hiểu chúng một cách chính xác.
Tuy nhiên, các học giả phát hiện ra từ “dildos”, hay olisboi trong tiếng Hy Lạp, được nhắc tới trong một tập thơ trên giấy cói.
Ngoài mục đích thư giãn, “dildos” từng được sử dụng trong các nghi thức sinh đẻ ở Hy Lạp và được khắc họa trên các bình gốm.
Sau này ở Rome, những món đồ có hình dạng giống dương vật được coi là có thể trừ tà, xua đi điềm rủi.
Thật không hợp lý khi cho rằng phụ nữ né tránh các biểu tượng được cho là may mắn.
Phụ nữ thời cổ đại thậm chí còn được chôn cất cùng các biểu tượng gợi dục, chứ làm gì có chuyện bẽn lẽn, e dè với chúng.
Trước khi đế chế La Mã xuất hiện, những người Etruscan khéo léo từng thống trị vùng đại lục Ý và phủ khắp miền đất này những hình ảnh lãng mạn.
Có vô số tác phẩm nghệ thuật và tượng mồ mô tả cảnh phụ nữ và đàn ông quấn lấy nhau.
Một lư hương khắc cảnh phụ nữ và đàn ông đụng chạm vào bộ phận sinh dục của nhau đã được chôn cất cùng một phụ nữ Etruscan hồi thế kỷ thứ 8 TCN.
Góc nhìn về mại dâm
Chỉ cần tới thăm một nhà thổ cổ đại, chẳng hạn những nhà thổ ở Pompeii, bạn sẽ thấy tình dục được thể hiện thường xuyên như thế nào.
Trên tường của những căn phòng tồi tàn và chật chội như xà lim nơi hoạt động mại dâm diễn ra là chi chít chữ viết, đa phần là của các khách hàng nam, những người thích bình luận về “màn thể hiện” của những phụ nữ hành nghề mại dâm có tên tuổi cụ thể.
Sử liệu và các phát ngôn cho thấy những người phụ nữ này khổ nhọc đến nhường nào.
Lên án Neaera (Against Neaera), diễn văn luận tội của chính trị gia Apollodorus ở Athens vào thế kỷ thứ 4 TCN, đã cung cấp cái nhìn sâu sắc và cực kỳ sửng sốt về sự bấp bênh trong cuộc sống của những người phụ nữ hành nghề mại dâm.
Đôi khi chúng ta nghe thấy lời một phụ nữ có tiếp xúc với thế giới ấy và lời của bà khiến chúng ta kinh ngạc.
Nossis, một nữ thi sĩ sống ở cực nam nước Ý vào thế kỷ thứ 3 TCN, đã viết bài thơ ca ngợi một tác phẩm nghệ thuật và việc tác phẩm này được một gái mại dâm tài trợ.
Nhờ tiền của Polyarchis mà bức tượng tráng lệ của Aphrodite, nữ thần tình yêu và tình dục, đã được dựng lên trong một ngôi đền, Nossis tụng ca.
Polyarchis không phải là trường hợp ngoại lệ.
Trước Polyarchis, một hetaerae (gái điếm hạng sang) tên Doricha từng dùng tiền của mình cho mục đích xã hội.
Doricha đã mua những xiên nướng hoành tráng để trưng bày thịt bò nướng ở Delphi.
Những phụ nữ này không tìm kiếm sự thỏa mãn về thể xác, mà là cơ hội hiếm hoi để ghi tên vào sử sách.
Những người phụ nữ khác mà họ biết hầu hết đều rơi vào quên lãng.
Góc nhìn của các nhà văn nam
Dù có nhiều định kiến, các nhà văn nam vẫn truyền tải những góc nhìn thú vị về phụ nữ và tình dục.
Năm 411 TCN, nhà soạn kịch Aristophanes đã dựng vở Lysistrata.
Trong đó, phụ nữ Athens đã tổ chức một cuộc đình công tình dục nhằm thuyết phục những người chồng chấp thuận điều khoản hòa bình trong cuộc chiến Peloponnesus.
Đây là một cuộc chiến có thật, kéo dài khoảng ba thập kỷ, giữa Athens và Sparta cùng các đồng minh của hai bên.
Trong vở kịch, nhiều người phụ nữ cảm thấy khó chịu khi phải từ bỏ khoái cảm của bản thân.
Họ được khắc họa giống những người phụ nữ đam mê tình dục (tức thuộc nhóm phụ nữ giống lừa) để tạo hiệu ứng hài hước.
Tuy nhiên, có một khoảnh khắc khi vở kịch trở nên nghiêm túc, Aristophanes đã đưa ra quan điểm của phụ nữ một cách thuyết phục hơn.
Nhân vật chính Lysistrata, người khởi xướng cuộc đình công, đã lột tả thực tế cuộc sống của phụ nữ trong thời chiến.
Không chỉ bị cấm tham gia Hội đồng để bàn về chiến tranh, họ còn liên tục phải chịu tang chồng con.
Trong khi một cuộc xung đột kéo dài như vậy là địa ngục đối với phụ nữ có chồng, nó thậm chí còn tồi tệ hơn đối với phụ nữ chưa lập gia đình, những người bị tước mất cơ hội kết hôn.
Lysistrata chỉ ra rằng đàn ông có thể trở về nhà sau chiến tranh với mái tóc bạc và vẫn có thể kết hôn, nhưng trinh nữ thì không thể làm điều đó - nhiều người trong số họ sẽ bị coi là quá già để kết hôn và sinh con.
Những câu thoại này truyền tải chính xác sự khác biệt trong trải nghiệm chiến tranh của đàn ông và phụ nữ, đến mức khiến người ta có thể tin rằng chúng thực sự phản ánh suy nghĩ của phụ nữ thời đó.
Chúng ta cũng có thể thấy được nỗi sợ hãi tình dục của phụ nữ có thật trong bi kịch Hy Lạp.
Nhà viết kịch Sophocles, nổi tiếng nhất với vở Oedipus Rex, đã khắc họa một nhân vật nữ trong vở kịch Tereus đã bị thất truyền nhằm mô tả việc một trinh nữ trở thành một người vợ như thế nào.
“Và điều này, ngay khi màn đêm buông xuống,” nữ hoàng huyền bí Procne thốt lên, “chúng ta buộc phải vâng lời và trở nên kiều diễm.”
Trong tầng lớp thượng lưu, các cuộc hôn nhân được sắp đặt khá phổ biến.
Trải nghiệm tình dục đầu tiên của một người phụ nữ có thể đầy lúng túng như mô tả của Procne.
Mẹo ân ái thời cổ đại
Phụ nữ đôi khi viết lại suy nghĩ của họ về tình dục.
Trong một lá thư được cho là của Theano, một nữ triết gia Hy Lạp trong nhóm của Pythagoras (một số người cho rằng bà là vợ ông), bà đã cho bạn mình là Eurydice nhiều lời khuyên bất hủ.
Theano viết rằng một người phụ nữ nên trút bỏ đi nỗi xấu hổ khi cô ấy trút áo quần và leo lên giường với chồng.
Xong việc và đứng lên thì cô ấy sẽ khoác cả hai thứ đó lên mình trở lại.
Đã có nhiều phân tích, soi xét đối với lá thư của Theano và người ta cho rằng nó có thể không phải là hàng thật.
Tuy nhiên, nó tương đồng với những gì phụ nữ thời đại sau nói với nhau và những lời khuyên này có vẻ cũng được phụ nữ thời cổ đại áp dụng.
Một nữ thi sĩ Hy Lạp khác, tên là Elephantis, được cho là vô cùng tâm huyết về việc đưa ra lời khuyên về tình dục, đến mức bà đã viết nhiều cuốn sách ngắn về chủ đề này.
Dù hiện tại đã thất lạc toàn bộ, nhưng những tác phẩm của bà đã được cả nhà thơ La Mã Martial và nhà viết tiểu sử kiêm thủ thư La Mã Suetonius nói tới.
Suetonius còn cho rằng Hoàng đế Tiberius, người nổi tiếng về ham muốn tình dục, có bản sao các cuốn sách của bà Elephantis.
Trong các tác phẩm của một số nhà văn nam, như Martial và Catullus, phụ nữ có xu hướng diễn đạt bản thân qua tình yêu thay vì tình dục.
Điều này khiến họ trở nên khác biệt khi so sánh với các nhà văn nam khác.
Lesbia, người tình bí ẩn của Catullus, nói với ông như sau:
“Lời thì thầm của nàng với người yêu trong phút say đắm/Chỉ nên giữ trong nước chảy mây trôi”.
Những câu thơ này gợi nhắc tới “chuyện giường chiếu”.
Sulpicia, một trong số ít nữ thi sĩ La Mã còn tác phẩm sót lại, mô tả nỗi khổ của bà khi phải ở vùng nông thôn và xa người tình Cerinthus vào ngày sinh nhật - và sự nhẹ nhõm khi cuối cùng bà có thể đến La Mã.
Những người phụ nữ này không cần phải mô tả chi tiết một cách thô tục về tình dục với người tình để bộc lộ cảm xúc của bản thân.
Dù tài liệu lịch sử đều cho thấy góc nhìn của đàn ông, nhưng phụ nữ cũng chẳng hề kém nồng nhiệt khi tấm rèm kéo xuống.
Nữ thần tình dục Aphrodite biết điều này.