Chính quyền Phnom Penh cho phép tổ chức một cuộc mít-tinh vào tối ngày 9 tháng 6 năm 2024 để kỷ niệm ngày Pháp quyết định nhượng lại vùng Kampuchea Krom (Hạ Campuchia) cho Việt Nam, bao gồm phần lớn miền Nam Việt Nam ngày nay. RFA phỏng vấn Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nguyên giảng viên Khoa Đông Nam Á học của trường Đại học Mở TP.HCM.
Diễm Thi: Thưa ông, chính quyền Campuchia cho phép tổ chức kỷ niệm 75 năm ngày Pháp nhượng lại miền Nam nước này cho Quốc gia Việt Nam. Điều này có nghĩa trước năm 1949, miền Nam Việt Nam thuộc Campuchia. Ông nhận định sao về sự kiện này?
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Điều đầu tiên là phải nhắc đến Hiệp định Élysée được ký kết ngày 8 tháng 3 năm 1949 giữa Bảo Đại và Tổng thống Pháp. Theo đó, Pháp công nhận Chính phủ quốc gia Việt Nam là một thành viên độc lập nằm một phần trong Liên hiệp Pháp và Bảo Đại làm Quốc trưởng của chính phủ này. Nhưng Hiệp định Élysée là cái gì mà nó quy định cho sự ra đời của quốc gia Việt Nam; rồi trao trả Nam kỳ lại cho quốc gia Việt Nam?
Chúng ta thấy rõ rằng, sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai chấm dứt, thực dân Pháp lợi dụng danh nghĩa của phe đồng minh đi theo vết của thực dân Anh để chuẩn bị gây chiến tranh chiếm đóng Việt Nam một lần nữa. Và năm 1949, thực dân Pháp đang bị sa lầy trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt minh vào ngày 19 tháng 12 năm 1946 đến năm 1949 là hơn ba năm.
Thứ hai, Hiệp định Élysée ra đời trong hoàn cảnh Pháp đang chống lại sức mạnh của Chính phủ ông Hồ Chí Minh lúc bấy giờ.
Thứ ba, trước thái độ của Mỹ tỏ ra trung lập trong cuộc chiến tranh Việt Pháp, thì người Pháp thông qua Hiệp định Élysée muốn ve vãn người Mỹ thay đổi lập trường để ủng hộ thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Và Mỹ đã thay đổi lập trường của mình quay sang ủng hộ Pháp ngày càng yểm trợ về mặt quân sự cho Pháp để Pháp tiến hành cuộc chiến tranh ở Đông Dương.
Điều đầu tiên là phải nhắc đến Hiệp định Élysée năm 1949 giữa Bảo Đại và Tổng thống Pháp. Theo đó, Pháp công nhận Chính phủ quốc gia Việt Nam là một thành viên độc lập nằm một phần trong Liên hiệp Pháp và Bảo Đại làm Quốc trưởng của chính phủ này. Nhưng Hiệp định Élysée là cái gì mà nó quy định cho sự ra đời của quốc gia Việt Nam; rồi trao trả Nam kỳ lại cho quốc gia Việt Nam? - Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc
Như thế, chúng ta thấy rõ rằng Hiệp định Élysée là một hiệp định bất hợp pháp. Khi thực dân Pháp đầu hàng phát xít Nhật ở Đông dương, chấm dứt sự cai trị của thực dân Pháp ở Đông dương hơn 80 năm thì sau đó một ngày, Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố xóa bỏ tất cả các hiệp ước bất bình đẳng được ký giữa triều đình Huế và thực dân Pháp từ năm 1862 cho đến năm 1884. Ngày 30 tháng 8 năm 1945 Bảo Đại tuyên bố thoái vị trở thành một công dân bình thường. Vậy Bảo Đại có tư cách gì mà người Pháp trao cho Bảo Đại làm quốc trưởng của quốc gia Việt Nam? Như thế Hiệp định Élysée chỉ phục vụ cho ý đồ của thực dân Pháp muốn tiếp tục cuộc chiến tranh Đông dương lần thứ nhất mà Pháp đang sa lầy.
Vấn đề thứ hai là Nam kỳ có phải là của đất mẹ đại Pháp hay không mà Pháp trao lại cho quốc gia Việt Nam. Những việc làm của nước Pháp là vô lý, vô pháp và không tuân thủ luật pháp quốc tế.
Còn Nam kỳ có thuộc về đế quốc Khmer hay không? Rõ ràng, người Khmer chưa hề làm chủ vùng đất nầy. Đế quốc Angkor trong thời cực thịnh nhất, từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XII, cũng chưa bao giờ làm chủ vùng đất này vì một lý do đơn giản: người Khmer không có mặt trên đồng bằng sông Cửu Long. Cho đến nay các nhà khảo cổ học không tìm thấy đền đài nào của thời Angkor trên đồng bằng sông Cửu Long. Cũng nên biết nền văn minh chói sáng của các thời đại Angkor thể hiện qua các công trình kiến trúc bằng đá, tất cả đều tập trung quanh khu vực Siem Reap và Battambang.
Trong suốt thời kỳ hưng thịnh nhất của đế quốc Angkor, trung tâm chính trị và văn hoá được thiết lập phía Bắc hồ Tonlé Sap, quanh Battamang và Siem Reap. Gần như tất cả dân cư sinh sống quanh trung tâm này đều bị bắt về làm nô lệ để xây dựng đền đài. Khi đế quốc Angkor bị người Siam (Thái Lan) tiêu diệt vào giữa thế kỷ XV, không người Khmer nào dám phiêu lưu xuống đồng bằng sông Cửu Long lánh nạn hay lập nghiệp vì sợ rừng thiêng nước độc. Gần như tất cả dân cư Khmer đều tập cư quanh nơi tiếp giáp Biển Hồ và sông Mekong, tức thủ đô Phnom Penh ngày nay. Về sau, để tránh cảnh lụt lội, một số di dân phiêu lưu xuống những gò đất cao (giồng) tại Đồng Tháp và Châu Đốc định cư.
Thời kỳ sau đó, từ thế kỷ thứ XV đến thế kỷ XVII, lãnh thổ của vương quốc Chân Lạp chỉ quanh quẩn từ khu vực phía Nam hồ Tonlé Sap đến khu Mỏ Vẹt phía Đông, và từ Stung Treng phía Bắc đến Takeo về phía Nam, mỗi khu vực do một tiểu vương chiếm giữ và đánh phá lẫn nhau. Những danh xưng như Moat Chruk (Châu Đốc), Phsar Dek (Sa Đéc), Teok Khmau (Cà Mau), … chỉ xuất hiện sau này khi người Khmer theo chân người Việt và người Minh Hương đến khai phá đồng bằng sông Cửu Long, từ giữa thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX. Di tích xưa nhất của người Khmer là các chùa chiền có cùng niên đại với sự xuất hiện của người Hoa và người Việt, nghĩa là cách đây khoảng 300 năm.
Quyển “Gia Định thành thông chí” do Trịnh Hoài Đức biên soạn trong đời Gia Long và trình trong năm Minh Mạng thứ nhất (1820) đã được công bố cho thấy đất Nam kỳ đã thuộc triều đình Nguyễn trước khi Pháp xâm lược Việt Nam.
Diễm Thi: Theo ông, việc chính quyền Campuchia cho phép tổ chức như vậy có ảnh hưởng gì đến tinh thần dân tộc giữa hai quốc gia không, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Chúng ta biết rằng trong quan hệ với Việt Nam, Campuchia là một nước láng giềng có đường biên giới chung trên 1.000km, có vùng biển chung chưa được hoạch định và có dòng sông Mekong nối liền hai nước đi ra biển.
Quan hệ giữa hai nước về cơ bản có những yếu tố thuận lợi. Trên bước đường phát triển của mình, cả hai nước đều có những trở lực giống nhau đó là thường xuyên phải đối phó với sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân, cùng đấu tranh để chống đói nghèo, lạc hậu. Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề tồn tại do lịch sử để lại về biên giới, lãnh hải.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, có tư tưởng chống Việt Nam vẫn lợi dụng những vấn đề này nhằm phục vụ ý đồ chính trị của mình gây ra nhiều phức tạp cho sự phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Những nhóm Khmer trên thường viện dẫn những lý do lịch sử và văn hóa để chứng minh chủ quyền của người Khmer trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Sự tiếp cận tuy hợp lý nhưng không đúng.
Diễm Thi: Nếu Việt Nam thừa nhận miền Nam Việt Nam được Pháp nhượng từ đất của Campuchia vào năm 1949, liệu Việt Nam và các nước láng giềng có bị ảnh hưởng gì về mặt pháp lý sau này hay không?
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Nếu như lập luận thừa nhận rằng Campuchia có quyền về mặt tinh thần với “những lãnh thổ đã bị mất” bao gồm vựa lúa giàu có nhất và thành phố hiện đại nhất của Việt Nam. Rõ ràng nếu thừa nhận sự đúng đắn về đạo lý của các yêu sách đó thì sẽ đặt cơ sở cho yêu sách pháp lý tiếp theo tuy có những tuyên bố từ bỏ vấn đề này (của Vương quốc Campuchia và Campuchia Dân chủ trước đây).
Các thế lực ở Campuchia rêu rao rằng Việt Nam sở hữu hạ tầng sông Mekong ngày nay là bất công vì theo họ việc sở hữu đó đã đạt bằng cuộc xâm lược quân sự chống lại đế chế Khmer xưa kia. Nếu được thừa nhận, thì lập luận này sẽ làm cho người Campuchia có thể đưa thêm những đòi hỏi về lãnh thổ nữa cho người Thái, người Lào và thậm chí người Myanmar. Vô số những yêu sách ngược lại sẽ có thể được đưa ra nhân danh các đế chế hoặc các thành phố độc lập (mà phần lớn cũng đã bị mai một như đế chế Angkor) mà đã từng bị thất bại quân sự về tay người Khmer vào lúc này hay lúc khác trong quá khứ. Nếu dựa vào những lý lẽ “lịch sử” theo kiểu như vậy, tuy có phần hấp dẫn đối với lòng tự hào dân tộc nhưng rõ ràng sẽ mở ra một hộp Pandora's của những xung đột không thể nào giải quyết được.
Một sách giáo khoa về luật pháp quốc tế của Michael Akehurst khái quát vấn đề chung đó như sau: “Đất đai chinh phục được ngày nay, hoặc ít ra đất đai do một kẻ xâm lược chinh phục, thì không thể được thừa nhận quyền sở hữu. Trong quá khứ thì được. Nhưng quyền sở hữu trước kia dựa vào sự chinh phục bây giờ có trở nên mất giá trị không? Nếu trở nên mất giá trị, thì kết quả sẽ rất là sửng sốt; nếu rút ra kết luận logic của việc đó, thì có nghĩa là bắt Mỹ sẽ trả lại cho người Indian da đỏ, và người Anh sẽ phải trả lại nước Anh cho người xứ Welsh”.
Diễm Thi: Thực tế, Miền Nam Việt Nam đã thuộc về Triều Nguyễn từ thế kỷ 17, chứ không phải được Pháp nhượng từ đất của Campuchia từ năm 1949. Vậy theo ông, Việt Nam cần làm gì khi chính quyền Campuchia quyết định cho tổ chức kỷ niệm ngày mà họ gọi là “mất lãnh thổ” như thế?
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Tôi cho rằng, việc chính quyền Campuchia cho tổ chức kỷ niệm như thế là một việc làm sai lầm nghiêm trọng đe dọa đến sự đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia, đe dọa đến nền hòa bình, ổn định và phát triển của hai nước, và cả các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tôi cho rằng, để giải quyết rốt ráo những vấn đề còn tồn tại trong quan điểm, trong nhận thức các sự kiện lịch sử thì các nhà sử học của Việt Nam và Campuchia nên ngồi lại với nhau bằng cuộc hội thảo để nói hết những gì còn mắc mứu với tất cả những cơ sở lịch sử, và phải chấp nhận những sự kiện đã tồn tại trong lịch sử xa xưa.
Tôi cực lực lên án thái độ của chính quyền Phnom Penh khi cho tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày Pháp nhượng lại miền Nam nước này cho Quốc gia Việt Nam. Đây sẽ là sự mồi mớm, vuốt đuôi cho các thành phần dân tộc cực đoan ở Campuchia hiện nay có sự hoang tưởng về chủ quyền lãnh thổ. Lấy đó làm tiêu chí chia rẽ sự đoàn kết hai nước. Phá hoại tình hữu nghị giữa hai nước.
Nếu Chính phủ Campuchia cho phép tổ chức sự kiện này, thì Chính phủ có dám ủng hộ người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân cương kỷ niệm 75 năm ngày lãnh thổ của mình bị sát nhập vào nhà nước Trung hoa cộng sản hay không? Nếu không, Chính quyền Phnom Penh phải ra lệnh hủy bỏ buổi mít tinh tối ngày 9 tháng 6 này. Đó là mệnh lệnh của trái tim và khối óc.
Người Việt Nam đã đổ xương máu để dân tộc Khmer thoát nạn diệt chủng; để đất nước Campuchia phát triển. Là một công dân Việt Nam, tôi không yêu cầu người Khmer phải mang ơn người dân Việt Nam. Tôi chỉ yêu cầu những người dân Campuchia và chính phủ Campuchia phải tôn trọng lịch sử phát triển lãnh thổ Việt Nam cũng như lãnh thổ Campuchia như nó đã tồn tại trong lịch sử.
Nếu Chính phủ Campuchia cho phép tổ chức sự kiện này, thì Chính phủ có dám ủng hộ người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân cương kỷ niệm 75 năm ngày lãnh thổ của mình bị sát nhập vào nhà nước Trung hoa cộng sản hay không? Nếu không, Chính quyền Phnom Penh phải ra lệnh hủy bỏ buổi mít tinh tối ngày 9 tháng 6 này. Đó là mệnh lệnh của trái tim và khối óc. - Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc
Nhân đây, tôi xin gởi vài lời đến ngài Samdech Hun Sen, chủ tịch thượng viện Campuchia rằng, mới đây ngài đã rất đanh thép lên án bất cứ ai ủng hộ chế độ diệt chủng Pol Pot trên đất nước Campuchia, thì ngài cũng nên lên án bất cứ ai có tư tưởng chia rẽ tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia, phá hoại tình đoàn kết dân tộc giữa hai quốc gia từng sát cánh bên nhau chống thực dân và đế quốc.
Với tư cách là một công dân Việt Nam, tôi mong muốn ngài Samdech Hun Sen có dịp hãy quay trở lại thăm TP.HCM. Tôi sẽ mời ngài cà phê ở đường Võ Thị Sáu để nhìn sang miếng đất mà cách đây gần 50 năm, khi ngài thất cơ lỡ vận, nhân dân Việt Nam đã nhường cơm sẻ áo cho ngài để mưu cầu phục quốc, dù nhân dân Việt Nam còn đói kém. Chúng ta sẽ trao đổi một câu nói nổi tiếng của nhà thơ Gamzatov rằng: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.