100 giờ thăm Tây Tạng để lại dấu ấn suốt đời
- Pico Iyer
- BBC Travel
Cũng giống như không gian, trong thời gian cũng có nguyên tắc toán học thú vị: trí nhớ của bạn càng lưu giữ ít chừng nào thì càng có nhiều khoảng trống vang lên bên trong bạn chừng đấy.
Một chuyến đi ngắn có lẽ cũng giống như một căn phòng trống của trà quán kiểu Nhật: nếu không có gì ngoài một cuộn giấy thì cuộn giấy đó sẽ là cả vũ trụ.
Và tôi nhận ra rằng có những chuyến đi ngắn lại đem đến ấn tượng mạnh mẽ, để dấu ấn vang vọng trong tâm trí suốt cuộc đời.
1985: Tây Tạng bắt đầu mở cửa cho du khách nước ngoài
Tôi đã không hề ý thức được điều này cho đến khi máy bay từ thành phố Thành Đô của Trung Quốc đáp xuống một đường băng vắng vẻ cách Lhasa, thủ phủ lâu đời của Tây Tạng.
Đó là hồi tháng Chín 1985.
Khi đó, tôi như một 'đứa trẻ' trong độ tuổi 20 trốn việc khỏi công sở ở tầng 25 khu trung Manhattan, nơi tôi viết về thời sự thế giới cho tạp chí Time.
Hồi ấy, tôi xin nghỉ phép sáu tháng. Chẳng bao lâu sau khi đến Trung Quốc, tôi nhận ra Tây Tạng giờ đây đã mở cửa cho du khách nước ngoài, thật sự là lần đầu tiên từ trước đến nay.
Trước đó, hồi còn là thiếu niên tôi đã đi tìm gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Dharamsala, nơi Ngài cư trú trên đất Ấn Độ. Đó là nhờ vào cha tôi vốn là một triết gia, người đã gặp vị lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng nhiều tháng sau khi Ngài bắt đầu cuộc sống lưu vong vào năm 1959 - và tôi đã theo dõi tình hình Tây Tạng từ xa.
Nhưng giờ đây chính quyền Bắc Kinh mở cửa Tây Tạng cho du khách nước ngoài, và tôi không cưỡng lại được việc tham gia vào làn sóng du khách đầu tiên đến nơi này.
Khi tôi bước ra ngoài không gian có không khí loãng, bầu trời xanh ngắt đến kỳ lạ - tôi tự hỏi lòng mình có phải tôi đã quá mê mẩn về huyền thoại Shangri-la hay không.
Một vài du khách nước ngoài khác bay trên hãng hàng không thương mại không ổn định của Trung Quốc trông giống như những kẻ bội phản: những kẻ phiêu lưu quấn khăn choàng; những người làm cái gì cũng hỏng trong chiếc quần chẽn; những nhà khoa học đội mũ cao bồi đang làm những nhiệm vụ mà họ không chịu tiết lộ.
Nhóm của chúng tôi gồm những người tò mò bị dồn lên một chiếc xe buýt hư hỏng và chẳng lâu sau xe chúng tôi đã xóc lên xóc xuống trên đường và băng qua các dòng suối trong một hành trình đến Lhasa mà dường như không bao giờ kết thúc.
Hiện thực hoàn toàn khác
Dọc đường đi, tôi thấy không có mấy những dấu hiệu về đời sống hiện đại: chỉ có vài bức tượng nhỏ bên ngoài các hang động và hình vẽ Đức Phật vẽ trên những vách đá bằng màu sắc sáng chói.
Thỉnh thoảng, chúng tôi chạy ngang qua một người hành hương, mình đầy bụi bẩn sau hàng trăm ngày rong ruổi trên đường với hai tay chắp lại trước ngực rồi sau đó phủ phục xuống đám bụi, cứ thế lặp đi lặp lại trong nghi thức lạy thành kính gồm ba bước.
Khi cuối cùng chúng tôi cũng dừng xe ở một chiếc sân gồ ghề, 'Thành phố Mặt trời' hiện ra như một thị trấn nhỏ với những căn nhà sơn trắng tụ về xung quanh khu chợ cổ Barkhor với những thùng hoa vàng dưới nền trời xanh ngắt và những tấm phướn đã sờn bay phần phật dưới phần mái màu trắng.
Tôi nghĩ rằng mình biết một chút về Tây Tạng. Tôi đã đọc ngấu nghiến những tác phẩm kinh điển như Lưu đày trên Xứ Tuyết và Bảy năm ở Tây Tạng. Thậm chí có lần tôi còn kéo 16 đồng nghiệp trong Ban thế giới của Tạp chí Time xuống tầng hầm bẩn thỉu của nhà hàng Tibetan Kitchen mà giờ đây đã dừng hoạt động trên Đại lộ số Ba ở New York để giải thích cho họ về hiện thực những gì xảy ra ở vùng núi Himalaya.
Nhưng những gì giờ đây tôi thấy lại không hề giống như những gì mà tôi đã đọc trong cuốn tự thuật kỳ bí của Alexandra David-Néel có tựa đề 'Thần thông và Bí ẩn ở Tây Tạng'.
Những người đàn ông đang đi vòng quanh quảng trường chính ngay trước Chùa Jokhang. Họ thì thầm trong hơi thở: 'Dalai Lama. Dalai Lama' với hy vọng một người nước ngoài nào đó sẽ tuồn cho họ một bức ảnh nhà lãnh đạo lưu vong của họ, thứ vốn bị cấm ở đây.
Công an chìm có mặt ở đâu đó trên khắp quảng trường. Ở đâu cũng thấy các phụ nữ du mục Golok đội chiếc mũ phớt xanh, các chiến binh Khampa to lớn với mái tóc dài quấn chỉ đỏ và các em nhỏ má ửng hồng đứng kế bên đang đi vòng tròn xung quanh chùa, vừa đi vừa quay các bánh xe chuyển pháp luân, còn những người thợ hát những bài dân ca trong lúc làm việc để phục hồi các tòa nhà bị đổ sụp.
Khách sạn tồi tàn
Lúc còn ở Manhattan, tôi đã đọc về một khách sạn mới nằm ở phía ngoài xa thị trấn, cho nên tôi lê bước đến đó, tay nâng chiếc va li gần như to hơn cả người mình.
Khi tôi đến nơi, hóa ra đó chỉ là một bệnh viện ma với những căn phòng trống hoác có những bình oxy bên cạnh mỗi giường bệnh.
Tôi quay đầu lại và bắt đầu cuốc bộ trở về - không có ai nói cho tôi biết về chứng say độ cao.
Những người chăn bò yak với nụ cười rạng rỡ la lên với tôi về điều gì đó mà tôi không hiểu. Những bài hát du mục rè rè - âm nhạc đồng quê phương đông do một giọng mộc hát trên âm điệu của tiếng đàn độc huyền - phát ra từ những chiếc máy cassette ở những hàng quán bên đường.
Vào thời điểm đó, người ta biết quá ít về Tây Tạng.
Cuối cùng tôi cũng nhìn thấy một vài người châu u đang bước đi dọc theo con đường chính, thế là tôi bước vào bên trong các cổng vào tối om mà họ bước ra.
Bảng hiệu đề: 'Khách sạn Banak Shol, Đường Hạnh phúc'.
Một người Tây Tạng trẻ với tiếng Anh bập bẹ nói rằng tôi có thể thuê phòng với giá 2 đô la một đêm. Tất cả chỉ là một căn phòng: một tấm nệm lớn trơ trọi với một chiếc gối rơm và thậm chí không có chỗ để di chuyển. Một nhà vệ sinh chung bẩn thỉu nằm ở cuối hành lang ngoài trời, một vòi nước máy rỉ sét trong sân.
Tôi loạng choạng bước lên một chiếc thang gỗ dốc, bỏ chiếc va li xuống trong căn phòng tối và bức bí, sau đó bước ra ngoài lại và mất hút vào trong mê cung những con đường bùn đất đến chùa Jokhang.
Phía trước chùa, các nhà sư và các phụ nữ du mục, các em bé còn chập chững cùng với bà của chúng, đang thực hiện nghi thức lạy ba bước mà, như tôi quan sát, họ làm từ bình minh cho đến nửa đêm.
Khi tôi bước vào trong chùa, tôi chẳng nhìn thấy gì nhiều dưới ánh nến lập lòe tù mù.
Nhưng chẳng mấy chốc tôi nhận thấy những giọt nước mắt chảy dài trên những gương mặt thô ráp nhất của người Tạng khi những người cầu nguyện di chuyển về phía trước, đi qua từng vị Bồ tát từ bi và trí tuệ, gương mặt thảng thốt vì cuối cùng cũng đã đến được nơi linh thiêng nhất ở thành phố thiêng này.
Nghi thức rùng rợn
Buổi sáng hôm sau tôi đi đến Ganden, nơi đã từng là một trong những tu viện lớn nhất trên thế giới. Giờ đây nó chỉ còn là một đống lộn xộn những tảng đá vỡ.
Ba nhà sư trong áo cà sa màu đỏ đang có buổi picnic giữa cát bụi vẫy tay mời tôi đến thưởng thức trà muối có pha bơ của bò yak và bánh mì cùng với họ.
Trên chuyến xe buýt quay về, một trận ẩu đả đã nổ ra giữa một nhóm những người Tây Tạng vây quanh một người Hoa đơn độc - một sự nhắc nhở rằng thậm chí ngay cả những kẻ chiếm đóng đôi khi cũng là nạn nhân của hoàn cảnh họ tạo ra.
Khi màn đêm buông xuống, tôi nhận thấy rằng toàn bộ thị trấn nhỏ nằm dưới tầm nhìn bảo vệ của Điện Potala cao 13 tầng ở trên kia và chỉ có vài ánh đèn hắt ra từ hơn 1.000 căn phòng của cung điện.
Vào lúc trời còn chưa sáng ngày hôm sau, tôi lội bộ một tiếng đồng hồ khỏi các tòa nhà, đi ngang qua những chiếc lều làm bằng lông bò yak với những ánh nến lẻ loi bên ngoài cho đến khi đến một vách đứng cheo leo nơi những người Tây Tạng gan dạ đang thực hiện một nghi thức rùng rợn: chặt xác người mới chết để làm mồi cho chim theo cách truyền thống.
Có cảm giác như là một cuộc xâm lăng - một nghi thức thiêng liêng bị chúng tôi, những du khách không biết sợ hãi, nhìn chòng chọc - tuy nhiên việc không xem 'Thiên táng' dường như là một sự báng bổ.
Vào buổi chiều, tôi đi đến các tu viện Sera và Drepung, và nhớ lại những câu chuyện mà người cha giáo sư đã kể cho tôi nghe về những bức tường chất đầy sọ người và những phiên hội họp thảo luận theo nghi lễ với 20.000 người tham dự. Vào lúc này, chỉ có những con chó đang ngồi nhẫn nại trong sân và khoảng một chục chú tiểu xin phép được cầm thử chiếc máy ảnh của tôi.
Cung điện 1.000 phòng
Vào buổi sáng thứ ba ở đây, tôi đã dành thời gian dài để men theo lối đi ngoằn ngoèo lên đến Cung điện Potala.
Đi theo một nhóm người Tạng vào một rạp tối trong khoảnh sân thứ nhất, tôi đã bỏ ra một ít tiền xu để mua hai cuộn giấy có vẽ hình các vị thần thánh và vũ trụ quan.
Tôi đi lên vào những căn phòng nơi những tia sáng Mặt trời ở trên cao chiếu vào trong khi các nhà sư ngồi đọc kinh ở các góc giữa các bức màn đỏ và vàng.
Ở mỗi khúc quanh đều có các bức tượng và phòng giữ kho báu; những người phụ nữ cúi đầu để nhận nước thánh từ những nhà sư mà xung quanh có những di hài của chín vị Đại Lai Lạt Ma đã từng sống ở cung điện.
Có lúc tôi bước ra ngoài bao lơn sơn trắng để phóng tầm mắt qua thung lũng đến những ngọn núi phủ trong tuyết.
Bầu trời xanh thẳm và mọi thứ hiện lên trước mắt tôi rõ ràng như ở trước mắt như là kéo ống kính máy chụp lại vậy.
Tôi không thể giải thích được tại sao, tôi không thể giải thích được là như thế nào, nhưng bằng cách nào đó, khi tôi đứng đó, tôi có cảm giác mình không chỉ đang 'đứng trên nóc nhà thế giới' như ghi trong tất cả các cẩm nang du lịch, mà là đứng trên đỉnh của bản ngã của tôi - một trạng thái tâm lý rõ ràng hơn, mãnh liệt hơn mà tôi đã không nhận ra.
Rời đi sớm
Có lẽ đó là do không khí loãng. Có lẽ là cú sốc văn hóa hay sự mệt mỏi dồn lại của những chuyến bay liên tiếp và chuyến xe buýt xóc nảy.
Tất nhiên, tôi không háo hức để cảm thấy điều gì đặc biệt ở một vùng đất mà nhiều người gắn liền với các phương tiện đi lại lạ lẫm.
Tôi nhớ lại Sir Francis Younghusband, người lính Anh đã dẫn đầu cuộc viễn chinh giết chóc ở đây vào mùa đông năm 1904, đã có một hành trình dài thế nào vào buổi trưa cuối cùng của ông ở Lhasa.
Những gì mà ông đã trải qua mãnh liệt đến mức ông đã cởi bỏ đồng phục quân nhân, quay trở lại châu u và trở thành một những nhà hoạt động vì hòa bình tích cực nhất trong thời đại của ông.
Khi mới ngoài 20 tuổi, tôi đã ngốc nghếch khi tin rằng chúng ta nhào nặn bản thân mình bằng cách không tư duy theo lối của người khác, và định hình bản thân bằng tất cả những gì mà chúng ta nghĩ là nhìn thấu.
Là một nhà báo cứng đầu của tạp chí Time, tôi nghĩ rằng mình dị ứng với những điều sáo mòn.
Nhưng khi tôi đứng giữa ánh sáng tỏ và cao như thế và đến được đó gần như bất chấp nỗ lực hết sức của bản thân, tôi tự hứa với lòng mình như chưa từng trước đó.
Tôi rời nơi này sau đó hai hôm, chỉ sau có 100 giờ ở Tây Tạng, để cho khoảng thời gian tôi ở Lhasa sẽ luôn là một ký ức trọn vẹn rõ ràng ở trong đầu.
Đó là những ngày trên thiên đường mà tôi sẽ không bao giờ trải qua được nữa, do đó tôi quyết định phải rời đi càng sớm càng tốt, để khoảng thời gian chuyển tiếp mãi đọng ở trong đầu.