Ông Hun Sen và bản đồ phác họa dự án kênh đào Phù Nam Techo

Nguồn hình ảnh, BBC/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Hun Sen tuyên bố dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ cho phép một số hàng hóa của Campuchia không cần đi qua Việt Nam

Campuchia kỳ vọng sẽ kiếm được 88 triệu USD phí vận chuyển mỗi năm nhờ dự án kênh đào Phù Nam Techo. Quốc gia này ước tính con số đó sẽ tăng lên 570 triệu USD mỗi năm vào năm 2050.

Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol, đồng thời là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia, đã đề cập đến những con số đó trong bài thuyết trình hồi tháng 4/2024, theo báo Khmer Times hôm nay (5/5).

Không cần đi qua Việt Nam

Bản đồ Kênh đào Phù Nam Techo

Dựa trên tính toán tỷ suất hoàn vốn kinh tế nội bộ (EIRR), ông Sun Chanthol cho rằng dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Campuchia, chẳng hạn như tỷ lệ việc làm, nguồn thu ngân sách quốc gia từ thuế, đô thị hóa, xây dựng và bất động sản.

Vị phó thủ tướng cũng nhấn mạnh vào tính khả thi về tài chính của siêu dự án. Ông chỉ ra rằng đối với tất cả các dự án, Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia hoặc Ngân hàng Thế giới chỉ cung cấp tài trợ nếu tính toán EIRR đạt ít nhất 12%.

Trong khi đó, theo ông, chỉ số EIRR đối với dự án kênh đào này đạt mức 30%. Ông Chanthol nói rằng đây là một con số chưa từng có, minh chứng cho tiềm năng tài chính to lớn của dự án.

Bên cạnh đó, ông Sun Chanthol cũng nêu lên những lợi ích khác mà kênh đào Phù Nam Techo có thể đem đến, như thành lập các khu thương mại và trung tâm hậu cần, phát triển các khu vực vệ tinh mới, mở rộng các khu phát triển nông nghiệp, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi.

Vào cuối tháng 4/2024, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen đã tuyên bố rằng dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ cho phép một số hàng hóa của Campuchia sẽ không cần đi qua Việt Nam, do đó không phải chịu thêm phí.

Ông Hun Sen khẳng định việc phát triển hệ thống giao thông đường thủy sẽ thu hút các nhà đầu tư đến Campuchia. Bên cạnh đó, sự thuận tiện về giao thông sẽ khuyến khích các nhà đầu tư hiện có ở nước này tăng cường đầu tư hơn nữa.

“Chúng ta không còn cần phải tốn thêm các khoản phí đã từng phải trả cho Việt Nam nữa,” Khmer Times dẫn lời ông Hun Sen.

“Trước đây, chúng ta buộc phải sử dụng cảng biển của Việt Nam cho bất kỳ hàng hóa nào được chuyển đi quốc tế, gây tốn kém. Họ chỉ hỗ trợ khi họ có lợi, mà điều này lại không tiện cho chúng ta. Vấn đề này bắt nguồn từ thời cố Quốc vương Norodom Sihanouk. Ông đã cố gắng xây dựng một cảng biển ở Sihanoukville, nhưng gặp phải nhiều thách thức và bất đồng, khiến Campuchia rơi vào tình trạng khó khăn.”

Mâu thuẫn với Việt Nam

Ông Hun Manet, ông Phạm Minh Chính ở Hà Nội

Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hà Nội vào tháng 12/2023

Thủ tướng Campuchia Hun Manet hôm 28/4 nói rằng việc xây dựng kênh đào này “không phải xin phép nước nào” trừ việc gửi các thông tin cần thiết tới Ủy hội sông Mekong.

Tương tự, ông Hun Sen ngày 26/4 cũng mạnh mẽ gửi đi thông điệp: "Không thương lượng gì thêm về việc đào kênh Phù Nam Techo".

Những thông điệp từ các lãnh đạo Campuchia được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng “đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong, cộng đồng quốc tế về việc chia sẻ thông tin về công trình này”.

"Việt Nam cũng đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, Ủy hội sông Mekong trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực."

Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng về vấn đề dự án kênh đào Phù Nam Techo, cho thấy mức độ quan ngại từ Hà Nội đang tăng cao.

Vào tháng 3/2024, Tạp chí Phương Đông của Việt Nam đã đăng bài Dự án kênh đào Funan Techo: lợi ích và hệ lụy của hai tác giả Nguyễn Đình Thiện và Hoàng Thanh Minh, trong đó nêu khả năng Phù Nam Techo được sử dụng cho mục đích quân sự.

Có thể thấy, những phản ứng gay gắt từ ông Hun Sen và con trai Hun Manet là nhằm đáp trả lại những động thái từ phía Việt Nam, cả từ phía chính phủ lẫn từ các cơ quan báo chí, tổ chức nghiên cứu đang truyền đi thông điệp quan ngại của Việt Nam theo nhiều kênh và nhiều cách khác nhau.

Bên cạnh phát ngôn từ giới lãnh đạo Campuchia, Khmer Times hôm 18/4 đã đăng một bài viết với nhan đề Cuộc chiến tưởng tượng giữa Trung Quốc và Việt Nam với cái giá phải trả của Campuchia, trong đó chỉ trích dữ dội bài báo của Tạp chí Phương Đông đã đề cập ở trên, cho rằng các tác giả đã tung ra "lý thuyết chiến tranh".

Sinh kế của hàng triệu người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước sông Mekong

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Sinh kế của hàng triệu người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước sông Mekong

Cuối năm 2023, ông Hun Manet đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Trong chuyến thăm này, ông đã tìm cách trấn an Thủ tướng Phạm Minh Chính về dự án kênh đào Phù Nam Techo.

Tuy vậy, các thông tin chưa rõ ràng về dự án tiếp tục khiến các nhà khoa học Việt Nam và thế giới tiếp tục lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn mà kênh đào này gây ra đối với môi trường và hệ sinh thái dòng Mekong, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nơi có tới khoảng 21 triệu dân sinh sống.

Mối quan ngại lớn nhất mà Việt Nam công khai bày tỏ vẫn là vấn đề môi trường, tác động về nguồn nước đổ về Đồng bằng sông Cửu Long.

Giới quan sát thì cho rằng dự án sẽ thiết lập tuyến kết nối giữa cảng Phnom Penh và Sihanoukville, giúp nhiều hàng hóa di chuyển qua các cảng ở Campuchia thay vì thông qua Việt Nam như hiện nay. Điều này sẽ làm mất đi nguồn lợi cho phía Việt Nam.

Dự án Kênh đào Phù Nam Techo là dự án đường thủy dài khoảng 180 km với tổng kinh phí ước tính khoảng 1,7 tỷ USD. Một số đoạn của con kênh được hình thành thông qua việc cải tạo các sông rạch hiện hữu, một số đoạn được đào mới.

Phía Campuchia dự kiến khởi công trong quý tư 2024 sau khi nghiên cứu khả thi đã hoàn tất. Tên của kênh đào gợi nhớ đến tên vương quốc Phù Nam cổ xưa từng nằm vắt ngang từ bán đảo Mã Lai tới tận vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.