Tổ chức xã hội cổ truyền của người Mường Hòa Bình

Chủ Nhật, 12 Tháng Mười Một 20179:00 CH(Xem: 7282)
Tổ chức xã hội cổ truyền của người Mường Hòa Bình

thumb_500x500_14544752545930.jpg

Khổng Đức Thiêm

  1. KHU VỰC NGƯỜI MƯỜNG

NHÀ NÓC (GIA ĐÌNH), HỌ TỘC là hạt nhân cơ bản và nền tảng trong xã hội cổ truyền của người Mường Hòa Bình. Mỗi nhà nóc ở người Mường gồm cặp cha mẹ và các con trai, gái, dâu rể cùng sống cung dưới một mái nhà, có chung một nền kinh tế. Các nhà nóc có chung một dòng máu về phía bố tập hợp nhau thành họ tộc chung sức khai phá đất đai và họ tộc ấy có thể là chủ nhân duy nhất của một điểm dân cư hoặc phân tán, xen kẽ với nhiều dòng họ khác trong một Động lớn mà sau này gọi là Mường có khi tới hàng trăm làng xóm lớn nhỏ với quan niệm Anh em chín đời còn hơn người dưng; Anh em xa không bằng hai, ba nhà cùng rộc. Ở mỗi điểm tụ cư như thế, anh em họ hàng thường làm nhà gần nhau. Quan hệ nhà nóc của người Mang tính tính phụ quyền rõ nét. Người cha, người chồng, con trai trưởng được coi là trụ cột, là chủ nhà nóc, có quyền quyết định mọi việc quan trọng về làm ăn, tang ma, cưới hỏi, cúng giỗ, tế lễ, ứng xử với xóm giềng và họ tộc cũng như với bộ máy chức sắc ở địa phương. Mọi thứ như ruộng nương, trâu bò của nhà nóc cũng như khi cha mẹ về già đều nằm trong tay người con trai trưởng. Để có được quyền uy này, người chủ nhà nóc phải lãnh trách nhiệm uốn nắn, dạy dỗ mọi thành viên từ lúc còn nhỏ tuổi về phong cách ứng xử, kỹ thuật canh tác cũng như việc khai phá, chăm chút ruộng nương, thu hái lâm lợi, cho đến khi khôn lớn, được dựng vợ gả chồng thì lại phải dạy bảo về nghĩa vụ chăm nom, phụng dưỡng cha mẹ lúc sống, đóng góp vào việc tang ma, cúng giỗ lúc cha mẹ qua đời.

QUÊ, BỦNG, LŨNG, LÀNG là đơn vị cơ sở cơ bản của người Mường. LÀNG tuy đứng sau cùng trong thứ bậc xếp hạng nhưng lại là danh từ được dùng phổ biến nhất để xưng gọi các khu vực tụ cư của người Mường Hòa Bình. Xa xưa, mỗi làng thường chỉ có một dòng họ khai phá lập ra nhưng dần dần được thay thế bằng xu hướng đa tộc họ nhằm tạo ra lực lượng để làm thủy lợi phục vụ cho việc cấy trồng lúa nước, chống lại nạn cướp bóc, ngăn ngừa thú dữ. Ở nhiều nơi, LÀNG được thay thế bằng danh từ MƯỜNG (Mường Khụ, Mường Bưa, Mường Chiềng) hoặc trở thành cặp đôi danh từ LÀNG MƯỜNG (Làng Mường Bủng, Làng Mường Vó, Làng Mường Vôi, Làng Mường Cọi). QUÊ, BỦNG là danh từ cổ nhất dùng để chỉ chốn chôn rau cắt rốn của người Mường hoặc nơi các nhà nóc trong một tộc họ hoặc một tập hợp nhiều tộc họ tụ cư còn thấy ở Cao Phong, Tân Lạc (Quê Đồng, Quê Nghênh, Quê Vạn, Quê Khụ, Quê Kha, Quê Lần, Quê Lồ) hoặc dùng để chỉ những cánh ruộng trước cửa làng (đồng ruộng chân quê). LŨNG cũng có nghĩa là xóm làng nhưng chỉ có sự khác biệt là danh từ này dùng để chỉ các khu vực tụ cư được dựng đặt trong các thung lũng nhỏ giữa vùng núi cao hoặc một vùng nhỏ hẹp nhà cửa san sát quây quần bên nhau (Lũng Vân, Lũng Dưới, Lũng Trợ ở vùng Lạc Sơn). Ở các vùng giáp ranh giữa người Kinh và người Mường thuộc các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, Yên Thủy sự giao lưu về kinh tế có phần nhộn nhịp đã khiến cho một số phố nhỏ xuất hiện. Từ các loại hình quê, bủng, lũng, làng mường kể trên, hệ thống tụ cơ cơ bản của người Mường đã phân hóa thành 3 dạng thức như sau:

– LÀNG MƯỜNG CHIỀNG, còn được gọi là ĐẤT CHIỀNG, số lượng không nhiều, thường là những làng giàu có nhờ được dựng đặt trên những khu vực địa linh – tức là có địa thế đẹp, đồng ruộng bằng phẳng và rộng rãi hơn những điểm quần cư khác, gần sông suối, dân cư trù mật, là trung tâm có ảnh hưởng tới hàng chục, hàng trăm làng xóm nhỏ xung quanh. CHIỀNG có khi là danh từ chung nhưng trong nhiều trường hợp lại trở thành danh từ riêng. Có nhiều khả năng, trong quá trình giao lưu văn hóa Mường – Thái, giới quý tộc trong người Mường, tức là các dòng Lang đã vay mượn khái niệm này của người Thái nhằm biến nơi mình ở cũng là một thủ phủ của một dòng chúa đất có thế lực nhất vùng, chẳng hạn như ở Mường Bi – mường hạng nhất của người Mường.

Mường Bi xưa chạy dài tới 30 km, rộng tới 25 km từ đầu xã Phú Vinh, qua Mỵ Hòa, Phong Phú, Tuân Lộ, Địch Giáo, Quy Mỹ đến Do Nhân, huyện Tân Lạc ngày nay. Với hàng chục mường nhỏ như Mường Cá, Mường Dậm, Mường Lò, Mường Cần, Mường Sỉ, Mường Dọi, Mường Bận, Mường Nhung, Mường Khạy… mà mỗi mường nhỏ này cũng bao gồm vài ba đến hàng chục làng, Mường Bi có đến hàng trăm làng lớn nhỏ quy tụ. Trung tâm của Mường Bi lúc đầu ở Đung Ngau (Phúc Vinh) rồi mới chuyển về Quê Lầm (Phong Phú – Trước Đung Ngau sau Lầm Ải). Để Quê Lầm xứng danh là thủ phủ của Mường Bi, giới quý tộc đã đổi gọi là Chiềng Lầm.

Mường Vang cũng là một mường lớn, nằm ở phía đông bắc huyện Lạc Sơn, tương đương với đất đai của 7 xã Quý Hòa, Tuân Đạo, Tân Lập, Nhân Nghĩa, Văn Nghĩa và Mỹ Thành của huyện Tân Lạc ngày nay. Trung tâm của Mường Vang là Chiềng Vang (nay là xóm Chiền xã Tân Lập).

Các trung tâm của Mường Thàng (Cao Sơn), Mường Động (Kim Bôi) cũng đều được gọi là Chiềng.

Bùi Huy Vọng trong Làng Mường ở Hòa Bình cho rằng, có thể thấy Chiềng trong tiếng Thái được truyền tải mang đầy đủ ý nghĩa vào trong một số vùng của người Mường và nó đi liền với các dòng Lang có thế lực với mong mỏi sâu xa muốn xưng vương, xưng bá bành trướng mở mang thế lực và đất đai. Có những dòng Lang phiêu lưu về chính trị điển hình như Đinh Công Tuân dựa vào thế lực ngoại bang muốn lập ra Xứ Mường tự trị trong những năm 40 của thế kỷ XX.

Chiềng không phải là danh từ phổ biến, nó chỉ tồn tại ở huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi, Đà Bắc của tỉnh Hòa Bình, xuôi xuống phía đông – nam từ khu vực bên dưới Mường Khói (nay trung tâm là xã Ân Nghĩa của huyện Lạc Sơn) trở xuống huyện Yên Thủy, Lạc Thủy và vào Thanh Hóa, làng Chiềng hầu như không tồn tại mặc dù cả khu vực rộng lớn này có nhiều Chúa đất, dòng Lang hùng mạnh không kém gì vùng khác. Làng Chiềng Khói cũng là tên gọi rất mờ của làng Đồi Ngái nay là xóm Ngái, xã Ân Nghĩa xưa kia có dòng Lang họ Quách hùng mạnh chiếm cứ nơi đây. Hay như Làng Mận là làng cổ ở Mường Khênh nay thuộc xã Văn Sơn, huyện Lạc Sơn xưa kia nó cũng được gọi là Chiềng Khênh, song danh từ này không đứng được trong dân gian. Ngay như ở Mường Bi là vùng đất cổ, thế lực Lang mạnh nhưng làng Chiềng cũng không gọi được là Chiềng Bi, cái tên Quê Lầm vẫn đứng dù là sau danh từ Chiềng[1].

– LÀNG TRẠI, về thứ bậc chỉ đúng sau Làng Chiềng, có lẽ vì số lượng nhiều và quy mô nhỏ hơn như các Mường Cá, Mường Dậm, Mường Lò xoay quanh trục Mường Bi đã kể ở trên.

– LÀNG CHÈO là các làng mường nghèo được tạo lập ở những khu vực thiên nhiên kém ưu đãi như sườn núi, sườn đồi, diện tích canh tác hạn hẹp, thu hoạch từ nương rẫy, đồng ruộng có hạn, phải trông chờ thêm vào săn bắt, khai thác lâm lợi.

Tuy có 3 loại hình cư trú kể trên nhưng trên bình diện sản xuất ra của cải vật chất cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của cư dân không có sự khác biệt, không có đặc quyền, đặc lợi. Từ đó ta có thể hình dung là, các mường lớn của người Mường vừa là hình thái tổ chức xã hội vừa là đơn vị tổ chức xã hội liên kết các khu vực quần cư trong cùng một vùng hoặc liền kề vùng đó với nhau. Nói một cách khác mường lớn chính là tập hợp từ các LÀNG TRẠI, LÀNG CHÈO với trung tâm là LÀNG CHIỀNG. Cũng có một số vùng nay thuộc các huyện Lạc Thủy, Yên Thủy giáp với Thanh Hóa, vùng đệm với ranh giới vùng xuôi thuộc các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn không có LÀNG CHIỀNG.

Nên nhớ, tuy là trung tâm của các mường lớn nhưng các Làng Chiềng xưa chỉ có độ 20 – 30 nóc nhà còn Làng Trại, Làng Chèo ít khi vượt quá 10 hộ. Như vậy nhìn trên những nét đại thể trong tổ chức xã hội truyền thống của người Mường, loại hình mường là một đơn vị hành chính xã hội đặc biệt, không đồng dạng với bất kỳ đơn vị hành chính nào của người Kinh và khác biệt với các dạng lộng, mường phìa, châu mường của người Thái.

Trong làng có các chủ gia đình, người già, các trưởng họ, các thầy mo – là những người hiểu biết về luật tục, phong tục tập quán, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất. Họ là những người có uy tín trong cộng đồng, thường đứng ra giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ làng, mâu thuẫn giữa các gia đình, nội tộc.

Trong hệ thống các danh từ QUÊ, BỦNG, LŨNG, LÀNG thì QUÊ, BỦNG là những danh từ cổ nhất. Khi đó, QUÊ, BỦNG tuy cũng được dùng để chỉ làng mạc, thôn xóm nhưng quy mô của nó lớn rộng gần như một châu, một huyện sau này chỉ có điều dân cư thì thưa thớt, rải rác khắp địa hạt. Mãi đến khi cư dân trù phú và ngày càng đông đúc thì QUÊ trở thành một tập hợp nhiều làng, mường, trại. Cái vỏ tuy không bị phá vỡ nhưng nguyên nghĩa của QUÊ bị thay đổi. QUÊ trở thành một tập hợp của nhiều đơn vị tụ cư vốn trong quá khứ nó có quan hệ về máu thịt với nhau, nó thực sự nhường chỗ cho LŨNG, LÀNG. Trong danh sách xã thôn ở Bắc Kỳ từ cuối thế kỷ XIX trở lại đây, có tới hàng trăm địa danh có tiền tổ LŨNG, LÀNG trong khu vực cư dân Mường, Kinh, Tày. Đó là một hiện thực.

QUÊ, BỦNG, LŨNG, LÀNG là di sản chung của người Việt – Mường, không phải hai dân tộc này vay mượn của nhau. Chứng cớ là từ thế kỷ XV, trong văn bản CHÚC THƯ của dòng họ Xa – dòng họ Thổ Tù, Phụ đạo ở động Đà Lý (nay là huyện Đà Bắc) lập ngày 6 tháng 2 năm Hồng Đức thứ 12, tức ngày 18-3-1471, được viết bằng chữ Nôm và chữ Hán cũng như bản LUẬT LỆ MƯỜNG tìm thấy trong gia phả họ Quách ở xã Hạ Bì, huyện Mỹ Lương (nay thuộc huyện Kim Bôi) cũng viết bằng chữ Nôm và chữ Hán hồi thế kỷ XVII thì danh từ QUÊ với nghĩa là làng mạc xuất hiện khá dày đặc trong các văn bản.

Đặc trưng của tổ chức xã hội người Mường là chế độ Nhà Lang ra đời đồng thời với sự hình thành QUÊ, BỦNG, LŨNG LÀNG và MƯỜNG, không phân thành giai cấp mà chỉ tạo ra hai đẳng cấp khép kín, không có sự chuyển hóa lẫn nhau – trong đó các Lang hợp thành tầng lớp trên, tầng lớp thống trị còn lớp dưới là những người bình dân. Tầng lớp thống trị Nhà Lang hợp thành những tông tộc phụ hệ chiếm lĩnh một mường, được các triều đại cũ gọi bằng các tên khác như Thổ Tù, Phụ Đạo còn tầng lớp bị trị được gọi chung là mol mường (người ở trong mường), không tập hợp nhau thành họ tộc mà phân tán trong nhiều mường thành các gia đình nhỏ hoặc gồm nhiều gia đình cùng họ tộc nhưng cư trú ở những mường khác nhau, không có tộc danh hoặc cùng mang một tộc danh chung là Bùi, Phùng, Cao, Nguyễn – trong đó họ Bùi gần như là duy nhất.

Tổ chức bộ máy Nhà Lang phỏng theo thứ bậc trong tổ chức họ tộc: con trai trưởng nhành chính được cai quản toàn mường – trong thực tế chỉ là mường chiềng, mường trung tâm, gọi là Lang Cun; con trai trưởng của nhánh thứ chỉ quản các làng trại được gọi là Lang Đạo, phụ thuộc vào Lang Cun vì trên danh nghĩa Lang Cun vừa là chủ chiềng vừa là chủ toàn mường. Nhìn chung, chế độ Nhà Lang trong khu vực người Mường Hòa Bình được kết cấu theo công chức MƯỜNG CÓ LANG, LANG CÓ ĐẠO nhưng cách gọi từng loại Lang và đội ngũ giúp việc từng giai đoạn không giống nhau, như sơ đồ dưới đây:[2]

Untitled.png

Để thuận tiện cho việc tìm hiểu về tổ chức xã hội cổ truyền của người Mường Hòa Bình, xin thống nhất dùng công thức LANG CUN – LANG ĐẠO – ẬU. Như đã biết, do quyền hành Nhà Lang lớn và bao hàm mọi lĩnh vực đời sống trong xã hội người Mường (Thượng ngọn tre, hạ ngọn cỏ/Nhỏ là con bố, con mế/Lớn lên là con Cun, con Lang) nên người bình dân có nghĩa vụ phục dịch, cống nộp kiểu như ở Mường Bi khi xưa: xóm Bặn phụ trách việc mương phai, xóm Trọng săn bắn; xóm Lý, xóm Dóng, xóm Lồ làm đường, đi phu; xóm Ải đánh bắt cá; xóm Lầm lấy củi, gánh nước, làm đường; xóm Mận đào ao, sửa ao và đi phu.

Lang Cun, Lang Đạo có đội ngũ giúp việc gọi là Ậu – được chọn trong mường, số lượng nhiều hay ít tùy theo thế lực của Lang. Ậu Eng (Ậu Anh – Ậu Cả) giữ vị trí cao nhất. Ậu Ún (Ậu Em – Ậu Con) có vị trí thấp hơn, dùng để sai phái. Ậu không cha truyền con nối mà do chỉ định. Đối với Lang Cun, Ậu còn được gọi là Chắc Cả, Ậu Lớn đứng đầu toàn bộ hệ thống Ậu Chiềng, có thể thay Lang trong việc tiếp xúc với dân chúng. Đối với Lang Đạo, Ậu Khà đứng đầu, có thể thay mặt Nhà Lang tiếp xúc với dân trong xóm. Bên dưới Ậu Lớn, Ậu Khà là các Ậu Bàn làm các công việc cụ thể như sau:

– Ậu Chấu, có nhiệm vụ đốc thúc dân đến Nhà Lang làm các công việc phục dịch.

– Ậu Hóa, lo việc hiếu, hỷ (đám cưới, đám tang) của Nhà Lang.

– Ậu Huyền, lo việc đốc thúc dân làm mùa vụ, thu hoạch và làm hệ thống thủy lợi.

– Ậu Quyền, lo đốc thúc dân nộp thuế, lo lương thực của Nhà Lang.

– Ậu Chiềng, lo cắt cử người đến hầu hạ Nhà Lang.

– Ậu Dọ, lo việc trông nom bàn thờ tổ tiên Nhà Lang, trông nom đền, miếu.

– Ậu Ban Thường, thông báo các điều lệ của Nhà Lang đến người dân.

– Ậu Công Khó, là những người có công với Nhà Lang và được ưu đãi.

– Ậu Cai Xã, lo việc đốc thúc thu thuế để nộp cho nhà nước.

– Ậu Cai Cả, chuyên bắt người, đánh và cùm những ai làm trái luật lệ của Nhà Lang.

– Ậu Cai Nhâng, lo việc ăn uống của Nhà Lang.

– Ậu Cai Lính, phụ trách đội lính của Nhà Lang[3].

Các chức dịch Ậu ở trên đều được hưởng một phần ruộng công do Nhà Lang chia cho, nhưng khi thu hoạch vụ mùa, họ thường phải nộp biếu Nhà Lang một số hoa màu. Ruộng của các Âu, dân mường gọi theo chức dịch của họ như Nà Cả, Nà Hần, Nà Lính… Các Ậu được dân mường vì nể. Họ đều có vị trí trong các nghi lễ của xóm mường, và khi nhà dân có công có việc thì không chỉ Nhà Lang mà các Ậu cũng có phần.

Các Ậu cũng phải có nghĩa vụ với Nhà Lang. Họ không chỉ làm tốt các công việc được Nhà Lang giao mà khi Nhà Lang có việc lớn như cưới xin, tang ma, giỗ tết, có các đoàn khách đến thăm chơi thì các Ậu cũng phải đón khách về nhà mình thết đãi.

Theo lệ Mường ở Hòa Bình nếu Ậu vi phạm luật lệ mường, làm hại quyền lợi của Lang thì Lang Cun, Lang Đạo có quyền cắt chức Ậu, thay thế người khác.

Thực chất, Ậu là những chức việc, tay chân đắc lực nhất của bộ máy Nhà Lang. Ngoài những quyền lợi mà Ậu được hưởng nêu trên, chức năng và nhiệm vụ của Ậu thể hiện tương đối điển hình thông qua việc quản lý và khai thác Ruộng Lang; mà trước đây học giả J. Cuisinier từng gọi là Thổ Lang.

Như vậy, ngoài Lang Cun, Lang Đạo, những người trực tiếp thống trị mường, còn lại là con trai và những người đàn ông khác thuộc tông tộc Nhà Lang được gọi là Lang. Họ không đảm nhận chức vị gì trong bộ máy thống trị ở mường và ở làng mà thường sống nhờ vào Lang Cun và Lang Đạo. Song, không phải vì thế mà họ quên đi vị thế Lang so với những người cùng sống ở mường. Những Lang này có quyền kết hôn với con gái những người họ Bùi khi hai người yêu nhau và không vi phạm luật mường. Trong khi đó, những người con gái thuộc tông tộc Nhà Lang được gọi là nang (nàng) chỉ có thể kết hôn với Lang khác họ, không thể lấy chồng họ Bùi. Một khi nàng không lấy được chồng Lang thì thường ở vậy đến già, còn nếu nàng lấy chồng họ Bùi (thứ dân) thì nàng sẽ bị khai trừ – đuổi khỏi dòng họ Lang của mình. Nghịch lý này thể hiện sự bất bình đẳng, đề cao chế độ phụ quyền thường xảy ra trong tông tộc Lang.

Trong xã hội Mường cổ truyền chủ yếu gồm hai đẳng cấp: tông tộc Nhà Lang và tầng lớp bị trị gồm những người dân ở trong mường. Sự hình thành hai tầng lớp này từ lâu đời, cố định, dường như không chuyển đổi cho nhau. Lang Cun hay Lang Đạo thì đời này sang đời khác họ vẫn là Lang. Thậm chí Lang Cun chết mà không có con trai kế nghiệp thì truyền cho mẹ Lang Cun. Khi người mẹ đó già yếu không cai quản được mường thì nhường cho con rể Lang Cun. Trong trường hợp như vậy thì con rể Lang Cun phải đổi họ của mình sang họ của Lang Cun mà mình thay thế. Đương nhiên, người con rể ấy phải là dòng dõi một Lang Cun khác thuộc mường khác. Sự thay đổi thân phận Lang là bất di bất dịch.

Đối với người dân ở trong mường, thân phận càng không thể thay đổi chuyển dịch. Đến nay vẫn chưa biết được từ bao giờ họ đã là người ở trong mường, chịu sự thống trị của Nhà Lang, phải phục dịch Nhà Lang gần như là nghĩa vụ tự nhiên. Cuộc sống của họ gắn bó chặt chẽ với Nhà Lang, đời này sang đời khác, bản thân họ hay con cháu họ đều là con dân của Lang, phục vụ Nhà Lang tự nguyện, dân thì mãi mãi vẫn là dân, không thể và không bao giờ chuyển hóa thành Lang.

Ngoài hai tầng lớp chủ yếu trên, xã hội Mường xưa còn có một tầng lớp phụ mà ở trên đã nhắc tới là những gia đình đứa nương hay người Mường Hòa Bình còn gọi là “noọc kloi” (nóc trọi) để chỉ bề ngoài của những gia đình nghèo, nhà cửa của họ dựng tạm không phải dưới chân thung lũng mà ở trên sườn đồi, gần nương, để tiện việc làm nương rẫy, vì họ không có ruộng. Cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào nương rẫy. Họ là những lưu dân đến mường muộn so với người ở trong mường. Con cái của những đứa nương lấy nhau, không thể lấy con của những người ở trong mường. Cuộc sống của những gia đình đứa nương diễn ra bên lề xã hội Mường. Họ ít bị lệ thuộc vào Lang Cun, có lẽ vì thế mà thân phận của họ có phần được tự do hơn những người ở trong mường. Song, thân phận thấp kém, thiệt thòi của đứa nương là thực tế lịch sử, rất khó thay đổi trong hoàn cảnh xã hội xưa, trừ khi họ được Nhà Lang cất nhắc lên chức Ậu.

Tìm hiểu bức tranh đẳng cấp xã hội Mường truyền thống sẽ giúp mở ra cánh cửa để đi vào tìm hiểu sâu hơn chế độ Nhà Lang. Chế độ Nhà Lang tồn tại trên cơ sở xã hội thừa nhận tập quán truyền thống cha truyền con nối, được cố định thành luật lệ mường truyền đời. Về mặt kinh tế, chế độ Nhà Lang dựa vào quyền chiếm hữu và khai thác Ruộng Lang. Thông qua chế độ Ruộng Lang, Nhà Lang thể hiện tương đối đầy đủ quyền lực thống trị của mình ở từng mường. Các hình thức khai thác Ruộng Lang cho thấy nghĩa vụ lao động nặng nề của những người dân ở trong mường – những kẻ bị trị của chế độ Nhà Lang. Lang Cun còn được coi là Chúa Đất như ở Mường Bi. Toàn bộ rừng núi, đặc biệt là ruộng đất trong phạm vi mường đều thuộc về Chúa Đất.

Số ruộng đất mà Nhà Lang chiếm hữu, người Mường gọi là Na Lang (Ruộng Lang). Tất cả đất đai thuộc phạm vi cai quản của Lang Cun được gọi là Thổ Lang. Hoặc, theo Chính sử – Quốc sử thì Thổ Lang, Lang Cun còn được gọi là Quan Lang, Lang Đạo, Thổ Tù; thời cận đại gọi là Thổ Ty.

Ruộng Lang, đất mường ban đầu có thể do một người tìm ra và dốc công sức khai phá. Sau khi họ qua đời, ruộng đất ấy để lại cho con cháu, cứ thế truyền tiếp cho đến hậu duệ sau này, như dòng Lang họ Đinh ở Mường Bi và họ Quách ở Mường Vang. Những người có công khai canh lập nên làng xóm về sau được dân làng thờ làm thành hoàng. Ở một số nơi, tổ tiên Nhà Lang được thờ làm thành hoàng làng bản. Nhiều người Mường cho rằng, Ruộng Lang, đất mường vốn là của Nhà Lang truyền lại, không rõ từ đời nào, ít ra cho đến giữa hay cuối thế kỷ XIX, Ruộng Lang và trật tự xã hội Lang đã có sẵn như thế. Thảng hoặc còn những vùng đất mới chưa khai phá thì Nhà Lang cung cấp phương tiện gồm dụng cụ, trâu bò, lương thực cho dân đến khai phá, mở ra đồng ruộng và làng xóm mới. Trong trường hợp như thế, nguồn gốc Ruộng Lang, Thổ Lang khá rõ ràng. Cho đến cuối thế kỷ XIX, hiện tượng đó ít xảy ra ở bốn mường cổ ở Hòa Bình, mà chỉ xảy ra ở những nơi khác khi người Mường thiên di đến vùng đất mới thuộc Thanh Hóa, Sơn La hay Yên Bái.

Thực tế cho thấy, Ruộng Lang, đất mường do Nhà Lang chiếm hữu chính là biểu hiện quyền thừa kế tập thể của chế độ tông tộc của các dòng Lang. Quyền đó được triều đình trung ương và tập quán – luật lệ mường thừa nhận. Sự thống trị của Nhà Lang – dòng họ quý tộc ở mường, thể hiện khá tập trung ở quyền chiếm hữu Ruộng Lang và đất mường mà Lang Cun là người đứng đầu, đại diện thông qua việc phân chia, quản lý, sử dụng Ruộng Lang.

Xã hội Mường cổ truyền ở Hòa Bình từng tồn tại ba loại hình ruộng đất, trong đó chủ yếu là loại Ruộng Lang Ruộng DânRuộng Công. Theo luật lệ mường, quyền chiếm hữu ruộng đất thuộc về Nhà Lang, mà Lang Cun là người đại diện cho dòng Lang quý tộc thống trị mường đó. Các dòng Lang thuộc 4 họ Đinh, Quách, Bạch, Hoàng là tầng lớp thống trị ở Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động. Tầng lớp thống trị không phải trực tiếp lao động mà sống dựa nhân dân trong mường, thể hiện quyền thống trị của mình thông qua việc khai thác ruộng đất dưới hai hình thức Xâu và Nõ.

Chưa rõ Xâu – Nõ xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng, hai hình thức lao động này đã tồn tại từ rất lâu đời trong xã hội Mường. Trong lịch sử dân tộc Mường ở Hòa Bình cho thấy, những người ở trong mường – nhà nóc được hưởng (ăn) phần ruộng dân. Về danh nghĩa, phần ruộng ấy được tổ tiên Nhà Lang quản, họ chia cho tổ tiên của các hộ gia đình. Tổ tiên hộ gia đình đã truyền lại ruộng đất đó cho con cháu ngày nay. Bởi thế, họ không có cách gì trả cái ơn truyền kiếp ấy ngoài cách suốt đời lao động không công trên Ruộng Lang, diễn ra dưới hai hình thức Xâu và Nõ. Về hai hình thức lao động này, người Mường ở Hòa Bình thường nói câu cửa miệng: Cun Xâu, Đạo Nõ, nghĩa là, những nóc trong mường phải có nghĩa vụ làm xâu cho Lang Cun và làm Nõ cho Lang Đạo trên những thửa ruộng mà Nhà Lang trích ra. Thông thường, thửa Ruộng Xâu của Lang Cun có diện tích từ 200 mạ (bó mạ) trở lên. Ruộng Nõ có diện tích từ 100 đến 200 mạ.

Xâu là đặc quyền của Lang Cun. Những người dân trong làng ngoài chiềng được nhận phần Ruộng Công thì hàng năm, mỗi vụ phải cử người đến làm Ruộng Xâu cho Lang Cun. Những người Đi Xâu (làm xâu) dưới sự quản lý trực tiếp của Ậu. Tên gọi Ậu coi việc làm ruộng Xâu – Nõ tùy theo từng địa phương. Ở Mường Bi gọi là Ậu Chậu (Ậu Chấu). Trước ngày làm Ruộng Xâu, Ậu phải bố trí nhân lực trên từng Ruộng Xâu và đốc thúc họ khi làm việc cày, cấy, làm cỏ, đắp bờ. Những người Đi Xâu phải mang trâu, bò, nông cụ của mình đến. Làm Xâu là hình thức lao động tập thể. Cùng một lúc có nhiều người tham gia canh tác trên thửa Ruộng Xâu; lúc thu hoạch mùa màng cũng vậy. Ậu có trách nhiệm trông nom quán xuyến đến khi nào thóc lúa được mang từ đồng về Nhà Lang hoặc đặt vào kho mới coi là hoàn thành. Toàn bộ thóc lúa thu được từ Ruộng Xâu hoàn toàn là của Lang Cun.

Ngoài Ruộng Xâu, Lang Cun còn có Ruộng Nõ. Những thửa Ruộng Nõ nhỏ hẹp thường được phân cho từng hộ nhà nóc tự cày cấy. Đến mùa thu hoạch, toàn bộ thóc lúa của Ruộng Nõ đều phải nộp cho Lang Cun. Hình thức làm nõ cho Lang Đạo – Lang Đạo cũng diễn ra tương tự. Trách nhiệm quản lý Nõ của Ậu có phần nhẹ nhàng hơn. Trước ngày làm Ruộng Nõ, Ậu đến chăng dây hoặc đóng cọc phần Ruộng Nõ, khi thu hoạch Ậu theo dõi xem lúa có được chuyển hết về Nhà Lang hay không. Như vậy, cũng giống như làm Ruộng Xâu, người làm Ruộng Nõ cũng không được hưởng thành quả lao động của chính mình. Họ đều là những người đi làm ruộng không công cho Nhà Lang. Quyền lợi mà họ được hưởng là một bữa ăn thịnh soạn có rượu cần, rượu ngang, cơm thịt đầy đủ mà Nhà Lang mời họ sau mỗi công đoạn của mùa vụ như cày bừa xong, cấy xong…

Xâu – Nõ là đặc trưng của chế độ Nhà Lang ở Hòa Bình, thể hiện đặc quyền của chế độ Nhà Lang đối với nhân dân Mường. Xâu có thể ra đời trước . Tuy hình thức lao động có khác nhau: Xâu là lao động tập thể, là lao động cá thể (từng gia đình); song về bản chất đều là thứ lao động không công của tầng lớp bị trị phục vụ tầng lớp quý tộc Lang thống trị toàn mường. Có thể thấy rằng: Xâu, Nõ là chìa khóa để tìm hiểu bản chất chế độ Nhà Lang cổ truyền của người Mường Hòa Bình, cũng như ở nhiều vùng Mường khác, tuy nhiên cũng có sự biến dạng ít nhiều. Mỗi khi Xâu, Nõ còn thì quyền lực của Nhà Lang vẫn còn; Xâu, Nõ mất đồng nghĩa với việc quyền lực Nhà Lang biến mất cùng với chế độ Nhà Lang. Ngoài ra, bản chất và ý nghĩa của Xâu, Nõ còn thể hiện rõ nét luật lệ bất thành văn ở mường. Luật lệ mường là sản phẩm của chế độ Nhà Lang, hay còn được gọi là luật lệ Nhà Lang.

Trong lịch sử, mỗi mường trước kia đều do một chúa đất là Lang Cun thống trị. Muốn cai quản được dân trong mường, để dân khuất phục, tự nguyện thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà Lang như Làm Xâu, Làm Nõ trên Ruộng Lang; hoặc đi phiên làm nô bộc phục vụ cống nạp lễ vật trong các lễ tiết hiếu hỷ và trong cuộc sống ngày thường… không thể không có luật lệ. Luật mường do Nhà Lang đặt ra, dân trong mường phải thi hành. Luật lệ ban đầu có thể bắt nguồn từ tập quán của xã hội Mường cổ truyền. Dần dần, do ảnh hưởng giáo hóa của triều đình, đặc biệt từ thời Hồng Đức (1470 – 1497) trở đi và do sự phân hóa ngày càng sâu sắc giữa đẳng cấp Nhà Lang thống trị và dân bị trị trong mường khiến tập quán pháp bất thành văn (Xâu, Nõ…) được nâng lên thành luật lệ. Những bản luật lệ mường đầu tiên có thể do những trí thức Mường biên soạn dưới hình thức văn bản Hán – Nôm. Trong bốn mường lớn (Bi, Vang, Thàng, Động) hay ở Mai Châu trước kia đều có luật lệ riêng nhưng, chúng hầu hết đã bị thất lạc, chỉ còn nghe nói đến tục lệ xưa ở mường; hoặc một vài ước thúc giữa Nhà Lang và dân ở trong mường ghi trên giấy cũ.

Theo cố Giáo sư Đào Duy Anh: “Tại Hòa Bình một đôi nơi, Nhà Đạo (Lang Đạo) có quyền sử dụng đối với con gái nhà dân (tối đầu tiên khi ra lấy chồng, người con gái nhà dân phải đến hầu họ Nhà Đạo).

Đối lại với những nghĩa vụ của dân chúng thì các Lang Đạo cũng có một ít ước thúc như sau:

  1. Khi Nhà Đạo có lễ hiếu hỷ hay trong dịp lễ yết, lễ cơm cá cùng các lễ khác, hoặc những dịp làm nhà, cày ruộng, dân chúng đến phục dịch thì Nhà Đạo phải làm thịt trâu bò hoặc lợn để dọn ăn đầy đủ, nếu thiếu lễ thì dân chúng có quyền chỉ trích.
  2. Con trai trưởng và con gái trưởng của Nhà Đạo, bắt buộc phải do dân chúng trong biệt ấp làm lễ cưới. Nếu không do dân chúng làm lễ cưới thì họ không thừa nhận việc hôn nhân. Nếu con gái trưởng lấy chồng trước thì những sính lễ thu được, Nhà Đạo phải giữ tại một nhà hào mục trong dân để sau dân lấy của ấy mà cưới cho con trai trưởng. Người vợ do dân cưới cho đó phải làm lễ ra mắt dân để dân công nhận. Những của hồi môn của người vợ như chăn, nệm, gối phải chia phần cho các hào mục trong dân.
  3. Nhà Đạo phải cấp điền khí trâu bò cho dân khai khẩn đất đai thành ruộng. Ruộng ấy, Nhà Đạo phải cho dân được giữ làm công điền khẩu phần.
  4. Nhà Đạo đối đãi sai khiến dân chúng mà làm quá lẽ, thì dân chúng có thể do những hào mục của họ khiển trách và bắt vạ (Nhà Đạo phải tạ lỗi bằng trâu, bò). Nhất là khi con gái Nhà Đạo mà có hoang thai thì dân có quyền bắt vạ rất nặng, người con gái có lỗi phải thân ra trước mặt đại biểu của dân đặt lễ mà tạ tội” [4].

Theo văn bản Lệ mường ghi trong gia phả họ Quách được tìm thấy ở xã Hạ Bì, huyện Mỹ Lương, phủ Quảng Oai, xứ Sơn Tây thời Hậu Lê thế kỷ XVIII (nay là xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình); trong đó gồm 11 điều như sau:

Lệ 1 – Hễ con trai trưởng được quản thúc nhân dân các quê[5]; còn các con khác nếu có lòng hiếu kính, thì cho làm Phụ Đạo không được quản dân. Hễ con trai trưởng không may tuyệt tự, thì con trai thứ mới được thế làm con trưởng và kế tập quản coi nhân dân.

Lệ 2 – Hễ hàng năm đến mùa làm ruộng, nhân dân các quê cùng đem nhau ra cày cấy ruộng cho Đại Thủ Quan đi hết mọi suất, nếu ai thiếu thì phạt lợn 1 con, rượu 1 chum. Đến mùa lúa chín, nhân dân các quê cùng nhau đem hết mọi suất ra thu hoạch, đem về kho cho xong hoàn hảo, ai thiếu cũng phạt như trên.

Lệ 3 – Đại Thủ Quan có việc cưới vợ, Châu Hóa phải xuất tiền nộp lễ cưới; Phụ Đạo các quê phải chịu việc nuôi, tiếp tân khách và phải nghe theo Đại Thủ Quan chia bổ nhiều hay ít, y theo lời dạy, nếu ai tự ý cưỡng không theo, thì tước đoạt mất phần.

Lệ 4 – Phụ Đạo các quê, hễ nhà nào có việc tang lớn và việc cầu đảo hoặc việc gì có mổ trâu, bò, dê, lợn thì phải để ra nộp phần biếu cho Đại Thủ Quan một miếng vai liền xương bả (3 xương) và chân giò, lại một mâm cỗ đồ chín và phẩm vật bày trên chiếu ngồi.

Lệ 5 – Các nhà dân ở các quê hễ có việc tang lớn, cầu đảo, tế lễ mổ trâu, bò, dê, lợn phải kính biếu Đại Thủ Quan một miếng vai liền xương bả và chân giò với một mâm cổ đồ ăn chín cùng các phẩm vật.

Lệ 6 – Đại Thủ Quan có việc làm nhà ở thì nhân dân các quê phải tạm xuất mọi người ra làm các việc: đẵn gỗ, tre, nứa, cắt cỏ tranh để dùng đủ việc làm nhà, xong rồi lại làm rào gỗ, phên thưa, nghi môn kín; khi việc làm nhà hoàn thành, các quê phải chịu lần lượt phục dịch canh giữ, mỗi phiên 2 người, cả ngày và đêm, ai thiếu thì phạt.

Lệ 7 – Hễ Đại Thủ Quan khi có ngày giỗ chạp thì nhân dân các quê phải dự bị trước ngày, hết thảy mọi người phải đi săn, đánh cá, ai thiếu thì phạt về tội bất kính. Về phần Phụ Đạo các quê mỗi Đạo phải lợn 1 con, rượu 1 chum và phải tè tựu đến lễ bái, ai thiếu thì phạt về tội bất kính và tước đoạt mất dân.

Lệ 8 – Đại Thủ Quan mỗi năm thu lợn, gà của nhân dân trong bản xã, mỗi nhà phải nộp lợn 1 con, gà 2 con, nếu không có gà thì thế một đôi vịt; và phải nộp lá dâu nuôi tằm. Mỗi nhà nộp 1 bồ cao 1 thước 5 tấc, khoát 1 thước 3 tấc.

Lệ 9 – Nhân dân các quê bản xã, mỗi nhà mỗi năm phải nộp bông 5 cân, tơ sống 5 nén, gai 1 nén, quả thầu dầu 15 bát, rượu hàng 2 vò.

Lệ 10 – Đại Thủ Quan có việc tang lớn báo hiếu, nhân dân các quê bản xã, mỗi nhà phải nộp trâu 1 con, lụa 10 thước, vải trắng 20 thước, rượu 1 chum để tiếp đãi các bậc tân khách… Nhà nào cũng phải cắt tóc để tang y như tang bố mẹ đẻ; và xây nhà mồ, mộ đá, chung quanh rào gỗ, đầy đủ các hạng.

Lệ 11 – Nhân dân các quê ai có phạm điều gì phải tạ lễ. Nếu bỏ thiếu thì bắt người làm nô tỳ, hoặc nhà ấy không có con trai thì cho thay thế bằng trâu 1 con, không có trâu thì bắt con gái làm nô tỳ. Nếu không có con gái thì tịch thu ruộng nương của cải và nhà cửa… [6].

Qua mấy điều luật lệ Nhà Lang dẫn trên cho thấy: luật lệ do Nhà Lang đặt ra nhằm đảm bảo quyền thống trị tuyệt đối của Nhà Lang với toàn bộ dân trong mường. Luật lệ cũng để khẳng định thứ bậc trong bộ máy cai trị của dòng Lang, quyền lợi chủ yếu mà Lang Cun, Lang Đạo được hưởng và phần trách nhiệm thứ yếu đối với nhân dân.

Cũng cần nhắc lại rằng, nghĩa vụ của dân đối với Nhà Lang quá nặng nề: làm Ruộng Xâu, Ruộng Nõ không công; đi phiên phục dịch Nhà Lang đủ mọi thứ việc như dựng nhà, hiếu hỷ, giỗ chạp, các lễ tiết cầu cúng… Ngoài ra, hàng năm dân mường phải đóng góp, cống nạp nhiều lễ vật khác nhau để Nhà Lang tiêu xài. Chưa tính đến việc phạt vạ vô cớ mà Nhà Lang xử lý tùy tiện theo ý thích, khiến dân làng vốn đã nghèo túng trở nên nghèo túng hơn, nhiều khi còn bị biến thành tôi tớ. Điều đáng sợ đối với người dân là luật lệ Nhà Lang truyền đời.

Như vậy, luật lệ mường – luật lệ Lang thể hiện khá điển hình vị thế của đẳng cấp Nhà Lang đối với người dân. Họ gần như là nông nô, sống lệ thuộc Nhà Lang hết đời này qua đời khác, phản kháng của nhân dân Mường nếu có xảy ra thường chỉ lẻ tẻ tự phát, như nhiều người ở Mường Bi trước đây đã bỏ mường đi tìm đất mới ở Thanh Sơn (Phú Thọ), Yên Bái, Sơn La hoặc sang Lào, đến miền thượng du Thanh Hóa và cao hơn là tập trung phản đối Lang hiện hành thay bằng Lang khác.

  1. KHU VỰC NGƯỜI THÁI

– TẠI ĐÀ BẮC

Người Thái Hòa Bình là một bộ phận của người Thái Tây Bắc nên về tổ chức xã hội cổ truyền cũng theo mô hình thiết chế chung. Tuy nhiên, khi người Thái di cư đến vùng Đà Bắc, Mai Châu, xa những mường Thái gốc, trong điều kiện tự nhiên và xã hội mới kề cận với vùng đất và xã hội của người Mường, các chúa đất Thái đã phát huy quyền tự trị của mình dựng nên tổ chức xã hội trên nền truyền thống và có cả những sáng tạo khác biệt. Vào khoảng cuối thế kỷ XIV, người Thái theo con thứ của Quốc trưởng Ai Lao họ Xa di cư đến dựng nên Mường Xang (còn gọi là Tứ Mang, Mộc Châu). Đầu thế kỷ XV, Thổ quan Xa Miên được giao làm Tri huyện Tứ Mang.

Căn cứ vào nội dung Chúc thư do dòng họ Xa lập vào năm Hồng Đức thứ 2 (1471) thì ít nhất từ cuối thế kỷ XIV đến hết thế kỷ XV – XVI, người Thái Đà Bắc vẫn sử dụng đơn vị hành chính cơ sở là quê của người Mường trong khu vực và do đó tổ chức xã hội của họ khi đó hoàn toàn mang dáng dấp Mường: Thổ Tù đứng đầu tập hợp các quê – tức châu mường sau này; Phụ Đạo đứng đầu quê, tương đương mường phìa; quan đứng đầu thôn, giống như đội ngũ các loại quan của người Thái.

Phải từ thế kỷ XVII – XVIII trở đi, đơn vị hành chính cơ sở cũng như tổ chức xã hội của người Thái Đà Bắc mới du nhập cơ cấu tổ chức xã hội của người Thái Sơn La nhưng vẫn có nhiều nét khác biệt.

Đơn vị tụ cư nhỏ nhất của người Thái ở Đà Bắc khi đó là bản rồi đến mường phìa. Bản của người Thái tương đương với thôn xóm, mường phìa tương đương xã hoặc tổng ở khu vực người Kinh. Nhiều mường phìa hợp thành một chu, một nha – tức châu mường, tương đương cấp huyện. Gia đình người Thái ở đây là một cấu trúc đại gia đình phụ hệ, sống trong những hươn đăm rộng tới 15 – 20 gian nhà với 4 – 5 thế hệ cùng hàng chục cặp vợ chồng, hàng trăm nhân khẩu. Dần dần các hươn đăm thay thế bằng chủm (một dòng họ) và cuối cùng là sính (họ). Chế độ Phìa, Tạo được hình thành qua quá trình khai phá đất đai và duy trì quyền sở hữu ruộng công kể trên.

Đà Bắc khi đó còn gọi là động Đà Lý do dòng quý tộc họ Xa cai quản, theo lệ thế tập, được gọi là Chẩu Mường, Án Nha có quyền chọn ra người cũng trong giới quý tộc để làm Phìa ở các mường phìa. Lại có một Hội đồng bô lão toàn mường (thấu ké háng mướn) thực thi quyền tiến cử, bãi miễn, xử tội và giám sát Chẩu Mường, Án Nha. Đây là một tổ chức tập hợp các chức dịch cơ sở sau:

– Các chức vị Quảng, Quan Bản, Tạo Bản, Tần Tổng, Quan Lang.

– Các chức dịch Quan Cuông, Quan Khôn, Quan Trường, Quan Giáo, Quan Trị, Quan Tỉnh, Quan Mạc, Quan Tắt, Quan Tiên, Quan Vì, Quan Dõng…

– Đội ngũ các Mo, Chang.

Nắm giữ một vùng rộng lớn gồm hàng chục châu mường là các Cụ Chủ – Cụ Trời, được gọi là Châu Phen Đin. Vào thời Lê, dòng họ Xa quý tộc ở địa phương đã từng được tôn vinh như vậy là nhờ những đóng góp vào công cuộc đánh đuổi giặc Minh hồi đầu thế kỷ XV.

Bản Chúc thư lụa mang niên đại Hồng Đức năm thứ 2 (1471) đã nói ở trên khẳng định một cách rõ ràng sự ưu ái của triều đình đối với họ Xa nói chung – trong đó có họ Xa ở Đà Lý và quan trọng hơn, văn bản này giúp hình dung và dựng lại một phần về tổ chức xã hội cổ truyền, chế độ ruộng đất, luật tục của người Thái Đà Bắc cũng như tác động qua lại giữa người Thái và người Mường thông qua các chức vị của các chức dịch, các danh từ chỉ xóm mạc – trong đó có QUÊ. Dưới đây là tình trạng và toàn bộ nội dung của Chúc thư[7].

“Thổ Tù, Phụ Đạo động Đà Lý, huyện Mộc Châu, phủ Gia Hưng lập Chúc thư.

Tư đồ Tư mã Tư Thiếu sinh Xa Lê Miêu, Xa Lê Miêu Sinh, Xa Lê Thậm, Lê Thậm Sinh, Xa Bính, Xa Bính Sinh, Xa Văn Phú, Văn Phú Sinh, Xa Thọ, Xa Thọ Sinh, Xa Ngọc Lan để lại ruộng đất, sản nghiệp nguyên vẹn gìn giữ cho đời sau, tránh tranh đoạt sở hữu ruộng đất, đầm ao của tổ nghiệp nên lập Chúc thư để đời đời truyền con nối cháu, mãi mãi gìn giữ kỷ vật.

Như xưa nước có phép thường, nay lập Chúc thư.

Thổ Tù Phụ đạo giao Đạo trưởng Xa Ngọc Lan giữ một đạo, chiểu theo đúng Chúc thư thi hành.

  1. Đà Lý động binh: dân các quê xa gần thuộc quyền Quan Lang cai quản và các Quan Lang, Quan Khôn, Quan Trưởng quyền dịch quyền chán, Quan Giáo, Quan Trị, Quan Mấy, Quan Tỉnh cùng các người trong nhà Quan Lang như Quan Lại, Quan Cốt, Quan Tiển và những người trong nhà Thổ Tù, Phụ Đạo động Đà Lý hàng năm cày cấy ruộng nương nước khôn quê nguồn [đất đai, xứ sở của Thổ Tù, Phụ Đạo].

Tháng 10: Ruộng Quang do Quan Lang cày cấy.

Tháng 5: Ruộng Ngọc do Quan Khôn cày cấy.

Tháng 5: Ruộng Đồn do Quan Trưởng cày cấy.

Tháng 5: Ruộng Ban do Quan Quê cày cấy.

Còn ruộng lẻ ở tại các thôn khác thì quê nguồn thuộc các Quan Lang, Quan Khôn, Quan Mạc, Quan Công, Quan Tắt, Quan Tiên, Quan Vì, Quan Quảng, Quan Quyền, Quan Dõng và hai thôn thuộc Thổ Tù, Phụ Đạo kết hợp để cày cấy. Việc cày cấy phân theo nhà ở, mỗi cụm 5 nhà, những thôn rời rẽ thì mỗi cụm 3 nhà còn các thôn khác ở xa hơn thì mỗi cụm 2 nhà.

  1. Quan Khôn hễ giết trâu, bò, lợn, dê hoặc hươu nai phải nộp Thổ Tù một chân và một mâm cỗ.

– Các quê của Quan Giáo, Quan Khôn hễ giết súc vật nói trên phải nộp Thổ Tù một chân và một mâm cỗ, phải nộp cho Quan Khôn cũng đúng như thế.

– Quan Trưởng hễ giết các súc vật nói trên phải nộp Thổ Tù một chân và một mâm cỗ.

– Các quê của Quan Trưởng, Quan Tỉnh, Quan Thông hễ giết các súc vật nói trên phải nộp Thổ Tù một chân và một mâm cỗ và phải nộp cho Quan Trưởng một bộ xương và một mâm cỗ.

– Quê của Quan Lang hễ giết các súc vật nói trên phải nộp Thổ Tù một chân và một mâm cỗ, phải nộp cho Quan Quyền và Quan Cốt một bộ xương và một mâm cỗ.

– Các thôn khác hễ giết các súc vật nói trên phải nộp Thổ Tù một chân và một mâm cỗ.

– Quan Mạc hễ giết các súc vật nói trên phải nộp cho Thổ Tù một chân và một mâm cỗ.

– Quan Công, Quan Tắt, Quan Liền, Quan Vĩ, Quan Quảng hết giết các súc vật nói trên phải nộp cho Thổ Tù một chân và một mâm cỗ.

  1. Các quê thuộc Quang Lang động Đà Lý phải đi tuần thú: ngày 3 người, đêm 5 người.
  2. Các quê thuộc Quan Lang bán ngựa phải nộp Thổ Tù mỗi ngựa là một đại, nếu không thì Thổ Tù bắt người vợ cả của kẻ bán ngựa. Khi đó Quan Lang của hai thôn (thôn Thổ Tù và thôn người bán ngựa) phải tham dự lễ cướp vợ ấy. Khắp động Đà Lý này, các quê thuộc Quan Lang phải tuân theo đúng như Chúc thư của Thổ Tù, Phù Đạo đã quy định.

Dưới đây liệt kê:

Ruộng, ao, đầm, đất và thanh bôn, hoa quả 4 mùa thuộc núi rừng xa gần trong các xứ quê Quan Lang tất cả được ghi đúng như trong Chúc thư này:

  1. Một thửa ruộng Ngọc, ruộng Binh đông giáp ruộng rừng, nam giáp suối nhỏ, tây giáp suối nhỏ, bắc giáp ruộng Bản Điền.
  2. Một thửa ruộng Ao, một đoạn đông giáp Xứ Ao, nam giáp ruộng rừng, tây giáp suối nhỏ, bắc giáp suối nhỏ.
  3. Một thửa ruộng Lộc, ruộng Đống liền kề, một đoạn đông giáp suối nhỏ, nam giáp Đống Sam, tây giáp ruộng Đơn, bắc giáp ruộng rừng và Doi Sâu.
  4. Một thửa ruộng Đô năm mẫu hai đoạn: đông giáp Xứ Đô, nam giáp rừng, tây giáp rừng, bắc giáp Xứ Đô.
  5. Một thửa ruộng Chằm sáu mẫu: đông giáp Bản Điền, nam giáp Bản Điền, tây giáp Bản Điền, bắc giáp Hống.
  6. Một thửa Ao Rừng, một đoạn đông giáp Bản Điền, nam giáp Bản Điền, tây giáp ruộng Binh Thuế, bắc giáp Hống.
  7. Một thửa Nhược Vương Cung Thực điền, Bùi điền, đông giáp Bản Điền, nam giáp suối nhỏ, tây giáp Hống, bắc giáp rừng.
  8. Một thửa ruộng Bờ Đầm: đông giáp rừng, nam giáp Bản Điền, tây giáp rừng, bắc giáp Bản Điền.
  9. Một thửa ruộng Hòa hai đoạn: đông giáp Bản Điền, nam giáp suối nhỏ, tây giáp suối nhỏ, bắc giáp suối nhỏ.

Giao cho Đạo Trưởng, Thổ Tù Xa Ngọc Lan giữ một đạo Chúc thư.

Các thôn khác nếu nhận cày cấy thì một năm nộp: rượu hai chĩnh, xôi nếp một xâu, lợn một con và thóc gạo 1.500 cân, mỗi cân 10 đấu. Dù cày cấy hay bỏ hóa đều phải tiến nộp đúng như vậy.

Ruộng đất, núi rừng, hoa quả các xứ xa gần ở động Đà Lý: đông giáp Sùng Hưng, tây giáp Đầu Lộc Thạch Mệnh, nam giáp Chúng Bán Dương Đồn, bắc giáp Tối Cá Minh Thổ Kỷ làm bờ. Ruộng tư của họ Xa, ruộng rừng và đất đai, tất thảy điền địa thuộc địa phận Đà Lý đến địa phận hai thôn gần Dương Hoàng Khu Phiến Đồ và Bình Ban Mác Chính Thạch nay đều giao cho Thổ Tù Xa Ngọc Lan quản lý.

Các Quan Quyền ở các quê thuộc địa phận cứ sau vụ đều phải tiến nạp lụa 30 thước và phải sức binh, dân cho trâu cày đất. Binh dân phải nộp liệt ngưu một đầu và lụa trắng 30 thước. Còn các thôn khác quê nguồn nước khôn chỉ phải nộp liệt ngưu một đầu, lụa trắng hai bó 20 thước.

Địa giới động Đà Lý bốn mùa không suy xuyển, đúng như trong Chúc thư đã quy định rõ:

Đông giáp địa phận Thái Hòa (Suối Voi liền đến Doi Cát, Quèn Lắm, Cấm Gà, Suối Lợi). Tây giáp địa phận Hiệp Đức (Suối Hồ, Suối Trắng, Quèn Tàng, Mỏ Đá, Đèo Vọng, Hang Mai). Nam giáp địa phận Hiền Lương (Doi Chông, Suối Động, Thạch Mừng, Quèn Hao). Bắc giáp địa phận Cường Nhuệ (từ Bờ Mèn liền đến Hang Ửng, Suối Hôi, Cửa Trai).

Vốn địa phận động Đà Lý giáp Thượng Thôn (từ Suối Nàn liền Đầm Canh, Doi Chế Ngọc Đương Sa, Suối Dụ, Dương Linh, Hồng Đà, Tản Tắc).

Ngày 6-2 năm Hồng Đức thứ 2 (3-1471).

Lập Chúc thư: Thổ Tù Xa Thọ ký.

Trưởng Thổ Tù, Phụ Đạo Xa Ngọc Lan điểm chỉ.

Xa Hiền, Xa An, Xa Mới, Xa Pháp, Xa Thiên, Xa Ngọc, điểm chỉ”.

Bản Chúc thư được viết bằng chữ Hán và Nôm trên một mảnh lụa dài 2,00 mét, rộng 0,36 mét, do cán bộ Phòng Bảo tồn Bảo tàng thuộc Ty Văn hóa Thông tin Hà Sơn Bình sưu tầm được trong gia đình họ Xa ngụ tại xã Tu Lý, huyện Đà Bắc. Toàn văn Chúc thư có phiên âm Hán – Việt như sau:

“Gia Hưng phủ, Mộc Châu huyện, Đà Lý động Thổ Tù, Phụ Đạo lập Chúc thư.

Tư đồ Tư mã Tư Thiếu sinh Xa Lê Miêu, Xa Lê Miêu Sinh, Xa Lê Thậm, Xa Lê Thậm Sinh, Xa Bính, Xa Bính Sinh, Xa Văn Phú, Văn Phú Sinh, Xa Ngọc Lan di hạ thổ điền, sản nghiệp vi hữu định phân, cũng ư thân hậu, hoặc khởi trang đoàn sở hữu tổ nghiệp điền thổ, đàm trì dự tạo Chúc thư phân vi loại phân kỳ điền thổ đẳng vật. Tư phó dữ Đạo trưởng Xa Ngọc Lan mị thường di hạ điền sản hữu tổ nghiệp điền địa, dự lập Chúc thư đại đại truyền tử nhược tôn, vĩnh vi kỷ vật.

Như sơ Quốc hữu thường pháp, kim cổ lập Chúc thư.

Thổ Tù, Phụ Đạo Phó Đạo trưởng Xa Ngọc Lan các chấp nhất đạo, vi chiếu dựng giải:

  1. Đà Lý động binh, dân các quê thuộc Quan Lang đẳng thâm thiển các xứ, các Quan Lang, Quan Khôn, Quan Trưởng, Quyền Dịch, Quyền Cháu, Quan Giáo, Quan Tri, Quan Mấy, Quan Tỉnh Tịnh, Quang Lang nội gia như Quan Lai, Quan Cốt, Quan Tiện Cùng, Thổ Tù nội gia truyền kỳ niên các Quan canh chung nước khôn quê nguồn điền thổ.

Tháng 10, Quang canh điền các Quan Lang canh chủng.

Tháng 5, Ngọc điện Quan Khôn.

Tháng 5, Đồn điền Quan Trưởng

Tháng 5, Ban điền các Quan Quê chính canh chủng.

Độc điền di thôn, quê nguồn thuộc các Quan Lang. Quan Khôn, Quan Mạc, Quan Công, Quan Tắt, Quan Liên, Quan Vĩ, Quan Quang, Quan Quyên, Quan Dõng cùng nhị thôn thuộc Thổ Tù, Phụ Đạo thân cấu tác, Phân gia cư ngũ căn, phân li thôn tam căn, li gia dị thôn nhị căn.

  1. Tinh Quan Khôn hữu sái ngưu, lao, chư, dương, hươu, nai thủ nạp Thổ Tù nhất túc, nhất bàn soạn.

Các quê Quan Giáo, Quan Khôn hữu sát ngưu, lao, chư, dương, hươu, nai thủ nạp Thổ Tù nhất túc, nhất bàn; nạp Quan Khôn nhất cốt, nhất bàn.

Quan Trưởng hữu sát ngưu, lao, chư, dương, hươu, nai thủ nạp Thổ Tù nhất túc, nhất bàn.

Các quê Quan Trưởng, Quan Lình, Quan Thông hữu sát ngưu, lao, chư, dương, hươu, nai thủ nạp Thổ Tù nhất túc, nhất bàn; nạp Quan Trưởng nhất cốt, nhất bàn.

Quê Quan Lang hữu sát ngưu, lao, chư, dương, hươu, nai thủ nạp Thổ Tù nhất túc, nhất bàn soạn; nạp Quan Quyền, Quan Cốt nhất cốt, nhất bàn.

Dị thôn hữu sát ngưu, lao, chư, dương, hươu, nai thủ nạp Thổ Tù nhất túc, nhất bàn.

Quan Mạc hữu sát ngưu, lao, chư, dương, hươu, nai thủ nạp Thổ Tù nhất túc, nhất bàn.

Quan Công, Quan Tắt, Quan Liền, Quan Vĩ, Quan Quảng hữu sát ngưu, lao, chư, dương, hươu, nai thủ nạp Thổ Tù nhất túc, nhất bàn soạn.

  1. Tỉnh Đà Lý động các quê Quan Lang tuần thú nhật tam nhân, túc ngũ nhân.
  2. Các quê Quan Lang mãi mã nộp thổ Tù nhất tại nhất mã hoặc Thổ Tù hữu thủ chính thê. Thị thời, Quan Lang nhị thôn tham lễ. Đà Lý động, các quê Quan Lang sở cứ y như Chúc thư nội.

Kê:

Sơn lâm, thâm thiểm các xứ quê Quan Lang điền, từ, đàm, thổ thanh bông hoa quả liệt kê như Chúc thư nội.

  1. Nhất thửa Ngọc Điền, Binh Điền: đông cận lâm điền, nam cận tiểu tuyền, tây cận tiểu tuyền, bắc cận Bản điền vi giới.
  2. Nhất thửa Chiểu Điền, nhất đoạn: đông cận Xứ Chiểu, nam cận lâm điền, tây cận tiểu tuyền, bắc cận tiểu tuyền vi giới.
  3. Nhất thửa Lộc Điền, Đống Điền tương liên, nhất đoạn: động cận tiểu tuyền, nam cận Đống Sam, tây cận Đơn điền, bắc cận Lâm điền, Doi Sâu vi giới.
  4. Nhất thửa Đổ Điền, nhị đoạn ngũ mẫu: đông cận Xứ Đồ, nam cận lâm, tây cận lâm, bắc cận Xứ Đồ vi giới.
  5. Nhất thửa Lam Điền, lục mẫu: đông cận Bản Điền, nam cận Bản Điền, tây cận Bản điền, bắc cận Hống vi giới.
  6. Nhất thửa Lâm Trì, nhất đoạn: đông cận Bản Điền, nam cận Bản Điền, tây cận Binh Thuế điền, bắc cận Hống vi giới.
  7. Nhất thửa Nhược vương cung Thực điền, Bùi Điền: đông cận Bản Điền, nam cận tiểu tuyền, tây cận Hống, bắc cận lâm vi giới.
  8. Nhất thửa Đàm Bi điền: đông cận lâm, nam cận Bản Điền, tây cận lâm, bắc cận Bản điền vi giới.
  9. Nhất thửa Hòa Điền, nhị đoạn: đông cận Bản Điền, nam cận tiểu tuyền, tây cận tiểu tuyền, bắc cận tiểu tuyền vi giới.

Nhất Phó chữ Đạo trưởng Thổ Tù Xa Ngọc Lan chấp nhất đạo.

Dị thôn canh chủng, thụ mỗi liên nạp: tửu nhị chĩnh, mễ tư thành nhất lũ, chư nhất chích, mễ cốc nhất thiên ngũ bách cân, mỗi cân thập đấu; bất luận vô canh hoặc hữu canh.

Đà Lý động thâm thiểm các xứ điền địa, sơn lâm, hoa quả (đông cận Sùng Hưng, tây cận Đầu Lộc Thạch Mệnh, nam cận Chúng Bán Đương Đồn, bắc cận Tố Cá Minh Thổ Kỷ Tác Ngạn); hộ tư điền, lâm điền, thổ địa giai thuộc địa phận Đà Lý động chí nhị thôn, cận Dương Hoàng Khu Phan Đồ, cận Bính Ban Mác Chinh Thạch địa phận kim tư Phó Thổ Tù Xa Ngọc Lan.

Nội thuộc các quê Quan Quyền, vụ tận tiến nạp: quyến tam thập kích, tịnh lệnh binh, đâm ngưu canh, binh dân các quê Quan Quyền tiến nạp: liệt ngưu nhất chích, bạch quyến tam thập xích, nước khôn quê nguồn dị thôn tiến nạp: liệt ngưu nhất chích, bạch quyến nhị xất thập xích.

Đà Lý động địa giới, tứ quý bất di y như Chúc thư nội: đông cận Thái Hòa địa phận (Suối Voi liên chí Doi Cát, Quèn Lắm, Đá Mà, Cấm Gà, Suối Lợi vi giới), tây cận Hiệp Đức địa phận (Suối Hồ, Suối Trắng, Quèn Tang, Mỏ Đá, Đèo Vọng, Hàng Mai vi giới), nam cận Hiền Lương địa phận (Doi Chồng, Suối Đống, Thạch Mừng, Quèn Hao vi giới), bắc cận Cường Nhuệ địa phận (tự Bờ Mòn liên chi Hang Ứng, Suối Hôi, Cửa Trai vi giới). Đà Lý Động bản địa phận cặn Thượng Thôn (tự Suối Nàm liền Đầm Canh, Doi Chế, Ngọc Đương Sa, Suối Dụ, Dương Linh, Hống Đà, Tản Tấc vi giới).

Hồng Đức nhị niên, nhị nguyệt, sơ lục nhật.

Cố lập Chúc thư.

Thổ Tù Xa Thọ ký.

Trưởng Thổ Tù, Phụ Đạo Xa Ngọc Lan điểm chỉ.

Xa Hiền, Xa An, Xa Mai, Xa Pháp, Xa Thiên, Xa Đài, Xa Ngọc điểm chỉ”.

Theo Hà Kính, các nhà Hán học Cung Khắc Lược, Nguyễn Hữu Chế đã giúp đỡ tận tình trong quá trình chuyển âm, định nghĩa toàn bộ văn bản nhưng về vị trí, vai trò của các loại Quan, các loại ruộng được liệt kê cùng các cụm từ, cụm danh từ như Đầu Lộc Thạch Mệnh, Chúng Bán Đương Đồn, Tối Cá Minh Thổ Kỷ Tác Ngạn, Dương Hoàng Khu Phan Đồ, Bính Ban Mác Chinh Thạch, Suối Động Thạch Mừng, Doi Chế Ngọc Đương Sa, Suối Du Đương Linh, Hống Đà Tản Tắc… vẫn để tồn nghi và chưa rõ nghĩa.

Qua Chúc thư, một lần nữa ta thấy rằng dòng họ Xa quý tộc nhiều đời chia nhau nắm giữ toàn bộ quyền lực ở châu Đà Bắc.

– TẠI MAI CHÂU

Vào khoảng cuối thế kỷ XIII, người Thái từ vùng Bắc Hà (Lào Cai) xuôi theo sông Hồng và rẽ vào miền sông Đà đến cư trú ở Mường Mùn (tên gọi Mai Châu từ đời Lê thế kỷ XV).

Dòng họ chúa đất Hà Công truyền đời cai quản vùng đất Mai Châu. Khi mới đến vùng đất này, Chúa Đất ngành trưởng họ Hà cai quản đất Mường Hạ, về sau quyền cai trị mường chuyển sang ngành thứ (em) là Chúa Đất Mường Thượng. Chúa Đất Mường Thượng trông nom cả châu gồm đất Mường Thượng, Mường Hạ, Mường Pa; trong đó trực tiếp cai quản Mường Thượng. Chúa Mường Hạ thần phục chúa Mường Thượng, nhưng vẫn được cai quản Mường Hạ và được Chúa Đất Mường Hịch lệ thuộc.

Những ghi chép về dòng họ Hà Công cho biết có 27 đời Chúa Đất thống trị ở Mai Châu. Đoạn đầu ghi tóm tắt 10 đời Tạo nối tiếp nhau khai phá, mở rộng đất Mường Mùn. Từ thế kỷ XV về sau này ghi tương đối tỉ mỉ 17 đời Tạo tổ chức cai quản xã hội ở Mường Mùn. Trong khoảng cuối thế kỷ XV, đời Tạo Khăm Bông và Khăm Piêng, ảnh hưởng của triều đình tới vùng Mai Châu đã khá mạnh mẽ. Triều đình có thể chi phối lập Tạo này hay Tạo khác, chứng tỏ được uy quyền mạnh mẽ của mình đối với các tộc người ở miền núi bấy giờ.

Theo tư liệu lịch sử cho biết, tổ chức xã hội Thái ở Mai Châu từ thời Lê thế kỷ XV gồm ba cấp:

Trên cùng là châu – châu Mường Mùn – do Tạo Châu tương đương với chức Án Nha ở vùng người Thái Sơn La cai quản. Trị sở châu Mường Mùn xưa đóng ở Chiềng Châu (nay là xã Chiềng Châu, Mai Châu). Giúp việc Tạo Châu có Hội đồng Bô lão (thẩu ké) – thực chất là những cố vấn, gồm người già có nhiều kinh nghiệm sống, trợ thủ đắc lực cho Tạo Châu. Các thành viên Hội đồng Bô lão là người Nhà Tạo thuộc dòng dõi quý tộc và những Bô lão thứ dân ở địa phương có uy tín và trí thức được Tạo tin dùng. Tạo Châu rất chú ý đến những thành viên của Hội đồng Bô lão. Theo lệ mường, Bô lão cũng được hưởng phần ruộng chức trích từ ruộng công của mường. Bô lão trên châu có thể được Chúa Đất cấp cho một vài người Cuông, Nhốc để làm Ruộng Chức, hoặc phục dịch chạy việc cho nhà Bô lão, nhưng số lượng Cuông, Nhốc nhà Bô lão không được phép vượt quá Nhà Tạo.

Dưới châu là mường, châu gồm bốn mường như đã nêu: Mường Hạ, Mường Thượng, Mường Pa và Mường Hịch. Về địa giới hành chính, các mường thuộc Mai Châu so với các mường của người Thái ở Sơn La có phần hẹp hơn. Đứng đầu mỗi mường là Tạo Mường thuộc dòng dõi chúa đất địa phương được thế tập. Dòng họ Hà Công nhiều đời nối tiếp nhau làm Tạo ở Mai Châu. Anh em con cháu hậu duệ chia nhau trực tiếp làm Tạo ở bốn mường. Giúp việc cho Tạo Mường cũng gồm những Nhưng Nha (người chức dịch hầu trong nhà quan). Về thành phần xuất thân, các Nhưng Nha là người có uy tín trong mường, được Tạo tin tưởng cất nhắc. Quyền lợi của Nhưng Nha gắn bó chặt chẽ với Tạo. Đôi khi Quan Chiềng cũng là cộng sự đắc lực của Tạo Mường. Mọi công việc ở mường có được trôi chảy hay không tùy thuộc rất nhiều vào sự hoạt động tích cực của các Nhưng Nha vào Quan Chiềng.

Dưới mường là bản, người đứng đầu bản là Tạo Bản cũng thuộc dòng dõi chúa đất địa phương. Ở Mai Châu, Tạo Bản cũng được gọi là Quan Pọng hay Tạo Pọng, là người đứng đầu một xổng gồm một số bản (có ý kiến so sánh xổng tương đương với đơn vị tổng ở miền xuôi thời cuối Lê đầu Nguyễn thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX). Sự xuất hiện chức Quan Pọng và Tạo Pọng với chức năng đứng đầu bản (Hua Bản) cho thấy được nét khác biệt trong việc đề cao đơn vị hành chính cơ sởở các mường thuộc Mai Châu xưa.

Sơ đồ tổ chức xã hội cổ truyền tại Mai Châu

Untitled 2.png

Từ sau những năm 30 của thế kỷ XIX, khi Minh Mạng cải cách hành chính, chia đặt bộ máy hành chính cả nước, đặt Lưu quan ở miền núi khiến tổ chức hành chính vùng Mai Châu cũng cũng bị xáo trộn, thay đổi. Mai Châu cũng như các châu khác ở Hòa Bình xuất hiện tổ chức bốn cấp: châu, mường, tổng, xã. Dưới xã gồm một số bản trực thuộc, bản là đơn vị dân cư; có thể từ khi đơn vị xã xuất hiện thì đơn vị bản không còn mang tính chất hành chính mà thuần mang tính chất đơn vị dân cư xã hội.

Qua lệ mường ở Mai Châu cho thấy, trước kia, Tạo Mường và Tạo Bản là Chúa Đất một vùng. Tạo cũng là tầng lớp thống trị nhân dân Thái và người Xá và Mông, nắm đặc quyền, gây những bất công, phi lý mà người dân bản mường phải mặc nhiên gánh chịu trong một thời kỳ dài, không thể thoát ra được. Đây đó có xảy ra những cuộc đấu tranh nhỏ lẻ của người dân hoặc một số người tự phát bỏ mường bản ra đi tìm đất mới sinh sống, nhưng vẫn không thay đổi được thân phận của mình. Điều đó cho thấy sự phân hóa đẳng cấp vẫn diễn ra ngấm ngầm và ngày càng gay gắt trong xã hội Thái vùng Mai Châu, Đà Bắc (Hòa Bình). Chế độ Tạo cũng là một chế độ điển hình của người Thái Mai Châu. Sự điển hình của chế độ đó đã đưa đến sự hình thành của bộ luật Thái mà ít nơi nào có được, trong đó có Luật mường (Hịt khóng mường bản – phong tục tập quán hay luật lệ mường bản).

Ngay phần Chia bản chia mường đã ghi rằng:

“Từ khi nên nước, nên đất, nên cỏ, nên trời, nên gió. Trời mới ban luật, ban lệ, trước định thế nào, nay phải theo như thế.

Dưới trần, có năm mươi chỗ mường Kinh, năm mươi nơi mường Thái. Vì bảo ban không được, dạy dỗ không nghe, vua Hồng Đức mới ban luật, ban lệ xuống cho mường Kinh, nơi có quan tần, quan sứ, có quan phủ, quan huyện cai quản.

Còn đối với các mường người Thái cơm đồ nhà gác [nguyên văn tiếng Kinh], mường có sàn, bản có cột, trên có châu, dưới có mường, có bản. Châu cai quản mường, mường cai quản bản; trên thì có chúa, có tạo, dưới có già, có trẻ. Vua cũng định ra luật, ra lệ cho các tạo hàng châu, hàng mường, hàng bản phải nhớ. Từ đó đến nay, từ khi vua Hồng Đức đã định ra luật lệ ban xuống, nếu việc quan không biết xử thì cứ chiểu theo các điều trong luật, trong lệ này mà xử…” [8].

Đó chính là mục đích của Luật mường.

Luật mường phản ánh điều kiện lịch sử và xã hội dân tộc Thái ở Mai Châu; cả những ảnh hưởng của luật pháp thời Hồng Đức thế kỷ XV và các thời kỳ phong kiến sau này. Luật mường gồm hàng trăm điều quy định liên quan đến luật hình sự, luật dân sự, luật hôn nhân và gia đình. Luật mường chưa đạt đến mức chặt chẽ, hoàn chỉnh như các bộ luật ngày nay, song giá trị lịch sử thì không thể phủ nhận.

Luật mường gồm ba phần:

Phần thứ nhất quy định nguyên tắc đối với việc xử phạt: dân bản mường có quyền kiện lên ba cấp: bản, mường, châu. Các Tạo nắm quyền ở ba cấp đó không được ngăn cản người đi kiện.

Nếu Tạo Châu xử giống như Tạo Mường đã xử thì kẻ nguyên đơn bị Tạo Mường phạt. Hoặc, Tạo Mường xét xử rồi mà Tạo Châu xử khác đi thì Tạo Mường cũng không được phạt nguyên đơn.

Trường hợp kết quả xét xử của Tạo ở cả ba cấp giống nhau thì bên nguyên đơn bị Tạo Bản phạt.

Phần thứ hai định ra từng loại người: thế nào là người tốt, kẻ xấu, người trung thực thật thà, kẻ nịnh bợ, kẻ bất nhân gian ác, kẻ trộm cướp… người dũng mãnh, chăm chỉ có công lao… Đối với người có tài, người thâm thúy (có tri thức và nhiều kinh nghiệm) phải quý trọng và trọng dùng họ.

Việc định ra từng loại người vừa thể hiện quan niệm của xã hội đương thời cần khen thưởng trọng dụng, khuyến khích người có công với dân bản và mẫn cán với tạo, vừa đề cao người tốt, trung thực, chăm chỉ, dũng mãnh; đồng thời chỉ ra những loại người xấu để răn dạy hoặc dùng luật mường trừng phạt.

Phần thứ ba (phần chủ yếu của Luật mường) trình bày khá đầy đủ, chi tiết những vấn đề liên quan đến các điều khoản về dân luật, hình luật, luật hôn nhân và gia đình… gồm các điều mục dưới đây:

– Luật về việc tranh chấp ruộng đất.

– Luật dựng vợ gả chồng.

– Luật để tang chồng.

– Luật bỏ vợ, bỏ chồng.

– Luật vợ chồng cùng bỏ nhau.

– Luật “kin xụt phủ tai” (ăn xụt người chết – thu của cải của người chết khi người đó tuyệt tự).

– Luật trâu đánh nhau chết.

– Luật dân chạy đi mường khác.

– Luật giết người không được lệnh của Tạo Chu (châu).

– Luật đối với người ăn cắp.

– Luật đối với người chửi cay nghiệt.

– Luật về việc trộm yêu (lặc mặc) tức hủ hóa, loạn luân.

– Luật săn sóc vợ chồng khi đau ốm.

– Luật nuôi con nuôi.

– Luật về việc Tạo lấy vợ.

– Luật về việc Tạo phải vạ.

Qua những điều luật trên, có thể thấy chúng được hình thành dựa trên tập quán pháp của dân tộc Thái vùng Mai Châu, là một bước tiến bộ so với người Thái Tây Bắc hoặc Nghệ An. Ở những nơi đó, cho đến mãi sau này, tập quán vẫn dựa trên những thành ngữ và tập quán truyền thống.

Như vậy, bên cạnh những mặt tích cực, tiến bộ của luật mường về việc bênh vực chế độ hôn nhân một vợ một chồng và bảo vệ hạnh phúc gia đình, luật mường cũng thể hiện sự hạn chế ngay trong tính chất giai cấp của nó. Luật mường bảo vệ chế độ thống trị của các chúa đất ở bản, mường, châu do các Tạo cầm đầu. Tạo được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, có thể lấy nhiều vợ do dân bản cưới cho. Nhân dân các mường, bản phải có nghĩa vụ lao động cống nạp cho Tạo. Họ phải làm mọi việc, từ làm Ruộng Cuông, Ruộng Chức đến đi phiên; hoặc làm Cuông, Nhốc cho Nhà Tạo. Quyền lợi của tạo là bất khả xâm phạm.

Luật mường của dân tộc Thái ở Mai Châu là một trong số những bộ luật cổ còn lại đến ngày nay có giá trị, đóng góp vào kho tàng văn hóa nước nhà. Trong đó, luật đã phản ánh tương đối khách quan xã hội cổ truyền, đặc biệt đáng chú ý là tính chất giai cấp rõ nét của chế độ Tạo, giúp thêm việc nhận diện chế độ Tạo – một hình thức tổ chức xã hội cổ truyền điển hình của người Thái Mai Châu, góp phần lý giải rõ thêm xã hội cổ truyền của dân tộc Thái ở Tây Bắc, cũng như ở nhiều nơi khác trong nước và khu vực.

Qua việc tìm hiểu chế độ Nhà Lang của người Mường và chế độ Tạo của người Thái Mai Châu, có thể thấy rõ hơn thiết chế xã hội cổ truyền đặc thù – cơ sở xã hội của cộng đồng các dân tộc anh em cư trú trên mảnh đất Hòa Bình.

*  *  *

Dưới thời Pháp thuộc, không phải làng xã nào ở Hòa Bình cũng thực thi chế độ NHÀ LANG và mọi phương thức bóc lột của LANG ĐẠO đều giống nhau. Tại những vùng tiếp giáp với người Kinh – mà ta quen gọi là vùng xuôi, chế độ Nhà Lang khá mờ nhạt, chỉ còn thấy kiểu phát canh thu tô hoặc nuôi nhiều con ăn người ở. Tục lệ thôn xã cũng thấy chuyện đình đám, mua ngôi thứ, vào lão, khao vọng, quan viên tế lệ, hạ thượng điền, sóc vọng. Nhà Lang mỗi khi có việc chỉ còn được ngồi mâm trên hoặc đứng đầu trong các đám rước. Để vớt vát chút hào quan còn lại, một số Lang Đạo tìm cách chạy vạy để được đứng trong hàng Tổng, Lý. Đó là một hiện thực của tổ chức xã hội cổ truyền của người Mường những năm 30 – 40 thế kỷ XX ở Hòa Bình.

Trong Luận văn Quanh chuyện cảnh quan và bộ mặt tộc người, nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi đã viết:

“Hiện nay còn hai tộc người bảo lưu tổ chức xã hội vùng thung lũng: người Thái ở Tây Bắc và người Mường ở bờ sông Đáy giáp Hà Nội. Người Thái có chế độ Phìa Tạo, người Mường có chế độ Nhà Lang. Tổ chức xã hội người Thái, người Mường giống nhau trên nhiều nét lớn, khác với đồng bằng, còn người Tày, người Nùng ở Việt Bắc vốn cũng cùng chế độ xã hội đó nhưng đã biến dạng, vì nó là vùng biên giới nên buộc triều đình nhà nước với tay tới và nắm chặt.

Chế độ xã hội ra đời cao nhất ở vùng chân núi, giữa Mường và Thái rất giống nhau. Suy đến cùng, những nét chung ấy có ba đặc điểm:

– Tầng lớp quý tộc ra đời (Phìa Tạo, Nhà Lang) xây dựng quyền lợi của mình trên cơ sở ruộng nước. Mặc dù ở đây còn làm rẫy nhưng xã hội chỉ bóc lột trên cơ sở ruộng nước chứ không bóc lột trên cơ sở nương rẫy. Điều này có giá trị cho ta hiểu chế độ xã hội ở đồng bằng, vì đồng bằng cũng làm ruộng nước.

– Họ tiến hành bóc lột trên cơ sở ruộng công, không bóc lột ruộng tư. Vì diện tích vùng thung lũng quá hẹp nếu biến thành ruộng thì không bóc lột được nên họ bóc lột tàn bạo (cả tỷ lệ và biện pháp bóc lột) trên cơ sở ruộng công. Chế độ bóc lột ruộng công này không giống ở đồng bằng, nói cách khác hình thức bóc lột ruộng công ở đồng bằng đã bị bóp méo.

– Thiết lập được sự thống trị bằng sức mạnh tông tộc, còn người bình dân thì tông tộc bị vỡ vụn thành gia đình hạt nhân. Điều này phổ biến trên toàn Đông Nam Á kể cả vùng Nam Ấn Độ và vùng Hoa Nam. Có một số tông tộc không trực tiếp lao động dù bị vỡ vụn vẫn còn diện mạo để nhận ra. Giai cấp thống trị đã lấy sức mạnh tông tộc để áp dụng sự thống trị lên các gia đình hạt nhân. Các họ theo nghĩa tộc danh như Đinh, Quách… chỉ có ở giai cấp quý tộc còn tất cả tầng lớp bình dân Mường chỉ có một họ Bùi. Mỗi dòng họ chiếm một thung lũng hoặc một hệ thống thung lũng nối liền nhau và áp đặt sự thống trị lên vùng đó. Thống trị tuân theo nguyên tắc phụ quyền: con trai cả thống trị toàn mường gọi là Lang Cun, con trai cả chi thứ thống trị một vùng khoảng hai ba làng. Mỗi Mường thường có khoảng 50, 70 hoặc 100 làng. Nguyên lý tông tộc áp dụng cho nguyên lý cai trị, do đó vai trò tông tộc ở người Mường, người Thái rất lớn. Về cách bóc lột kinh tế: ruộng đất từng làng là ruộng công, có hai thứ ruộng: ruộng của Nhà Lang và ruộng dân. Ruộng công quý tộc cha truyền con nối, giao cho con trưởng. Do đó con thứ rất khổ vì không được nhận ruộng của Nhà Lang thường đi lấy vợ con Nhà Lang khác không có con trai (điều này giống các mệ ở Huế: con trai quý tộc hống hách nhưng nghèo chuyên đi ăn nhờ của dân, một lớp quý tộc nghèo mà phải đóng vai quý tộc. Khác nhau là Mường không bình dân như Huế). Ruộng Lang cha truyền con nối, nhưng không thể là tư điền. Khi quý tộc thất thố thì dân bãi miễn (cù lão) để đưa em lên. Ở đâu còn ruộng công thì ở đấy còn đôi chút dấu vết công xã, cho nên dân thường gọi đùa con thứ Nhà Lang là “Lang Rài” tức sống rông rài, chịu sự khổ cực để cho chế độ Nhà Lang tồn tại.

Nhà Lang tự cho mình là người quản lý toàn mường. Mường có chung một hệ thống thủy lợi mà hình thức lại rất phức tạp. Mỗi làng có một hệ thống ruộng riêng của từng họ nhưng phải phối hợp một hệ thống thủy lợi gồm hai nguồn nước: suối con và suối lớn. Do đấy, phải thương lượng lẫn nhau và người cầm trịch là Lang Cun. Cuộc họp toàn mường đầu năm bàn về thủy lợi dưới quyền Lang Cun. Đại diện các Lang phải đến bàn, như vậy một chính quyền đã bao trùm toàn thung lũng. Tầm quan trọng của thủy lợi đối với sự ra đời của nhà nước mà Ăngghen đã nói, ta thấy được rõ ràng ở đây.

Nhu cầu của xã hội cần người đứng ra quản lý toàn mường, người quản lý nắm quyền phân phối ruộng công và bởi vì ruộng công quá ít không đủ phân phối cho mọi người nên đẻ ra sự ban ơn. Muốn được nhận ruộng công gia đình bình dân phải chịu ơn và làm không công cho lãnh chúa. Bà Cuisinier rất nhầm khi so sánh chế độ Lang Đạo Mường với lãnh chúa ở châu Âu. Ở châu Âu quyền sở hữu ruộng đất thuộc về lãnh chúa, còn ở mường là ruộng công. Những người không có ruộng công phải đi làm rẫy làm nương, không được xếp là công dân chính cống (như người ngụ cư ở người Kinh), họ bị khinh rẻ. Vì vậy tầng lớp bình dân Mường cũng có hai loại: mol mường tức một thành viên chính thức được nhận ruộng công, hai là tứa roọng – tức dân làm rẫy không được tham gia nghi lễ trong làng. Con trai mol mường chỉ chơi chứ không lấy con gái tứa roọng, trong khi đó đời sống của tứa roọng vì được tự do về kinh tế nên cao hơn hẳn mol mường.

Chế độ Phìa Tạo ở Thái phức tạp hơn, nhưng về cơ bản là giống Nhà Lang của người Mường. Nếu giả thuyết của Gorman quả thật là đúng, thì khi con người ở thung lũng về đồng bằng, họ lập nên chế độ xã hội gì? Ở Việt Nam trước Bắc thuộc xã hội gì? Giả thuyết về vùng kinh tế mới, người ta phải mang nguyên xi xã hội cũ, nhưng môi trường buộc phải đổi mới về mặt tổ chức cho phù hợp. Những điều biết được về khởi nghĩa Hai Bà Trưng qua huyền thoại cho ta biết tướng của Hai Bà toàn là nữ. “Trưng Trắc” có nghĩa là họ không? Nữ tướng của Hai Bà Trưng toàn là tên đối rất hay, nhưng chắc gì đã là họ. Có điều là, về cơ bản người ta hiểu được rằng Trưng Trắc là con một Lạc Tướng – tức là Tù Trưởng một vùng. Điều này chứng tỏ trên đồng bằng Bắc Bộ, ít nhất là đỉnh tam giác châu Hà Đông – Hà Nội đã có chế độ Tù Trưởng kiểu Hai Bà Trưng. Theo sử Trung Quốc, Hai Bà chiếm 65 thành, thực ra có thể chỉ có Tù Trưởng địa phương của 65 thành ấy hưởng ứng theo Hai Bà. Đất thuộc gia đình Hai Bà cũng chỉ là một mường lớn, phải liên kết được các Tù Trưởng khác. Vì lẽ đó, Mã Viện phải để 3 năm mua chuộc hết các Tù Trưởng khác, rồi mới tấn công và khi đã mất đi sự ủng hộ của các Tù Trưởng khác, Hai Bà thua ngay. Tóm lại, trước thời kỳ Bắc thuộc đã tồn tại ở đồng bằng một chế độ bóc lột trên cơ sở ruộng công và áp đặt chế độ tông tộc. Nhưng vấn đề đặt ra là kiểu bóc lột của Mường không thấy ở Kinh, dù vậy ở người Kinh ta vẫn thấy diện mạo của ruộng công trong cách phân phối định kỳ. Như vậy là ở miền xuôi còn lưu giữ được nhiều yếu tố dân chủ, làng mạc miền xuôi rõ ràng là dân chủ hơn mường. Vết tích công xã còn lại trong chế độ ruộng công và quyền “cù lão” của dân ở người Mường là những vết tích của “làng tự trị” xa xưa. Dù cho Lang Đạo nắm một làng, hoặc một cụm làng, nhưng mỗi làng lại tồn tại theo một chế độ thủy lợi và ruộng đất riêng. Ở miền xuôi, nước ta có 1.000 năm Bắc thuộc, khi người Hán vào không còn Tù Trưởng địa phương nhưng làng vẫn được bảo lưu. Condominas có lý khi ông lưu ý ba trường xã hội chính trị khác nhau cần phải nghiên cứu: một là các Vương quốc hạ Lào, hai là chế độ thống trị đặc biệt của người Thái và Lào, ba là chế độ dân chủ của người An Nam tức người Kinh. Phải nói Condominas đã thấy được những cái chính cần làm.

Tổ chức Nhà Lang và Phìa Tạo báo hiệu tiền nhà nước trên phạm vi một mường còn lỏng lẻo, hình thức này giống lãnh địa. Người cầm đầu mường có mảnh đất riêng gọi là Chiềng của Lang Cun, đặt dưới quyền thống trị và bóc lột trực tiếp của ông ta. Lang Cun giống vua Pháp cổ – vua Pháp cổ trên danh nghĩa là vua nước Pháp, nhưng thực ra chỉ là lãnh chúa của Paris. Chức năng quan trọng của Lang Cun đối với mường là điều hành thủy lợi.

Thủy lợi cần có sự thương lượng giữa các làng, và hệ thống thủy lợi đòi hỏi phải huy động lực lượng đông đảo để làm hoặc tu sửa. Nhưng khi ra đời cơ chế Lang Cun lãnh đạo toàn mường thì các làng lại phải đóng góp các mặt khác nữa ví như làm cho Lang Cun chẳng hạn. Tất cả được vận hành theo tập quán pháp, có một số quy định và họ dùng chữ Hán để ghi, công xã xưa có tập quán pháp là một yếu tố tiền nhà nước. Bộ máy dưới quyền Lang Cun là một bộ máy lấy ngay trong bản chiềng gọi là Âu (tiếng Môn Khơme cổ “Âu” là cha ví vụ Xihanouk tự xưng là Âu pu). Mấy ông Nhà Lang này gọi dân là thằng; Lang Cun gọi các Quan Lang là bố (vua triều Nguyễn gọi các quan trong triều là thầy). Vấn đề Âu phức tạp: có hai loại Âu, Âu Long (quan lớn), Ậu Cúi (quan bé) và có sự phân công rõ ràng. Âu cả có vai trò như Tể tướng, các Lang Đạo cũng có hệ thống Âu như vậy nhưng ít hơn. Ở một số mường, Âu Lớn là cha truyền con nối, nhưng nếu có lỗi thì Nhà Lang cũng có thể cách chức. Các tiền đề này báo hiệu sự xuất hiện của nhà nước”[9].

Những dòng trên đây của Nguyễn Từ Chi là hết sức đúng đắn, hàm lượng khoa học cao, chính là kết luận của chương viết này.


Chú thích:

[1]. Bùi Huy Vọng: Làng Mường ở Hòa Bình, Nxb. Văn hóa thông tin, 2014, tr. 52-53.

[2]. Để hiểu rõ hơn, xin xem thêm nội dung Chúc thư được viết vào năm 1471 tìm thấy ở Đà Bắc và gia phả họ Quách viết hồi thế kỷ XVIII tìm thấy ở Hạ bì ở các phần dưới.

[3]. Nguyễn Thị Thanh Nga: Văn hóa truyền thống một số tộc người ở Hòa Bình, Sđd, tr. 43.

[4]. Đào Duy Anh: Chế độ Lang Đạo của người Mường Thanh Hóa. Bản đánh máy. Viện Sử học, tr. 6.

[5]. Trong Góp phần tìm hiểu Hòa Bình, các tác giả chuyển ngữ là khuê, ở đây xin chuyển sang quê cho đúng ngữ nghĩa.

[6]. Bùi Văn Kín (chủ biên): Góp phần tìm hiểu tỉnh Hòa Bình, Ty Văn hóa thông tin tỉnh Hòa Bình, 1972, tr. 44-45.

[7]. Hà Kính: Bản Chúc thư lụa mang niên đại Hồng Đức (1471) mới phát hiện ở Đà Bắc, Nghiên cứu lịch sử số 1 (208) – 1983.

[8]. Đặng Nghiêm Vạn (Chủ biên): Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái, Sđd, tr. 254-254.

[9]. Nguyễn Từ Chi: Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb. Văn hóa dân tộc, 2003, tr. 340-345.


https://nghiencuulichsu.com/2017/11/08/to-chuc-xa-hoi-co-truyen-cua-nguoi-muong-hoa-binh/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn