Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) vị chúa Nguyễn đầu tiên xưng Vương

Chủ Nhật, 12 Tháng Mười Một 20172:00 SA(Xem: 8880)
Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) vị chúa Nguyễn đầu tiên xưng Vương
quoc vuong chi an

Ấn “Quốc vương chi ấn”, sau khi chúa Nguyễn xưng vương năm 1744, ảnh

Võ Quang Yến

Nhà Nguyễn có các đời chúa trước khi Nguyễn Ánh (1762-1820) lên ngôi vua lấy hiệu Gia Long (1802-1820) lập nên triều đại nhà Nguyễn (1802-1945). Tuy mỗi vị chúa có công lao đặc biệt của mình, Nguyễn Phúc (hay Phước) Khoát (hay Hoạt) chiếm một địa vị đặc biệt : ông là vị chúa đầu tiên xưng vương ngay trong đời sống của mình vì những ông chúa trước chỉ tự xưng Thái bảo Quận công, rồi sau vài năm được suy tôn Thái phó Quốc công. Sau khi tạ thế, các chúa mới được truy tặng vương hiệu. Thật ra, chúa Nguyễn Phúc Châu (hay Chu) (1675-1725), ông nội Nguyễn Phúc Khoát, đã bắt đầu dùng tước Quốc Chúa từ năm 1693 để khẳng định vai chúa tể của mình trong miền Nam và qua năm 1702, theo lời khuyên của nhà sư Đại Sán, gởi phái bộ qua Trung Quốc xin được phong tước chính thức nhưng việc không thành. Tuy không chính thức đuợc phong vương, Nguyễn Phúc Châu và sau nầy đức chúa kế vị, Nguyễn Phúc Thụ (hay Trú, Chú) (1697-1738), đã xử sự như một vị vương. Sự kiện chính thức xưng vương của Nguyễn Phúc Khoát còn lớn lao hơn vì có ảnh hưởng nhiều lên con cháu, nhất là Nguyễn Ánh, tuy thời trị vì của ông đã bắt đầu cho sự suy vong của sự nghiệp các chúa Nguyễn. Trong những điều kiện nào Nguyễn Phúc Khoát đã lấy quyết định quan trọng nầy mở đường dẫn đến triều đại nhà Nguyễn sau nầy ?

Khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613) vào làm trấn thủ Thuận Hóa, năm 1558, ông mang tước Đoan Quận công rồi qua năm 1593 được tân phong Đoan Quốc công. Dần dần, nhắm hướng tước vương như Trịnh Tùng ngoài Bắc, lãnh đạo một xứ sở tự trị, ông tự xưng là chúa, bắt đầu cho triều đại các Chúa Nguyễn. Năm 1628, người kế vị, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) đổi tên dinh thành phủ, sử dụng một cách gọi thường dành cho các vị vương. Sau khi ông băng, con trưởng kế vị Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1601-1648) dâng ông thụy hiệu Thụy Dương Vương và đến đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ông được truy tôn Hiếu Văn Vương, nhưng lúc còn sinh thời không có khi nào ông tự ý xưng vương. Giữa Nguyễn Phúc Lan và Nguyễn Phúc Khoát có 5 đời chúa mà cũng chẳng có vị nào dám đứng lên làm việc ấy. Thật tình trước Nguyễn Phúc Khoát, chắc các vị chúa miền Nam cũng thừa muốn xưng vương như họ Trịnh nhưng sau nhiều lần đụng độ, cảm thấy tình hình kinh tế, quân đội Đàng Trong chưa đủ sức để chống chỏi Đàng Ngoài nên không dám. Dấu diếm mưu mô tự trị, họ luôn giữ tước chúa là một tước nhỏ hơn vương để khỏi mếch lòng cả Vua Lê lẫn Chúa Trịnh. Ngay Nguyễn Phúc Châu khi thay ấn năm 1708 Tổng trấn tướng quân cũng chỉ khắc Đại Nam Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trân Chi Bảo. Trong thời gian ngưng chiến giữa hai miền 1673-1744, vấn đề xưng vương được cụ thể đặt ra, nhưng rút cuộc cũng chẳng có chúa nào dám thi hành, sợ bị lôi thôi với Đàng Ngoài. Tuy nhiên, người ngoại quốc thường gọi những Chúa Nguyễn là vua xứ Cochinchine (nghĩa là xứ Cochin ở bên Tàu để khỏi lầm với xứ Cochin bên Karala-Ấn Độ) chắc vì ý thức Cochinchine ở miền Nam chỉ là một bộ phận của xứ Tunking (Âu hóa từ Đông Kinh, sau nầy thành ra Tonkin) ngoài Bắc. Nói chung, chuyện xưng vương đã chín muồi, bây giờ chỉ còn đợi cơ hội.

Sinh ngày 18 tháng 8 năm Mậu ngọ (26-9-1714), con Ninh Vương Nguyễn Phúc Thụ và Hoàng hậu Trương Thị Thư (1699-1720), Nguyễn Phúc Khoát là trưởng nam một gia đình 3 hoàng tử, 6 hoàng nữ. Thừa kế ngôi chúa của cha tháng 4 năm Mậu ngọ 1738, vào lúc 24 tuổi, ông trị vì 27 năm (1738-1765). Ông là vị chúa Nguyễn thứ tám kể, đúng 180 năm từ khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa năm 1558. Từ chức Chưởng dinh dinh Tiền Thủy, tước Hiểu Chính hầu, làm phủ đệ ở Cơ tiền dực (làng Dương Xuân), ông được quần thần vâng di mệnh khi vua cha băng hà, tôn làm Tiết chế Thủy bộ Chư dinh kiêm Tổng Nội Ngoại Binh chương Quân quốc Trọng sự Thái báo Hiểu Quận công, hiệu Từ Tế (hay Từ Hàng) đạo nhân. Nhận thấy miền Bắc đang bị họa binh đao luôn mấy năm, nội bộ lủng củng, Nguyễn Phúc Khoát nuôi ý thực hiện mong muốn của những vị chúa trước mình. Năm Giáp tý 1744, sáu năm sau khi ông lên ngôi chúa, tương truyền có cây ưu đàm hay Ưu đàm ba la, cây thiên phiên âm từ Phạn ngữ Udumbara, bên ta còn gọi cây sung, thường không hay ít có hoa, bổng nhiên hoa nở rộ như thời báo hiệu đức Phật ra đời trong kinh điển, ai cũng bảo đó là điềm tốt. Thêm vào đấy, câu sấm Bát thế hoàn trung đô hay Bát đại hoàn trung nguyênnhư thúc đẩy ông tiến lên trong ý chí thực hiện của mình vì ông chính là vị Chúa Nguyễn thế hệ thứ tám. Nhân năm tý là năm đầu của hoa giáp 60 năm thường được xem là thuận lợi cho mọi cải cách, ví chi tự mình đứng ra chủ trương, ông khéo léo thương lượng với nhân thần Hương Danh hầu Nguyễn Đăng Thanh, trước là thái phó dạy dỗ hoàng tử, kêu gọi triều thần dâng sách xin ông xưng vương. Nguyễn Đăng Thanh là tác giả những cuốn Hiếu tân thi tập, Chuyết trai thi tập, Chuyết trai vịnh sử tập. Bản dịch tờ sách có những câu :

Bắt đầu một nước duy tân, danh phận đến hồi chính thuận. 
Đã ngoài trăm năm tích đức, lễ nhạc đến lúc chấn hưng…. 
Lấy bảy mươi dặm cõi bờ, còn tự mở nền huyền điểu ; 
Huống ba nghìn dặm đất nước, há lại dậm vị hoàn khuê“…

Lấy tích xưa bà Giản Địch đi cầu tự, thấy trứng chim huyền điểu tức chim yến, bà nuốt trứng rồi có thai sinh ra ông Tiết là ông tổ nhà Ân-Thương, rồi lại giải thích người chỉ có tước công chứ không phải vị quốc vương mới giữ ngọc hoàn khuê tức là ngọc mệnh khuê chín tấc, triều thần đã tôn vinh cực điểm vị chúa và Nguyễn Phúc Khoát không còn lý do nào nữa để do dự, nhất là biết chắc chắn quân Trịnh không ở tư thế ngăn cản, chống đối. Trong câu sấm, sau hai chữ bát thế hay bát đại hiểu là vị chúa thứ tám, còn có ba chữ hoàn trung đô hay hoàn trung nguyênHoàn có nghĩa là trở về hay trả lại, và trung đô hay trung nguyên là kinh đô nào ? Nếu là Đông Đô ngoài Bắc thì quân Nguyễn đâu có đủ sức đánh chiếm, mặc dầu quân Trịnh đang yếu thế, mà bỏ miền Nam ra phò Lê thì hết còn cơ nghiệp các Chúa Nguyễn. Kinh đô cũng có thể hiểu là Đô thành Phú Xuân (Thừa Thiên) – tên mới của Chính Dinh -, nơi hiện Nguyễn Phúc Khoát đang đóng đô sau khi dời dinh từ Bác Vọng (Quảng Điền) vào đây. Cha Johannis Koffler, ngự y trong thời Võ Vương, trong cuốn sách miêu tả lịch sử xứ Cochinchine, có kể một chuyện nên đọc với tất cả dè dặt cần thiết. Một vị đạo sĩ được mời vào chầu và khẳng định : không hơn không ít, chỉ có tám chúa ; khi núi vỡ thành thung lũng, của biển bị lấp vùi, con người mới hiện ra, đất nước sẽ đổi chủ và người lạ lại cai trị. Sợ mất cả nước lẫn ngôi, vào lúc tinh hình khó xử, cũng là một giải pháp đúng lý khi ông quyết định xưng vương ngày 12 tháng 4 năm Giáp tý 1744, lấy hiệu Võ Vương. Lễ đăng quang được tổ chức vô cùng trọng thể ở vương phủ và khắp đô thành. Súng thần công bắn rền trời, trên bộ dưới sông giăng đèn kết hoa, cờ xí rực rỡ. Đạo ngự gồm kiệu vua, voi dàn hầu, kỵ binh và đoàn quan lại tùy tùng diễn hành khắp đô thành rồi xuống thuyền rồng đưa thẳng về điện Trường Lạc ở làng Dương Xuân, thượng lưu sông Hương. Lễ đại xá ban hành khắp nước, các cuộc vui chơi kéo dài một tháng.

Bắt đầu từ đây con người cần phải đổi mới, mọi sự cần phải cải cách. Cha Johannis Koffler, trong tập Mô tả lịch sử xứ Cochinchine đã xác định phủ của chúa nằm trong một vườn vuông, xung quanh có tường ba lớp bao bọc. Trong số bảy cửa lớn ra vào, cửa chính đẹp nhất mở ra trước sông, trên có chòi gác. Cạnh cửa, bên trái, thấy có ba khẩu súng đại bác không khi nào dùng hay chỉ nổ khi có một thái tử sinh ra. Quanh điện, 150 khẩu đại bác bằng săt và bằng đồng nhỏ hơn sắp đặt từng đôi giữa hai cột. Sau nầy vua Gia Long dùng những khẩu đại bác sẵn có và những khẩu cướp được từ quân Tây Sơn để đúc những 9 khẩu Thần công còn thấy hiện nay. Theo Đại NamThực lục Tiền biên, ngay ở Phú Xuân, phủ mới được xây lên, nguy nga, tráng lệ với các điện Kim Hoa, Quang Hoa, các gác Dao Trì, Triêu Dương, Quang Thiên, các nhà Tựu Lạc, Chính Quan, Trung Hòa, Di Nhiên, các đình Thụy Vân, Giáng Hương, đài Sướng Xuân, hiên Đồng Hạc, am Nội Viên. Ở thượng lưu sông Hương có phủ Cam, phủ Dương Xuân. Ở trên nữa có phủ Tập Tượng, điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ, mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ mà giải võ, tường bao quanh, cửa bốn bề, chạm khắc vẽ vời, khéo léo cùng cực. Các nhà đều lát nền bằng đá, trên lát ván kiền kiền, những máng xối đều làm bằng kẽm để hứng nước, trong xen cây cối, cây vải, cây mít đều to mấy ôm. Vườn sau thì đá quý, ao vuông hồ quanh, cầu vòng thủy tạ, tường trong tường ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi và mảnh sứ đắp thành hình rồng, phượng, lân, hổ, cỏ, hoa. Ở thượng lưu và hạ lưu, Chính dinh đều là nhà quan bày hàng như hàng cờ. Những nhà của thủy quân lại ở đối ngạn. Xưởng thuyền và kho thóc thì ở các xã Hà Khê, Thọ Khang trên thượng lưu. Còn nhà vườn của các công hầu quyền quý thì chia bày ở hai bên bờ phía thượng lưu sông Phú Xuân, cũng hai bên bờ sông con bên hữu phủ Cam. Ở thượng lưu, hạ lưu trước Chính dinh thì phố chợ liền nhau, đường cái đi ở giữa, nhà cửa chia khoảng tiếp nhau, đều là mái ngói. Cây to bóng mát, tả hữu thành hàng. Thuyền buôn bán, đò ngang dọc, đi lại như mắc cửi. Thật là một nơi đô hội lớn, văn vật thanh dung lừng lẫy, đời trước chưa từng có. Một thời gian bình yên nên công tư đều dồi dào về vật chất. Nhà bác học Lê Quí Đôn, làm quan thời Lê mạt, trong lời ca ngợi có thoáng ra chút giọng mỉa mai : Quan viên không ai là không có nhà cửa trạm gọt, tường vách gạch đá, the màn trướng đoạn, đồ đạc đồng thau, bàn ghế gỗ đàn gỗ trắc, chén mâm đồ sứ đồ hoa, yên cương vàng bạc, y phục gấm vóc, chiếu đệm mây hoa, phú quý phong lưu đua nhau khoe đẹp… Binh sĩ đều ngồi chiếu mây, dựa quả tựa hoa, ôm lò hương cổ, hãm chè hảo hạng, uống chén sứ bịt bạc và nhổ ống nhổ thau, đĩa bát ăn uống thì không cái gì là không phải hàng Bắc, một bửa cơm ba bát lớn. Đàn bà con gái thì mặc áo the là và hàng hoa, thêu hoa ở cổ tròn. Coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, xa xỉ rất mực… Cuộc sống xa hoa càng ngày càng xâm chiếm đầu óc ông chúa Võ Vương, một trong những nguyên cớ dẫn đến khánh kiệt, suy vi.

Một trong những việc được Võ Vương thi hành đầu tiên là cải cách hành chánh. Ông cho đúc Quốc vương chi ấn. Tam ty đổi thành lục bộ : Ký lục ra Lại bộ, Đô Trí ra Hình bộ, Nha Úy hay Vệ Úy ra Lễ bộ, thêm vào Cai bộ phó đoán sự ra Hộ bộ, cộng thêm hai bộ mới được thiết lập : Binh bộ và Công bộ. Những người cầm đầu các ty cũ : Xá sai ty, Lệnh sựty, Cai bộ, nay được gọi Thượng thư, những Văn chức gọi Hàn lâm, Thân quân gọi Ngự lâm, nhà thờ cổ tiên gọitừđường, nhà chúa ở phủ gọi điện, cách xưng thân với vua đổi thành tâu. Con trưởng của chúa được gọi đại công tử, những con khác thì công tử theo sau thứ bậc. Con cái gặp nạn hữu sinh vô dưỡng nên trai đổi thành gái, lệ gọi các hoàng tử, con trai tôn thất là mụ hay mệ kể từ đó. Tuy nhiên, Võ Vương vẫn còn dùng những chữ thị phólệnh truyền, thay vì chữ sắc tứ là chữ vua dùng, cũng không sách lập phi và thế tử như các bậc đế vương. Phàm văn thư vẫn dùng niên hiệu vua Lê nhưng đối với các thuộc quốc thì xưng là Thiên vương. Để đánh dấu phẩm giá vương triều, Võ Vương phong chức cho mới cho vài thần dân : Nguyễn Đăng Thịnh trông coi hai Lễ bộ và Lại bộ, còn Hộ bộ và Binh bộ thì giao trước cho Lê Quang Đại sau được Trần Đình Hy thay thế. Để tăng cường hiệu lực chính quyền, ông khuyên bảo Tuần vũ Nguyễn Cư Trinh : thuộc lại gian tham ngươi phải xét trị, hào hữu lấn cướp ngươi phải ức chế ; hộ khẩu không đông, ngươi phải làm cho phồn thịnh ; nhân dân không kính thuận, người phải bắt vào khuôn phép ; mọi tình trạng của quân, nỗi khổ của dân, cho ngươi tùy nghi kàm việc, chỉ cầu xong việc, chớ ngại nhọc nhằn. Võ Vương đã tỏ ra là một vị chúa sành sõi về phép tắc cai trị.

Võ Vương thiết lập tại miền Nam 12 dinh :

Chính dinh tại đô thành Phú Xuân, 
Cựu dinh tại gần sông Ái Tử (Quảng Trị), 
Quảng Bình dinh tại làng Yên Trạch thuộc huyện Lệ Thủy sau nầy, 
Lưu Đồn dinh làng Võ Xá thuộc tỉnh Quảng Ninh sau nầy, 
Bố Chánh dinh tại Thổ Ngõa thuộc phủ Quảng Trạch sau nầy, 
Quảng Nam dinh tại tỉnh Quảng Nam, 
Phú Yên dinh tại tỉnh Phú Yên, 
Bình Khang dinh tại Bình Khang, 
Yên Khánh thuộc tỉnh Ninh Thuận sau nầy, 
Bình Thuận dinh tại tỉnh Bình Thuận, 
Trấn Biên dinh tại Phước Long, 
Phiên trấn dinh tại Tân Binh, 
Long Hồ Dinh tại Định Viễn.

Chúa không quên phong vương cho các vị tiền bối :

Tĩnh Vương (Nguyễn Kim), 
Gia Dũ Đại Vương (Nguyễn Hoàng), 
Hiếu Văn Vương (Phúc Nguyên), 
Hiếu Chiêu Vương (Phúc Lan), 
Hiêu Triết Vương (Phúc Tần), 
Hiếu Nghĩa Vương (Phúc Trân), 
Hiếu Minh Vương (Phúc Châu), 
Hiếu Ninh Vương (Phúc Thụ)

.Nay biên phương yên dẹp, trong ngoài hợp đồng với nhau, Võ Vương muốn chính trị và phong tục cũng phải thống nhất. Đến nay, theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí : Duy có người Việt ta noi theo tục cũ Giao chỉ: người quan chức thì đội khăn cao sơn, mặc áo phi phong, mang giày bì đà, hạng sĩ thứ thì bới tóc, đi chân trần, con trai con gái đều mặc áo vắn tay bâu thẳng, may kín hai nách, không có quần, con trai dùng một miếng vải buộc từ sau lưng thẳng đến dưới háng quanh lên đến rún, gọi là cái khố, con gái có người không mặc váy, đội nón lớn, hút điếu binh, ở nhà thấp, trải chiếu ngồi dưới đất, không có bàn ghế. Lê Quí Đôn ghi trong Phủ Biên tạp Lục ghi những cải cách: Theo những kiểu mão áo trong quyển Tam tài đổ hội, ông truyền lệnh Võ ban từ chức chưởng dinh đến chức cai đội, Văn ban từ chức quản bộ đến chức chiêm hậu, chức huấn đạo đều phải y theo màu sắc và hình dáng được vẽ trong cuốn sách mà chế áo mão.

Trong dân gian, người nào còn bận thường phục mà vẫn theo kiểu áo quần người Tàu thì phải thay đổi theo thể chế quốc tục. Còn cách cải chế thì phải y theo thể chế nước nhà mà làm. Từ nay y phục phải đổi theo quốc tục thì áo quần nên may bằng vải lụa thông thường, chỉ những quan chức mới được dùng pha những hàng sa la trừu đoạn mà thôi. Còn những hàng gấm vóc cùng những hàng màu có thêu rồng vẽ phượng thì nhất luật không được quen thói tiếm dụng mặc thường như trước nữa. Đàn ông và đàn bà chỉ được mặc thứ áo ngắn tay và cổ đứng, còn cửa ống tay áo rộng hay hẹp thì được tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống cần phải khâu liền vào cho kín, không được để hở hang. Duy đàn ông muốn măc thứ áo cổ tròn và cửa ống tay hẹp để làm việc cho thuận tiện thì cũng được phép. Còn áo làm lễ thì phải dùng thứ áo cổ đứng và dài ống tay, hoặc dùng thứ vải màu xanh hay màu đen hoặc màu trắng thì tùy tiện… Cách thức ăn mặc mới làm phiền lòng không ít người. Nhân dân Thuận hóa đã thừa hưởng một cuộc sống thanh bình từ lâu đời, công chức tư nhân thường dùng những hàng hoa màu lòe loẹt để may áo quần, ăn mặc xa xỉ lâu ngày thành thói quen. Trong hàng quan viên thì quần áo may bằng hàng gấm vóc. Những người sắc mục ở trong dân gian cũng bắt chước mặc các các thứ hàng sa đoạn, cùng áo sa lương, áo địa làm áo mặc thường, mặc áo quần vải trắng thì lấy làm xấu hổ, thẹn thùng.

Cụ thể, chiếc áo phụ nữ Việt ra đời mà ngày nay tà áo dài được biết quốc tế biết đến, được khách du lịch chạy theo. Phiền phức là cho các cô gái quê quen mặc váy, từ nay phải đổi qua mặc quần, một chủ trương sau nầy được vua Minh Mệnh tiếp tục, nên dân gian có bài ca hài ước căm uất việc tập quán bị xúc phạm :

Tháng tám có chiếu vua ra 
Cấm quần không đáy đàn bà phải tuân. 
Đi chợ mượn đở cái quần, 
Chồng đành mặc váy che thân ngồi nhà. 
Bổng nghe mõ gọi đàng xa, 
Vội vàng đóng khố chạy ra ngoài đình.

Trong việc buôn bán, tiếp tục những tiền đồng thời Nguyễn Phúc Châu, vì đồng ngày càng hiếm, theo lời đề nghị của một người Tàu, Võ Vương quyết định năm 1746 cho mua ở Hòa Lan một hỗn hợp đồng-kền-kẽm gọi là bạch diên (toutenague) để đúc tiền Thái bình thông báo dày và cứng, dễ đốt chảy nhưng khó gãy. Từ 1746 đến 1748, lò đúc tiền mới thiết lập ở Lưỡng Quán đúc được 72.396 quan nhưng ngay sau đó lệnh bắt buộc phải dùng tiền mới gặp ít nhiều khó khăn vì nhân dân quen dùng tiền đồng. Tiền bạch diên là một sáng kiến đem lại nhiều tiện lợi lúc ban đầu nhưng cũng có hậu quả tai hại khi được tung ra thị trường nhiều bạc giả, loại Thiên minh thông báo, đúc trong gần một trăm cái lò tư và công nhân : giá cả leo thang, đồng thời đồng tiền phá giá. Một nhà buôn người Pháp, Pierre Poivre, thành công ép Võ Vương cho phép lưu thông tiền ngoại quốc có mang dấu Thông dụng trị giá 1 quan 2 hay 3 tiền nhưng lại ít được thông dụng trong quần chúng. Tuy là nhà buôn, Pierre Poivre sinh trưởng tại Lyon năm 1719, là một nhà triết học, thông thạo kinh tế và vạn vật học, đến Hội An tháng 7 năm 1749 và ở lại đến tháng 2 năm 1950. Trong thời gian ở trên đât Việt, ông không ngớt đi lại giữa Hội An và Huế : ở Hội An, ông lo việc buôn bán, mở hảng buôn ngay trước cả đề nghị của vị chúa, đào tạo những người giúp việc; ở Huế ông có dịp hội kiến nhiều lần với Võ Vương, theo ông lúc nào cũng niềm nỡ, thành công được cấp giấy phép cho buôn bán trên toàn lãnh thổ khỏi phải trả thuế, chỉ phải đóng 4000 quan mỗi khi có một chiếc tàu cập bến, một đặc quyền mà sau nầy chỉ có người Hòa Lan xin được. Vấn đề tài chánh nói chung, tuy rất quan trọng, chỉ được bắt đầu kiểm soát chặt chẽ dưới thời Võ Vương. Năm 1741 ông phái những thanh tra về các huyện kiểm soát thuế má từ 1738 đến 1740, trong mọi gia đình kể cả những chính hộ và khách hộ và buộc phải trả những tiền thuế còn thiếu. Năm 1753, viên hoạn quan Mai Văn Hoan được bổ nhiệm kiểm tra việc thu hồi thuế má và chi tiêu từ 1746 đến 1752 và bắt đầu từ 1753, cuộc kiểm soát phải thực hiện hằng năm : sổ ghi chép kết quả phải được trình bày mỗi năm vào ngày mồng 3 tháng giêng. Trong bảy năm kiểm tra, thuế thu nhập 576 hôt 8 lạng 4 đồng 7 ly vàng, 997 hôt 8 lạng bạc giáp ngân (hảo hạng), 1.427 hôt 6 lạng 5 đồng dung ngân (đủ cở), 21.150 đồng kê ngân (ngoại quốc), chứng minh là riêng số vàng bạc thu nhập thời Chúa Nguyễn đã rất là quan trọng ngoài tiến mặt, ngũ cốc,…

Số lớn thu nhập nầy một phần được dùng để trả lương cho quân đội, mua sắm khí giới, xây dựng công sự bảo vệ, một phần để trang trải chi tiêu của triều đình, các cơ quan hành chánh, các trường học. Pierre Poivre ghi trong ức ký là Võ Vương có khả năng huy động một đội ngũ 6 vạn quân. Bên cạnh những trường tư thục học quan, nhưng trường công lập nho học gồm có nhiều cấp mà hiệu trưởng là những vị huấn đạo xuất thân ất hạng các cuộc thi cử. Một số lớn con cái quân binh được phép vào học các trường nầy. Có những sĩ tử không màng danh lợi, không muốn ra làm quan, hay thất vọng không được đánh giá đúng mức, về làng mở những học quan. Võ Vương rất mến phục nhà nho Nguyễn Đăng Đàn và mời ra nhận một chức quan, ông từ chối, vào rừng Thanh Sơn mở lớp dạy, đào tạo được một lớp sỉ phu đáng kể. Mặc dầu Phật giáo đang còn được trọng dụng, Khổng giáo thấy như chiếm một địa vị ưu tiên. Năm 1755, khi triều đình Xiêm La trách móc các cơ quan nhà Nguyễn đánh thuế quá cao những thuyền bè qua lại, Võ Vương ra lệnh cho Nguyễn Quang Tiến trả lời là đã từng học hỏi Khổng Tử, Mạnh Tử, làm sao chúng tôi không biết cách xử sự coi trọng đức hạnh hơn lợi nhuận để có sự hòa hảo với các nước láng diềng ! Vị quan nầy về sau bị giáng chức vì can gián Võ Vương đừng dùng tước An Nam Quốc Vương trong thư từ với Trung Quốc khi nhà Lê dù sao đang còn trị vì. Theo Pierre Poivre, vua quan triều thần hiểu biết đạo Khổng không phải để cúng bái mà để áp dụng tinh thần và đạo đức vào quản lý của nhà nước, vào chiều hướng chính trị, vào thái độ của vị chúa. Đạt đến một mức văn hóa khá cao như vậy mà về sau, đồng thời với cuộc sống xa xỉ, Võ Vương chỉ chú còn trọng về các chiến công, quên bỏ kinh sử, không tổ chức thi cử, tuyển chọn người tài để xây dựng đất nước. Khổng giáo mất dần chỗ đứng trên lãnh thổ của Võ Vương, nhường chỗ cho Phật giáo một thời huy hoàng dưới triều Nguyễn Phúc Châu.

Vế sách lược ngoại giao, Võ Vương áp dụng khôn khéo, mềm dẻo, ít nhất cũng lúc ban đầu mới lên ngôi vương. Đối với Đàng Ngoài, ông luôn chu đáo đáp lễ, không theo phe nào trong cuộc tranh chấp giữa vua Lê và chúa Trịnh, không dấy binh khi Lê Duy Mật kêu cứu diệt Trịnh phò Lê năm 1760. Ông cống nạp điều đặn Thanh triều để được yên ổn. Năm 1747, một người Tàu tên Lý Văn Quang mưu giết cai bạ Nguyễn Cư Cẩn và xưng vương ở Đông Phố (Gia Định), bị bắt cùng thủ hạ. Võ Vương tha giết và chỉ giao trả về Trung Quốc năm 1756 cùng với viên sĩ quan Lý Huệ Địch tỉnh Triết Giang bi đắm tàu trôi giạt vào bờ, gây tình giao hảo giữa hai nước. Theo đà các vị chúa trước, Võ Vương không quên nhiệm vụ mở rộng bờ cõi. Vào thời ông, ở nước Chân Lạp có hai phe : Nặc Nguyên, Nặc Thâm thiên Xiêm, Nặc Tha, Nặc Nộn, Nặc Yêm thân Việt. Năm 1748, Nặc Nguyên dẫn quân Xiêm La về đánh Nặc Tha để chiếm quyền. Võ Vương lần lượt sai Nguyễn Cư Trinh và Trương Phước Du đánh đuổi, Mặc Nguyên chạy trốn về Hà Tiên nương tựa Mặc Thiên Tứ. Nhờ vị nầy làm trung gian, Mặc Nguyên xin dâng hai phủ Tầm Bôn (Tân An), Xuy Lạp (Gò Công) và chịu nạp lễ cống ba năm để chuộc tội. Năm 1757, người chú họ Nặc Nhuận lên thế Nặc Nguyên vừa mất, lại phải dâng hiến hai phủ Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre) và Ba Thắc (Sóc Trăng, Bạc Liêu) để được công nhận làm vua. Nặc Nhuận bị người rể ám sát, con là Nặc Tôn lại chạy sang trốn ở Hà Tiên. Đến lượt ông nầy dâng hiến vùng đất Tầm Phong Long (từ Thất Sơn đến Sa Đéc) để được bảo vệ. Võ Vương cho dời dinh Long Hồ đến Tầm Bảo (tỉnh lỵ Vĩnh Long) rồi cho thiết lập những đạo Sa Đéc, Tân Châu ở Tiền Giang. Bên phần Mạc Thiên Tứ cũng cống hiến vùng Gia Khê (Rạch Giá) làm thành đạo Kiên Giang, vùng Cà Mau làm thành đạo Long Xuyên, tất cả thuộc Hà Tiên. Như vậy, từ 1757, tất cả địa phận vừa được thôn tính nầy thuộc vào giang sơn các Chúa Nguyễn và, với Gia Định đã được Chúa Ninh Nguyễn Phúc Thụ chiếm được từ trước, lập thành miền Nam nước Việt. Đất Chân Lạp luôn được Xiêm La dòm ngó nhưng Võ Vương khéo thu xếp để không bị thiệt thòi.

Về mặt tín ngưỡng, Võ Vương phải đương đầu với những tín đồ Công giáo. Khi ông lên làm chúa, những giáo sĩ đã có mặt ở Đàng Trong hơn một thế kỷ. Tuy Cha Alexandre de Rhodes đã có viết công việc truyền giáo của họ không gặp chút gì cản trở, nhưng không sao tránh được những vụ bị truy hại (ông phải chạy trốn ra khỏi nước năm 1645). Mặc dầu có Cha Antoine de Arnédo làm giáo sư toán học, Quốc Chúa Nguyễn Phúc Châu hâm mộ đạo Phật và năm 1699 khởi động phong trào chống Thiên chúa giáo. Năm 1704, thấy có bất tiện của việc cấm đạo Thiên chúa trong giao hảo buôn bán với Tây phương, ông lại cho phép truyền đạo như trước. Nhưng những cuộc xung đột thương mãi, đời sống đáng trách của vài giáo sĩ (cha Johannis Koffler sống trong một ngôi nhà trang hoàng lịch sự, ăn uống sang trọng, có đến 30-40 người đầy tớ,…năm 1753 bị giam tù và hai năm sau bị trục xuất) tất nhiên làm dân chúng bất bình. Võ Vương thừa hưởng tình thế nầy khi lên ngôi chúa. Khiếp sợ trước sự bành trướng của Công giáo, ngay cả trong gia đình của chúa, năm 1740, nhiều viên quan trình đơn xin chúa xét lại cuộc bang giao. Võ Vương triệu tập một cuộc họp các Tứ trụ Triều đình trong ấy có hai người cậu của ông là Nội tả Trương Phúc Thông và Ngoai tả Trương Phúc Loan. Để trả lời những lý do thiên tai có hại, Trương Phúc Thông nhân danh thượng thư đầu triều đưng lên bệnh vực các giáo dân : nếu các tu sĩ Phật giáo lo sợ bảo cửa biển bị lấp, đấy là vì thủy triều lên xuống, bảo núi đồi sập đổ đấy là vì ngoài trời có gió, trong đất có nước ngầm,… toàn là những hiện tượng thiên nhiên, chẳng cần phải bận tâm. Tuy vậy, Võ Vương không mấy tin và năm 1750 ra chiếu chỉ cấm truyền đạo và trục xuất các giáo sĩ Công giáo, trừ cha Johannis Koffler đang còn là ngự y. Sau nầy, Trương Phúc Loan, xích mích với Pierre Poivre trong một cuộc buôn bán bạch diên, không theo anh cả, chống lại Công giáo.

Khi các cận thần bảo nguy biến Công giáo có ngay trong gia đình vị chúa là họ nghĩ đến ái phi của chúa Võ Vương. Công chúa Chiêu Nghi Liệt Phu Nhân (1716-1750) húy Trần Thị Xạ, là người làng Trung Quán, huyện Khang Lộc, tỉnh Quảng Bình, một vùng có họ đạo từ lâu. Con quan Khám lý Năng tài hầu, có tên thánh Xavier, và Bà Tham, hai người đã cúng nhiều tiến của để xây nhà thờ, công chúa vào hầu nơi tiềm đế lúc 20 tuổi. Bà là người hiền thục, thận trọng lời ăn tiếng nói, hành động có phép tắc. Nhờ dung hạnh, biết chiều chuộng nên bà được sủng ái. Trong cung cấm, bà thường được gọi là mệ hòm có trách nhiệm giữ gìn của cải, đồ vật quí giá. Những lúc rảnh rang bà thường đến vườn Chi Viên dâng hương lễ Phật. Pháp danh Hải Pháp của bà nêu lên câu hỏi bà có phải là người theo Thiên chúa giáo không ? Trong lúc bà mắc bệnh, khi vào cung, Cha Johannis Koffler tự hỏi được mời với tư cách bác sĩ hay tu sĩ. Ông không có khi nào khẳng định đức tin của ái phi tuy vị chúa hứa với ông xây lại các nhà thờ đã phá trước đây nếu công chúa lành bệnh. Sau nầy, Võ Vương gởi gắm đứa con trưởng của bà, Nguyễn Phúc Kính, cho một ông cai bộ người công giáo và cho dời nhà thờ của Cha Johannis Koffler lên trên mộ của công chúa, một cái lăng triều Nguyễn cổ lớn nhất đất Thuận hóa và may mắn không bị quân Tây Sơn khai quật. Bà mất lúc mới 35 tuổi xuân xanh, chúa rất thương xót, phong cho Từ Mẫn Chiêu Nghi. Trái với bia các bà thấy trong Liệt truyện, thường chỉ có tên họ chức tước con cái, bia của công chúa Chiêu Nghi trình bày dài dòng và rất văn chương đời sống của bà, nhấn mạnh nhiều lên những nét duyên dáng, những đức hạnh của bà và nhất là tình yêu của vị chúa dành cho ái phi.

Trong số các hậu, phi của Võ Vương còn có hai bà được lưu truyền tên tuổi. Bà thứ nhất là Hiếu Vũ Hoàng hậu húy Trương Thị Dung (1712-1736) mất lúc 24 tuổi, mẹ của Nguyễn Phúc Côn (1733-1765) và là bà nội vua Gia Long sau nầy. Bà thứ nhì là Nguyễn Phúc Ngọc Cầu (1734-1804) được truy tặng là Huệ (hay Tuệ) Tĩnh Thánh mẫu Nguyên sư, đạo hiệu Thiệu Long giáo chủ, vì năm 1774 bà lập ngôi chùa Phước Thành ở An Cựu (Huế) để tu. Con của Thái bảo Dận Quận công Nguyễn Phúc Điền (1700-1739), bà là cháu nội Quốc Chúa Nguyễn Phúc Châu, tức là em đồng đường với Võ Vương. Vậy mà Trương Phúc Long mưu mô cho bà gặp gỡ Võ Vương, gây lên một cuộc tình loạn luân mà hậu quả một đứa con thứ nhì của bà, Nguyễn Phúc Thuần (1754-1777), được nuôi dưỡng kín đáo trong hậu cung, nhưng không có quyền nối ngôi, sau nầy là vị chúa Định Vương cuối cùng thời đại các Chúa Nguyễn. Mê muội trong một mối tình tội lỗi, say mê tửu sắc, Võ Vương không thiết tha việc nước nữa, xa rời nhiệm vụ đế vương, mặc cho Trương Phúc Loan chuyên quyền củng cố địa vị, đồng thời vơ vét làm giàu. Lúc sinh thời, Võ Vương chọn Nguyễn Phúc Hiệu, hoàng tử thứ 9 của chúa, khôn ngoan sáng suốt và quả quyết, để nối ngôi, nhưng rủi hoàng tử nầy mất năm 1760. Ba năm sau đến lượt Nguyễn Phúc Chương, hoàng tử thứ nhất, cũng qua đời, Võ Vương liền nghĩ đến Nguyễn Phúc Côn, hoàng tử thứ nhì, chỉ định hai nhân thần YÙ Đức hầu Trương Văn Hạnh và Thị giảng Lê Cao Kỷ làm thầy giảng dạy. Nhưng khi Võ Vương băng hà năm 1765, hưởng thọ 51 tuổi, để lại 18 hoàng tử, 12 hoàng nữ, Trương Phúc Long, bây giờ là Quốc phó Ngoại tả Đạt Quận công, thông đồng với Thái giám Chữ Đức hầu và Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thông bắt giam bỏ ngục Nguyễn Phúc Côn (sau đó lâm bệnh được đưa về nhà riêng thì mất), giết hại hai thầy dạy rồi thay đổi di chiếu đưa Nguyễn Phước Thuần, hoàng tử thứ 16, con bà Nguyễn Phúc Ngọc Cầu, mới 12 tuổi lên nối ngôi lấy hiệu Định Vương. Trương Phúc Long từ đây mặc sức lộng hành, buôn quan bán tước, sưu cao thuế nặng, lòng người oán hận, cho con trai mình cưới các hoàng nữ con Võ Vương, đưa các em bà Nguyễn Phúc Ngọc Cầu chỉ biết cờ bạc tửu sắc lên làm quan to chức trọng trong guồng máy Phú Xuân…

Trước một quyền chính Định Vương suy sụp, năm 1771 quân Xiêm La đánh chiếm Hà Tiên, năm 1773 Tây Sơn khởi nghĩa ở Qui Nhơn, phất cờ Phù Nguyễn Diệt Trương, năm 1775 quân Trịnh vào chiếm đóng Phú Xuân, bắt Trương Phúc Loan giải về Thăng Long. Định Vương Nguyễn Phúc Thuần phong hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương, cháu nội của Võ Vương, Tân Chính Vương để ở lại Quảng Nam còn mình thì làm Thái Thượng Hoàng đem công tử Nguyễn Phúc Ánh, con thứ ba của Nguyễn Phúc Côn, vào lánh nạn trong Gia Định. Năm 1777, Tân Chính Vương và Định Vương bị Tây Sơn giết cùng một số cận thần, chấm dứt thời đại các Chúa Nguyễn 219 năm (1558-1777) trong Nam. Chỉ có một mình Nguyễn Phúc Ánh sống sót can đảm kiên chí mưu đồ xây dựng triều đại các Vua Nguyễn trên toàn lãnh thổ Việt Nam dài 193 năm (1802-1945).

Là Chúa Nguyễn thứ tám, thuộc đời thứ chín, của họ Nguyễn Phúc, Võ Vương đã khai sáng ra hệ IX gồm có 7 phòng : một hậu duệ của ông trong phòng 10 – thuộc dòng Cai cơ Nguyễn Phúc An (hay Yên), thái tử thứ mười – rất có tiếng sau nầy là giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912-1982). Là thân sinh của phó giáo sư Tôn Thất Bách, giáo sư Tôn Thất Tùng đã một lòng kiên trinh, xứng là con cháu của vị chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.

Huế Xưa và Nay 88 2008


Tham khảo

– Léopold Cadière,Le changement de costume sous Vo-Vuong, ou une crise religieuse à Hué au XVIII siècle, BAVH (1915-4) 417-424

– Paul Cadière, Quelques figures de la Cour de Vo-Vuong, BAVH (1918-10) 253-424

– Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục (1776), Lê Xuân Giáo dịch, Tủ sách cổ văn (1972)

– Yang Baoyun, Contribution à l’histoire de la principauté des Nguyên au Vietnam méridional (1600-1775), Etudes Orientales, Ed. Olizane, Genève (1992), dẫn

. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (1844) EFEO

Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, (1852) EFEO

. Pierre Poivre, Description de le Cochinchine, REO III

. Johannis Koffler, Description historique de le Cochinchine, publ. V. Barbier, RI ; Lettres édifiantes et curieuses, Paris (1780-1783)

– Ban soạn thảo, Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, Huế (1995)

– Nguyễn Đắc Xuân, Chín đời chúa mười ba đời vua Nguyễn, nxb Thuận Hóa, Huế (1996)

– Nguyễn Đắc Xuân, Chuyện các bà trong cung Nguyễn, nxb Thuận Hóa, Huế (1996-97)

– Tôn Thất Bình, Chín chúa mười ba vua triều Nguyễn, nxb Đà Nẵng (1997)

Nguồn bài đăng

Advertisements

Trả lời

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn