Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Hàng triệu năm trước, đại dương mênh mông là rào cản ghê gớm cho sự dịch chuyển của các loài linh trưởng. Thế nhưng rốt cuộc điều này cũng không ngăn nổi hành trình vươn tới những miền đất xa hơn.

Phải chăng chính sự trôi dạt của các thảm thực vật do bị bão, lũ cuốn lênh đênh trên biển rồi cập bờ vào vùng khác đã khiến linh trưởng có mặt trên khắp địa cầu?

Loài người tiến hoá ở châu Phi, cùng với tinh tinh, khỉ đột, và khỉ.

Thế nhưng nguồn gốc của các loài linh trưởng thì có vẻ như tiến hoá ở những vùng địa lý khác - nhiều khả năng là ở châu Á - trước khi tới chiếm cứ châu Phi.

Khoảng 50 triệu năm về trước, châu Phi còn là một hòn đảo khổng lồ bị cô lập giữa đại dương và hoàn toàn tách biệt. Vậy các loài linh trưởng đã đến đây bằng cách nào?

Nếu như có một dải đất liền nối nơi này với phần còn lại của thế giới thì điều đó sẽ giúp lý giải được vấn đề, thế nhưng theo các bằng chứng địa chất hiện nay thì điều đó không hề tồn tại.

Thay vào đó, có một câu trả lời khác thoạt nghe có vẻ khá vô lý, đó là tổ tiên của loài linh trưởng có thể đã dắt díu nhau trên những thảm thực vật lớn trôi nổi hàng trăm nghìn dặm trên biển khơi để đến được Phi châu.

Dù vậy, hành trình vượt đại dương từng được nhiều nhà khoa học cho là chuyện quá xa vời và mang nhiều tính suy đoán.

Vậy nên một số người vẫn ủng hộ thuyết cho rằng đã từng có dải đất liền nối giữa hai lục địa, và họ hoặc là bác bỏ các bằng chứng địa chất, hoặc lập luận rằng tổ tiên các loài linh trưởng đã di cư đến châu Phi từ rất rất lâu rồi, từ trước niên đại của các dấu vết hoá thạch mà ngày nay chúng ta đã xác định được, trước cả khi các mảng lục địa tách rời thành các châu lục.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Vượn cáo di cư đến đảo Madagascar vào khoảng 20 triệu năm về trước, muộn hơn nhiều so với thời điểm Phi châu tách rời khỏi đất liền

Thế nhưng dạo gần đây lại dấy lên một sự đồng thuận rằng sự di chuyển bằng cách vượt đại dương phổ biến hơn nhiều so với những gì chúng ta từng nghĩ.

Các loài thực vật, côn trùng, bò sát, gặm nhấm, và linh trưởng đều được phát hiện là đã tới cư trú trên các châu lục thông qua cách này - bao gồm cả cuộc vượt Đại Tây Dương nổi tiếng đã khiến khỉ từ châu Phi đến được Nam Mỹ hồi 35 triệu năm trước.

Những sự kiện này cực kỳ hiếm, nhưng trong khoảng thời gian rất dài kể từ khi có vết tích của sự sống trên Trái Đất, thì những sự kiện đặc biệt như vậy hiển nhiên sẽ tác động trực tiếp đến tiến hoá - bao gồm cả và sự hình thành tổ tiên loài người chúng ta.

Nguồn gốc các loài linh trưởng

Loài người xuất hiện đầu tiên ở miền nam châu Phi từ khoảng 200 đến 350 nghìn năm về trước.

Chúng ta biết rằng chúng ta có nguồn gốc ở châu Phi bởi vì tính đa dạng di truyền của loài người được phát hiện cao nhất là ở châu Phi. Thêm nữa, nơi đây còn có rất nhiều hoá thạch của người nguyên thuỷ.

Những họ hàng thân gần gũi với chúng ta, tinh tinh và khỉ đột, cũng có nguồn gốc từ châu Phi, cùng với khỉ đầu chó và khỉ.

Nhưng những họ hàng gần gũi nhất còn tồn tại đến bây giờ của linh trưởng - vượn cáo/chồn bay, chuột chù cây, và thú gặm nhấm - tất cả đều sinh sống ở châu Á, hoặc như trong trường hợp của thú gặm nhấm, là tiến hoá ở châu Á.

Các hoá thạch cung cấp bằng chứng đôi lúc mâu thuẫn, thế nhưng đều nhất quán cho thấy các loài linh trưởng sinh sống ở bên ngoài châu Phi.

Họ linh trưởng lâu đời nhất - loài Purgatorius - sống vào khoảng 65 triệu năm về trước, chỉ ngay sau khi khủng long tuyệt chủng. Dấu tích hóa thạch của loài này được phát hiện ở tiểu bang Montana của Mỹ.

Các loài linh trưởng cổ đại nhất cũng được phát hiện ở ngoài châu Phi.

Loài Teilhardina (kích thước chỉ cỡ bằng con chuột), có họ hàng với khỉ và vượn người, sống cách đây 55 triệu năm trên khắp châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu. Mãi sau, linh trưởng mới xuất hiện ở châu Phi.

Những hoá thạch của các loài giống như vượn cáo đã xuất hiện ở đó khoảng 50 triệu năm trước, và hoá thạch các loài giống khỉ thì có niên đại khoảng 40 triệu năm trước.

Thế nhưng châu Phi tách khỏi Nam Mỹ và trở thành lục địa độc lập khoảng 100 triệu năm trước, và chỉ mới trôi gần sát với châu Á trong khoảng 20 triệu năm nay.

Vậy nên nếu linh trưởng hiện diện ở châu Phi trong suốt 80 triệu năm khi mà lục địa này đã là một hòn đảo cô lập, thì hẳn nhiên là chúng phải vượt đại dương mà đến.

Những hành trình vượt đại dương

Giả thuyết về sự di chuyển qua vượt đại dương nằm ở tâm điểm của thuyết tiến hoá.

Trong quá trình nghiên cứu quần đảo Galapagos, Charles Darwin chỉ thấy một vài loài rùa cạn, cự đà, rắn, và một loài thú hữu nhũ nhỏ là chuột đồng mà thôi.

Xa hơn nữa ở ngoài đại dương, trên những quần đảo như Tahiti, chỉ có những chú thằn lằn nhỏ.

Darwin diễn giải rằng rất khó giải thích những mô hình phân bố loài như thế này nếu như dựa vào Thuyết Sáng tạo - là thuyết cho rằng các loài tương tự như nhau thì hiện diện ở khắp nơi - nhưng những mô hình đó sẽ có thể được giải thích một cách hợp lý nếu các loài vượt đại dương để tới các đảo, và các đảo càng ở nơi xa thì càng có ít loài có thể đến được.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Thuyết vượt đại dương giải thích lý do tại sao ở một số đảo nhất định - như quần đảo Galapagos - có các loài sinh sống như cự đà biển, còn những đảo khác thì không có

Darwin đã đúng.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng rùa cạn có thể tồn tại hàng tuần trôi nổi trên biển mà không cần nước hay thức ăn - nhiều khả năng là chúng đã lênh đênh trên biển trước khi đến được các đảo thuộc quần đảo Galapagos.

Vào năm 1995, có những con cự đà bị lốc xoáy cuốn trôi dạt đi xa tới 300 km mà vẫn sống sót nhờ cưỡi bám trên các mảnh vỡ trôi nổi. Loài cự đà trên quần đảo Galapagos nhiều khả năng đã di cư theo cách này.

Cơ hội vượt biển thành công là khá thấp. Cần có đủ các yếu tố thiên thời địa lợi - một mảng bè lớn hình thành bằng thảm thực vật hoặc khối đất khổng lồ bị cuốn trôi ra biển, di chuyển theo các dòng hải lưu và hướng gió thuận lợi, một quần thể sinh vật có khả năng sinh tồn mãnh liệt, cùng một cuộc cập bờ xuống vùng đất mới kịp thời - thì cuộc di cư mới có thể thành công.

Có rất nhiều loài động vật sau khi bị cuốn khỏi bờ thì đơn giản là chết đói hoặc chết khát trước khi dạt được vào một hòn đảo nào đó. Hầu hết không bao giờ có thể lên bờ nổi - chúng biến mất trên biển khơi mênh mông và trở thành mồi ngon cho cá mập. Đó là lý do vì sao các đảo trên đại dương, đặc biệt là những đảo ở xa, chỉ có rất ít các loài sinh sống.

Thuyết vượt biển bằng những mảng bè tự nhiên từng được coi là một điểm mới trong thuyết tiến hóa: điều kỳ lạ xảy ra ở những hòn đảo xa xôi hẻo lánh như Galapagos, nhưng lại không liên quan đến quá trình tiến hoá trên các lục địa.

Nhưng kể từ ý tưởng về hình thức vượt đại dương bằng các bè mảng thực vật hoặc vật thể trôi dạt - những thân cây bị bão cuốn ra biển - thì thuyết này thực sự có thể lý giải về những nhiều kiểu phân bố động vật trên khắp thế giới.

Những tảng đất khổng lồ trôi dạt trên đại dương

Có một số vụ linh trưởng vượt đại dương nay đã được tìm hiểu, xác định tính chính xác.

Ngày nay, đảo Madagascar có một quần thể vượn cáo rất đa dạng.

Vượn cáo tới châu Phi vào khoảng 20 triệu năm trước.

Vì Madagascar là một hòn đảo bị tách biệt khỏi đất liền từ thời khủng long, nên hiển nhiên là vượn cáo đã trôi dạt qua eo biển Mozambique rộng 400km.

Đáng chú ý là, các hoá thạch cho thấy rằng loài vượn cáo aye-aye (còn gọi là khỉ chỉ hầu) đã vượt biển tới Madagascar một cách riêng rẽ khỏi các loài vượn cáo khác.

Một điều còn khó tin hơn nữa chính là sự xuất hiện của các loài khỉ ở Nam Mỹ: khỉ rú, khỉ nhện và khỉ đuôi sóc.

Chúng đến đây vào khoảng 35 triệu năm trước, và một lần nữa, lại là đến từ châu Phi.

Chúng đã phải vượt Đại Tây Dương - khi đó có lẽ nhỏ hơn so với bây giờ, nhưng vẫn là một hành trình dài đến 1.500 km.

Từ Nam Mỹ, khỉ tiếp tục trôi dạt lên Bắc Mỹ, và sau hai lần lênh đênh, chúng tới được vùng Caribbe.

Thế nhưng trước khi điều này có thể xảy ra được thì các vụ trôi dạt trên những tảng đất khổng lồ cần phải đưa được các loài linh trưởng tới châu Phi đã: một vụ đưa tổ tiên của các loài vượn cáo, và một vụ khác đưa tổ tiên của khỉ, vượn, và loài người chúng ta.

Nghe có vẻ vô lý - và vẫn chưa hoàn toàn làm rõ được là các loài động vật này đến từ đâu - thế nhưng vẫn chưa có thuyết nào phù hợp với các bằng chứng khảo cổ ta đã thu được cho đến nay hơn là thuyết hành trình vượt đại dương.

Thuyết vượt đại dương trên các bè mảng tự nhiên là các tảng đất khổng lồ lý giải hợp lý cách thức thú gặm nhấm xuất hiện ở châu Phi, sau đó là Nam Mỹ.

Thuyết này nhiều khả năng cũng giải thích được bằng cách nào mà nhánh động vật Phi châu (Afrotheria) ngày nay, gồm có các loài như voi và lợn đất, tới được châu Phi.

Các loài thú có túi, tiến hoá ở Bắc Mỹ, nhiều khả năng đã vượt đại dương tới Nam Mỹ, sau đó tới châu Nam Cực, và cuối cùng là châu Đại Dương.

Những cuộc vượt biển khác bao gồm các hành trình đưa loài chuột nhắt đến châu Úc, và tenrec (loài thú nửa nhím nửa chuột chù), cầy mangut, hà mã tới đảo Madagascar.

Việc phát tán đi nơi khác bằng hành trình vượt đại dương không phải là một chương phụ trong quá trình tiến hoá mà nó nằm ngay trung tâm của thuyết tiến hoá. Nó giúp lý giải được quá trình tiến hoá của khỉ, voi, chuột túi, thú gặm nhấm, vượn cáo - và cả con người chúng ta.

Thuyết này cho ta thấy rằng tiến hoá không chỉ luôn luôn được thúc đẩy bởi những quá trình bình thường hàng ngày, mà còn thông qua các sự kiện kỳ lạ khó tin.

Đại tiến hoá

Một trong những nghiên cứu, đúc kết vĩ đại của Darwin chính là ý tưởng các sự kiện thường nhật - các đột biến nhỏ, săn mồi, cạnh tranh - có thể làm thay đổi từ từ các loài theo thời gian.

Thế nhưng trong khoảng hàng triệu hay hàng tỷ năm, thì các sự kiện cực kỳ hiếm gặp, với xác suất thấp nhưng tác động lại cực kỳ to lớn hoàn toàn có thể xảy ra.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Những con rùa cạn khổng lồ có thể sống sót vài tuần mà không cần nước hay thức ăn, có nghĩa là chúng hoàn toàn có thể bình an vô sự sau những cuộc vượt đại dương kéo dài nhiều ngày

Có một số sự kiện có sức huỷ diệt kinh hoàng, ví dụ như thiên thạch lao xuống Trái Đất, núi lửa phun trào, kỷ băng hà - hay thậm chí là khi virus nhảy từ vật chủ thuộc một loài sang vật chủ thuộc loài khác.

Nhưng có một số sự kiện khác lại diễn ra một cách vô cùng thần kỳ, như do đột biến thể đa bội, chuyển gene giữa các sinh vật đa bào - và những chuyến di cư bằng bè mảng tự nhiên trôi dạt trên đại dương.

Vai trò của những vụ trôi dạt trên đại dương trong lịch sử hình thành loài người cho thấy quá trình tiến hóa phụ thuộc vào những cơ hội đó nhiều tới mức nào.

Nếu mọi chuyện diễn ra theo hướng khác - như thời tiết xấu, biển động dữ đội, hay bè thực vật trôi dạt vào một hoang đảo nơi các con thú săn mồi đói ngấu đang chờ sẵn trên bờ biển, hay không có con đực nào trong bè mảng trôi dạt đó - thì ắt hẳn đã không xảy ra sự hình thành, bắt rễ sự sống ở nơi mới. Sẽ không có khỉ, không có vượn, và không có loài người chúng ta.

Có vẻ như tổ tiên chúng ta đã gặp may mắn nhiều hơn cả khi so với cơ hội trúng xổ số Powerball để sống sót trong quá trình vật lộn sinh tồn giữa đại dương mênh mông.

Nếu như có một yếu tố nào đó đã diễn ra theo hướng khác, thì quá trình tiến hoá có thể đã diễn ra theo hướng hoàn toàn khác.

Ít nhất, có lẽ là chúng ta đã không thể ngồi đây để suy ngẫm về lịch sử tiến hoá của nhân loại.