Cách sử dụng bùa chú hơn 100 năm trước

Thứ Sáu, 26 Tháng Năm 20231:00 SA(Xem: 1640)
Cách sử dụng bùa chú hơn 100 năm trước

Như nhiều tín ngưỡng dân gian khác, bùa chú chỉ được lưu truyền theo phương thức khẩu truyền tâm thuật hoặc bí truyền.

302084115_10160309786137495_7682_1__1

Bùa là phép viết hoặc vẽ trên giấy vàng bằng son, những chữ để sai khiến những mãnh lực vô hình. Chú là chỉ những bài kinh để đọc, khi thì chiêu gọi quỷ thần, tiên phật, khi thì để tỏ rõ cái ý của mình muốn khiến việc gì.

Cuốn sách hiếm hoi viết về những dạng bùa chú

Bùa chú vốn bắt nguồn từ Đạo giáo, nhưng khi du nhập vào Việt Nam nó đã được người Việt tiếp thu và biến thành một trong những yếu tố mang đậm chất tín ngưỡng dân gian.

Sách Bùa chú của tác giả Trần Lang - bút danh của nhà văn trinh thám nổi tiếng Phạm Cao Củng - bản in đầu tiên do Mai Lĩnh thực hiện năm 1939 (Nhã Nam và NXB Thế giới in lại năm 2022) là một cuốn sách hiếm hoi của người Việt tuyển tập sơ lược các dạng bùa chú mà người Việt dùng ở đầu thế kỷ trước.

Trong tri thức văn hóa cổ truyền của người Việt, bùa chú (còn gọi là pháp thủy, hoặc phù thuật) là thứ dễ bị thất truyền mai một. Bởi như nhiều tín ngưỡng dân gian khác bùa chú chỉ được lưu truyền theo phương thức khẩu truyền tâm thuật hoặc bí truyền.

Theo tác giả Trần Lang, do thành kiến cổ hủ của người phương Đông bất cứ cái gì cũng đều giữ kín bí truyền, để làm phép quý riêng cho nhà mình (nói cách khác là để độc quyền), bên cạnh đó khoa học phương Tây lấn át nên bùa chú - môn khoa học huyền bí vốn có gốc từ đạo Lão không thịnh hành.

Mặt khác, sách viết về tín ngưỡng này rất ít, ngoài mấy cuốn viết sơ lược còn truyền lại như Vạn pháp quy tông, Thần thư yếu lý, Phù pháp cao môn, Pháp đàn dẫn giải, khoa học về tín ngưỡng dân gian này dần dần bị mai một.

Cũng theo tác giả Trần Lang, thời điểm ông thực hiện cuốn Bùa chú, số lượng những người còn theo nghề này không nhiều. Nghề này cũng suy kém và người làm nghề được coi trọng như trước. Nguyên nhân chủ yếu là không chính truyền, hoặc hành nghề vô đạo, thường dùng những thuật lừa dối giả trá. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho những ai quan tâm đến môn khoa học huyền bí của Á Đông, rất khó tìm được nơi tin cậy để khảo cứu.

Tác giả Trần Lang cũng cho biết để viết nên cuốn sách Bùa chú, ông đã tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn, điều tra khác nhau. Và trong những kỳ cuộc đó, ông được dịp gần gũi nhiều thầy pháp thủy cao tay, nổi tiếng và được họ tin cậy chia sẻ một số bí quyết nghề nghiệp.

Bua chu anh 1

Sách Bùa chú. Ảnh: MC.

Giúp mọi người có chút kiến thức về bùa chú và những ngụy thuật

Từ những chia sẻ này, ông đã viết nên cuốn sách Bùa chú với mong muốn giúp cho những người quan tâm đến bộ môn này một vài phương pháp thực hành, hoặc có thể dùng làm việc lợi ích, hoặc dùng làm trò chơi giải trí. Thứ nữa, giúp những người xưa nay vẫn tin cậy khoa học pháp thủy có chút kiến thức về bùa chú và những ngụy thuật, để tránh bị những kẻ bất lương lợi dụng, lừa dối. Ngoài ra, thông qua cuốn sách, ông còn muốn giúp cho những ai quan tâm đến khoa học huyền bí Á Đông có một chút tài liệu để xem xét, kiểm nghiệm và khảo cứu.

Trong phần thứ nhất cuốn sách có tên Phù pháp môn, tác giả Trần Lang đã giới thiệu 20 phép có thể ứng dụng và thực hành (tác giả chỉ cách làm chứ không giải thích cắt nghĩa từng phép), có thể kể đến như: Thôi sinh bí pháp (giúp đàn bà vượt cạn khi sinh); Cửu long hóa cốt (giúp chữa hóc xương), Phép Mường chữa hóc (chữa hóc theo phép của người Mường), Mười ngón tay nâng người (Một dạng trò chơi), Tam âm ngược tật (phép chữa bệnh sốt rét, hoặc sốt cách nhật), Ác khuyển tự thoái (phép làm cho chó dữ phải chạy lui)…

Theo tác giả, đây là những phép giản dị, không cần cúng lễ, chỉ cần vẽ một đạo bùa, hoặc đọc một bài thần chú là có thể khiến hiện được nhiều việc lạ lùng trước mắt, ai cũng có thể thực hiện được.

Ví dụ cách làm của Phép Mường chữa hóc, sách chép: Đứng trước người hóc xương, lấy một bát nước sạch, để ngang trên một chiếc đũa thường ăn, rồi lấy tay trái bấm cung Dần, cung Ngọ (ngửa bàn tay trái, dùng ngón tay cái bấm vào đốt thứ ba, ngón tay trỏ sau đó, bấm vào đốt thứ nhất ngón tay giữa), miệng đọc chú như sau: “Úm sông, sông chảy, úm chảy, chảy ra, úm ở gần thì ra, úm ở xa thì vào, cấp cấp như luật lệnh”. Đọc chú ba lần, rồi đưa bát nước cho người hóc xương uống.

Ở Phần thứ 2 có tên Lục giáp viên quang đàn pháp, tác giả giới thiệu 5 phép gồm: Mộng trung tương hội (gặp người trong mộng), Triệu tiên bí pháp (phép phụ đồng tiên, để biết việc hung cát sẽ xảy ra), Hoạch môn thủ thái (vẽ cửa lấy rau và các thức ăn uống khác, đây là một trò chơi không cầu lợi nên không lấy tiền của, đồ vật), Mỹ nhân tự lai (gái đẹp tự đến), Hoa đới biến xà (dải áo thành rắn).

Tác giả cho biết đây là những phép rất huyền bí, kỳ lạ, muốn thực hành cần lập đàn tế, hoặc đã biết nhiều về môn pháp thủy. Ông cũng cho rằng những ghi chép về cách làm các phép này là những tư liệu độc đáo cho những nhà khảo cứu.

Ở phần thứ 3 có tên Giang hồ ngụy pháp, tác giả chỉ ra 11 phép giả trá mà những kẻ giang hồ tà đạo đeo lốt phù pháp dùng để lừa gạt những người thực thà, có thể kể đến như: Hoạch tý bất thương (chỉ cách những kẻ sơn đông mãi võ lường gạt để bán cao), Hùng đởm nhỡ nhược (chỉ cách những kẻ giang hồ pha chế bán mật gấu giả)…

Tóm lại, Bùa chú là cuốn sách viết về những dạng bùa chú mà người Việt dùng khoảng 100 năm trước. Cuốn sách vừa cung cấp những thông tin, mang tính giải trí lại vừa có yếu tố học thuật. Đây là nguồn tư liệu khá thú vị cho những ai quan tâm đến khoa học huyền bí Á Đông và tín ngưỡng dân gian của người Việt xưa.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn