Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

  • Tác giả, Jane Corbin & Sean Coughlan
  • Vai trò, BBC Panorama

Chế độ quân chủ Anh đang trong thời điểm chuyển tiếp. Triều đại trị vì trong rất nhiều năm của Nữ hoàng Elizabeth II tuy có những xáo trộn lớn trong hoàng gia, nhưng đa phần đã trải qua như một thời kỳ ổn định và liên tục của nền quân chủ. Nay, nước Anh có một vị vua mới.

Lễ đăng quang vào đầu tháng 5 năm nay là sự kiện quan trọng với Hoàng gia Anh.

Nhưng liệu có phải dư luận công chúng về nền quân chủ cũng đang thay đổi?

Trong các cuộc đi thăm mới đây của Vua Charles, ta thấy bên cạnh những người ủng hộ triều đại mới thì ​​những người biểu tình chống chế độ quân chủ đã có mặt nhằm gây tiếng vang về sự hiện diện của họ.

Những người phản đối chế độ quân chủ đó thừa nhận rằng họ sẽ ngần ngại biểu tình khi cố Nữ hoàng còn sống, vì việc đó có nguy cơ gây phản cảm trong công chúng. Nhưng nay thì có vẻ như điều đó không còn nữa.

Để đánh giá tâm trạng của công chúng trước lễ đăng quang, chương trình Panorama của BBC đã đặt hàng hãng điều tra dư luận YouGov thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến mới. Kết quả cho thấy đa số dân ủng hộ chế độ quân chủ, với 58% muốn duy trì chế độ quân chủ, so với 26% muốn có một nguyên thủ quốc gia được bầu ra.

Tuy nhiên, bên dưới những con số chung này thì cuộc thăm dò cho thấy thái độ của người dân đang thay đổi - trong đó có những thách thức rõ ràng đối với vị tân vương ngay từ khi thời trị vì của ông bắt đầu.

Đặc biệt là chế độ quân chủ dường như không hấp dẫn giới trẻ.

Trong khi 78% những người trên 65 tuổi ủng hộ chế độ quân chủ, thì chỉ có 32% những người ở độ tuổi 18-24 được thăm dò cảm thấy như vậy. Nhiều người trong nhóm trẻ hơn này, 38%, muốn có một nguyên thủ quốc gia được bầu hơn là một chế độ quân chủ. 30% còn lại không biết nên thế nào cho tốt.

Sự thờ ơ cũng là vấn đề, không khác bao nhiêu so với thái độ phản đối; 78% ở nhóm tuổi trẻ hơn nói rằng họ "không quan tâm" đến Hoàng gia.

Vậy những vấn đề khó khăn mà triều đại mới phải đối mặt là gì?

Sự giàu có của Hoàng gia là một yếu tố dường như chia rẽ mạnh mẽ các nhóm tuổi vào thời điểm áp lực chi phí sinh hoạt đang đè nặng xuống mỗi gia đình.

54% người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến này, được thực hiện với 4.592 người trưởng thành ở Vương quốc Anh, nói rằng chế độ quân chủ là đáng giá - còn 32% nghĩ ngược lại.

Tuy nhiên, trong giới trẻ - những người ở độ tuổi 18-24 - thì 40% cho rằng chế độ quân chủ không đáng đồng tiền bát gạo, và 36% nghĩ ngược lại.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hoàng gia xuất hiện trên ban-công Điện Buckingham ngắm màn trình diễn của các phi cơ RAF trong lễ sinh nhật Nữ hoàng hồi 2019

"Số lượng cung điện là vô lý. Thành thật mà nói, quý vị cần một cung điện cho các sự kiện cấp nhà nước, Điện Buckingham, và có lẽ một cung điện khác khi họ muốn nghỉ hưu," cựu quan chức thuộc đảng Tự do Dân chủ và là người chỉ trích việc tài trợ Hoàng gia, Norman Baker, nói.

Ông cũng nhấn mạnh điều mà ông tuyên bố là việc sử dụng quá mức máy bay trực thăng và máy bay phản lực tư nhân khi vua đang "rao giảng cho mọi người về biến đổi khí hậu".

Những lời cáo buộc như vậy đã bị bác bỏ bởi Lord Nicholas Soames, một người bạn của nhà vua trong nhiều năm, người nói rằng việc sử dụng trực thăng sẽ chỉ nhằm phục vụ "mục đích rất tốt" trong khi nhà vua làm công vụ.

Chuyên gia hiến pháp Sir Vernon Bogdanor cũng không chấp nhận những lời chỉ trích về tài chính.

"Tôi nghĩ rằng nhìn chung, Hoàng gia rất đáng đồng tiền bát gạo. Và những người duy nhất trong Hoàng gia nhận tiền là những người thực hiện nghĩa vụ công."

Nhưng có sự nhạy cảm trong công chúng về vấn đề chi tiêu. Trong một cuộc thăm dò khác do YouGov thực hiện hồi tuần trước, phần lớn mọi người không nghĩ rằng chính phủ nên chi trả cho lễ đăng quang.

Tổng chi phí đăng quang được tính vào chi phí công sẽ là bao nhiêu, điều này sẽ chỉ được chính phủ tiết lộ sau khi sự kiện đã diễn ra.

Cạnh đó, còn có những câu hỏi được đặt ra trên truyền thông về ranh giới giữa tài trợ tư nhân và tài trợ công dành cho Hoàng gia, chẳng hạn như các khối tài sản ở Công quốc Lancaster và Cornwall mỗi năm tạo ra khoảng 20 triệu bảng Anh nên được coi là thu nhập công, cần thuộc về ngân sách công, hay là thuộc về ngân khố Hoàng gia.

Cũng có người đặt câu hỏi vì sao tân vương lại không phải đóng thuế thừa kế khi được thừa hưởng tài sản do cố vương để lại.

Điện Buckingham nói rằng các quyết định về tài trợ và thuế là do chính phủ quyết định chứ không phải do Hoàng gia tự quyết.

Tình trạng giàu có của Hoàng gia khá là mập mờ trong mắt công chúng. Hai cuộc điều tra trên báo chí gần đây cho kết quả khác nhau, một nói rằng ông trị giá 600 triệu bảng và một nói đến con số 1,8 tỷ bảng.

Có những câu hỏi rằng liệu sự giàu có khiến Hoàng gia có khoảng cách trong việc đồng cảm với trải nghiệm của công chúng hay không.

Cuộc thăm dò ý kiến ​​của những người trưởng thành ở Vương quốc Anh mà Panorama đặt hàng thực hiện từ ngày 14 đến ngày 17/4 cho thấy có thêm nhiều người tin rằng nhà vua "xa rời thần dân", dao động từ 45% đến 36%, tùy thuộc lứa tuổi.

Nhưng nhà vua đã có nhiều thập kỷ làm việc thông qua các tổ chức từ thiện của mình để hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn - và Dame Martina Milburn, cựu giám đốc điều hành của Prince's Trust, đã ca ngợi khả năng giao tiếp với nhiều người của ông.

"Tôi thực sự đã ở cùng ông trong các nhà tù, trong các trại cầm giữ thanh thiếu niên phạm tội, trong các trung tâm việc làm - và ông ấy có thể tạo ra mối liên hệ đó, điều đó thật phi thường," bà nói.

Một lĩnh vực nhạy cảm mạnh mẽ khác đối với Hoàng gia là vấn đề chủng tộc.

Từ mâu thuẫn với Meghan, Nữ công tước xứ Sussex, cho đến tranh cãi gay gắt về cách đối xử với người sáng lập tổ chức từ thiện da đen Ngozi Fulani tại tiệc chiêu đãi của Cung điện Buckingham - chủng tộc là một chủ đề gai góc.

Cuộc thăm dò của YouGov cho thấy 40% người dân thuộc các nhóm dân tộc thiểu số muốn có một nguyên thủ quốc gia do dân bầu hơn là một chế độ quân chủ. Con số thậm chí còn cao hơn, 49%, khi nhóm đó được hỏi liệu hoàng gia có "vấn đề về chủng tộc và sự đa dạng" hay không. Tổng hợp tỷ lệ phần trăm cho tất cả mọi người được hỏi câu hỏi đó là 32%.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hồi tháng 11, Vua Charles dự một cuộc triển lãm nghệ thuật tại Leeds về vai trò của Anh quốc trong thời chế độ nô lệ

Lord Soames mạnh mẽ bác bỏ mọi gợi ý phân biệt chủng tộc. "Không có một giọt máu phân biệt chủng tộc nào trong nhà vua," ông nói.

Điện Buckingham cho biết Vua và Hoàng gia coi tất cả các vấn đề về chủng tộc và sự đa dạng đều hết sức nghiêm túc - chỉ ra phản ứng "nhanh chóng và mạnh mẽ".

Nhưng đây cũng là một vấn đề ảnh hưởng đến các mối quan hệ bên ngoài Vương quốc Anh, bao gồm cả Khối thịnh vượng chung, nơi các câu hỏi đang được đặt ra về di sản của chủ nghĩa thực dân và chế độ nô lệ.

Cuộc thăm dò dư luận mà Panorama đặt hàng thực hiện đặt ra câu hỏi về thời điểm thay đổi của chế độ quân chủ.

Nhưng nó cũng là một bức tranh về sự liên tục. Những phát hiện tổng thể cho thấy người dân vẫn ủng hộ rộng rãi đối với chế độ quân chủ, bên cạnh một thiểu số đáng kể những người hoài nghi.

Nhiều cuộc thăm dò trong nhiều năm đã tìm thấy điều gì đó tương tự, với sự tăng giảm tỷ lệ ở các nhóm người khác nhau là khác nhau.

Sự yêu mến dành cho Hoàng gia dường như đạt đến đỉnh cao vào khoảng năm 2011-2012, thời gian có đám cưới của Hoàng tử William và Kate và Lễ Kỷ niệm Kim cương của Nữ hoàng.

Sau đó, mức độ yêu mến có xu hướng đi xuống trong những năm tiếp theo và những tranh cãi xung quanh cuốn sách của Hoàng tử Harry, Spare, vào đầu năm nay đã khiến cho tỷ lệ yêu mến dành cho các thành viên Hoàng gia bị ảnh hưởng - nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là mức độ này sẽ không được cải thiện.

Nó cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ quan tâm, hoặc chính xác hơn là sự ngày càng thiếu quan tâm của giới trẻ đối với chế độ quân chủ. Cuộc khảo sát dài hạn về Thái độ Xã hội của Anh trước đây đã phát hiện ra rằng mọi người có xu hướng trở nên thông cảm hơn với chế độ quân chủ khi họ trở nên có tuổi hơn.

Triều đại mới sẽ theo dõi cẩn thận và hy vọng rằng xu hướng đó sẽ tiếp tục duy trì.