Sáng kiến Cúc Vạn Thọ: Người Ba Lan thứ nhì 'cố ngăn cuộc chiến Việt Nam'

Thứ Tư, 22 Tháng Ba 20238:00 SA(Xem: 1361)
Sáng kiến Cúc Vạn Thọ: Người Ba Lan thứ nhì 'cố ngăn cuộc chiến Việt Nam'
bbc.com

Sáng kiến Cúc Vạn Thọ: Người Ba Lan thứ nhì 'cố ngăn cuộc chiến Việt Nam'


Du kích Việt Cộng di chuyển bằng thuyền nhỏ ở vùng Đồng Tháp Mười năm 1966

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Du kích của Quân Giải phóng di chuyển bằng thuyền nhỏ ở vùng Đồng Tháp Mười năm 1966

Vào giai đoạn trọng yếu của Cuộc chiến Việt Nam, khi Hoa Kỳ bắt đầu đưa thêm quân vào VNCH để ngăn chặn sự xâm nhập của bộ đội Bắc Việt và ném bom VNDCCH, một sáng kiến ngưng chiến của Ba Lan đã lên tới cấp lãnh đạo cao nhất của hai phe đối đầu.

Đây là lần thứ nhì người Ba Lan muốn giúp hai miền Nam – Bắc Việt Nam không rơi vào vực xoáy của chiến tranh nhưng cả hai lần họ đều không thành.

Sáng kiến Marigold năm 1966

Dù vai trò của nhà ngoại giao Ba Lan ông Janusz Lewandowski muốn thiết kế thương thảo giữa Hà Nội và Hoa Kỳ không được các sách nghiên cứu lịch sử Cuộc chiến Việt Nam nói đến nhiều, trong cuốn 'Vietnam - An American Ordeal' (1994), George Donelson Moss lại cho rằng đây là một sáng kiến quan trọng.

Donelson Moss dành hẳn hơn nửa trang trong chương về các nỗ lực ngoại giao liên quan đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 1965 -68 để nói về hoạt động của nhà ngoại giao Ba Lan trong bối cảnh các bên thứ ba cố gắng giúp Hà Nội và Washington phá vỡ thế bế tắc.

"Trong các năm 1966 và 1967, dù hai bên giữ khoảng cách rất xa nhau và không nước nào (VNDCCH hay Hoa Kỳ) tỏ ra có ý muốn nhượng bộ để mà xích lại gần đàm phán, có nhiều bên thứ ba cố gắng đưa Hà Nội và Washington đến bàn đàm phán. Một trong những sáng kiến đó có liên quan đến nhà ngoại giao Ba Lan, ông Janusz Lewandowski.

"Ông thuyết phục Hoa Kỳ cho Hà Nội một đề nghị, mà theo ông có thể né tránh yêu cầu của VNDCCH muốn đặt điều kiện tiên quyết là Hoa Kỳ phải dừng ném bom. Theo Lewandowski, Hoa Kỳ chỉ cần nhận được lời cam kết riêng (không chính thức) là sẽ tạm ngưng chuyển quân xâm nhập vào Nam VN, và nếu Hoa Kỳ xác nhận trên thực địa được việc dừng di chuyển quân đó thì sẽ 'đóng băng' số quân Mỹ ở Việt Nam tại mức hiện có, và đàm phán hai bên có thể được bắt đầu."

Các nữ du kích miền Nam Việt Nam. Hình chụp năm 1966

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Các nữ du kích miền Nam Việt Nam. Hình chụp năm 1966

Hoạt động của ông Lewandowski, mà sau này chúng ta biết được qua sách và các bài báo như trên The New York Times năm 2013 (năm ông Lewandowski qua đời), có mật danh là 'Operation Marigold' (tên tiếng Anh của hoa Cúc Vạn Thọ).

Có mặt trong phái đoàn Ba Lan của Ủy ban Đình chiến (gồm cả Ấn Độ và Canada), ông Lewandowski tới Sài Gòn ngày 10/04/1966 và chỉ vài hôm sau đã bay ra Hà Nội.

Thành viên của Ủy ban Đình chiến có quyền di chuyển giữa VNDCCH và VNCH, điều công dân hai nước này không được làm.

Tại Hà Nội, ông được thủ tướng Bắc VN Phạm Văn Đồng đón tiếp và phía Việt Nam "chú ý đến đề nghị của ông".

Trên thực tế, như các tài liệu tiếng Anh và tiếng Ba Lan công bố sau này, vai trò của Lewandowski lớn hơn nhiều so với một quan chức Ủy ban Đình chiến.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và TBT Leonid Brezhnev trong chuyến thăm Liên Xô năm 1961 của ông Phạm Văn Đồng

Nguồn hình ảnh, TASS/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp Leonid Brezhnev, một lãnh đạo Liên Xô trong chuyến thăm Liên Xô năm 1961 của ông Phạm Văn Đồng

Trước khi ông sang Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao CHND Ba Lan, Adam Rapacki đã trình bày sáng kiến lên cho TBT Đảng CS Liên Xô Leonid Brezhnev và được "Moscow bật đèn xanh".

Sau khi trở về từ cuộc gặp với ông Phạm Văn Đồng, ông Lewandowski quay lại Sài Gòn và được Bộ trưởng Ngoại giao VNCH giới thiệu với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, theo the New York Times trong bài của Douglas Martin (02/09/2013). Trong cuộc gặp với Tổng thống Thiệu, ý kiến để ông Lewandowski đóng vai trò trong "thương thảo hòa bình" được nêu ra.

Tiếp theo, tháng 6/1966, ông Lewandowski bay trở lại Hà Nội và được chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói Hà Nội "sẵn sàng chấp nhận đàm phán và có thể còn công nhận quy chế trung lập cho Nam VN, kể cả khi chính phủ hiện hành (của TT Thiệu) vẫn còn đó".

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Phủ Chủ tịch năm 1965

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Phủ Chủ tịch năm 1965

Bắc Việt Nam, theo nguồn tin mà New York Times đã ghi lại, đã không đòi hỏi Hoa Kỳ rút quân ngay khỏi Nam VN mà chỉ cần nhìn thấy "một lịch rút quân".

Nhờ đại sứ Ý tại VNCH, Giovanni D'Orlandi, người bạn của Lewandowski tại Sài Gòn trợ giúp, ông đã gặp đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge tại tư dinh ông D'Orlandi.

Kết quả cuộc trao đổi này là Hà Nội đồng ý cử một nhà ngoại giao tiếp xúc với đại sứ Hoa Kỳ ở CHND Ba Lan.

Ông Nguyễn Đình Phương đã tới Warsaw, nhưng cuộc gặp của ông với đại sứ Mỹ John Gronousky đã không xảy ra, theo James G. Hershberg viết trong cuốn sách in năm 2012: "Marigold: The Lost Chance for Peace in Vietnam (Cúc Vạn thọ: Cơ hội bị mất cho hòa bình ở Việt nam)."

Lý do là vài hôm trước đó, Hoa Kỳ lại ném bom miền Bắc Việt Nam.

Các giải thích sau này, của chính Tổng thống Lyndon B. Johnson, là sáng kiến của người Ba Lan "không thực tế".

Họ đã cố "đóng cương vào con ngựa nhưng trong tay không có ngựa", ông viết trong hồi ký.

Nhưng ông Johnson không chỉ là người biết về hoạt động của Lewandowski mà còn ra lệnh đặt tên nó là Marigold (Cúc Vạn thọ, mà người Ba Lan gọi là hoa Nagietek).

Tuy thế, theo Donelson Moss thì các cuộc oanh kích đã lên lịch từ trước vài tuần và Tổng thống Johnson ra lệnh cho Không quân Hoa Kỳ chỉ ném bom các điểm bên ngoài trung tâm của thủ đô Hà Nội.

"Thế nhưng một số phi cơ đã thả bom vào các khu dân cư bên ngoài trung tâm, và gây thương vong cho người dân."

"Điều này khiến Hà Nội tin rằng Johnson vừa muốn tỏ ra đàm phán, vừa mở rộng phạm vi oanh kích."

Kết cuộc là Đại sứ Mỹ John Gronousky ngồi đợi đại sứ Việt Nam trong trụ sở Bộ Ngoại giao Ba Lan ở Warsaw, nhưng ông Nguyễn Đình Phương đã không đến.

Theo Donelson Moss, dù gần như không có chuyện Hà Nội chấp nhận toàn bộ sáng kiến của Lewandowski, nhưng vụ ném bom đã "làm tiêu tan mọi cơ hội" đàm phán.

President Johnson confers the Medal of Honor on U.S. Marine Corps Major J. Modrzejewski of Annapolis, Maryland in White House ceremonies March 12. The award was made to Major Modrzejewski for heroism in Vietnam during 1966.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Mỹ Johnson trao Huân chương Danh dự cho Thiếu tá Thủy quân Lục chiến J. Modrzejewski, vì lòng dũng cảm khi chiến đấu ở Việt Nam năm 1966

Mặt khác, theo tác giả này, TT Johnson không tin là phía Bắc VN thực sự muốn đàm phán dù ông từng nói: “đây là sáng kiến thực tiễn nhất, đáng thuyết phục nhất mà tôi thấy từ khi lên làm tổng thống” (trích theo hồ sơ Nhà Trắng được New York Times đăng tải).

Ngày nay nhìn lại, người ta cũng có thể nói là TT Johnson đã không thực sự muốn đàm phán.

Tháng 3/1965 quân đội Hoa Kỳ chỉ có 3500 thủy quân lục chiến tới Đà Nẵng và trên 20 nghìn cố vấn quân sự tại VNCH, thì đến năm 1967, tổng số quân lên tới 490 nghìn.

Kể từ sau khi bỏ sáng kiến Marigold, Hà Nội bỏ luôn cả "vẻ bề ngoài là họ muốn đàm phán" và sáng kiến sau đó nữa của Thủ tướng Anh Harold Wilson nhằm giúp các bên đàm phán để chấm dứt chiến sự tại Việt Nam cũng "gặp số phận tương tự", George Donelson Moss viết.

Vai trò khó khăn của Ba Lan

Marigold không phải là sáng kiến đầu tiên của Ba Lan nhằm giúp người Việt Nam chấm dứt cuộc chiến trên đất nước họ.

Trước Janusz Lewandowski, một nhà ngoại giao khác của Ba Lan, giáo sư luật Mieczyslaw Maneli, đã gặp riêng cố vấn Ngô Đình Nhu ở Sài Gòn năm 1963 và gặp Thủ tướng của VNDCCH Phạm Văn Đồng ở Hà Nội, để đưa ra một sáng kiến đối thoại Nam - Bắc.

Trong cương vị trưởng phái bộ Ba Lan ở Ủy ban Đình chiến sau Hiệp định Geneva về Việt Nam, ông Manueli sang Việt Nam tổng cộng 5 năm (1954-55 và 1962-64) và đã kể lại các hoạt động này trong cuốn 'War of the Vanquished: A Polish Diplomat in Vietnam', xuất bản năm 1971 ở Phương Tây, khi ông đã rời Ba Lan đi sống lưu vong.

Tuy vậy, các nỗ lực đó đều không đem lại kết quả gì cụ thể.

Người ta tin rằng sáng kiến của ông Maneli mang tính cá nhân, hoặc may ra thì được phía Ba Lan ủng hộ, nhưng chưa đạt tầm cao như sáng kiến của Lewandowski vốn được cả TBT Brezhnev và Tổng thống Johnson biết tới.

Ta có thể hiểu rằng trải nghiệm chiến tranh khủng khiếp của người Ba Lan trong Thế Chiến II là một động lực khiến các nhà ngoại giao nước này không nỡ nhìn Việt Nam rơi vào cuộc chiến mà họ nhìn thấy trước là rất tàn khốc.

Ông Manueli (sinh năm 1922) và ông Lewandowski (sinh năm 1931) trải qua thời Ba Lan bị tàn phá bởi chiến tranh của các cường quốc.

Tuy thế, có sự khác biệt lớn giữa hai giai đoạn hoạt động của họ ở Việt Nam.

Năm 1963, khi Manueli 'gặp ông Ngô Đình Nhu vài lần' để tính đến một cuộc thương thảo tay đôi Hà Nội - Sài Gòn, chính quyền Ba Lan của TBT Wladyslaw Gomulka không muốn dính líu gì nhiều đến cuộc chiến ở Việt Nam.

Nhưng đến năm 1966-1967, ông Gomulka tin rằng can dự vào vấn đề Việt Nam sẽ giúp Ba Lan có vị thế cao hơn trong ngoại giao quốc tế, kể cả đối với Liên Xô.

Tới thời TBT Edward Gierek (1970-1980), Ba Lan đứng hẳn về phía miền Bắc VN, giúp tín dụng và gửi vũ khí, dược phẩm trợ giúp Hà Nội, theo nhà báo Mariusz Grabowski (Polityka, 3/2018).

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson và Thủ tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ giơ tay chào khi quốc ca Hoa Kỳ và Việt Nam được cử hành tại sân bay quốc tế Guam tháng 3/1967

Năm 1972, bom Mỹ ném trúng một tàu thuỷ Ba Lan chở hàng tới cảng Hải Phòng, làm chết bốn thủy thủ và Warsaw đã gửi công hàm phản đối, đòi Hoa Kỳ bồi thường.

Phía Mỹ bác bỏ với lời giải thích rằng "hoạt động của tàu Ba Lan tại khu vực có chiến sự tự nó đã đi kèm rủi ro" như lời nhắc khéo rằng Ba Lan không nên dính líu vào cuộc chiến.

Quan hệ Ba Lan với Hoa Kỳ tuy thế không hẳn là thù địch nhưng trí thức Ba Lan có xu hướng phê phán “sự can dự nặng tay” của Mỹ tại Nam Việt Nam.

Trong thời gian còn lại ở Sài Gòn, Lewandowski thường chơi cờ cùng bạn ông, đại sứ Ý, và đàm đạo về chuyện Hoa Kỳ đã đánh giá quá thấp tinh thần dân tộc của Bắc Việt Nam ra sao.

Các hoạt động của CHND Ba Lan ở Ủy ban Đình chiến chấm dứt năm 1973, sau Hòa đàm Paris mà Ba Lan là một bên tham gia.

Nhìn chung, trải nghiệm ngoại giao của người Ba Lan tại Việt Nam bị cho là lợi bất cập hại, thậm chí “chỉ toàn là khó khăn", theo sử gia Piotr Dlugolecki.

Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng CHND Ba Lan phải chi phí rất nhiều cho hoạt động của hàng nghìn lượt sĩ quan, cán bộ của họ sang Đông Dương, tất cả chỉ vì Kremlin yêu cầu.

Trong số hàng trăm quân nhân Ba Lan luân phiên đến Việt Nam trong khuôn khổi Ủy ban Đình chiến, còn có người bí mật đi theo phía đối địch là Mỹ.

Sài Gòn chính là nơi trung tá Ryszard Kuklinski (sau lên đại tá), 'kẻ phản bội nổi tiếng' đã người liên lạc với CIA để đến năm 1981 đã đem các bí mật của Khối Hiệp ước Warsaw chạy sang Mỹ.

Trong bài viết cho tờ Polityka (24/11/2015), sử gia Dlugolecki trích một câu trong điện thư của thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan Stanislaw Trepczynski, phản đối việc để Liên Hiệp Quốc mở một hội nghị đánh giá lại hoạt động của Ủy ban Đình chiến tại Đông Dương:

"Chúng ta phản đối hoàn toàn việc mở bất cứ hội nghị gì về kinh nghiệm của Ủy ban Đình chiến. Chúng ta đã quá chán những khó khăn gặp phải ở Việt Nam."

Bức điện của ông Trepczynski cuối cùng được gửi đi, nhưng ông đồng ý xóa câu cuối.

Ngày nay nhìn lại, các sử gia Ba Lan đồng ý rằng những sáng kiến của chính quyền Ba Lan thời XHCN, phần nào đến từ tình cảm của họ muốn dân tộc Việt Nam tránh được chiến tranh, đã không thể vượt qua các tính toán lớn hơn của những đại cường như Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc.

Về cá nhân ông Janusz Lewandowski, sau khi rời Sài Gòn năm 1967, ông tiếp tục sự nghiệp trong ngành ngoại giao Ba Lan, làm đại sứ ở Ai Cập, Hy Lạp.

Ông quyết định về hưu năm 1991 khi chính quyền mới đã bỏ chủ thuyết cộng sản, không muốn thừa nhận tư cách 'nhà ngoại giao' của ông.

Xem 'Sáng kiến hòa bình ở VN' của người Ba Lan Mieczyslaw Maneli năm 1963:

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn