Tượng hai ông Marx và Engels ở Berlin nay là điểm đôi khi có du khách đến chụp ảnh. Sau thời Đông Đức, tượng này được để nhìn về phía Tây.

Nguồn hình ảnh, Đỗ Quang Nghĩa

Chụp lại hình ảnh,

Tượng hai ông Marx và Engels ở Berlin nay là điểm đôi khi có du khách đến chụp ảnh. Sau thời Đông Đức, tượng này được để nhìn về phía Tây.

Năm nay sinh nhật thứ 202 của Karl Marx (05/05/1818), không thấy báo đăng đài nói gì về ông ở Đức.

Cũng không ai thấy có động tĩnh gì trong cộng đồng người Việt ở Đức vốn thường lo việc riêng nhiều hơn là quan tâm đến chuyện...ông Marx hơn là chú ý đến tư duy đến lý thuyết của ông.

Để có một số thông tin quan trọng ở quê hương Karl Marx, chúng ta cần phải chịu khó tìm mới thấy.

Đó là vẫn có phố Karl-Marx-Straße tại thành phố nhỏ Hohen Neuendorf.

Còn tại Berlin có phố Karl-Marx-Allee ngay trung tâm.

Phố này vốn nối liền với phố Stalin, và ở phố Stalin xưa cũng dụng tượng đài Stalin lớn hơn bất kể tượng đài nào của Marx.

Nguồn hình ảnh, Đỗ Quang Nghĩa

Chụp lại hình ảnh,

Tượng Marx tại thành phố Chemnitz mà thời Đông Đức mang tên ông.

Nhân nói chuyện tên phố, Berlin cũng từng có phố Hồ-Chí-Minh-Straße, nay là Weißenseer Straße, ở gần trung tâm thương mại của người Việt, Dong Xuan Center, và phố Karl-Marx-Straße quận Neukölln.

Về gia đình Marx thì có căn nhà Jenny-Marx-Haus, phố Jenny-Marx-Straße 20 tại Salzwedel, bang Sachsen-Anhalt.

Và quan trọng hơn cả là Bảo tàng Museum Karl-Marx-Haus tại Trier, nơi Marx chào đời.

Nổi bật nhất tại Đức vẫn là chuyện các tượng đài bằng đồng.

Tôi vẫn nhớ câu thơ Tố Hữu:

“Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.”

Hồi sinh nhật 200 tuổi của ông (1818-2018), nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tặng thành phố quê hương ông bức tượng nay đặt ở quảng trường Simeonstiftplatz ở Trier.

Tóm lại là, so sánh rất khập khiễng: tượng đài của ông Marx đếm trên đầu ngón tay là hết, chẳng thể nào bằng tượng đài lãnh tụ của Việt Nam.

Bức tượng tại thành phố mang tên Marx:

Di sản của chủ nghĩa cộng sản mà Marx nêu ra được đề cao thời Cộng hòa Dân chủ Đức. Khi đó có tượng Karl Marx ở thành phố mang tên ông. Sau ngày thống nhất nước Đức, thành phố được trở lại tên cũ là Chemnitz.

Tôi đã đến xem tác phẩm này: tượng đầu Marx, cao 7,1 m (với chân đế cao hơn 13 m) và nặng khoảng bốn mươi tấn. Tác giả của công trình là điêu khắc gia Liên Xô, Lew Kerbel, và tượng được khánh thành vào năm 1971.

Đây là bức tượng độc đáo, chỉ miêu tả đầu nhà triết học, và hiện nay vẫn còn.

Chắc rằng khi nước Đức vào giai đoạn chuẩn bị thống nhất, người ta thỏa thuận giữ lại các tượng đài dựng thời Đông Đức, gồm tượng đài này.

Nguồn hình ảnh, Đỗ Quang Nghĩa

Chụp lại hình ảnh,

Tác giả trong buổi thăm tượng Marx và Engels ở Berlin trong mùa phong tỏa chống dịch Covid-19

Trên bức tường phía sau tượng đài là dòng chữ “VÔ SẢN THẾ GIỚI LIÊN HIỆP LẠI” bằng bốn thứ tiếng Đức, Anh, Pháp và Nga.

Trong phong trào của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa toàn thế giới, nước nào cũng muốn có một thành phố mang tên lãnh tụ của mình.

Liên xô có Leningrad, Stalingrad, Nam Tư có Titograd, Việt Nam có thành phố Hồ Chí Minh. Cả ba đô thị ở Nga và Serbia nay đều đã trở lại tên cũ.

Ở Đức, thành phố Chemnitz được đổi tên thành Karl-Marx-Stadt vào ngày 10 tháng 5 năm 1953.

Dân Đông Đức gọi lén bức tượng là “hộp sọ”. Qua nhiều bàn cãi, dự án, có vẻ tượng đài này sẽ ổn định ở đó, nay nó là địa điểm văn hóa nổi danh nhất của thành phố Chemnitz, đã trở lại tên cũ.

Tượng hai ông Marx và Engels, một đứng một ngồi ở Berlin:

Bức tượng kép Marx-Engels ở Berlin có số phận ly kỳ hơn.

Tượng ở vị trí mới, xa xa là Tây Berlin cũ.

Cũng nằm trong cao trào phải dựng tượng lãnh tụ và tiền bối cách mạng, chính quyền Đông Đức cũ, thời Erich Honecker, dĩ nhiên chính tổng bí thư Honecker, người nắm chính quyền Đông Đức 18 năm trên tổng số 45 năm tồn tại nước CHDC Đức, đích thân chấp nhận phác thảo tượng đài của nhà điêu khắc Ludwig Engelhardt.

Khởi đầu người ta chỉ định dựng tượng cao gấp rưỡi kích thước người thường.

Được hỏi tại sao Marx thì ngồi, Engels thì đứng, tác giả giải thích rằng Marx như một vị hoàng đế, ngồi trên ngai (à ha!). Người ta định đặt tượng trước tòa nhà có tên gọi Cung Cộng Hòa, công trình sau thành trụ sở Quốc hội đầu tiên của Đông Đức họp, và cũng là nơi bỏ phiếu giải thể CHDC Đức.

Sau này thấy như thế Cung Cộng Hòa sẽ bị thu hẹp, nên khối tượng được chuyển sang bên này sông Spree.

Toàn thể khối tượng đài được khánh thành năm 1986.

Ngoài hai pho tượng đồng của hai vị khai sáng phong trào cộng sản còn tổ hợp điêu khắc/phù điêu vây quanh (thực ra khối phù điêu mới mang nhiều ấn tượng) và mấy cột thép, trên đó in ảnh phong trào cộng sản và chiến tranh cách mạng vô sản.

Trên các cột thép này có ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh của Việt Nam trong Chiến dịch biên giới, ảnh 'O du kích nhỏ giương cao súng, thằng Mỹ lênh khênh đứng cúi đầu' và ảnh phong trào chống chiến tranh Việt Nam những năm 1960-1970.

Hai bức tượng hồi đó nhìn về phía cột vô tuyến truyền hình, vốn là kỳ quan của Đông Đức xưa và Berlin nay, và vị trí của nó hơi đểnh đoảng, không gây được ấn tượng hoành tráng và thành kính.

Ngày Đông Đức lung lay sắp đổ, có những kẻ xấu bụng, nhưng tốt chữ viết dưới chân tượng "lần sau tất cả sẽ tốt hơn“ (là ám chỉ cuộc cách mạng vô sản sau, nếu có) và "chúng tôi vô tội“. Cái chữ "vô“ đến năm 1991 lại có người tẩy đi.

Năm 2010, lấy lý do làm đường tàu điện ngầm U5, người Đức chuyển bức tượng sang bên cạnh, và “xoay hai cụ” đi 180°. Nay thì bức tượng hai cụ nhìn thẳng sang Tây Berlin.

Có một thuyết "âm mưu và tình yêu“ khác, rằng họ xoay thế để hai cụ nhìn về nước Anh, nơi các cụ có những mối tình. Friedrich Engels yêu một lúc hai chị em Mary và Lizzie Burns, còn Marx có con riêng với người hầu gái Helen Demuth.

Thời còn “Liên Xô vĩ đại” Michail Gorbachev có đến đặt vòng hoa ở tượng đài này, và bình, nó "rất Đức“.

Không phải tác phẩm nghệ thuật lừng danh, nhưng tượng đài này đã đi vào lịch sử.

Dân du lịch đến Berlin, ngoài khu Tường Thành, Cổng thành Brandenburger Tor, không ít người lượn qua đây chụp một bức ảnh lưu niệm.

Hôm trước, tôi đạp xe qua đây, Berlin trong mùa phong tỏa, bức tượng vẫn đứng đó trong vắng lặng, chờ du khách tới thăm khi cuộc sống trở lại bình thường sau dịch Covid-19.

Bài viết thể hiện quan điểm của ông Đỗ Quang Nghĩa ở Berlin.