• Diane Selkirk
  • BBC Travel

Diane Selkirk

Nguồn hình ảnh, Diane Selkirk

Khi thủy triều ở mức thấp nhất, cửa sông Comox của Canada để lộ ra câu chuyện gần như bị lãng quên: đầu chóp của hơn 150.000 cọc gỗ trải ra khắp vùng bãi triều, làm thành vết tích của hàng trăm bẫy đánh bắt cá cổ xưa.

Vào thời những thứ này được sử dụng nhiều nhất, người ta tin rằng việc đặt lưới ở quy mô lớn như thế này đã đảm bảo đem lại nguồn thực phẩm cho khoảng 10.000-12.000 người K'ómok, cư dân lâu đời ở Thung lũng Comox phồn thịnh nằm ở bìa núi phía đông đảo Vancouver, rìa biển Salish.

Thiết kế tài tình

Mãi đến gần đây, công nghệ tinh vi này vẫn chưa được giới khoa học phương Tây để ý.

Mặc dù các cây cọc, có đường kính bằng ngón tay cái ở vùng nước nông và to cỡ thân cây nhỏ ở vùng nước sâu, có thể thấy được từ những con đường ven bờ tấp nập, nhưng không ai bận tâm về chúng.

Đối với Cory Frank, quản lý nhóm giám sát bảo vệ K'ómoks, chăm lo môi trường ở vùng ven biển này, cọc chỉ là thứ mà ông lớn lên đã thấy, đã chơi đùa và câu cá ở đó khi nước ròng.

Khi ông hỏi các bậc bô lão về chúng, họ không biết gì nhiều.

Frank cho biết mọi việc bắt đầu thay đổi gần hai thập kỷ trước.

Vào năm 2002, Nancy Greene, khi đó là sinh viên nhân chủng, bắt đầu nghiên cứu các cây cọc cho luận án vào năm cuối.

Greene (giờ đây là nhà khảo cổ nghiên cứu) muốn biết chúng dùng để làm gì. Do đó, làm việc với một nhóm tình nguyện viên, cô bắt đầu ra ngoài khi nước ròng và dành nhiều tháng để ghi lại vị trí của 13.602 chóp cọc bằng gỗ linh sam và tuyết tùng đỏ miền tây nhô lên. Đồng thời, cô bắt đầu hỏi các bô lão K'ómok thứ cô đang thấy là gì.

Khi cô vẽ chúng ra và có xét đến lịch sử truyền miệng, kết quả là đáng kinh ngạc. Các cây cọc làm thành một tập hợp cho thấy sơ về những hoạt động đánh bắt bản địa rộng lớn và tinh vi nhất từng được thấy.

Nguồn hình ảnh, Ian Reid

Chụp lại hình ảnh,

Kể từ 2014, các thành viên của Các Bộ tộc W̱SÁNEĆ đã phối hợp với Khu Bảo tồn Quốc gia Vùng Vịnh phục hồi hai bãi nuôi trai

Greene nhận ra có từ 150.000 cho đến 200.000 cọc gỗ, làm thành hơn 300 bẫy cá, nằm trên khắp vùng ngập nước nông.

Việc áp dụng phương pháp carbon phóng xạ cho kết quả niên đại của chúng dao động từ 1.300 đến hơn 100 năm.

Đối với Frank, điều ấn tượng nhất là các thiết kế rất chính xác. "Tổ tiên tôi là những kỹ sư tuyệt vời," ông nói.

Ông giải thích khi ông bắt đầu nghiên cứu cách thức chúng hoạt động, ông nhận ra những cái bẫy này dựa trên hiểu biết sâu sắc về hành vi của cá và mức thay đổi thủy triều lớn trong khu vực.

Được sắp xếp theo hai cách - hoặc là hình trái tim hoặc là hình chữ V - dọc theo bẫy là các tấm gỗ có thể tháo rời cho nước chảy qua nhưng cá thì bị kẹt lại. Khi thủy triều lên, cá bơi theo dòng vào giữa bẫy, vốn mô phỏng đường bờ biển mà cá bơi theo trong tự nhiên, qua 'cổng' để lọt vào trong. Khi thủy triều rút, cá bên trong bẫy bị kẹt trong các vũng nước nông.

Đi vào thất truyền

Tùy thuộc vào kiểu bẫy và mùa, những người coi bẫy có thể nhắm vào cá trích hoặc cá hồi, và quản lý số lượng cá hồi được cho qua để đi đẻ trứng trong các lạch địa phương.

Bằng cách này, họ đảm bảo chỉ bắt đủ cá để đáp ứng nhu cầu cộng đồng. Nếu lượng cá vào bẫy có vẻ ít ỏi, họ có thể quyết định không đánh bắt luôn.

Để trả lời câu hỏi làm sao công nghệ đánh bắt thanh thoát và bền vững như vậy lại bị bỏ quên thì cần phải hiểu biết về những trang đen tối nhất trong lịch sử Canada.

Ở nơi mà giờ đây là tỉnh British Columbia, hàng chục bộ tộc thổ dân ven biển đã từng thịnh vượng trong hàng ngàn năm. Nhưng với sự xuất hiện của các nhà thám hiểm, thương nhân và dân định cư, bệnh tật và luật pháp đã được dùng để ép buộc dân bản địa chia cắt khỏi văn hóa và đất đai của họ.

"Khi từ 80 đến 90% dân số mất đi, họ mất những người nắm giữ kiến thức, các kỹ năng và giao thức phức tạp để vận hành công nghệ này," Anne Salomon, nhà sinh thái học biển ứng dụng, vốn đã làm việc cùng với các cộng đồng bản địa ven biển trong 15 năm, cho biết.

Salomon giải thích Đạo luật Anh-điêng năm 1876 buộc dân bản địa phải đến các khu bảo tồn và tập quán văn hóa bị đặt ngoài vòng pháp luật. Họ mất quyền tiếp cận bẫy cá và vườn biển của họ.

"Trong hàng ngàn năm, họ hình thành các hệ thống sản xuất thực phẩm tinh vi đòi hỏi hiểu biết sinh thái, hải dương và địa mạo," bà nói. "Khi họ mất quyền đối với đất đai, họ mất một phần bản sắc."

Nguồn hình ảnh, Diane Selkirk

Chụp lại hình ảnh,

Những bãi biển với rất nhiều mảnh vỏ trai, sò là những dấu hiệu cho thấy ở gần đó có các khu trại nuôi trai, sò

Mặc dù cộng đồng khoa học bày tỏ ngạc nhiên về bản chất rộng lớn của nghề nuôi trồng thủy sản ven biển truyền thống (thông tin đập tan định kiến lâu nay rằng đây là cộng đồng săn bắn hái lượm sơ khai), Nicole Norris, người nắm giữ kiến thức cho Bộ tộc Hul'q'umi'num và là chuyên gia nuôi trồng thủy sản, nói bản thân các cộng đồng không bao giờ quên. "Đây là chợ thực phẩm cho chúng tôi," bà nói.

Thích ứng hoàn hảo

Điều khiến Norris bất ngờ trong những năm bà bỏ ra để khám phá bờ biển British Columbia là công nghệ đánh bắt khác biệt giữa bộ tộc này với bộ tộc khác, nhưng hoàn toàn thích ứng với từng địa điểm.

Trong khi người bộ tộc K'ómoks dùng cọc gắn lưới mắt cáo làm rào để quản lý và duy trì nơi từng là một trong bãi đánh bắt dồi dào nhất trong vùng, thì trong lãnh thổ của mình quanh Quần đảo Vùng Vịnh, người Hul'q'umi'num và W̱SÁNEĆ xếp đá chồng lên để dựng những bức tường thấp song song bờ biển. Những bức tường này được thiết kế để giữ phù sa, làm thay đổi độ dốc bãi biển để tạo ra 'vườn biển' - những bãi triều lớn, bằng phẳng vốn từng được dọn những tảng đá lớn, được chăm sóc cẩn thận để tạo môi trường sống lý tưởng cho sò, cua, hải sâm, cá đá, bạch tuộc và các sinh vật biển khác.

Trên các đảo nhỏ và cửa lạch quanh co ở Công viên Quần đảo Broughton, kỹ thuật một lần nữa lại thay đổi.

Ở đây, người Kwakwaka'wakw đã xây dựng những bức tường đá hoành tráng, đủ lớn để nhìn thấy từ không gian, để tạo ra độ sâu lý tưởng khuyến khích ngao sò sinh trưởng trong các vịnh cạn.

Norris cho biết họ cũng xây dựng các bức tường đá thành những vườn xoắn ốc tạo ra những chỗ bằng phẳng để tận dụng các dòng chảy xoáy đặc trưng của khu vực.

Xa hơn về phía bắc, bên trong tuyến đường thủy và đảo nội địa làm thành một phần lãnh thổ Heiltsuk, nhà khảo cổ Q̓íx̌itasu, còn được gọi là Elroy White, cho biết tổ tiên ông đã xây dựng các khu trang trại trên biển nuôi sò có tường đá và nhiều bẫy cá bằng đá đa dạng được thiết kế cụ thể tùy thuộc chúng nằm trên 'bãi triều bằng phẳng, trong một con lạch hay ở cửa sông'.

"Chúng được xây dựng kiên cố đến nỗi chúng sẽ không sụp đổ do tác động của dòng sông, của thủy triều hay nếu bị một chiếc ca nô đâm vào," ông nói.

Trong luận án của mình, 'Bẫy cá đá Heiltsuk', White kết hợp khảo cổ học với lịch sử truyền miệng để dần dần tháo mở liên hệ qua lại giữa bẫy cá có tường đá và quan hệ của tổ tiên ông với cá hồi.

Ông giải thích khi bắt đầu đến thăm các địa điểm, ông đã thấy công nghệ bẫy cá cổ đại và hệ thống quản lý tài nguyên không chỉ định hình cảnh quan thủy triều, mà còn định hình văn hóa và di sản của ông như thế nào.

Nguồn hình ảnh, Diane Selkirk

Chụp lại hình ảnh,

Một trang trại trên biển ở Haida Gwaii có hai cồn đá nổi lên ở giữa, nhằm thu hút bạch tuộc tới, và để giúp thổ dân dễ dàng thu hoạch thực phẩm

"Tôi nhận thấy khác biệt giữa quan điểm khảo cổ học và quan điểm Heiltsuk về các bẫy này," ông viết trong luận án. Ông nói nghiên cứu khoa học truyền thống nhấn mạnh dữ liệu thực nghiệm như chiều dài, chiều rộng, chiều cao nhưng đã bỏ qua yếu tố con người, "mối quan hệ trọng yếu mà tổ tiên của tôi hình thành với môi trường, với cá hồi và với công nghệ đánh bắt nhẳm để bắt chúng."

Thu hút khách du lịch

Ý tưởng cho rằng chúng ta không thể tách văn hóa bản địa ra khỏi vùng đất định hình nó đã dần có chỗ đứng trong cộng đồng khoa học ở vùng ven biển tỉnh British Columbia.

Norris nói trong suốt một thời gian dài, cộng đồng của cô không thể tiếp cận một phần đất đai của họ vì "người ta đã vẽ ra một đường tùy tiện để đưa nó thành công viên quốc gia".

Nhưng sau khi các bức tường đá được phát hiện khi thủy triều xuống trong Khu bảo tồn Công viên Quốc gia Đảo Vịnh (GINPR) và quyết định được đưa ra vào năm 2014 để khôi phục một vài vườn biển, Norris nói Parks Canada đã làm một điều sâu sắc: "Họ đã nhờ những Bộ tộc Đầu tiên (tức thổ dân người Anh-điêng) hướng dẫn."

Những khu trang trại biển bị bỏ hoang từ lâu trên bờ biển British Columbia có sự phong phú đáng kinh ngạc.

Nghiên cứu cho thấy những khu vườn bậc thang mà dân bản địa đã xây trong ít nhất 3.500 năm, cho năng suất nghêu và sò bơ cũng như các sinh vật biển khác cao hơn từ 150 đến 300% so với các bãi biển hoang.

Erin Slade, nhà sinh thái học biển có dự án phục hồi trang trại biển với GINPR, nói điều này cho thấy chúng ta có rất nhiều điều để học từ các kỹ thuật từng được sử dụng để coi sóc trang trại.

Trong khi các nhà khoa học vườn quốc gia như Slade có thể đã cố gắng giải mã thiết kế các khu vườn biển chỉ bằng khoa học, họ chọn cách khôi phục tập quán quản lý và coi sóc truyền thống bằng cách mời các bộ tộc W̱SÁNEĆ và Hul'q'umi'num trở lại vùng đất của họ.

"Theo truyền thống, khi bạn học được cái gì đó, bạn bắt đầu với cách lâu nhất có thể," Norris nói.

Do đó, trong lần tập hợp đầu tiên tại một trang trại sò ngay ngoài đảo Salt Spring, bà nói mọi người hãy dẹp khoa học đi, nhờ tổ tiên chỉ dạy và bắt đầu từ đầu: "Đưa cào xa đến mức này. Đây là cách gió, độ mặn hoặc thời điểm trong năm ảnh hưởng đến sò."

Khoảnh khắc dân bản địa trở về vườn biển và bẫy cá là khoảnh khắc công nghệ này ngừng nhìn về quá khứ và hướng đến tương lai.

Trên lãnh thổ Heiltsuk, bẫy cá đang bắt đầu hỗ trợ du lịch địa phương như là một điểm dừng trong các tour du lịch văn hóa ảo và trực tiếp và hiện có kế hoạch tích hợp các phương pháp đánh bắt truyền thống vào cuộc sống cộng đồng.

Ngày nay, dân Haíɫzaqv đến thăm các điểm này như lời nhắc thiêng liêng về mối liên hệ chặt chẽ của ông bà tổ tiên họ với đất liền, biển và những gì họ học được từ chúng.

Ở GINPR, Slade cho biết các cộng đồng khác đã bắt đầu dùng nghiên cứu để xây dựng lại vườn biển của họ - sự thúc đẩy sinh thái không chỉ cho các bãi biển được quản lý, mà còn giúp cho sự phong phú nói chung của sinh vật biển trên bờ biển mà có thể được hỗ trợ bởi sinh khối trong vườn.

Slade cho biết sự gia tăng sinh vật biển là rất quan trọng, nhưng điều quan trọng nhất trong khôi phục các khu tragn trại biển là hồi sinh mối quan hệ học hỏi giữa người lớn và giới trẻ.

"Kiến thức này có được qua hàng thiên niên kỷ coi sóc những nơi này, và nó cần phải luôn được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác."