Lính Bò Rừng

Chủ Nhật, 25 Tháng Ba 20189:00 CH(Xem: 9176)
Lính Bò Rừng

Có hơn 200 ngàn lính da đen phục vụ quân đội Mỹ trong cuộc nội chiến. Từ thân phận nô lệ, họ đã sát cánh với người da trắng làm nên lịch sử. Tuy vậy họ vẫn là bóng mờ trong quân sử và xã hội Mỹ, vẫn là thứ dân và trải qua bao gian khổ để trở thành công dân, trở thành sĩ quan trong quân đội.

linh-bo-rung

Khi kết thúc chiến tranh, quốc hội đã ban hành đạo luật tổ chức quân đội mới phục vụ trong thời bình vào năm 1866, sáu quân đoàn kỵ binh và bộ binh được thành lập, toàn bộ là người da đen. Người Mỹ gọi họ là “Buffalo Soldiers – Lính bò rừng”. Nguồn gốc tên gọi Lính bò rừng có nhiều giả thuyết. Theo Viện Bảo Tàng lính Buffalo ở Houston, Texas thì bắt nguồn từ người da đỏ Cheyenne năm 1867, khi họ chạm trán với người lính da đen, tóc quăn, sẫm màu ở Kansas. Tháng 9, 1867, Binh nhì John Randall của tiểu đội G, quân đoàn 10 kỵ binh được điều phái đi bảo vệ cho 2 thường dân trong cuộc săn. Họ bị nhóm 70 chiến binh Cheyenne truy đuổi, 2 thường dân bị giết tức thì, ngựa của Randall bị bắn ngã và Randall chống trả mãnh liệt chỉ với cây súng ngắn. Khi quân cứu viện đến thì người da đỏ rút lui sau khi để lại 13 xác, Randall bị thương do trúng đạn ở vai và 11 mũi tên trên người. Randall sống sót và lời đồn tiếng tăm của lính da đen vang xa: “Anh ta chiến đấu hung hãn giống như con bò rừng bị bao vây, trúng vết thương này đến vết thương khác mà không chết, anh trông giống như con bò rừng đen nâu, lông tóc xoăn rậm.” Trong khi cũng có giả thuyết tên gọi bắt nguồn từ mục đích thâm trầm của người Mỹ trắng, tiêu diệt các đàn bò rừng hàng triệu con ở miền Tây, nơi chúng từ ngàn năm là nguồn thức ăn, áo quần, chăn lều cho thổ dân. Tiêu diệt bò rừng là gián tiếp khống chế người da đỏ dễ dàng.

Trước đó trong cuộc nội chiến, quân đội Union Mỹ đã thành lập các trung đoàn da màu, gồm người da đen và thổ dân da đỏ. Riêng về người lính da đen, có nhiều lý do để họ hăng hái gia nhập quân đội. Trước tiên là từ người nô lệ, cuộc nội chiến xảy ra do bãi bỏ nô lệ, nên họ tìm thấy chính nghĩa, con đường sống và tự do duy nhất trong màu áo liên quân. Họ được trả lương 13 đô mỗi tháng trong 5 năm quân dịch, một đồng lương to lớn so với thời giá và sinh hoạt của thường dân lúc bấy giờ (Vào năm 1860 nước Mỹ có 31 triệu người, đất đai giá 3-5 đô một mẫu, lương lao động khoảng 90 xu một ngày, bột mì 7 đô một thùng, đường 8 xu nửa ký, nhà trọ 2 đô mỗi tháng…)

linh-bo-rung5
Kỵ đoàn 10 da đen

“Nếu họ đã nhận được chữ thêu vàng trên áo, hạt nút hình con ó, súng hỏa mai trên vai và đạn trong túi. Vậy thì sẽ không có quyền lực nào trên trái đất này có thể phủ nhận quyền công dân của họ trên nước Mỹ.” Frederick Douglass, chính khách da đen, sau khi trốn thoát khỏi đời nô lệ, trở thành nhà lãnh đạo phong trào bãi nô, nổi tiếng với khả năng hùng biện đã nói vậy khi vận động cho sự bình quyền của người da đen và khuyến khích họ nhập ngũ ở Philadelphia tháng 7, 1863. Ông đấu tranh để lính da đen được đồng lương tương xứng như người da trắng và có thể trở thành sĩ quan, được thành công dân Mỹ. 2 người con trai của ông đã gia nhập trung đoàn 54 bộ binh Massachusetts.

Kỵ đoàn 10 thành lập đầu tiên ngày 21 tháng 9 năm 1866 ở đồn Leavenworth, Kansas thu nhận các cựu nô lệ, các người lính da đen trong nội chiến ở tiểu bang phía Bắc, dưới trướng của Đại tá Benjamin Grierson. Thoạt đầu tên gọi “lính bò rừng” chỉ dành cho kỵ đoàn 10 này, sau đó được gọi chung cho các Kỵ đoàn 9 ở Greenville, Louisiana gồm các lính da đen ở tiểu bang miền Nam, cùng 4 trung đoàn bộ binh khác được thành lập và cả 19 ngàn lính da đen phục vụ trong hải quân Union.

Rạng sáng ngày 13 tháng 5, 1862, Robert Smalls một nô lệ da đen làm tài công cho tàu hơi nước USS Planter của phe Confederate, bị hải quân Union vây bắt. Quân Union lấy tàu và Smalls tiếp tục được dùng lái tàu. Sau đó tàu CSS Planter tham chiến, dưới hỏa lực của quân Confederate, thuyền trưởng tàu đã quyết định đầu hàng, nhưng Smalls gan dạ lại lái tàu vượt nguy đến nơi an toàn. Smalls trở thành thuyền trưởng đầu tiên người da đen trong hải quân Mỹ.

linh-bo-rung4
Lính da đen trong cuộc chiến Tây Ban Nha – Mỹ ở Cuba

Vào giữa năm 1863 lúc cuộc chiến đến hồi quyết liệt, trung đoàn 54 bộ binh ở Massachusetts gồm các binh sĩ bò rừng đã chứng tỏ lòng can đảm và thiện chiến trong trận đánh ở đồn Wagner, S. Carolina ngày 18 tháng 7, 1863. Mặc dù thiếu huấn luyện quân sự, dưới sự tấn công vũ bão của phe Confederate, các chiến sĩ da đen này đã đem lại sự kính nể và tín dụng của các sĩ quan da trắng. Tờ Atlantic Monthly ca ngợi: “Xuyên qua màn khói súng cà nông của đêm ấy, sáng ngời lên trong mắt chúng ta hình ảnh các chàng trai da màu.” Tất cả các sĩ quan của trung đoàn Buffalo là người da trắng. Sự kỳ thị da màu hẳn nhiên còn sâu đậm, nên nhiều sĩ quan từ chối cầm đầu các đội quân da đen. George Armstrong Custer, một sĩ quan nổi tiếng can đảm, táo bạo, nhưng kiêu căng, quá tự tin và kiểu cách. Ông chỉ huy Lữ đoàn Michigan với biệt hiệu “Chó sói” trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Ông đã từ chối cầm quân lính da màu dù phải nhận chức vụ thấp hơn. Tuy vậy cũng có sĩ quan duy nhất Henry O. Flipper, người da đen đầu tiên tốt nghiệp trường võ bị West Point nổi tiếng, điều về trung đoàn 10 với chức vụ Thiếu úy.

Trong 2 năm cuối của nội chiến, các binh sĩ da đen đã tham dự hầu hết các trận đánh quyết định lịch sử như Vicksburg, Petersburg và Nashville. Ở chiến dịch Richmond-Petersburg, cuộc vây hãm 9 tháng quanh thành phố Petersburg, Virginia, sau khi quân Union của tướng Grant thất bại chiếm thành phố, họ bao vây bằng cách đào các chiến hào dài đến 48 cây số, nhằm cắt đứt mọi đường tiếp vận với thủ đô Richmond của phe miền Nam, dẫn đến sự kiệt quệ của phe tướng Lee và sự đầu hàng ở Appomattox. Lần đầu tiên trong lịch sử, chiến tranh chiến hào được sử dụng điển hình, trở thành phổ biến cho thế chiến 1. Các chiến sĩ da đen tham gia thật đông và chịu nhiều tử vong nhất. Nhưng họ đã chứng tỏ lòng quả cảm và tính chiến đấu. 14 binh sĩ da đen được trao Huân Chương Danh Dự.

linh-bo-rung3
Huy hiệu kỵ đoàn 10 Buffalo
linh-bo-rung2
Phù hiệu tiểu đoàn dù 555 da đen

Sau nội chiến, các quân đoàn lính bò rừng này chỉ hành quân trong vùng phía Tây sông Mississippi, mục đích chính giúp quân đội và nước Mỹ mở mang và bảo vệ bờ cõi ở phía Tây. Họ giúp di dân da trắng chống lại người da đỏ, bảo vệ các đường hỏa xa, bưu chính, xây dựng đường sá và các thành phố mới định cư. Suốt cuộc chiến tranh với thổ dân, chừng 20 phần trăm kỵ binh Mỹ là người da đen, họ tham gia hơn 177 trận chiến, được trao 23 Huân chương Danh dự cao quý nhất của Mỹ. Sau khi cuộc chiến với thổ dân kết thúc năm 1890 thì quân đoàn bò rừng tiếp tục tham gia cuộc chiến Tây Ban Nha – Mỹ. Nổi bật ở trận chiến Đồi San Juan, Cuba, ngày 1 tháng 7, 1898, dưới trướng của Tham mưu trưởng lục quân Leonard Wood và Theodore Roosevelt, nguyên Phụ tá Bộ trưởng Hải quân, cầm đầu đội quân kỵ mã thiện chiến cao-bồi “Rough Riders”, cuộc chiến đẫm máu gây tổn thất cao cho quân đội Mỹ với 144 tử vong và hơn ngàn lính bị thương, nhưng người Mỹ đã chiến thắng, buộc Tây Ban Nha từ bỏ chủ quyền tại Cuba, nhượng lại Quần đảo Philippines, Puerto Rico, và Guam cho Hoa Kỳ. Đoàn 10 kỵ binh lính da đen nhận thêm 5 Huân chương danh dự.

Đến năm 1899, vài người lính bò rừng đã trở thành sĩ quan đầu tiên trong lực lượng biệt động National Park Rangers ở California’s Sierra Nevada, Yosemite National Park, Sequoia National Park và Kings Canyon National Parks. Trong cuộc chiến biên giới Mỹ và Mễ ở Texas cũng như các cuộc tuần tra diệt băng đảng cao-bồi và tội phạm trong thời kỳ miền Tây còn nhiều biến động, đều có bóng dáng người lính bò rừng. Ở Viễn Tây họ còn được gọi là Cao-bồi da đen.

linh-bo-rung1
Tượng tưởng niệm chiến tranh Washington DC

Họ tiếp tục tham gia các cuộc chiến sau này trên khắp thế giới, từ Chiến tranh Mỹ – Mễ, sang Philippines, 2 cuộc Thế chiến và cả Chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam. Trong mùa đông 1944-1945, Quân Nhật tung ra 9 ngàn bom bong bóng (fire balloon) thả bay về phía bờ tây của Mỹ, mục đích khi chạm đất sẽ nổ làm cháy rừng. Bộ lâm nghiệp Mỹ kêu gọi quân đội giúp đỡ và một tiểu đoàn da đen nhảy dù đặc biệt được thành lập, gọi là Tiểu đoàn Dù 555. Tên gọi 3 số 5 từ đồng xu 5 cent có hình con bò rừng phát hành năm 1913. Và 555 có trên huy hiệu của đoàn dù. Họ chính là những “smoke-jumpers” từ trời cao lao vào trong các đám cháy rừng để dập tắt ngọn lửa hung hãn. Xuất phát từ Pendleton và Chico, California họ đã hơn 1,200 lần nhảy dập tắt 36 đám cháy trong mùa hè 1945, họ tung bay khắp bầu trời Tây Bắc Mỹ đến tận Montana.

Dần dà các quân đoàn lính bò rừng này giải thể và nhập vào quân đội chính quy của Mỹ vào năm 1950, nơi các sắc dân màu da đều là công dân Mỹ, trong một đội quân duy nhất. Tuy vậy cái tên “Lính bò rừng” trở thành niềm tự hào đầy danh dự cho những người lính da đen với các phù hiệu có hình con bò rừng trên vai áo, chứng tỏ sự gan dạ, can trường và lòng yêu nước nhiệt thành. Ngày 6 tháng 9, 2005, Mark Matthews là người “lính bò rừng” già nhất giã từ cõi đời ở tuổi 111. Ông được chôn cất ở Nghĩa trang quốc gia Arlington. Nhiều viện bảo tàng và tượng đài dựng lên để vinh danh họ khắp nước. Họ đứng song hành với các chiến sĩ da trắng, Mễ và Á Châu.

SB

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn