"Bánh xe nước tiểu" thời Trung cổ: Công cụ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh

Thứ Sáu, 06 Tháng Giêng 20231:00 SA(Xem: 1251)
"Bánh xe nước tiểu" thời Trung cổ: Công cụ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh

Khoảng đầu thế kỷ XIX, khi chẩn đoán bệnh, các y bác sĩ châu Âu phụ thuộc vào biểu đồ… “bánh xe nước tiểu” (Urine Wheel).

Vòng tròn này biểu thị 20 màu sắc khác nhau của nước tiểu, tương ứng với từng bệnh trạng liên quan và cả mùi vị đặc trưng. Tất nhiên, để kiểm tra, người khám bệnh cần vận dụng cả thị giác, khứu giác lẫn vị giác.

Nội soi niệu đạo

Kiểm tra nước tiểu là phương pháp chẩn đoán y tế xuất hiện từ rất sớm. Theo các phát hiện khảo cổ, nó có lẽ bắt nguồn từ thời cổ đại, vào khoảng thiên kỷ IV trước Công nguyên (TCN).

Bánh xe nước tiểu
Bánh xe nước tiểu.

Người đầu tiên thực hành kiểm tra nước tiểu là các thầy thuốc Babylon và Sumer (Lưỡng Hà, Trung Đông). Đầu thế kỷ IV TCN, cách khám bệnh này mới được các thầy thuốc Hy Lạp biết đến, sau đó nhanh chóng phát triển thành phương pháp phổ biến nhất: Nội soi niệu đạo (Uroscopy).

Việc chẩn đoán dựa trên 2 tiêu chí: Nhiệt độ và màu sắc. Bác sĩ nội soi niệu đạo có dụng cụ y tế là bình nội soi thủy tinh trong suốt cổ mỏng, đáy tròn. Họ kiểm tra nhiệt độ nước tiểu bệnh nhân đầu tiên, nhân tiện quan sát lượng bong bóng, tạp chất…

Vì nhiệt độ nước tiểu sẽ hạ rất nhanh nên bác sĩ cũng phải chạy đua với thời gian. Thế kỷ XIX, Richard Bright (1789 – 1858) mới phát minh ra kỹ thuật cho phép kiểm tra “nước tiểu nguội” là đun nước nóng, nhúng bình nội soi chứa nước tiểu đã bị hạ nhiệt vào.

Tiếp đến là quan sát màu sắc. Nếu nước tiểu có màu trắng, đó là dấu hiệu của lá lách bị tổn thương, phù nề, viêm thận. Nếu nước tiểu có màu rượu vang, bệnh nhân có thể đã bị viêm gan hoặc vỡ tĩnh mạch… Dần dà, các bác sĩ Hy Lạp thiết lập được biểu đồ màu sắc nước tiểu, lưu truyền sử dụng rộng rãi.

Biểu đồ chẩn bệnh

Chẩn bệnh bằng kiểm tra nước tiểu có lịch sử tối thiểu 6 nghìn năm.
Chẩn bệnh bằng kiểm tra nước tiểu có lịch sử tối thiểu 6 nghìn năm. (Ảnh: Ancient-origins.net).

Biểu đồ màu sắc nước tiểu được thiết kế theo hình tròn, chia làm 20 phần, mỗi phần tương ứng với 1 màu sắc và các triệu chứng, căn bệnh kèm theo. Người ta gọi nó là “bánh xe nước tiểu”.

Các thầy thuốc Hy Lạp cổ - trung đại luôn có trong tay hoặc học thuộc lòng “bánh xe nước tiểu”. Sau khi kiểm tra nhiệt độ nước tiểu của bệnh nhân, họ lập tức đem đối chiếu, thông qua so sánh trực quan đi đến chẩn bệnh.

“Bánh xe nước tiểu” được các thầy thuốc “nâng cấp” thường xuyên khi bác sĩ thêm vào kinh nghiệm và phát hiện riêng. Vào thế kỷ XIII, bác sĩ kiêm thi nhân Gilles de Corbeil (Pháp) còn sáng tác 1 bài thơ về nội soi niệu đạo. Thi phẩm này nêu 4 màu nước tiểu cần lưu ý là xanh lá cây, trắng, lam, rượu vang, kèm theo bệnh trạng tương ứng.

Thế kỷ XVI, nhà nhà người người đều biết đến “bánh xe nước tiểu”. Châu Âu xem biểu đồ này như cuộc cách mạng trong y học, không chỉ y bác sĩ mà ngay cả người dân bình thường cũng muốn có “bánh xe nước tiểu” trong tay để tự chẩn bệnh tại gia. Một số bác sĩ thậm chí không cần gặp mặt bệnh nhân, chỉ nhìn vào mẫu nước tiểu mà chẩn bệnh, bốc thuốc.

Trên thị trường, tranh và sách “bánh xe nước tiểu” ra mắt. Các “lang băm” không qua đào tạo y tế đua nhau rập khuôn theo mà lừa đảo chữa bệnh, kiếm tiền.

Ngửi và nếm

 Thomas Willis (1621 - 1675), bác sĩ sáng tạo thuật ngữ y khoa mellitus (đái tháo đường).
Thomas Willis (1621 - 1675), bác sĩ sáng tạo thuật ngữ y khoa mellitus (đái tháo đường). (Ảnh: Wikipedia.org)

Để chẩn bệnh chính xác thì chỉ nhìn màu sắc thôi là chưa đủ. Ngay từ những năm đầu tiên của nội soi niệu đạo, ngoài kỹ năng xúc giác (kiểm tra nhiệt độ), các thầy thuốc còn cần thêm kỹ năng khứu giác và vị giác.

Thế kỷ XVII, bác sĩ Thomas Willis (1621 - 1675) – nhà tiên phong nghiên cứu giải phẫu não, hệ thần kinh và cơ có ảnh hưởng nhất, cũng bị “bánh xe nước tiểu” cuốn hút. Ông tham gia vào cải tiến biểu đồ này, cung cấp 1 miêu tả tối quan trọng. “Nước tiểu của bệnh nhân bị tiểu đường có vị ngọt ngào giống như mật hoặc nước đường”.

Chưa hết, bác sĩ Willis còn sáng tạo ra thuật ngữ y khoa mellitus (đái tháo đường). Ở thời của ông, người ta gọi luôn bệnh đái tháo đường là bệnh Willis (Willis’s disease), ghi nhớ tên người phát hiện.

Cho đến tận giữa thế kỷ XIX, “bánh xe nước tiểu” vững vị trí “biểu đồ chẩn bệnh uy tín nhất”. Từ thường dân cho đến quan lại, vua chúa đều được y bác sĩ khám chữa dựa trên đối chiếu với nó.

Ngay cả Quốc vương George Đệ tam (1738 – 1820) cũng để lại một hồ sơ nội soi niệu đạo, ghi rõ nước tiểu có màu tím. Đây là dấu hiệu cho thấy Quốc vương có khả năng mắc chứng rối loạn chuyển hóa porphyrin (bệnh liên quan đến hệ thần kinh). Người ta đồn rằng, vì mắc phải bệnh này, Quốc vương George Đệ tam mới ngày càng hung tàn, cuối cùng trở thành bạo quân khét tiếng.

Cuối thế kỷ XIX, phân tích hóa học được sử dụng vào kiểm tra nước tiểu. Nhờ sự chính xác, nó nhanh chóng xóa sổ nội soi niệu đạo, bao gồm cả “bánh xe nước tiểu”.

Ngày nay, phương Tây chỉ còn giữ được một số biểu đồ “bánh xe nước tiểu”. “Hầu hết chúng đều được in trắng đen trước, sau đó mới tô màu sau”, nhà nghiên cứu Duroselle-Melish (Anh) cho biết.

Vì bảng màu thời Trung - cận đại chưa được đa dạng và người tô không nhất thiết là bác sĩ nên khá thiếu chính xác. Nếu đem so sánh, dễ dàng thấy giữa các biểu đồ với nhau cũng không có sự đồng nhất. Nói cách khác, ngay từ tiêu chí màu sắc, “bánh xe nước tiểu” đã chưa nhất quán.

Bất chấp các hạn chế, “bánh xe nước tiểu” vẫn là tài liệu y khoa quan trọng. Nó đóng vai trò kiến thức nền tảng, phục vụ phát triển các hình thức khám chữa bệnh dựa trên phương pháp kiểm tra nước tiểu sau này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn