Những căn nhà Ấn Độ chịu được động đất trên dãy Himalaya

Thứ Bảy, 24 Tháng Mười Hai 20221:00 SA(Xem: 975)
Những căn nhà Ấn Độ chịu được động đất trên dãy Himalaya

Tarang Mohnot

Nguồn hình ảnh, Tarang Mohnot

Năm 1905, một trận động đất chết chóc đã làm rung chuyển khung cảnh Himachal Pradesh, một bang của Ấn Độ nằm ở phía tây dãy Himalaya. 

Các công trình bê tông trông chắc chắn ngã đổ như những lá bài. Các công trình duy nhất còn sót lại là ở các thị trấn nơi cư dân sử dụng kỹ thuật xây dựng truyền thống của dãy Himalaya cổ xưa được gọi là kath kuni.

Thiết kế tài tình

Vào một chiều thứ Ba ấm áp, tôi lên đường đi đến một trong số những nơi này: Lâu đài Naggar, được xây dựng cách nay hơn 500 năm để làm nơi trị vì của các vị vua Kullu hùng mạnh trong vùng, và vẫn đứng vững, không hề hấn gì sau thảm họa đó.

Các quan chức ở Cơ quan Khảo sát Địa chất Ấn Độ đã sững sờ trước việc lâu đài và các ngôi nhà kath kuni khác trong bán kính trận động đất không gặp thiệt hại địa chấn gì. “Điều này, thoạt nhìn, có vẻ không tự nhiên vì việc xây dựng những ngôi nhà này dường như khá nặng nề... cho đến khi mọi người nhận ra khả năng chống chịu tự nhiên của bức tường bằng gỗ gắn lại của chúng,” họ viết.

Lâu đài là một trong những bằng chứng còn lại tinh tế nhất của phong cách xây dựng này, nhưng những ngôi nhà kath kuni đã được xây dựng ở vùng này trong hàng ngàn năm. 

Thiết kế này có thể được nhận ra bằng gỗ tuyết tùng đang xen thành nhiều lớp với đá lấy tại chỗ mà không cần sử dụng vữa. Lâu đài Naggar hiện là khách sạn và là điểm tham quan, nhưng những bức tường dân dã của nó – đá xám xếp chồng lên bằng phẳng xen kẽ với ván gỗ màu đất – là bằng chứng cho thấy có những thứ vượt thời gian.

Thiết kế kiểu kath kuni rất tài tình. “Đá và gỗ tuyết tùng kết hợp với nhau đem đến sự cân bằng và cấu tạo ngoạn mục,” Rahul Bhushan, kiến trúc sư và người sáng lập tại NORTH, xưởng kiến trúc và thiết kế đặt tại Naggar nhằm bảo tồn kỹ thuật xây dựng này qua các dự án và hội thảo xây dựng, dinh thự và homestay mang tính nghệ thuật, nói. “Đá đem đến sức nặng cho công trình, tạo ra trọng tâm thấp và gỗ giúp công trình dính kết lại nhờ tính linh hoạt của nó.”

Tarang MohnotNguồn hình ảnh, Tarang Mohnot

Chụp lại hình ảnh,

Kỹ thuật xây nhà kath kuni phù hợp hoàn hảo với dãy Himalaya, một trong những khu vực nhiều hoạt động địa chấn nhất thế giới

Kỹ thuật này phù hợp hoàn hảo với dãy Himalaya, một trong những khu vực nhiều hoạt động địa chấn nhất thế giới. Cửa ra vào, cửa sổ được xây nhỏ và có khung gỗ nặng để giảm sức ép cho các chỗ mở khi xảy ra động đất. Hơn nữa, các ngôi nhà có ít chỗ mở để chuyển lực quán tính xuống đất. Trên hết, mái ngói đá dày giúp toàn bộ công trình đứng vững.

Hệ thống giữ nhiệt

Từ ‘kath kuni’ có nguồn gốc từ tiếng Phạn, có nghĩa là ‘góc gỗ’. 

“Điều này cho thấy bản chất của kỹ thuật xây dựng này,” Tedhi Singh, một trong số ít mistris (thợ xây) còn lại ở Chehni – làng duy nhất ở Himachal Pradesh mà những ngôi nhà đều theo phong cách kath kuni, trái với những làng khác nơi nhà bê tông phổ biến hơn, nói.

“Hãy nhìn vào góc của bất kỳ căn nhà kath kuni nào, bạn sẽ thấy rõ những xà gỗ đan móc vào nhau. Khoảng trống giữa các lớp này được nhét vào đá nhỏ, cỏ khô và gạch vụn. Hệ thống lồng ghép phức tạp này giúp cấu trúc kath kuni linh hoạt đáng kể, cho phép các bức tường di chuyển và điều chỉnh trong trường hợp xảy ra động đất.

Singh nói thêm rằng cấu trúc kath kuni có tường hai lớp hoạt động như lớp giữ nhiệt, giúp không gian ấm áp trong những tháng mùa đông lạnh giá và mát mẻ vào mùa hè. Các rãnh trên mặt đất và những khối đá nhô cao củng cố công trình, đồng thời để nước và tuyết không thấm vào.

Nguồn hình ảnh, Tarang Mohnot

Chụp lại hình ảnh,

Tarang MohnotLâu đài Naggar là một trong những ví dụ độc đáp còn sót lại về kiểu nhà kath kuni

Bên cạnh những tính năng chống động đất này, kiến trúc kath kuni cũng thích nghi tốt với cách sống nông nghiệp và cộng đồng trong khu vực. Nhìn chung, tầng trệt dành riêng cho gia súc. Các tầng trên được sử dụng làm nơi ở vì chúng ấm hơn nhiều, nhờ ánh nắng mặt trời và nhiệt độ cơ thể của vật nuôi từ dưới bốc lên.

“Tôi không thể hình dung việc sống trong công trình bê tông... đơn giản là chúng không phù hợp với lối sống của chúng tôi,” Mohini, vốn sống cùng chồng và con gái trong một công trình đá và gỗ có tuổi đời hàng thế kỷ ở Chachogi, ngôi làng nhỏ gần Naggar, nói. “Những căn nhà kath kuni được thiết kế theo cách cho phép để chúng tôi thả gia súc trong không gian mở ở tầng dưới cùng và lùa chúng vào trong khi đến lúc vắt sữa hay trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Chúng cũng thường được xây theo cụm, giúp chúng tôi dễ dàng chia sẻ không gian chăn nuôi và dự trữ.”

Thiếu nguyên vật liệu

Theo thời gian, kỹ thuật này đã được truyền qua nhiều thế hệ. 

Tuy nhiên, truyền thống này đang mai một khi các cụm nhà bê tông mái bằng đang chiếm ưu thế ở nhiều làng. Một số dân địa phương thậm chí còn lấy ngói gạch và giấy dán tường che nhà bê tông của họ - nỗ lực tuyệt vọng để giữ gìn bản sắc do nguyên liệu thô cho kath kuni trở nên khó kiếm hơn và tốn kém hơn.

Nguồn hình ảnh, Tarang Mohnot

Chụp lại hình ảnh,

Do việc xây cất các căn nhà kiểu truyền thống ở Himachal Pradesh ngày trở nên đắt đỏ và không khả thi, ngành công nghiệp xi măng đang trở nên phát đạt

Năm 1864, Đế quốc Anh thành lập Cục Lâm nghiệp ở Ấn Độ, khiến quyền sở hữu rừng chuyển đổi đột ngột từ dân bản địa sang nhà nước. Điều này dẫn đến tình trạng khai thác và sử dụng gỗ tuyết tùng thương mại tràn lan ở Himachal Pradesh ngày nay. 

Trong nỗ lực khắc phục quan hệ giữa rừng và dân rừng địa phương, chính phủ Ấn Độ đã thông qua Đạo luật Quyền Lâm sản vào năm 2006, theo đó mỗi gia đình Himachali chỉ được khai thác một cây mỗi 10 năm – gần như không đủ gỗ để xây một căn nhà.

“Trái với kath kuni, bê tông trông nghịch mắt vì nó không hài hòa với cảnh quan. Nhưng không phải là dân địa phương không muốn xây nhà gỗ - họ chỉ là khó tiếp cận nguồn tài nguyên cần thiết,” Sonali Gupta, nhà khảo cổ nhân chủng học và là giám đốc sáng lập của Viện Nghiên cứu Di sản và Văn hóa Himalaya, cho biết.

Khi nhà truyền thống ở Himachal Pradesh trở nên đắt đỏ và không khả thi, ngành xây dựng bê tông gặp thời. Gạch và xi măng đem đến cho dân địa phương cách xây nhà rẻ hơn và nhanh hơn. “Nhà cửa kath kuni có chi phí một lần cao hơn và mọi người cảm thấy khó mà bỏ ra số tiền đó,” Bhushan nói.

Nguồn hình ảnh, Tarang Mohnot

Chụp lại hình ảnh,

Chehni là ngôi làng duy nhất ở Himachal Pradesh có tất cả các căn nhà đều là nhà kath kuni

Cùng với sự sụt giảm nhu cầu về nhà ở kath kuni, số lượng mistris chuyên về nghệ thuật xây cất kiểu nhà này giảm liên tục, cùng với niềm tin ngày càng tăng rằng công trình bê tông bền hơn. 

Tuy nhiên, Himachal Pradesh đã trải qua nhiều trận động đất có cường độ 4.0 độ richter trở lên trong 100 năm qua, và trong những trận động đất này, nhà bê tông chứng tỏ chúng dễ bị hư hại hơn.

Nỗ lực bảo tồn

Cuối cùng, các khía cạnh của kath kuni cũng trở nên không phù hợp trong bối cảnh văn hóa và giá trị đang thay đổi của Himachal. 

“Nhà kath kuni có cửa thực sự nhỏ,” Mohini nói. “Ngày xưa, mọi người cúi đầu ở lối vào, vì điều này cũng có nghĩa là cúi đầu tôn kính vị gia thần. Nhưng ngày nay, người ta không muốn cúi mình trước bất cứ ai – ngay cả Chúa."

Nguồn hình ảnh, Tarang Mohnot

Chụp lại hình ảnh,

Mohini tin rằng con gái cô sẽ sống cả đời trogn cùng căn nhà mà hai thế hệ trước đã từng sống

Bất chấp các thách thức này, các tổ chức địa phương đang cố gắng thúc đẩy và lưu giữ các phương pháp xây dựng truyền thống. 

Ví dụ, NORTH làm việc với khách hàng để thiết kế dự án theo phong cách kath kuni và hợp tác với nghệ nhân địa phương để xây dựng. Họ cũng tìm hiểu liệu vật liệu thay thế như tre có thể thay gỗ để giúp kath kuni bền vững hơn trong thời gian dài hạn hay không. 

Ngoài ra, Bhushan đang thử nghiệm dhajji dewari, một kỹ thuật xây dựng cổ khác ở Himalaya sử dụng khung gỗ và lấp đất, và tiết kiệm chi phí và thời gian hơn rất nhiều so với kath kuni

Và do Himachal Pradesh là bang mạnh về du lịch, các khách sạn kiêu sa như Neeralaya và Firdaus tăng cường giáo dục và trân trọng kiến trúc bản địa bằng cách cho du khách cơ hội ở trong những ngôi nhà kath kuni, cũng như trải nghiệm nấu nướng và các hoạt động bản địa như câu cá và đi thăm rừng.

Ngay cả với sự tập trung trở lại vào cách làm cũ, Tedhi Singh lo rằng một khi những con đường thông suốt kết nối Chehni với thế giới, làng sẽ tiếp nhận xi măng, đòi hỏi ông phải áp dụng các kỹ thuật hiện đại. “Vừa vui vừa buồn,” ông nói. “Việc nghĩ tới chuyện có những con đường tốt thì giống như là một giấc mơ vậy, nhưng xây dựng bằng gạch và xi măng thì lại là chuyện khác.”

Về phần Mohini, cô tin con gái cô sẽ sống cả đời trong ngôi nhà mà hai thế hệ trước cô đã sống. “Tôi sẽ dạy nó cách bảo tồn căn nhà và làm cho nó hiểu rằng ngôi nhà như vậy không thể nào xây lại được... Động đất xảy đến và qua đi, nhưng căn nhà sẽ còn mãi – hãy chăm sóc nó.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn