Thái Bình 1997: Đốt nhà lãnh đạo, phá trụ sở cơ quan, bắt nhốt cán bộ công an

Thứ Năm, 01 Tháng Mười Hai 20226:00 SA(Xem: 1692)
Thái Bình 1997: Đốt nhà lãnh đạo, phá trụ sở cơ quan, bắt nhốt cán bộ công an
rfa.org

Thái Bình 1997: Đốt nhà lãnh đạo, phá trụ sở cơ quan, bắt nhốt cán bộ công an

Bài viết của Nguyễn Phương

Cuộc đấu tranh với tham nhũng và nạn cường hào mới ở nông thôn của nông dân Thái Bình nhanh chóng và cùng lúc bùng ra tại nhiều huyện trong tỉnh. Chỉ riêng tại huyện Quỳnh Phụ, cùng lúc có tới hàng chục “điểm nóng”.

Một hạt thóc gánh 35 khoản thu

Chỉ khi vào cuộc đối thoại với người dân, các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước mới vỡ lẽ vì sao người dân Thái Bình, vốn là đất cách mạng trước đây mà bây giờ phản kháng đến mức quyết liệt như vậy. Cơ cấu thu nhập của tỉnh Thái Bình vào năm 1991 cho thấy 81% là thu từ nông nghiệp. Các khoản thu từ người dân được quy định trong chính sách. Nhưng, tỉnh quy định thu bảy khoản, xuống đến huyện, huyện tăng gấp đôi, thành 14 khoản. Tưởng tỷ lệ này đã là kinh người, ai ngờ chưa thấm vào đâu với các ông bà quan xã. Đến tay xã, họ phệt thêm vào 11 khoản nữa. Cuối cùng, chỉ từ tỉnh xuống đến đầu nông dân ở các xã đã là khoảng 35 khoản thu, tăng gấp năm lần.

Tại xã Tây Phong, huyện Tiền Hải, người dân nói với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ rằng mỗi con trâu một vụ phải đóng 40 kg thóc tiền giao thông, mỗi đàn vịt từ 30 con trở lên phải đóng thuế trồng cỏ, một cuộc họp phổ biến kiến thức nói về nông nghiệp cũng đòi mỗi gia đình phải đóng góp bảy kg thóc... và nhiều khoản đóng góp khác nữa.

Ngay ở huyện Tiền Hải, nơi những nhạc sĩ cách mạng trong thập niên 30 lãng mạn nghe “sóng biển đồng sâu mê mải hát bốn mùa” thì đến 1997, nông dân không còn thóc để ăn no mà nghe hát nữa. Gia đình một nông dân vào năm 1997 gồm năm người, được chia 7,5 sào ruộng có thể có thu nhập tối đa từ làm ruộng, nuôi lợn, một ít rau màu lặt vặt khác như sau:

7,5 sào x 4 tạ = 30 tạ = 3 tấn = 3.600.000đ

2 tạ lợn x 10.000đ/kg = 2.000.000đ

Các khoản khác = 2.000.000đ

Tổng cộng 7,6 triệu đồng/năm. Trong đó, chi phí (chưa tính phí sinh hoạt) hết hai triệu. Các khoản đóng góp cho chính quyền (theo thóc, nộp theo từng vụ mùa) quy ra tiền là 1,53 triệu đồng.

Tính ra, cả gia đình họ mỗi năm còn lại khoảng gần 4,1 triệu đồng. Chia cho năm nhân khẩu trong gia đình, mỗi người được khoảng 800.000 đồng. Họ chỉ có chừng đó để chi cho ăn, mặc, học hành, chữa bệnh, sửa chữa nhà cửa, nhu yếu phẩm, tang ma hiếu hỉ… cho suốt một năm.

Người nông dân nói trên đã tham gia biểu tình đòi giảm các khoản thu, công khai hóa việc phân chia ruộng… minh bạch những khoản đóng góp mà chính quyền địa phương (xã và huyện) thu của nông dân trong những năm trước để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong nông thôn, chủ yếu là các công trình điện-đường-trường-trạm.

UBND xa An Ninh huyen Quynh Phu.jpg
Trụ sở UBND xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, được xây quá uy nghi lộng lẫy so với tình hình kinh tế địa phương thời điểm 1997. Nguồn: Báo cáo về vụ nổi dậy Thái Bình 1997- nhóm GS. Tương Lai.

Lợi dụng chính sách xây dựng nông thôn để ăn tận xương tủy người dân

Điện-đường-trường-trạm hoàn chỉnh đến tận xã chính là niềm tự hào của Thái Bình, là thành tích lớn nhất được lãnh đạo các địa phương trong tỉnh tô dấu son trong báo cáo hàng năm. Thế nhưng mặt trái của nó là đã bị nhiều tổ chức chính quyền lợi dụng để lạm thu, xây bừa phứa bất chấp mục đích, và xà xẻo.

Sự lạm dụng đó rất lớn, chẳng hạn như người ta nói và chắc là không ngoa, sau hai năm công tác, một trưởng thôn có thể kiếm được 17 tấn thóc. So sánh với thu nhập của một hộ gia đình nông dân ở phần trên (mỗi năm năm người thu được ba tấn thóc, trừ chi phí còn hơn hai tấn) thì một ông trưởng thôn có thể kiếm được gấp gần bốn lần cả một gia đình năm người, ít nhất có ba người làm ruộng). Lợi ích này quả là quá “thơm”. Ngoài ra, các lãnh đạo thôn, xã... trở lên còn nhận tiền hoa hồng do các bên nhận thầu “lại quả” khi thực thi các công trình phúc lợi công cộng. Khoản tiền này rất lớn và khó xác định.

Tiếp đến, họ còn có tiền bán đất cho nông dân xây nhà + những khoản phí trong các hoạt động sản xuất của nông dân.

Các cường hào mới đã tận dụng cơ hội. Người dân không được biết họ thu chi ra sao. Các công trình xây dựng nông thôn do chính quyền đứng ra làm chủ đầu tư đều có giá vượt gấp nhiều lần giá trị thực tế hay giá thị trường. Ví dụ ở xã Quỳnh Hồng, một chiếc cống thoát nước do chính quyền xây quyết toán lên tới 21 triệu đồng, nhưng khi dân đập đi xây lại thì chỉ mất 7,5 triệu đồng.

Một số cán bộ chủ chốt ở một số địa phương giàu lên nhanh quá mức bình thường trong giai đoạn năm năm xây dựng cấp tập này, thể hiện rõ qua nhà cửa, các phương tiện sử dụng trong sinh hoạt, lối sống xa hoa nhưng kệch cỡm như báo Dân Trí đã mô tả “Chiều chiều hàng đoàn xe máy của cán bộ từ xã lên huyện để nhậu nhẹt, ăn chơi”.

Các cuộc biểu tình ngày một đông người, ngày một dồn dập và căng thẳng. Tháng 10/1996, có khoảng 700 người dân đạp xe hàng đôi lên trước cổng UBND tỉnh để trình đơn khiếu kiện. Tháng 4/1997, 1.500 người nông dân tiếp tục lên tỉnh đòi thanh tra lại quỹ đất 5%. Ngày 11/5/1997, 2.000 người dân thuộc khoảng 36/38 xã của huyện Quỳnh Phụ đạp xe lên tỉnh tiếp tục nộp đơn khiếu kiện. Người ta ước tính có chừng 120/260 xã trong tỉnh có biểu tình đưa đơn và từ chỗ đi lẻ tẻ, dần dần hình thành tổ chức quy mô hơn, với khoảng 40 cuộc biểu tình lên tỉnh được tổ chức có quy củ và trật tự.

Những cuộc khiếu kiện này thường được tiếp đón một cách không nhiệt tình. Cách trả lời thường là sự im lặng kéo dài, hoặc lờ đi, hoặc cho thanh tra công khai nhưng kết luận không có gì sai phạm. Những vấn đề này thực ra đã nảy sinh từ những năm 86-90 song cấp chính quyền từ xã, đến huyện, đến tỉnh thường cho đó là “những biểu hiện tiêu cực nảy sinh do một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức quyền tham nhũng, đè nén dân, làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước, thậm chí đổ thừa cho một số người là “lợi dụng tự do dân chủ để hành động cực đoan quá khích, tiếp tay cho địch, gây rối nội bộ, nói xấu Đảng và Nhà nước”  (Báo cáo của GS Tương Lai).

Ngày 6/5/1997, ba người dân tại xã Quỳnh Mỹ (huyện Quỳnh Phụ) đại diện cho nhân dân đứng ra in giấy mời bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Bí thư chi bộ, xóm trưởng, trưởng các ban ngành của xã và đánh kẻng triệu tập người dân về hội trường UBND xã để họp bàn chống tham nhũng. Tại đây, họ vạch ra các khuất tất trong thu chi của chính quyền xã, sau đó đề xuất người dân kéo lên huyện, tỉnh yêu cầu xử lý những cán bộ tham nhũng.

Đáng tiếc là nỗi uất hận của người dân đã không được nhìn nhận và giải quyết chính đáng.

Chỉ hai ngày sau sự kiện này, vào 8/5/1997, Công an huyện Quỳnh Phụ lập tức bắt hai trong số ba người đại diện nói trên, đồng thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can họ về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước và xã hội”.

xe dap cua dan.jpg
Đối lập với hình ảnh bề thế của cơ quan công quyền là những chiếc xe đạp ọp ẹp cũ nát vì không có tiền mua mới, là phương tiện giao thông chính của người nông dân. Nguồn: Báo cáo về vụ nổi dậy Thái Bình 1997 - nhóm GS. Tương Lai.

Lửa cháy

Cũng ngay lập tức, người dân đáp trả. Ngay trong ngày 9/5/1997, hàng ngàn người dân xã Quỳnh Mỹ và các xã lân cận kéo lên huyện đòi thả hai người bị bắt.

Chiều 10/5, khoảng 3.000 người dân tràn vào Viện kiểm sát nhân dân huyện, một số người đập phá phòng làm việc và “lăng mạ, xúc phạm Viện trưởng” (từ ngữ chính quyền tỉnh Thái Bình dùng trong Từ điển Thái Bình”; thu và xé tài liệu của cơ quan này.

Đến khoảng 7 giờ tối, hàng trăm người của xã Quỳnh Hồng cùng số dân xã Quỳnh Mỹ kéo đến bao vây trụ sở công an huyện. Trong suốt sáu giờ đồng hồ (từ 19 giờ ngày 10/5 đến 1 giờ sáng ngày 11/5) khoảng 2.000 người tụ tập trước trụ sở công an huyện. Lực lượng công an với khoảng 500 người được điều ra, với xe vòi rồng, lá chắn và chó bẹc giê. Họ ném 10 quả lựu đạn cay vào đám đông. Đáp trả, người dân phá cổng và tường rào của trụ sở công an huyện và trường Đảng huyện, dùng các vật cản chắn đường ô tô, ngăn không cho lực lượng công an tỉnh và công an các huyện tăng cường. Cuộc biểu tình biến thành xô xát. Dân ném gạch đá tấn công công an, phá hỏng một xe vòi rồng trong tiếng kêu “thế này thì dân chết mất”, lại có tiếng “thà chết còn hơn sống khổ”. Dân bảo nhau chuẩn bị nếu bị phun nước thì cả đàn ông, đàn bà sẽ cởi hết quần áo ra… tắm!”

Đó là một cách nói uyển chuyển của GS Tương Lai để mô tả việc người dân dùng một trong những cách phản kháng cùng cực và cực đoan nhất là khỏa thân.

Công an được lệnh không đánh lại dân. Nhưng khi trời tối, dân phát hiện có công an mặc thường phục trà trộn vào đám đông quần chúng. Thế là diễn ra cảnh bi hài, dân hô “Cứ xem thằng nào đi giày da, sờ vào bụng thằng nào to tức là không phải dân, nhằm vào nó mà nện”. 11 chiến sĩ công an bị thương, nhiều tài sản bị hư hỏng, trong đó có ba xe chữa cháy, một xe cứu thương, một xe chở quân, vỡ nhiều lá chắn, hỏng toàn bộ cánh cửa nhà hai tầng, hệ thống chiếu sáng và nhiều máy móc thông tin liên lạc.

Dân bị thương vài chục. Công an bị thương được đưa vào bệnh viện, nhưng dân bị thương thì không vào vì sợ bị phát hiện nên khiêng hết về làng.

Sau đó, UBND huyện Quỳnh Phụ cử người ra tiếp dân. Trong cuộc đối thoại, yêu sách của dân tập trung vào việc đòi xử lý cán bộ xã tham nhũng, tiêu cực; huyện yêu cầu trả tự do cho cán bộ xã và hứa cử đoàn thanh tra về làm rõ, nếu cán bộ vi phạm sẽ xử lý.

Thường trực tỉnh ủy và UBND tỉnh sau đó tạm tha hai người bị bắt. Người dân Quỳnh Mỹ buộc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện ký vào văn bản họ viết sẵn, thừa nhận việc bắt người là sai rồi công bố trên Đài truyền thanh xã Quỳnh Mỹ và tổ chức ăn mừng thắng lợi.

Các sự kiện liên tiếp nổ ra.

Ngày 8/6/1997, chừng 300 thanh niên tuổi từ 13 đến 17 đã trói Chủ tịch và Bí thư xã Quỳnh Hoa, dong họ đầu trần lên huyện dưới trời mưa. Họ la hét và hỏi hai vị chủ tịch và bí thư xã vì sao mà “giàu lên nhanh thế”, vì sao mà “chóng béo” đến thế.

Họ phá cổng Ủy ban huyện. Chủ tịch huyện phải bỏ chạy.

Sự việc lên tới cao trào tại xã An Ninh (vẫn huyện Quỳnh Phụ). Ban đầu, người dân xóm 10 thôn Kiến Quan, đòi ông Khương (nguyên Xóm trưởng) giao nộp hồ sơ sổ sách để kiểm tra kết quả thu chi tại xóm, nhưng không được đáp ứng.

Ngày 24/6/1997, trước sức ép của nhiều người, ông Lương Văn Quang, thành viên Tổ Thanh tra nhân dân xóm đã đánh kẻng họp dân toàn xóm. Điều này đã dẫn đến tranh chấp, đôi co trong việc lập biên bản và giữ ông Quang tại trụ sở Ủy ban vào ngày 26/6/1997. Việc này do Chủ tịch Nguyễn Mạnh Hàm và Bí thư Đảng ủy Vũ Xuân Chiếm chủ trương.

Bị kích động bởi một lời thách đố của Chủ tịch xã khi nóng giận (báo cáo của Nhóm công tác GS Tương Lai), dân xóm 10 và sau đó là hàng nghìn người từ các thôn xóm khác trong và ngoài xã đã tràn đến bao vây trụ sở xã vào cuối ngày hôm đó. Đám đông hàng trăm người trong đó có những người bịt mặt với sự reo hò, cổ súy của hàng nghìn người vây Ủy ban (cỡ chừng vài ba nghìn người, có người cho rằng có tới sáu nghìn người) đã tràn vào trụ sở UBND xã, đập phá bàn ghế, tủ công tác, bàn hội nghị, phòng ốc, chậu hoa, cây cảnh, bát đĩa, v.v. và tìm đuổi cán bộ xã đang có mặt tại trụ sở. Khi thấy sự việc có chiều hướng nguy hiểm, hệ thống đèn chiếu sáng đã phải vụt tắt, tất cả các cán bộ xã phải trốn chạy tháo thân.

Thế rồi từ 7h tối ngày hôm đó cho tới rạng sáng ngày hôm sau (chừng 3h 30′) là một cuộc bạo động của đám đông hàng nghìn người rầm rập trên đường lần lượt đi phá, đốt nhà cửa, lấy tài sản của các cán bộ chủ chốt trong xã.

Trình tự của cuộc đập phá : Thoạt đầu là Ủy ban xã, ngay sau đó là nhà chị Ly, liền kề Ủy ban (đây là gia đình thường thổi nấu cơm khách, phục vụ ăn uống cho Ủy ban xã). Người ta nói rằng việc đập phá nhà chị Ly là để cho bõ tức vì không tìm thấy ông Chủ tịch Hàm tại đó. Tại nhà này, đám đông đã đốt xe máy phân khối lớn của một cán bộ công an tỉnh biệt phái theo dõi cơ sở. Từ nhà chị Ly, đám đông ầm ầm đi tới xóm 11 dập phá nhà Chủ tịch Hàm. Sau đó, chuyển xuống xóm 6, phá nhà ông Trung, cán bộ quản lý địa chính xã, sang xóm 8, đập phá tài sản nhà ông Lự, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, đại biểu HĐND tỉnh Thái Bình. Tại đây, đã diễn ra cuộc đụng độ quyết liệt giữa thân nhân của chủ nhà với người đi đập phá, cả hai phía đều có người bị thương, đám đông bắt đầu nổi lửa đốt từ nhà này trở đi. Tiếp đó đám đông vượt đồng sang xóm 9, xóm 10 để đập phá và đốt nhà ông Hoa, Phó Chủ tịch phụ trách nội chính xã, quay trở về gần nhà Chủ tịch Hàm để đốt phá nhà ông Đăng, Chỉ huy trưởng quân sự xã, sau đó tới các xóm khác đốt phá nhà ông Trừ (nguyên Phó Chủ tịch UBND khóa trước, nay là Trưởng ban Tài chính xã) rồi tới đốt phá nhà ông Hứa, Phó Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Điểm đốt phá cuối cùng là nhà Bí thư Đảng ủy Vũ Xuân Chiếm, huyện ủy viên huyện Quỳnh Phụ… Tại đây, đám đông giải tán vào lúc khoảng 3h30′ sáng ngày 27/6/1997.

Trở lại xã Quỳnh Hoa. Sau sự kiện tháng 6, người dân tiếp tục yêu cầu cán bộ xã phải cho xem sổ sách thu chi, ngày nào cũng có hàng trăm người lên UBND xã chất vấn.

Ngày 12/9/1997, 34 cán bộ xã Quỳnh Hoa gồm Đảng ủy, UBND, Công an, xã đội, các đoàn thể HTX nông nghiệp và 6/10 trưởng xóm mang sáu con dấu và đơn xin nghỉ việc lên trả cho huyện. Ngày 12/11/1997, khoảng 400 người dân xã Quỳnh Hoa lên UBND tỉnh khiếu tố, yêu gặp chủ tịch tỉnh.

Do không chấp nhận giải thích của lãnh đạo UBND tỉnh, người dân đã tập trung trước cổng trụ sở, vây ép từ sáng tới chiều tối thì nhiều người trèo qua cổng và hàng rào tràn vào UBND tỉnh, đập phá cửa kính, hò hét, chửi bới.

Ngày 13/11/1997, Công an bắt một số người có hành vi quá khích phạm pháp trong đoàn khiếu kiện tại thị xã và tại xã Quỳnh Hoa. Ngay chiều tối hôm ấy, tại xã Quỳnh Hoa hàng nghìn người bao vây cản trở công an, bắt giữ 23 công an và một cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; cướp một máy bộ đàm ném xuống ao, phá hỏng một xe ô tô. Người dân tổ chức rào làng, đặt chướng ngại vật, huy động thanh thiếu niên sử dụng dao kiếm, côn gậy tuần tra canh gác, liên tục đánh kẻng, gõ mõ báo động, kiểm soát chặt chẽ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Hàng trăm người ở các xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Giao, Quỳnh Thọ, An Ấp, An Thái cũng kéo sang Quỳnh Hoa.

Đúng như nhận định của cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Tổ phó Tổ công tác đặc biệt lúc ấy: “Nhiều người lãnh đạo không biết NGAY dưới cái ghế của họ, lửa đã cháy lên rồi”.

“Đánh ai mà chiến thắng”

Lúc này Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ do Chủ tịch Trung ương Mặt trận tổ quốc Phạm Thế Duyệt làm Tổ trưởng đã về Thái Bình, nhiều lần họp với các cán bộ lãnh đạo các cấp. Ông cũng mời những tướng lĩnh và cán bộ xuất thân từ Thái Bình họp để nhờ vận động giải quyết.

“Trong năm tháng liền, tôi gặp gỡ từng tổ chức: Mặt trận, hội cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân... Sau khi họp ở Tỉnh ủy Thái Bình, tôi mời hơn 20 đồng chí lão thành để nghe ý kiến của họ. Xong tôi lại xuống tận nơi để họp với dân. Tôi nhớ lần xuống xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, hôm ấy, nhân dân kéo đến rất đông, ước chừng khoảng 600 người. Tôi vẫn bình tĩnh vào họp với các đồng chí lãnh đạo ở trong, bên ngoài, người dân nói qua loa phóng thanh mong được trực tiếp gặp tôi. Tôi quyết định để nhân dân cử 10 người đại diện vào làm việc cùng đoàn công tác. Sau khi lắng nghe người dân nói hết những bức xúc của mình, tôi hoan nghênh và hứa sẽ chỉ đạo xử lý vụ việc. Tôi còn nhớ, khi họp xong thì trời mưa, xe ô tô chở tôi bị sa lầy, chính người dân địa phương đã xắn quần giúp chúng tôi đẩy xe lên!”-ông Duyệt kể.

 Sau hai ngày thuyết phục vận động, đến 16h ngày 16/11/1997, 20 cán bộ chiến sĩ công an được trả tự do (bốn người tự trốn ra trước đó).

“Tôi cho xe xuống xã đón anh em về. Nhìn anh em bị nhốt bị đánh rất đau, có người không đi nổi thì cũng thấy thương thật nhưng khi vào hội trường, thấy băng rôn căng hàng chữ "Nhiệt liệt chào mừng các đồng chí chiến thắng trở về", tôi đề nghị bỏ đi, đi đánh ai mà "chiến thắng”.

Bộ đội tham gia là để vận động, tuyên truyền ở những nơi khó khăn nhất và bảo vệ dân chứ không phải đối phó, đàn áp nhân dân. Quân đội là để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân chứ quân đội không được tham gia cưỡng chế. Không được phép dùng lực lượng vũ trang để đối phó với dân.”- ông Phạm Thế Duyệt, Trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về sự kiện Thái Bình nhớ lại.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn